Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Bốn - Phẩm Buông Lung - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BỐN

PHẨM BUÔNG LUNG  

TẬP MỘT  

Bổn tánh không tự làm

Tình biết không tự làm

Không nghĩ con đường tắt

Kẻ ngu cố gắng tìm.

Bổn tánh không tự làm: Cái đáng làm lại không làm, cái không nên làm lại cứ làm, nên bị người chê bai, hoặc làm theo lời kẻ khác mà chính mình không quyết định được. Do đó, đưa đến rối loạn, làm những việc buông lung.

Cho nên nói: Bổn tánh không tự làm.

Tình biết không tự làm: Nhìn biết việc ấy có hại cho mình, phá hoại chánh nghiệp, dẫn vào chốn tối tăm.

Cho nên nói: Tình biết không tự làm.

Không nghĩ con đường tắt: Không phải chỉ đêm ngày suy tính suông mà được của cải, khi thân chẳng chịu làm thì mọi mong ước không đạt kết quả, không thành tựu việc gì.

Cho nên nói: Không nghĩ con đường tắt là vậy.

Kẻ ngu cố gắng tìm: Việc làm của người ngu thì ít chất tuệ, không thông minh sáng suốt, không thể quyết đoán, không có phương cách. Sống ở đời thì không cư xử trọn nghĩa đời, sống trong đạo thì không cư xử trọn nghĩa đạo.

Cho nên nói:

Kẻ ngu cố gắng tìm.

Như xe đi đường

Không theo đường bằng

Theo đường tắt nguy

Khổ, trục xe gãy.

Như xe đi đường: Xưa, có rất nhiều người cùng mười người lái buôn đi tìm châu báu rồi trở về nhà. Lúc ấy, có một người dùng xe chở của báu.

Trong đó có vô số các thứ ngọc sáng vô giá. Xe chở nặng chạy khập khình nên tụt lại sau, mất dấu các xe bạn. Tới thì không thấy các xe bạn còn thoái lui thì sợ bị cướp giật nên người đánh xe cho xe chạy vào lối tắt. Đi chưa được mấy dặm thì xe bị sụp xuống lạch nước sâu, đùm và trục gãy tan.

Lại nhằm chỗ đồng trống không có dân ở. Y đấm ngực kêu gào oán trách vu vơ, chỉ biết nhìn xe mà kêu khóc, không có cách nào tự cứu, không nghĩ cách báo cho người gần xa biết, cũng không chịu sửa chữa xe hư.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng thiên nhãn không tì vết, Ngài nhìn thấy người bạn lạc kia, đang kêu gào than khóc giữa đồng trống với chiếc xe gãy trục bể đùm ấy.

Khi ấy, biết người kia đáng được độ thoát, Ngài sai một hóa nhân đến chỗ đồng trống ấy, ngồi kiết già trên hư không, người mắc nạn nhìn thấy người ngồi trên hư không, liền hướng lên mà cầu nguyện: Hiện giờ con đang bị ách nạn, xin cứu giúp con đến nơi yên ổn. Bấy giờ hóa nhân liền dùng sức thần đưa cả của cải lẫn người này bỗng nhiên đến bên ngoài cửa Tinh Xá Kỳ Hoàn.

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Người đáng được giáo hóa đã về tới ngoài cửa, các thầy nên dẫn đến chỗ Thế Tôn.

Tuân lời, các Thầy Tỳ Kheo ra dắt người kia vào gặp Ngài. Người ấy khi thấy Phật thì tâm ý mở tỏ, xin được làm Sa Môn. Vị ấy liền được xuất gia, nghe pháp nhiệm mầu, hiểu rằng thân là vô ngã, mọi hiện tượng đều không chắc thật, cõi đời này đều là khổ, chỉ có đạo mới chân thật.

Trong đại pháp này, không còn nhiệt não, tất cả tài sản vật báu đều cúng dường cho Tam Bảo. Chính nhờ phước duyên đời trước nên ngày nay con mới được gặp ruộng phước, nước, lửa và mọi tai biến khác không thể làm hại. Lòng càng vui mừng, tâm lành phát sinh.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn lần lượt giảng nói các pháp nhiệm mầu, tức giảng dạy về bố thí, giữ giới, sinh lên Cõi Trời và dục là ý niệm bất tịnh, lậu là những cáu bẩn, thực hành nhiều phương tiện, khuyến khích tinh tấn tu học. Ở trước đại chúng, Đức Phật nói bài kệ này.

Như xe đi đường

Không theo đường bằng

Theo đường tắt nguy

Khổ, trục xe gãy.

Nghe bài kệ ấy, các thầy Tỳ Kheo ấy trong tâm tự nghĩ: Hôm nay, Đức Thế Tôn nói pháp là chỉ nói riêng cho ta chứ không phải cho người khác.

Vì sao?

Vì như lời kệ nói đều nhắm vào những điều cần khổ mà thân ta phải chịu. Như Lai đều biết hết.

Các Tỳ Kheo này càng cung kính Phật, Pháp, Tăng hơn, tâm ý mở tỏ, chứng quả Tu Đà Hoàn, A Na Hàm, A La Hán, sáu thần thông thấu suốt, mọi ước nguyện đều kết quả. Đã ra khỏi ba cõi, không còn sinh tử.

Lúc bấy giờ, trong đại chúng có những người giữ gìn tâm ý không được vững chắc, muốn phạm cấm giới, quen làm những việc ái dục, trái với oai nghi, không sống theo đường chân chánh.

Bấy giờ Đức Thế Tôn biết những gì mà tâm người ấy đang suy nghĩ, muốn làm cho đại chúng quên hết những lo buồn hoạn nạn, dứt bỏ tâm ác, được an ổn vô vi, nên Ngài nói thêm bài kệ nữa như vậy:

Lìa pháp như thế

Tăng thêm phi pháp

Ngu chấp đến chết

Ắt bị gãy trục.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo đại chúng: Như người đi buôn kia đã bỏ đường bằng phẳng mà đi vào con đường tắt mới gặp tai họa gãy trục xe. Hôm nay, trong chúng đây, ai có tâm khác thì cũng như vậy. Họ muốn xa rời chánh pháp mà sống quen theo phi pháp, người ngu cố chấp đến chết, đọa vào đường ác.

Các Tỳ Kheo nghĩ sao?

Tại sao ở trước Như Lai mà có những suy nghĩ không trong sạch như vậy?

Khi đối mặt với già chết thì không chỗ nương cậy, dù có kêu Trời khóc lóc cũng không giúp ích gì cho thần thức. Nước mắt dù như sông suối chảy ra khắp bốn biển đi nữa, cũng không cách gì ngăn cản thần thức khỏi đọa vào đường ác. Nay ta xuất hiện trên đời này là muốn dứt bỏ khổ não cho các chúng sinh.

Những ai tham dục thì tự thiêu đốt mình, làm tận diệt dòng họ, đời này, đời sau sinh về chỗ không yên ổn. Tỳ Kheo các thầy nếu phạm giới cấm thì ở ngay trong giáo pháp của ta không đạt được giải thoát. Dù Chư Phật nhiều như cát song Hằng đi nữa vẫn không thể cứu được.

Các Tỳ Kheo nghe lời Phật dạy khắp mình nổi ốc, trong tâm sợ hãi, ăn năn tự trách. Đức Phật biết tâm họ đáng được hóa độ nên Ngài lần lượt nói pháp cho họ nghe để xua tan mọi trần lao, được mắt pháp thanh tịnh. Họ lần lượt chứng quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, chứng được thần thông, vượt ra ba cõi, lìa hẳn tám nạn. Bấy giờ, nghe Phật nói xong, đại chúng vui mừng làm lễ rồi lui.

Hạnh cũng phải chánh

Việc quấy không dự

Nẻo tà thêm cấu

Các lậu lẫy lừng

Lậu đã lẫy lừng

Bỏ tà, lậu hết.

Hạnh cũng phải chánh: Tất cả các điều lành, cội gốc phước đức, thiện pháp, gọi là hạnh vậy. Đêm ngày gần gũi kho tàng pháp yếu thì đến được vô vi. Nhưng con người hay bỏ chánh theo tà, những việc không nên làm lại làm, những việc nên làm thì họ lại không làm. Họ đã quen sống với pháp không lành thì lìa bỏ đường lành, địa ngục gần kề.

Cho nên nói: Hạnh cũng phải chánh.

Việc quấy không dự: Việc quấy là buông lung, ham mê dâm dục, quen làm những việc không cần thiết.

Cho nên nói: Việc quấy không dự.

Nẻo tà thêm cấu: Ý theo nghiệp tà vạy không chân chánh thì tâm như con vượn nắm cành này bỏ cành kia.

Tâm như sông chảy mãi thì ý không chân thật, không yên ở trong pháp lành, như đầu rụng hết tóc thì bông bám vào đâu?

Cho nên nói: Nẻo tà thêm cấu.

Các lậu lẫy lừng: Như rừng tre trúc lau sậy, như hang hốc lạch sông nước tràn lan khắp cả. Ý không chuyên nhất, tâm thường rong ruổi theo các trần lao, hữu lậu.

Cho nên nói: Các lậu lẫy lừng.

Lậu đã lẫy lừng: Lậu trước, lậu sau đâu có khác nhau?

Đáp rằng: Không tu bằng pháp lành thì ý thường rong ruổi, ngày đêm them nhuần thấm. Không chuyên buộc niệm mà buông lung vui chơi thì chỉ làm cho phiền não thêm lẫy lừng.

Cho nên nói: Lậu đã lẫy lừng.

Bỏ tà, lậu hết: Mong xa lìa hẳn, không sống với tà vạy. Chư Phật nhiều như cát sông Hằng ở quá khứ đâu có ở lâu với chúng ta.

Người nào buông lung thì bị trói buộc không giải thoát được. Người trí suy xét những việc làm ấy, biết gốc đạo mất đi từ chỗ buông lung, nên họ luôn luôn suy tư cầu pháp lành. Muốn tự kính trọng thì trước hết phải kính trọng chánh pháp.

Cho nên nói: Bỏ tà, lậu hết.

Nhiều người nương tuệ tạm

Thường nghĩ tai họa thân

Không làm những việc quấy

Không bỏ việc cần làm

Nên suy nghĩ trí tuệ

Các hữu lậu dứt hẳn.

Nhiều người nương tuệ tạm: Những pháp mà Chư Phật, Thế Tôn nói thường là nêu việc thích hợp với căn cơ người nghe chứ không nói những việc luống dối, hoặc nói việc kín đáo mà không nêu tên. Hoặc khi nói cho Sát Lợi, Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nghe, có lúc chỉ rõ tên người mà nói, lại có lúc giấu tên người mà nói.

Nhưng trong một bài kệ, việc giấu hay nói tên thì không nhất định. Cho nên Như Lai nói pháp không nêu ra việc mà nói. Để tổng kết lại tất cả nên nói kệ này. Hoặc vì răn dạy hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Sa Di, Sa Di Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di ý thường mạnh mẽ, không hề yếu đuối, không quên bổn thệ, ý thường khuyến khích những người chưa đến với đạo.

Cho nên nói: Nhiều người nương tuệ tạm.

Thường nghĩ tai họa thân: Như trong Kinh Phật dạy, những ai xét nghĩ than được gọi là bất tử. Nhờ xét nghĩ thân mà đến được đạo cam lộ. Ai không xét ngh thân thì trái phạm với đạo. Những ai suy nghĩ về gốc của thân rõ ràng từng thứ một thì đạt tới đạo cam lộ, mong ước được kết quả. Về đề án xét nghĩ thân có nói rộng trong Kinh. Tôn Giả Đàm Ma Thi Lê cũng nói về đề án này.

Người nào trong suốt cuộc đời không có các niệm tưởng thì đạt được nhiều ích lợi tốt đẹp, sống trên đời sẽ không có các hoạn nạn nhờ xét nghĩ thân thường xuyên. Người ở núi thì có niệm núi, người ở nhà thì có niệm nhà. Không xa lìa đề án xét nghĩ thân, gọi là bậc vô thượng, dù khi đi, khi đứng vẫn không rời sự xét nghĩ ấy.

Cho nên nói: Thường nghĩ tai họa thân.

Không làm những việc quấy: Chỗ mà tâm ý con người nhắm tới đều là nhằm đạt tới những việc không đúng pháp. Những gì không nên thuận theo, không nên gần gũi thì không gần gũi, những gì không nên truyền bá thì không truyền bá. Lại không được nói những chuyện không đúng pháp cho người nghe. Thường nghĩ đến việc lìa bỏ, không ở chung với họ.

Cho nên nói: Không làm những việc quấy.

Không bỏ việc cần làm: Thường tùy theo trường hợp nhưng không làm mất lời dạy rõ ràng của Phật. Trước, sau, khoảng giữa, xưa nay chưa hề trái đạo.

Cho nên nói: Không bỏ việc cần làm.

Nên suy nghĩ trí tuệ: Những loài có hình dạng thì phải chuyên nhất tâm suy nghĩ trí tuệ, dùng trí tuệ dứt các kết sử, giống như người làm vườn, tay trái nắm cỏ, tay mặt cắt nó. Người có trí tuệ cũng như thế, giữ niệm vững chắc, tâm không dời đổi, trí tuệ phân biệt, trí tuệ cắt đứt. Nhận thức mọi sự vật, biết cái nào chân ngụy, gọi là trí, giảng nói pháp mầu thì gọi là tuệ.

Cho nên nói: Nên suy nghĩ trí tuệ.

Các hữu lậu dứt hẳn: Nơi nào có trí tuệ sáng soi thì nơi ấy bao nhiêu kết sử đều tan biến và khi đã trừ hết, nhổ sạch cội rễ kết sử thì không còn sinh tử nữa.

Cho nên nói:

Các hữu lậu dứt hẳn.

Được gọi người trì pháp

Không cần thuộc nhiều Kinh

Những gì nghe dù ít

Đủ làm tròn pháp thân.

Đó gọi người trì pháp

Dùng pháp tự nuôi sống.

Được gọi người trì pháp: Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo Tôn Giả Đại Ca Diếp: Thầy nên đến dạy dỗ đại chúng, giảng nói rõ cho người mới học nghe về ý nghĩa của pháp cao sâu.

Vì sao?

Vì những gì mà thầy răn dạy chính là những điều ta răn dạy, những pháp vị mà thầy giảng nói chính là những pháp vị mà ta giảng nói.

Lúc ấy Tôn Giả Ca Diếp bạch Phật: Hiện giờ, các Tỳ Kheo mới học đạo khó có thể giác ngộ, như sáng sớm hôm nay, có hai thầy Tỳ Kheo tranh cãi. Một người luận về không, là đệ tử của Mục Liên, còn vị kia khéo nói, là đệ tử của A Nan, cả hai đều chấp vào chỗ hiểu biết của mình, cùng tranh cãi phải quấy với nhau, hai người cùng đấu lý coi ai thắng, ai thua, ai nghĩa lý nhiều, ai nghĩa lý ít.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo một vị Tỳ Kheo mau đi gọi vị đệ tử Mục Liên luận về không và vị đệ tử A Nan khéo nói đến chỗ Như Lai. Vị Tỳ Kheo nghe Như Lai dạy liền đi gọi hai vị kia đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, hai vị đảnh lễ sát chân Phật rồi sang một bên.

Đức Thế Tôn bảo hai vị: Thế nào các thầy, các thầy có từng nghe Như Lai dạy trước đại chúng rằng có nên cùng người khác đấu lý hơn thua chăng?

Hai thầy đáp: Bạch Thế Tôn, không.

Hai thầy là người không hiểu biết.

Tại sao đối với giáo pháp cao cả mà lại tranh hơn thua?

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ trên ở trước đại chúng, rằng:

Được gọi người trì pháp

Không cần phải thuộc nhiều

Những gì nghe dù ít

Đủ làm tròn pháp thân

Đó gọi người trì pháp

Dùng pháp tự nuôi sống.

Nếu có ai lanh lợi thuộc một câu rồi suy nghĩ phân tích ý nghĩa nó thì sẽ dứt trừ hết hữu lậu mà vượt các thứ lớp chứng đắc đạo quả, đạt tới đạo quả thì không bao giờ còn ái dục, mọi kết sử đều dứt sạch. Nếu chưa đạt được thì phải tìm cách để đạt cho được.

Chưa được chứng quả thì tìm cách để được chứng quả. Những người làm được như thế mới gọi là học rộng, gọi là trì pháp, vì họ đã nhờ pháp, thứ lớp tu tập theo pháp, chứng được pháp, hướng về giáo pháp. Suy nghĩ mỗi thứ, dạy bảo đúng pháp, không hề sai trái thiếu sót.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần