Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Một - Phẩm àsimsa - Chuyện Vua ðại Giới ðức Tiền Thân Mahàsìlavà

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MỘT  

PHẨM ÀSIMSA  

CHUYỆN VUA ÐẠI GIỚI ÐỨC

TIỀN THÂN MAHÀSÌLAVÀ  

Người luôn luôn hy vọng. Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, Bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỳ Kheo thối thất tinh tấn.

Bậc Ðạo Sư hỏi Tỳ Kheo ấy: Có thật chăng, này Tỳ Kheo ông thối thất tinh tấn?

Bạch Thế Tôn, thật vậy.

Này Tỳ Kheo, vì sao ở trong Giáo Pháp đưa đến giải thoát như vậy, ông lại thối thất tinh tấn?

Thuở trước, các Bậc Hiền Trí sau khi mất Quốc Độ, vẫn kiên trì tinh tấn, cuối cùng lấy lại danh tiếng đã mất.

Nói vậy xong, Bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Quốc Độ ở xứ Ba La Nại, Bồ Tát đầu thai làm con bà Hoàng Hậu. Trong ngày đặt tên, Ngài được gọi là Hoàng Tử Silava Giới Ðức.

Khi đến mười sáu tuổi, Ngài thành thục trong tất cả các tài nghệ. Sau một thời gian, khi Vua cha mệnh chung, Ngài được đặt lên vương vị với Danh Hiệu Vua Ðại giới hạnh.

Vị Vua đúng pháp trị vì theo pháp. Tại bốn cửa thành, Vua xây dựng bốn trường bố thí, lại xây dựng thêm giữa thành phố một cái, tại cửa cung điện Ngài một cái. Sáu trường bố thí được xây dựng bố thí cho những kẻ nghèo khổ lữ hành.

Vua trì giới, gìn giữ ngày trai giới Bồ Tát, đầy đủ lòng nhẫn nại, nhân ái và từ mẫn. Vị ấy trị vì Quốc Độ đúng pháp và muốn tất cả chúng sanh được hạnh phúc như muốn đứa con yêu quý ngồi trên bắp vế mình được hạnh phúc. Một Đại Thần của Vua làm tà hạnh trong nội cung, và sau một thời gian bị phát lộ, các Đại Thần tâu với Vua.

Vua điều tra, tự mình rõ biết sự việc, cho gọi Đại Thần ấy đến, tẩn xuất kẻ ấy ra khỏi nước và nói: Này kẻ ngu si kia, việc người làm không thích đáng, ngươi không xứng đáng sống trong Quốc Độ của ta.

Hãy đem tài sản, vợ con và đi chỗ khác!

Kẻ ấy đi khỏi nước Kàsi, đến làm việc với Vua Kosala, dần dần trở thành người cố vấn tín cẩn thân cận của Vua.

Một hôm, kẻ ấy tâu với Vua Kosala: Thưa Thiên Tử, nước Kàsi như bánh mật ong không có ruồi bu. Vua rất nhu nhược, chỉ với một ít đội quân là có thể chiếm lấy thành Kàsi.

Nghe kẻ ấy nói vậy, Vua liền suy nghĩ: Nước Ba La Nại to lớn. Nó lại nói với một ít đội quân là có thể chiếm lấy thành ấy. Rất có thể nó là tên cướp được thuê mướn.

Vua nói: Ta nghĩ khanh là tên cướp được thuê mướn.

Thưa Thiên Tử, hạ thần không phải là tên cướp được thuê mướn!

Thần chỉ nói sự thật. Nếu bệ hạ không tin thần, hãy cử người đến tàn phá một làng biên địa, rồi bệ hạ sẽ thấy, khi những người đi tàn phá bị bắt, và được dẫn đến trước Vua nước Kàsi, Vua ấy sẽ cho tài sản và thả họ về.

Vua Kosala nghĩ: Người này thật rất bạo dạn, khi đã nói như vậy, ta sẽ điều tra xem sao. Rồi Vua cử một số người của Vua, đi tàn hại một làng ở biên địa Ba La Nại. Họ bị bắt và dẫn đến trước mặt Vua Kàsi.

Vua hỏi: Này các bạn thân, sao lại tàn hại dân làng ta?

Thưa Thiên Tử, vì chúng tôi không thể kiếm sống được.

Vậy sao các người không đến ta?

Từ nay trở đi, chớ làm như vậy nữa. Vua cho họ tiền của và thả họ về. Họ báo cáo lại sự tình lên Vua Kosala. Với kinh nghiệm này, Vua chưa dám cử quân đi, bèn sai người tới tàn hại miền giữa Quốc Độ. Những kẻ trộm ấy được Vua Kàsi cho tiền của như trước rồi thả về.

Vua Kosala với kinh nghiệm này nữa, cũng chưa dám cử quân đi, lại sai người tới cướp phá ngay trong đường phố. Vua Kàsi cho các tên cướp ấy tiền của rồi cũng thả chúng về.

Lúc bấy giờ, Vua Kosala mới biết Vua Kàsi là vị Vua trị vì hết sức nhân từ, liền quyết định cử đội quân đi chiếm lấy nước Ba La Nại.

Lúc bấy giờ, Vua Ba La Nại có một ngàn đại chiến sĩ, những Bậc anh hùng siêu việt, vô úy, những vị này có thể đối mặt không thối chạy bởi sự tấn công của một con voi điên loạn, không sợ hãi khi bị sét đánh trên đầu, một đội quân vô địch có thể chiếm toàn cõi Diêm Phù Đề theo ý muốn của Đại Vương Silava.

Họ nghe tin Vua Kosala đến liền đến báo cáo Vua Kàsi: Thưa Thiên Tử, Vua Kosala đến với ý định chiếm lấy nước Ba La Nại. Chúng tôi sẽ đi đánh và bắt Vua ấy, không cho Vua ấy bước qua biên giới. Này các khanh, chớ vì ta mà làm các người khác phiền não. Những ai muốn Quốc Độ, hãy để họ lấy Quốc Độ ta.

Các Khanh chớ đi!

Vua ngăn chận các chiến sĩ ấy chống trả quân xâm lược. Sau đó Vua Kosala vượt qua biên giới và xâm nhập miền giữa Quốc Độ. Các Đại Thần đến báo cáo với Vua như lần trước.

Vua lại ngăn chận như lần trước. Bấy giờ Vua Kosala đến, đứng ngoài thành và đưa tin cho Đại Vương Silava giao Quốc Độ hay giao chiến. Vua Kàsi đưa tin trả lời là Vua không giao chiến. Hãy tới mà lấy Quốc Độ.

Lần thứ bảy, các Đại Thần lại đến tâu Vua: Thưa Thiên Tử, chúng thần không để cho Vua Kosala vào thành. Chúng thần sẽ đánh Vua ấy ở ngoài thành và bắt Vua ấy. Nhưng Vua Kàsi vẫn ngăn chận như lần trước, cho mở các cửa thành, rồi ngồi trên vương tọa lộng lẫy với một ngàn Đại Thần vây quanh.

Vua Kosala cùng với đội quân lớn vào thành Ba La Nại. Không thấy một ai chống cự, Vua đi đến cung điện của Vua Kàsi, với các cửa mở toang. Vua Kosala liền ra lệnh bắt Vua Mahasilava đang ngồi im lặng trên ngai vàng cùng với ngàn Đại Thần vây quanh.

Hãy trói Vua này với các Đại Thần, trói thật chặt cánh tay chúng ra sau lưng, dắt chúng đến bãi tha ma, đào những hố sâu đến cổ, khiến mọi người không thể giơ tay, rồi đổ đất xuống đất và chôn sống chúng.

Ban đêm, các con chó rừng sẽ đến và sẽ làm những gì cần phải làm đối với chúng!

Các người tùy tùng theo lệnh Vua cướp nước, trói Vua Kàsi với các Đại Thần, trói thật chặt cánh tay ra sau lưng, rồi dắt họ đi.

Lúc bấy giờ, Đại Vương Silava không có tư tưởng sân hận gì với Vua cướp nước. Trong khi các Đại Thần ấy bị trói như vậy và dắt đi, không một ai có thể trái lời Vua Kàsi, hội chúng Vua Kàsi được khéo huấn luyện về kỷ luật như vậy.

Rồi những người lính của Vua cướp nước dắt Vua Silava và các Đại Thần đi đến bãi tha ma, đào những hố sâu ngang cổ, chôn tất cả xuống cái hố, Đại Vương Silava bị chôn ở giữa, hai bên chôn các Đại Thần, rải đất lên, lấy chày nện xuống rồi bỏ đi.

Vua Silava không phẫn nộ đối với Vua cướp nước và khuyên các Đại Thần: Này các khanh, hãy tụ tập hạnh từ bi!

Nửa đêm, các con chó rừng đến, định ăn thịt người. Thấy chúng, Vua và các Đại Thần đồng thanh la to lên, các con chó rừng sợ hãi chạy trốn. Khi chúng quay trở lại nhìn, biết không có ai đuổi theo, chúng liền trở lui. Các người ấy lại la lớn hơn trước.

Như vậy, chúng chạy trốn đến lần thứ ba, rồi lại nhìn lui, biết không có ai đuổi theo, chúng nghĩ: Các người này rồi cũng chết, nên mạnh dạn trở lui, và khi nghe la lớn, chúng không chạy trốn nữa. Con chó rừng đầu đàn đến gần Vua Silava, các con còn lại đến gần những người kia.

Vốn thiện xảo về phương tiện, biết được con vật đến gần mình, Vua Kàsi liền vươn cổ lên như để cho con vật cắn, rồi với xương hàm kéo giật cổ con chó rừng, Vua cắn thật chặt như kẹp với gọng kềm.

Con chó rừng bị cắn chặt cổ, bị kẹp bởi xương hàm của vị Vua có sức mạnh như voi, không thể nào tự mình thoát được, và kinh hãi vì sợ chết, nó bèn hú lên lớn tiếng.

Nghe tiếng kêu cầu cứu, nghĩ rằng con chó rừng chúa ấy đã bị một người bắt, các con kia không đi đến gần các Đại Thần, và kinh hãi vì sợ chết, tất cả đều bỏ chạy.

Bị cắn chặt bởi xương hàm của Vua Kàsi, con chó rừng bị bắt hốt hoảng chạy qua chạy lại, làm cho đất mềm rơi ra và vì sợ chết, với cả bốn chân nó cào đất trên chỗ Vua kàsi. Vua biết được đất đã mềm rơi ra, liền thả con chó rừng. Với sức mạnh như voi, Vua di chuyển qua lại, giơ lên được hai tay, rồi vịn lên bờ thành miệng hố, Vua thoát khỏi miệng hố như mây bị xé tan trước gió, và đứng dậy.

Rồi an ủi, động viên các Đại Thần, Vua bới đất lên, kéo tất cả mọi người ra khỏi hố. Với các Đại Thần vây quanh, Vua đứng trong bãi tha ma. Lúc bấy giờ, người ta quăng một xác chết trong bãi tha ma, đúng ở biên giới địa phận của hai con Dạ Xoa.

Hai con Dạ Xoa không thể chia phần người chết ấy, chúng nói: Chúng ta không thể chia phần xác chết này. Vua Silava là vị sống đúng pháp, vị ấy sẽ chia phần cho chúng ta. Chúng ta hãy đi đến vị ấy.

Chúng cầm chân xác chết, kéo đi đến Vua và thưa: Thưa Thiên Tử, hãy chia người này cho chúng tôi. Này các vị Dạ Xoa, ta sẽ chia phần xác chết này cho các vị. Nhưng vì chúng tôi không sạch, hãy tắm cho chúng tôi đã.

Các Dạ Xoa, với uy lực của mình, đem lại nước thơm dành cho Vua cướp nước để Vua Kàsi tắm. Sau khi tắm xong, chúng thâu lại áo của Vua Kàdi, đem áo dành cho Vua cướp nước đến mặc áo cho Vua, rồi chúng đem cho Vua một hộp đựng bốn loại nước hoa.

Khi Vua đã xức nước hoa, chúng lại cho Vua những bông hoa đủ loại đính trên quạt bằng ngọc trong một hộp bằng vàng, và trang sức cho Vua.

Rồi khi Vua đang đứng, chúng hỏi Vua có cần gì chúng nữa không. Vua ra dấu cho chúng hiểu là Vua đói. Các Dạ Xoa liền đi lấy cho Vua các món ăn thượng vị đã sửa soạn sẵn cho Vua cướp nước. Và sau khi tắm và xức nước hoa, mặc áo và trang điểm, Vua Kàsi ăn các món ăn thượng vị.

Các Dạ Xoa đem lại nước thơm dành cho Vua cướp nước, với bình bát bằng vàng và chén vàng để Vua uống nước, súc miệng. Và trong khi Vua rửa tay, các Dạ Xoa đem đến trầu gia vị với năm loại hương, được têm sẵn cho Vua ăn cướp dùng. Ăn trầu xong, khi Vua đang đứng, các Dạ Xoa hỏi Vua có cần chúng làm việc gì khác nữa.

Vua bảo: Ðem các gươm báu đặt trên gối Vua cướp nước về cho ta. Và chúng đi lấy đem về. Rồi Vua cầm gươm, đưa thẳng trên xác chết, chặt xuống giữa đỉnh đầu, chia thành hai phần bằng nhau cho hai con Dạ Xoa.

Sau khi chia xong, Vua rửa gươm, đeo vào và đứng thẳng. Các Dạ Xoa ăn uống no nê, tâm tư thỏa mãn, hỏi Vua có sai bảo chúng làm việc gì nữa không. Vua bảo các Dạ Xoa ấy, dùng uy lực của mình đưa Vua vào vương phòng của Vua cướp nước và đưa các Đại Thần về nhà. Chúng chấp thuận, làm theo lời Vua.

Lúc bấy giờ, Vua cướp nước đang nằm ngủ trên long sàng trong vương phòng được trang hoàng. Vua Kàsi dùng mặt bằng cây gươm đánh trên bụng Vua cướp nước đang ngủ say.

Vua ấy hoảng hốt thức dậy, với ánh sáng ngọn đèn, nhận biết là Đại Vương Silava, liền từ trên giường đứng dậy, lấy hết can đảm, nói với Vua Kàsi: Thưa Ðại Vương, đêm tối như vậy, có phòng hộ canh gác, các cửa đều đóng, trong cung điện không chỗ nào là không có người canh gác, làm thế nào làm Ngài lại đến được bên giường này, đeo gươm, trang sức, mặc hoàng bào sẵn sàng?

Vua Kàsi kể tất cả câu chuyện với các chi tiết về các sự kiện đưa Vua đến đây.

Nghe xong, Vua cướp nước xúc động mạnh, và thưa: Thưa Ðại vương, tôi tuy là con người mà không biết công đức của Ngài. Nhưng các công đức của Ngài lại được các Dạ Xoa hung bạo, độc ác, uống máu, ăn thịt người kia biết rõ ràng. Ôi Bậc nhân chủ, nay tôi sẽ không còn bày mưu phản bội một Bậc giới đức như Ngài nữa.

Rồi Vua Kosala cầm gươm thề nguyền thân hữu, xin lỗi Vua Kàsi, và để Vua Kàsi nằm ngủ trên long sàng, còn mình nằm ngủ trên chiếc giường nhỏ. Khi đêm tàn, Mặt Trời đã mọc, Vua truyền đánh trống mời tất cả quân lính, Đại Thần, Bà La Môn, gia chủ hội họp lại.

Ðứng trước mặt quần thần như đưa mặt trăng rằm lên trên Trời cao, Vua Kosala tán thán công đức của Vua Silava giữa cả hội chúng, xin lỗi Vua Silava, lần nữa trả lại Quốc Độ cho Vua ấy, và thưa: Từ nay trở đi, nếu có nạn trộm cướp khởi lên cho Ngài, tôi xin chịu trách nhiệm. Ngài hãy trị vì Quốc Độ, còn tôi canh gác hộ trì. Nói xong, Vua Kosala trị tội kẻ đã vu cáo, và mang quân đội đi về nước của mình.

Còn Vua Mahàsilava trang sức, mặc áo uy nghi, dưới cái lọng trắng, ngồi trên long sàng bằng vàng có chân như con nai, nhìn ngắm thành quả của mình và suy nghĩ: Thành quả này và sự cứu sống sinh mạng của một ngàn Đại Thần, nếu ta không tinh tấn, thì không có được chút gì. Chính do sức mạnh tinh tấn, ta không bị hoại diệt, và phục hồi được danh tiếng đã mất. Ta đã cứu sinh mạng của một ngàn Đại Thần.

Thật sự để chí hướng không bị hủy hoại, cần phải hết sức tinh tấn. Với người luôn luôn tinh tấn, quả vị sẽ được thành tựu viên mãn.

Sau khi suy nghĩ như vậy, Vua Kàsi đọc bài kệ này như lời cảm hứng:

Người luôn luôn hy vọng,

Bậc trí không chán nản,

Ta thấy khổ vượt qua,

Ta muốn gì được vậy!

Bồ Tát nói: Ôi, với những ai đầy đủ giới đức, quả tinh tấn sẽ được thành tựu. Với bài kệ này, Bồ Tát nói lên lời cảm hứng, trọn đời làm các công đức rồi đi theo nghiệp của mình. Sau khi kể pháp thoại này Bậc Ðạo Sư thuyết giảng các sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỳ Kheo thối thất tinh tấn chứng quả A La Hán.

Sau khi kết hợp câu chuyện, Bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Thời ấy, vị Đại Thần phản bội là Đề Bà Đạt Đa, một ngàn Đại Thần là hội chúng Đức Phật và Ðại Vương Silava là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần