Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Ba - Phẩm Mười Ba bài Kệ - Chuyện Hiền Giả Akitta Tiền Thân Akitta

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI BA  

PHẨM MƯỜI BA BÀI KỆ  

CHUYỆN HIỀN GIẢ AKITTA

TIỀN THÂN AKITTA  

Sakka, Chúa tể giữa quần sinh. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên về một đại thí chủ rất rộng lượng sống ở Xá Vệ.

Chuyện kể rằng người này mời bậc Ðạo Sư đến nhà và suốt bảy ngày đã cúng dường rất nhiều thí vật cho Tăng Chúng đi theo Ngài.

Vào ngày cuối cùng lại cúng dường Thánh Chúng đủ các vật dụng cần thiết, sau đó bậc Ðại Sư nói lời tùy hỷ với ông: Này nam Cư Sĩ, công đức bố thí của ông thật là rộng lớn, ông đã thực hành một việc khó lắm thay.

Bố thí là tục lệ của các Bậc Hiền trí ngày xưa, thí vật phải được phân phát dù người còn tại gia hay xuất gia, các bậc trí giả ngày xưa, ngay khi đã rời thế tục vào ở trong rừng, khi chỉ ăn lá Kara rảy nước mà không có thứ gia vị nào cả cũng vẫn đem cho đám khất thực đi qua đó để đáp ứng nhu cầu của các vị ấy và vẫn an trú trong hỷ lạc của bản thân mình.

Gia chủ kia đáp: Bạch Thế Tôn, việc cúng dường mọi vật dụng cần thiết ấy cho Tăng Chúng thật rõ ràng dễ hiểu. Song lời dạy của Thế Tôn chưa được rõ. Xin Thế Tôn giải thích cho chúng con.

Rồi theo lời thỉnh cầu trên, Ngài kể một chuyện quá khứ.

Một thuở nọ, khi Vua Brahmadatta trị vì tại Ba La Nại, Bồ Tát được sinh trong một gia đình đại phú Bà La Môn, có tài sản lên tới tám trăm triệu. Ngài được đặt tên là Akitti. Khi Ngài vừa biết đi, thì một bé gái lại ra đời với tên Yavasati.

Lúc mười sáu tuổi, bậc Ðại Sĩ đi vào thành Ba La Nại học tập cho đến lúc thành đạt rồi ra về. Sau đó cha mẹ Ngài qua đời. Khi Ngài cử hành tang lễ cho song thân đã khuất xong, Ngài xem xét lại kho tàng của gia tộc.

Danh mục ghi rõ: Các vị này, vị kia đã tích trữ những tài sản lớn như vậy rồi qua đời, kế đến là các vị khác cũng tích trữ nhiều như vậy.

Nghe chuyện này, Ngài phiền muộn trong trí và nghĩ thầm: Kho báu này ai cũng thấy cả, song những vị tích trữ tài sản thì không còn nữa. Các vị đã ra đi để lại kho báu đằng sau mình, nhưng khi ta từ trần, ta muốn đem theo bảo vật.

Vì vậy, Ngài cho tìm em gái đến và bảo: Hiền muội, hãy trông nom kho báu này.

Ý hiền huynh là thế nào?

Ngài đáp: Ta muốn làm người tu khổ hạnh.

Nàng đáp: Này hiền huynh, tiểu muội không muốn đội lên đầu những thứ mà hiền huynh đã nhổ ra khỏi miệng, tiểu muội chẳng muốn thứ gì cả, mà cũng muốn sống đời khổ hạnh thôi.

Rồi sau khi xin phép Vua, Ngài bảo đánh trống vang dội khắp Kinh Thành, bố cáo cho mọi người rõ:

Toàn dân lắng nghe này: Ai muốn có tiền bạc cứ đến nhà Hiền Nhân kia!

Suốt bảy ngày, Ngài phân phát những kho tài sản lớn, tuy thế kho báu vẫn chưa hết, Ngài lại nghĩ thầm: Tứ Đại trong thân ta đang tan rã, ta còn muốn cái trò phân phát tài sản này nữa sao?

Thôi, ai muốn lấy cứ lấy đi.

Thế là Ngài từ giã ngôi nhà đầy châu báu, giữa các gia nhân thân quyến khóc lóc xung quanh, Ngài cùng em gái ra đi. Và cái cổng thành Ba La Nại nơi các Ngài đi qua được gọi là cổng Akitta, còn bến đò các Ngài bước xuống bến sông cũng được đặt tên là bến đò Akitta nữa.

Các Ngài băng qua ba dặm đường, đến một nơi mát mẻ dễ chịu thì dựng lên một am lá và cùng em gái Ngài sống như người tu khổ hạnh. Sau thời gian từ bỏ thế tục, nhiều người khác cũng làm như vậy, dân ở thôn quê, thị trấn, hoặc ở Kinh Thành, đầy đủ cả.

Hội chúng thật đông đảo, các vị ấy nhận được nhiều vật cúng dường cùng sự tôn trọng sùng kính chẳng khác nào thời có một Đức Phật xuất hiện ở đời.

Lúc ấy bậc Ðại Sĩ thầm nghĩ: Ở đây thật nhiều vinh quang trọng vọng cùng với vô số thí vật và hội chúng đông đảo, song ta phải độc cư.

Vì thế, vào một lúc không ai ngờ được và cũng không báo trước cho cô em gái, Ngài ra đi một mình, dần dần đến tận Vương Quốc Damila ở bờ biển bắc Tích lan sống trên một hoa viên sát trên vùng Kàvìrapattana, Ngài tu tập thiền định và Thắng trí.

Tại đó Ngài cũng nhận được sự ngưỡng mộ và vô số thí vật của dân. Ðiều ấy không thích hợp với Ngài, Ngài liền từ bỏ hết và phi hành qua không gian rồi đến tận đảo của Rắn Rồng Nàga gần Bắc Tích Lan. Vào thời ấy, Kàradìpa được gọi là Ahidìpa hay đảo Rắn Rồng.

Tại đó, Ngài xây một ẩn am cạnh một cây Kàra lớn và an trú. Song việc Ngài ở đó không ai hay biết cả.

Lúc bấy giờ, em gái Ngài đi tìm anh, dần dần đến tận Vương Quốc Damila, vẫn không gặp Ngài, nàng lại ở ngay chính nơi Ngài đã ở, song nàng không thể phát khởi thiền định.

Còn bậc Ðại Sĩ sống thiểu dục đến độ Ngài không đi đâu cả, mà cứ vào mùa có trái cây chín, Ngài chỉ sống bằng trái cây đó, còn vào mùa lá trổ bông thì Ngài ăn lá đó luộc với ít nước lã. Nhờ ngọn lửa công đức của Ngài mà chiếc ngai báu bằng cẩm thạch của Sakka Ðế Thích Thiên Chủ nóng rực lên.

Thiên Chủ nghĩ: Ai đã khiến ta phải bước xuống khỏi chiếc ngai ta đang ngự?

Và Ngài nhận xét và thấy Bậc Hiền Nhân này, Ngài nghĩ thầm: Tại cớ gì vị tu khổ hạnh đằng kia hộ trì công đức?

Có phải vị ấy muốn lên ngôi Thiên Chủ chăng?

Hay vì một duyên cớ nào khác?

Ta muốn thử vị ấy xem.

Vị ấy sống rất khổ cực, chỉ ăn lá Kàra luộc với nước thôi: Nếu vị đó ước muốn làm Thiên Chủ, vị ấy sẽ nhường cho ta mớ lá cây luộc với nước của mình, còn nếu không thì vị ấy sẽ không đưa. Sau đó, Thiên Chủ giả dạng một Bà La Môn, đến gặp Bồ Tát.

Bồ Tát đang ngồi ở cửa thảo am, sau khi luộc lá và đem xuống, Ngài nghĩ: Khi nào nguội ta sẽ ăn.

Vào lúc ấy, Sakka Thiên Chủ đứng trước mặt Ngài và xin bố thí.

Khi Bồ Tát nhìn thấy Thiên Chủ, lòng rất hoan hỷ: Thật là một niềm hạnh phúc cho ta Ngài nghĩ thầm ta thấy một vị khất thực, hôm nay ta sẽ đạt được tâm nguyện và ta sẽ bố thí.

Lúc món ăn đã sẵn sàng, Ngài liền múc vào bát Ngài và vừa tiến về phía Thiên Chủ, vừa nói: Ðây là vật cúng dường của ta, ước mong rằng đây là phương tiện để ta đạt Chánh Giác tối thượng.

Rồi chẳng để lại chút gì cho mình, Ngài đặt hết thức ăn vào bình bát của Thiên Chủ. Vị Bà La Môn này cầm lấy vừa đi một khoảng ngắn thì biến mất. Còn bậc Ðại Sĩ, sau khi cúng dường, cũng không nấu thêm thứ gì nữa, mà cứ ngồi an tịnh trong niềm hỷ lạc.

Hôm sau, Ngài cũng luộc lá và ngồi trước cửa am như cũ. Thiên Chủ Sakka lại đến giả dạng một Bà La Môn và bậc Ðại Sĩ cũng bố thí rồi tiếp tục an trú vào hỷ lạc.

Vào ngày thứ ba, Ngài lại bố thí như trước, và bảo: Ngài hãy xem phần phước lạc dành cho ta nhiều biết bao! Chỉ một ít lá Kàra đã mang lại công đức lớn cho ta rồi.

Trong niềm hỷ lạc phát xuất tận đáy lòng như vậy, Ngài thấy yếu người vì thiếu ăn đã ba ngày, Ngài liền ra khỏi am đúng lúc ngọ và ngồi trước cửa, suy nghĩ về tặng vật Ngài đã đem cúng dường.

Còn Sakka Thiên Chủ nghĩ thầm: Vị Ðạo Sĩ Bà La Môn này đã nhịn ăn đã ba ngày, yếu ớt thế kia song vẫn nhường cho ta và tìm an lạc trong việc bố thí. Trong tư tưởng vị này không còn ý định nào khác. Ta không hiểu vị ấy ao ước điều gì và tại sao lại bố thí như vậy, nên ta phải hỏi để hiểu vị ấy muốn gì và biết được nguyên nhân việc bố thí trên.

Vì thế, Thiên Chủ chờ đợi đến quá giờ ngọ, và trong vẻ huy hoàng oai nghi tột bực, Ngài xuất hiện trước mặt Bậc Ðại Sĩ, sáng chói như mặt Trời ban mai.

Vừa đứng trước bậc Ðại Sĩ, Thiên Chủ hỏi: Này Ðạo Sĩ, tại sao Ngài hành trì khổ hạnh, trong rừng này, xung quanh là biển mặn bao bọc, với những cơn gió nóng hừng hực đang hắt mạnh vào người?

Thiên Chủ ngâm vần kệ đầu để giải thích vấn đề này:

 Sakka, chúa tể của quần sinh,

Trông thấy A ki đáng kính danh,

Liền hỏi: Tại sao, này Ðại Sĩ,

Trú đây Trời hực nắng vàng hanh?

Khi bậc Ðại Sĩ nghe vậy, và thấy vị đó chính là Sakka, Ngài đáp: Ta không ước ao đạt đến những cảnh giới trên kia, mà chỉ ao ước chứng đắc Chánh Giác tối thượng nên ta đã sống đời khổ hạnh ở đây.

Ngài ngâm vần kệ thứ hai để làm sáng tỏ điều này:

Thân hoại, tái sinh, tử biệt trần,

Mê lầm, tất cả chính đau buồn,

Sak ka Thiên Chủ, nay vì vậy

Ta vẫn trú đây được vạn an.

Nghe những lời này, Sakka Thiên Chủ hoan hỷ trong lòng và thầm nghĩ: Vị ấy không ham thích bất cứ sinh loại Hữu Tình nào và vì muốn chứng đắc Niết Bàn nên vào an trú trong rừng. Ta muốn ban cho vị ấy một điều ước.

Thế là Thiên Chủ mời Ngài chọn một điều ước qua lời kệ thứ ba:

Kas sa pa, khéo diễn chân ngôn,

Ngài nói lên lời tối thượng tôn,

Hãy chọn giờ đây lời ước nguyện

Chọn theo mệnh lệnh của tâm hồn.

Bậc Ðại Sĩ ngâm vần kệ thứ tư nói lên điều Ngài ước mong:

Thiên Chủ Sakka của chúng sinh,

Ban cho ta hưởng một ân lành.

Vợ con, vàng bạc, cùng kho lúa,

Dù có dư, ta vẫn bất bình.

Ta ước những điều tham dục ấy

Chẳng còn trú ẩn ở tâm mình.

Lúc ấy Sakka Thiên Chủ vô cùng hoan hỷ, ban cho Ngài thêm nhiều đặc ân khác nữa và Bậc Ðại Sĩ nhận lãnh, mỗi vị lần lượt ngâm một vần kệ như sau:

Thiên Chủ:

Kassapa, khéo diễn Chân ngôn,

Ngài nói lên lời Tối thượng tôn,

Hãy chọn, giờ đây, điều ước nguyện,

Chọn theo mệnh lệnh của tâm hồn.

Bồ Tát:

Chúa tể muôn loài chính là Sakka,

Ân lành, Ngài muốn tặng cho ta:

Ruộng, vàng, của cải, tôi đòi, ngựa,

Trâu, chó, ngay sau phải chết già.

Ta ước sẽ không còn giống chúng.

Ta mong nhược điểm ấy rời ta.

Thiên Chủ:

Kas sa pa, khéo diễn chân ngôn,

Ngài nói lên lời tối thượng tôn,

Hãy chọn, giờ đây, điều ước nguyện,

Chọn theo mệnh lệnh của tâm hồn.

Bồ Tát:

Sak ka, Thiên Chủ ngự trên trần,

Ban tặng cho ta một đặc ân:

Ước chẳng nghe, nhìn người độn trí,

Kẻ kia chẳng sống với ta cùng,

Chẳng ham trò chuyện người vô trí,

Chẳng kết bạn cùng kẻ độn căn!

Thiên Chủ:

Kẻ ấy làm gì, Kassapa,

Cho Ngài, xin hãy nói ngay ra,

Tại sao bầu bạn người vô trí

Ngài chẳng ưa, này, hãy bảo ta.

Bồ Tát:

Hành động người ngu thật bạo tàn,

Buộc ràng gánh nặng chẳng ai mang,

Thực hành ác nghiệp: đích mong muốn,

Nổi giận khi nghe nói thật chân,

Nó chẳng biết gì là chánh hạnh,

Nên ta không muốn kẻ ngu gần.

Thiên Chủ:

Kassapa, khéo diễn Chân ngôn,

Ngài nói lên lời Tối thượng tôn,

Hãy chọn, giờ đây, điều ước nguyện,

Chọn theo mệnh lệnh của tâm hồn.

 Sak ka, Thiên Chủ của quần sinh,

Ban tặng cho ta một phước lành:

Ta ước nghe nhìn người có trí,

Ước mong vị ấy ở cùng mình.

Ta mong đàm luận cùng người trí,

Ðược kết giao cùng bậc trí minh.

Bậc trí làm gì, Kassapa,

Cho Ngài, xin hãy nói ngay ra,

Sao Ngài ao ước nơi Ngài ở,

Người trí cùng chung sống một nhà?

Hành động tốt lành, bậc trí nhân

Chẳng ràng buộc gánh khổ vào thân,

Chuyên tâm, bậc trí làm ân phước,

Chẳng giận khi nghe nói thật chân,

Thông hiểu chánh hành, và bởi vậy,

Lành thay bậc Trí sống chung cùng.

Kas sa pa, khéo diễn Chân Ngôn,

Ngài nói lên lời tối thượng tôn,

Hãy chọn, giờ đây, điều ước nguyện,

Chọn theo mệnh lệnh của tâm hồn.

Bồ Tát:

 Sak ka, Thiên Chủ của quần sinh,

Ban tặng cho ta một phước lành:

Mong giải thoát ngoài vòng ái dục,

Và khi vầng nhật chiếu bình minh,

Mong Chư Thánh giả du hành đến,

Ðem thực phẩm Thiên Giới tặng mình.

Mong tặng nó không giảm sút dần,

Ta không hối tiếc việc ta làm,

Mong lòng hoan hỷ lúc phân phát,

Ta chọn ước kia để hưởng phần.

Thiên Chủ:

Kassapa, khéo diễn chân ngôn,

Ngài nói lên lời Tối thượng tôn,

Hãy chọn, giờ đây, điều ước nguyện,

Chọn theo mệnh lệnh của tâm hồn.

Bồ Tát:

Sakka, Thiên Chủ của quần sinh,

Ngài đã ban ta một phước lành:

Thiên Chủ, xin đừng thăm viếng nữa,

Ðiều này khao khát tự tim mình.

Thiên Chủ:

Song các nam nhân, các nữ nhân,

Những người đang sống thật hiền lương,

Ðều ước ao cùng ta diện kiến,

Việc này có tác hại gì chăng?

Bồ Tát:

Dung mạo Ngài muôn vẻ thiện toàn,

Vô cùng hoan hỷ, đại vinh quang,

Thấy Ngài, xao lãng điều tâm nguyện,

Nguy hại là trông thấy Ngọc Hoàng!

Thôi được rồi, thưa Tôn Giả Thiên Chủ đáp Ta quyết sẽ chẳng bao giờ viếng thăm Ngài nữa.

Và vừa đảnh lễ Ngài, vừa xin Ngài thứ lỗi, Thiên Chủ ra đi. Từ đó, bậc Ðại Sĩ an trú tại nơi ấy suốt đời, tu tập tứ vô lượng tâm từ, bi, hỷ, xả và được sinh lên Cõi Phạm Thiên.

Sau khi chấm dứt pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, Ànanda A Nan là Thiên Chủ Sakka Ðế Thích và ta chính là Hiền Giả Àkitti.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần