Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Ba - Phẩm Mười Ba bài Kệ - Chuyện Trái Xoài Tiền Thân Amba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG MƯỜI BA
PHẨM MƯỜI BA BÀI KỆ
CHUYỆN TRÁI XOÀI
TIỀN THÂN AMBA
Trước kia, khi Trẫm bảo chàng trai. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về Devadatta Đề Bà Đạt Đa.
Đề Bà Đạt Đa không thừa nhận bậc Ðạo Sư của mình và bảo: Chính ta sẽ là bậc Chánh Đẳng Giác và Sa Môn Gotama không phải là bậc Ðạo Sư hướng dẫn của ta.
Vì vậy, khi xuất định, ông gây chia rẽ trong Tăng Chúng. Sau đó dần dà ông tiến về Xá Vệ, ở bên ngoài Tinh Xá Kỳ Viên, thì mặt đất há miệng, ông rơi vào địa ngục Avìci A Tỳ hay vô gián địa ngục.
Lúc ấy tất cả Tăng Chúng đều nói chuyện ấy tại chánh pháp đường: Này Hiền hữu, Đề Bà Đạt Đa đã xa rời bậc Ðạo Sư và bị hủy diệt khủng khiếp, đó là sinh vào một đời sống khác trong Địa Ngục A Tỳ sâu thẳm.
Bậc Ðạo Sư bước vào hỏi Tăng Chúng đang nói chuyện gì, hội chúng thưa với Ngài.
Ngài bảo: Không phải chỉ bây giờ, mà cả ngày xưa cũng như nay, Đề Bà Đạt Đa đã xa rời bậc Ðạo Sư của mình và bị hủy diệt khủng khiếp.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
Một thời, khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, cả gia đình của vị Tế Sư trong triều bị bệnh sốt rét tiêu diệt. Chỉ một người con trai duy nhất phá được tường nhà trốn thoát đi xa.
Chàng đến Takkasilà và học tập đủ các nghệ thuật kỹ năng với một vị Giáo Sư tiếng tăm lừng lẫy khắp thiên hạ.
Sau đó chàng từ giã Sư Phụ, và ra đi, với ý định chu du khắp nhiều miền. Trên bước giang hồ, chàng đến một làng ở biên địa. Gần đó là một làng của giai cấp hèn hạ Chiên Đà La Candàla.
Thời đó Bồ Tát cư ngụ trong làng này, và Ngài là một Bậc Hiền trí. Ngài biết một Thần Chú làm cho quả trên cây mọc rộ lên trong lúc trái mùa.
Một buổi sáng kia, Ngài mang đòn gánh đi ra khỏi làng mãi đến tận cây xoài mọc trong rừng, khi đứng cách đó bảy bước, Ngài đọc Thần Chú và rảy một bụm nước vào cây đó. Trong chớp mắt, lớp lá khô rụng hết, lớp lá non mọc mầm, hoa nở rồi hoa tàn rụng, các trái xoài nhú ra.
Song chỉ trong chốc lát chúng đã chín mọng ngọt ngào thơm ngát, xoài lớn nhanh như loại trái thần rồi rụng xuống đất!
Bậc Ðại Sĩ chọn ăn tùy thích, rồi chất đầy hai giỏ trên đòn gánh, đem trái đi bán và kiếm tiền nuôi vợ con.
Lúc bấy giờ, chàng trai Bà La Môn thấy bậc Ðại Sĩ bán xoài chín trái mùa.
Chàng suy nghĩ: Chắc hẳn phải nhờ công năng của một loại Thần Chú nào đó xoài ấy mới mọc được. Người này có thể dạy ta một Thần Chú vô giá.
Chàng rình ngắm kỹ cách thức bậc Ðại Sĩ hóa phép ra các thứ xoài của Ngài, và phát hiện việc này một cách chính xác.
Sau đó chàng đi đến nhà bậc Ðại Sĩ lúc Ngài chưa trở về từ khu rừng ấy, rồi làm như thể chưa biết gì cả, chàng hỏi người vợ của bậc Ðại Sĩ: Ðại Sư đâu rồi?
Bà đáp: Ðã vào rừng.
Chàng đợi cho đến khi Ngài về, liền tiến tới phía ngoài, đỡ lấy đòn gánh và đôi thúng từ vai Ngài, đem hết đồ đạc vào nhà và đặt ở đó.
Bậc Ðại Sĩ nhìn chàng trai bảo vợ: Này hiền thê, chàng trai này đến đây để được dạy Thần Chú. Song chẳng có Thần Chú nào ở lâu với gã ấy cả vì gã là người không tốt đâu.
Còn chàng trai nghĩ thầm: Ta sẽ học được Thần Chú bằng cách làm tôi tớ cho thầy ta.
Thế là từ đó chàng làm mọi công việc trong nhà như gánh củi, giã gạo, nấu nướng, mang đến thầy đủ các thức cần thiết để rửa mặt rửa chân.
Một ngày kia bậc Ðại Sĩ bảo chàng: Này con, đem cho ta một cái ghế đẩu để gát chân.
Chàng ta chẳng còn cách nào khác, liền để hai chân của bậc Ðại Sĩ lên đùi mình suốt đêm.
Vào mùa sau, bà vợ của Ngài sinh hạ một con trai, chàng lại làm đủ mọi việc phục dịch trong thời bà ấy sinh sản.
Một ngày nọ, bà vợ bảo bậc Ðại Sĩ: Này phu quân, cậu trai dù là ở giai cấp quý tộc, lại hạ mình làm mọi việc tôi đòi, phục dịch cho nhà ta chỉ vì muốn có Thần Chú. Vậy phu quân hãy dạy Thần Chú cho cậu ấy đi, dù Thần Chú có chịu ở với cậu ấy hay không.
Ngài đồng ý việc đó.
Ngài liền dạy Thần Chú cho cậu trai và bảo thế này: Con ạ, đây là Thần Chú vô giá, con nhờ nó sẽ được vinh quang phú quý tột bực.
Nhưng hễ khi nào Đức Vua hoặc vị Đại Thần của Ngài có hỏi ai là thầy dạy con thì con đừng dấu tên ta.
Vì nếu con hổ thẹn về chuyện người dạy con câu Thần Chú kia là một người hạ đẳng và con bảo rằng thầy dạy con là một vị Bà La Môn quyền cao chức trọng thì con sẽ chẳng được kết quả gì do Thần Chú đem đến cả đâu.
Tại sao con lại phải dấu tên của Sư Phụ kia chứ?
Khi nào con được ai hỏi thì con sẽ nói chính Sư Phụ đây.
Sau đó chàng kính lễ thầy rồi từ giã cái thôn làng hạ đẳng kia, chàng vừa ra đi vừa suy nghĩ mãi về Thần Chú ấy, kịp lúc đến Ba La Nại. Tại đó chàng bán xoài và thu được nhiều tiền bạc.
Bấy giờ, một ngày kia người giữ vườn ngự uyển dâng Vua một trái xoài gã mới mua từ chàng trai ấy. Sau khi ăn xoài, Vua hỏi gã kiếm được ở đâu ra trái xoài ngon ngọt như thế.
Gã đáp: Tâu Chúa Thượng, có một chàng trai mang xoài trái mùa tới bán. Tiểu Thần đã mua được từ chàng ấy.
Vua bảo: Hãy dặn cậu ta từ nay mang xoài đến đây cho Trẫm.
Người ấy làm y lời dặn, từ đó chàng đem xoài đến cung Vua. Vua mời chàng đến phục vụ Ngài, từ đó chàng trở thành bề tôi phục dịch Vua, được hưởng đại phú quý, dần dần chàng được Vua rất tin cậy.
Một ngày nọ Vua hỏi chàng: Này thiếu sinh, khanh kiếm ra xoài trái mùa này ở đâu mà ngon ngọt, thơm ngạt ngào và màu sắc tươi đẹp thế?
Có phải một vị Long Vương, Kim Sí Điểu hay thần linh nào đó ban thưởng cho khanh, hoặc đây là phép tiên chăng?
Tâu Ðại Vương, chẳng ai cho tiểu sinh cả chàng trai đáp song tiểu sinh có một Thần Chú vô giá và đây là Thần Lực của Chú ấy.
Ðược, thế khanh có định biểu diễn cho Trẫm xem Thần Lực của Chú này một ngày nào đó chăng?
Tâu Chúa Thượng, tiểu sinh xin sẵn sàng thực hiện điều đó hầu Chúa Thượng chàng đáp.
Hôm sau Vua cùng chàng ta vào vườn ngự uyển và Ngài phán bảo chàng hãy biểu diễn Thần Chú. Chàng trai vâng dạ và đi đến gần cây xoài, đứng cách chừng bảy bước đọc Thần Chú và rảy nước vào cây.
Trong chốc lát cây xoài sinh trái như cách đã tả trên đây: Một đám xoài rụng xuống ào ào như cơn bão. Đám người xem vô cùng thích thú vung vẫy khăn để hoan nghênh.
Còn Vua dùng xoài, xong thưởng công chàng hậu hỉ, rồi bảo: Này thiếu sinh, ai đã dạy khanh Thần Chú kỳ diệu này?
Bấy giờ chàng nghĩ thầm: Nếu ta bảo một kẻ Chiên Đà La hạ đẳng đã dạy ta thì ta sẽ bị làm nhục, hội chúng sẽ chế diễu khinh thị ta, nay ta đã thuộc lòng Thần Chú này, ta không bao giờ có thể mất nó. Ðược rồi, ta sẽ nói đó là một Giáo Sư lẫy lừng thiên hạ.
Vì thế, chàng nói dối và bảo: Tiểu Thần đã học được tại Takkasilà từ một danh sư lẫy lừng thiên hạ.
Khi chàng nói những lời phủ nhận thầy dạy mình như thế, lập tức Thần Chú biến mất. Còn Vua rất hoan hỷ, cùng chàng trở về Kinh Thành.
Một ngày kia, Vua muốn ăn xoài, liền đi vào ngự uyển ngồi trên ghế đá, nơi thường dùng vào những dịp quốc lễ, Ngài ra lệnh chàng trai đem xoài dâng Ngài.
Chàng trai tuân lệnh đi đến cây xoài, đứng xa bảy bước, bắt đầu đọc Thần Chú, song Thần Chú không công hiệu. Lúc ấy chàng biết mình đã mất Thần Chú, nên đứng im đầy hổ thẹn.
Còn Vua suy nghĩ: Trước kia chàng này đã dâng xoài ào ào như mưa dông ngay giữa đám đông người, nay chàng đứng như Trời trồng, vì nguyên cớ nào đây?
Vì thế Ngài ngâm vần kệ đầu hỏi chuyện ấy:
Trước kia, khi Trẫm bảo chàng trai,
Lớn nhỏ, chàng đem đủ loại xoài,
Nay trái trên cây không xuất hiện,
Dù chàng vẫn đọc Chú kia hoài.
Khi nghe vậy, chàng trai nghĩ thầm rằng nếu chàng bảo hôm nay trái cây không thể có được thì Vua sẽ tức giận, vì thế chàng nghĩ cách nói dối để lừa Vua, liền ngâm vần kệ thứ hai:
Thời gian không hợp: đợi khi nào,
Kết hợp hành tinh giữa cõi cao,
Gặp gỡ đúng thời, giây phút đến,
Sẽ dâng xoài chín thật dồi dào!
Cái gì thế này?
Vua tự hỏi. Chàng trai trước kia chẳng hề nói chuyện hành tinh gặp gỡ cả.
Ngài liền ngâm vần kệ để điều tra vấn đề này:
Bữa trước, chàng không nói lúc nào,
Hay mùa gặp gỡ các vì sao,
Song xoài thơm ngát, ngon thanh vị,
Màu đẹp, chàng dâng Trẫm biết bao!
Buổi nọ, chàng phô diễn trái cây,
Nhờ câu Thần Chú, thật tài thay,
Nay không làm được, dù chàng đọc,
Trẫm muốn hỏi chàng ý nghĩa đây.
Nghe thế chàng trai suy nghĩ: Không nên lừa phỉnh Vua bằng lời dối trá. Nếu như khi ta nói sự thật mà Ngài trừng phạt ta thì cứ để Ngài trừng phạt. Song ta phải nói sự thật này.
Rồi chàng ngâm hai vần kệ:
Một người hạ đẳng chính là thầy,
Dạy đúng Chú Thần hữu hiệu đây,
Bảo: Ðược hỏi tên thầy, chủng tộc,
Con đừng giấu, kẻo Chú Thần bay!
Thần được hỏi thăm bởi Ðại Vương,
Dù thần đã biết thật tinh tường,
Vẫn mong lừa phỉnh, thần khai dối:
Thần Chú kia là của Đạo Nhân.
Thần nói dối, nay đành mất Chú,
Ðắng cay, lòng tiếc việc si cuồng.
Nghe chàng nói điều này, Vua tự nhủ: Kẻ độc ác này không biết giữ gìn một kho báu vĩ đại dường ấy!
Khi người ta có báu vật vô giá, thì nguồn gốc gia tộc có liên quan gì đến báu vật đó đâu?
Trong cơn thịnh nộ, Ngài ngâm các vần kệ sau:
Cây nimb, hồng phượng hoặc thầu dầu,
Bất cứ loại cây gỗ thế nào,
Nơi đó thấy tầng ong mật ngọt,
Người xem cây ấy tốt hàng đầu.
Dù là Ðạo Sĩ, Khattiya,
Vệ xá, Chiên Đà La, Thủ Đà,
Puk Ku Sa, người ta học tập,
Thảy đều tối thượng với đời ta.
Trừng phạt oắt con tệ bạc này,
Hoặc lôi cổ nó giết đi ngay,
Kho tàng đã được bao công khó,
Lại vứt vì tâm ngã mạn đầy!
Quân sĩ của Vua theo lời, bảo: Hãy trở lại thầy dạy anh và xin Ngài tha thứ, rồi nếu anh học được Thần Chú lần nữa thì hãy về đây.
Còn nếu không thì đừng bao giờ hòng để mắt đến xứ này nữa.
Nói thế xong, họ đuổi chàng đi. Cậu trai hoàn toàn bơ vơ lạc lõng.
Chàng nghĩ thầm: Chẳng có nơi nào cho ta nương tựa trừ thầy ta ra. Ta quyết trở về với thầy ta, xin thầy tha tội cho, rồi xin học Thần Chú lại.
Vậy là chàng vừa than khóc vừa tiến về phía làng ấy.
Bậc Ðại Sĩ thấy chàng đến, liền chỉ cho vợ Ngài và bảo bà: Này hiền thê, hãy nhìn thằng khốn kia trở lại, mà Thần Chú đã biến mất rồi.
Chàng đến gần Bậc Ðại Sĩ, kính lễ Ngài và ngồi xuống một bên.
Ngài hỏi: Tại sao con đến đây?
Chàng đáp: Thưa Sư Phụ, con đã nói dối, chối bỏ về vị Sư Phụ của mình nên nay con hoàn toàn tiêu tan sự nghiệp.
Sau đó chàng kể lại lỗi lầm của mình trong một bài kệ và xin Thần Chú lần nữa:
Kẻ nào nghĩ mặt đất san bằng,
Ðang trải dài ra dưới gót chân,
Liền ngã vào ao, hồ, vực thẳm,
Vấp vào gốc rễ mục, long thân.
Vật giống sợi dây, kẻ giẫm lên,
Hóa ra con rắn, sắc đen huyền.
Kẻ kia sa cẳng vào trong lửa,
Vì mắt mù không thể xét xem.
Con phạm tội, nên mất Chú Thần,
Nhưng còn Sư Phụ, Bậc Hiền Nhân,
Xin thầy tha thứ cho lần nữa,
Nhìn tận mắt thầy, hưởng đặc ân!
Nhưng Sư Phụ chàng đáp: Sao này, con bảo gì vậy?
Chỉ cần ra dấu cho kẻ mù lòa là nó tránh được ao hồ đủ thứ rồi.
Còn ta đây đã dạy Thần Chú cho con một lần, con lại muốn gì nữa đây chứ?
Rồi Ngài ngâm các vần kệ sau:
Ðúng cách, ta từng dạy bảo ngươi,
Chú kia, ngươi học đúng theo thời,
Ta đà giảng đủ phần tinh túy,
Ngươi khéo làm hay, Chú chẳng rời.
Ai đầy cực nhọc, hỡi ngu nhân,
Học Chú Thần gian khổ, khó khăn,
Ðối với loài người trên hạ giới,
Rồi khi kẻ ngốc đã làm ăn,
Cuối cùng nó lại đem quăng bỏ,
Cũng chỉ vì mồm nói dối gian.
Với kẻ ngu si muốn dối gian,
Người không tự chế, kẻ vong ân,
Cút ngay, đừng hỏi gì ta nữa,
Ta chẳng còn cho nó Chú Thần!
Bị thầy dạy đuổi như vậy, chàng trai nghĩ thầm: Ðời còn có nghĩa lý gì với ta nữa?
Rồi chàng vào rừng sâu và chết bơ vơ một mình ở đó.
Sau khi chấm dứt pháp thoại này, bậc Ðạo Sư bảo: Không phải chỉ bây giờ, này các Tỳ Kheo, Đề Bà Đạt Đa mới chối bỏ vị thầy dạy của mình, và phải chịu tiêu diệt thảm khốc.
Và nói xong Ngài nhận diện tiền thân: Thời ấy, Devadatta Đề Bà Đạt Đa là kẻ vong ân bội nghĩa kia, Ànanda A Nan là Vua, và Ta chính là người Candàla Chiên Đà La hạ đẳng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Sáu Mươi Ba - Phẩm Thích đề Hoàn Nhân
Phật Thuyết Kinh Nhất Tự Kỳ đặc Phật đảnh - Phẩm Năm - Phẩm Thành Tựu Tỳ Na Dạ Ca
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm - Phần Ba - Làm Viên Mãn Bốn Niệm Xứ
Phật Thuyết Kinh Viên Giác - Chương Năm - Chương Di Lặc
Phật Thuyết Kinh Tứ đồng Tử Tam Muội - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Lý Do đặt Tên Da Du đà - Thượng Tán
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Hàng Voi