Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Bảy - Phẩm Bốn Mươi bài Kệ - Chuyện Tiểu Sutasoma Tiền Thân Culla Sutasoma

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI BẢY

PHẨM BỐN MƯƠI BÀI KỆ  

CHUYỆN TIỂU SUTASOMA

TIỀN THÂN CULLA SUTASOMA  

Hiền hữu, thần dân thụ họp đây. Câu chuyện này bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về sự tu tập viên mãn hạnh xuất gia của Ngài. Phần đầu câu chuyện tương ưng với phần đầu của Tiền Thân Mahànàrada Kassapa, tập bảy.

Ngày xưa tại thành Bà La Nại, ngày nay là Kinh Thành Sudassana, có Vua Brahmadatta trị vì. Chánh Hậu của Ngài sinh ra Bồ Tát. Khuôn mặt Ngài sáng rực như trăng rằm, vì thế Ngài được đặt tên Somakumàra Nguyệt Cung Vương Tử.

Khi Ngài đến tuổi trưởng thành, vì Ngài thích uống nước trái cây Soma và hay có thói quen tưới rượu lễ vào đó nên Ngài được mệnh danh Sutasoma người làm rượu Soma.

Đến tuổi khôn lớn, Ngài được truyền dạy các môn học thuật tại Takkasilà và khi trở về nhà, Ngài được Vua cha ban chiếc lọng trắng. Ngài trị vì Quốc Độ rất đúng pháp, cai quản cả một lãnh thổ rộng lớn cùng mười sáu ngàn cung tần, với nàng Candadevi làm chánh Hậu.

Dần dần Hoàng Gia càng thêm đông đúc, Ngài đâm nhàm chán với cuộc sống gia đình nên lui vào rừng, mong ước thọ trì giới luật tu hành.

Một ngày kia, Ngài triệu người hớt tóc vào phán bảo: Khi nào khanh thấy sợi tóc bạc trên đầu trẫm, khanh phải nói cho trẫm biết. Người hớt tóc tuân lệnh, sau đó thấy một sợi tóc bạc, liền tâu với Ngài ngay.

Vua bảo: Vậy khanh hãy nhổ ra và đưa cho trẫm. Người hớt tóc lấy cái nhíp vàng nhổ ra và đặt vào tay Ngài.

Bậc Đại Sĩ thấy sợi tóc bạc, kêu to: Thân ta sắp bị tuổi già tàn phá. Rồi Ngài kinh hoảng cầm sợi tóc bạc bước xuống lầu, ngự lên ngai đặt trước thần dân. 

Sau đó, Ngài triệu tám mươi ngàn triều thần do vị đại tướng cầm đầu và sáu mươi ngàn Bà La Môn do vị tế sư của Triều Đình lãnh đạo, cùng nhiều cận thần và dân chúng đến bảo: Tóc bạc đã xuất hiện trên đầu trẫm, trẫm đã già rồi, các khanh phải biết rằng trẫm muốn thành Ẩn Sĩ.

Rồi Ngài ngâm vần kệ đầu:

Hiền hữu, thần dân tụ tập đây,

Quân sư tin cẩn, hãy nghe vậy:

Giờ đầu tóc bạc ta dần hiện,

Ta muốn trở thành Ẩn Sĩ ngay.

Nghe vậy, mỗi người trong đám kia đều thất vọng ngâm vần kệ này:

Bất xứng lời kia đã thốt ra,

Mũi tên Hoàng Thượng thấu tim ta:

Bảy trăm cung nữ, tâu Hoàng Thượng,

Sẽ thế nào khi chúa xuất gia?

Tiếp theo, bậc Đại Sĩ ngâm vần kệ thứ ba:

Kẻ khác sẽ khuyên chúng hết buồn,

Chúng đều kiều diễm, tuổi thanh xuân,

Còn ta hướng đích lên Thiên Giới,

Nên muốn làm Tu Sĩ ẩn thân.

Các vị quân sư không thể nào đáp lời Vua được liền đi yết kiến Thái Hậu và trình câu chuyện với bà.

Thái Hậu liền vội vã đi đến hỏi Vua: Này Vương nhi, Quần Thần bảo rằng Vương nhi muốn làm Ẩn Sĩ, có đúng chăng?

Bà lại ngâm hai vần kệ:

Than ôi! Ngày bất hạnh như vậy,

Ngày được Vương nhi gọi mẹ đây:

Vì quá vô tình nhìn lệ thảm,

Con đành làm Ẩn Sĩ từ nay.

Bạc phận, than ôi, quả đúng thời

Sơ ma yêu quí đã chào đời!

Vô tình trước lệ sầu cay đắng

Con quyết tu hành, Vương Tử ôi!

Trong khi Thái Hậu than khóc như vậy, Bồ Tát không thốt lên lời nào. Thái Hậu vẫn ngồi một mình khóc lóc mãi. Sau đó Quần Thần tâu với Phụ Hoàng.

Ngài đi đến ngâm kệ sau:

Pháp nào đây hướng dẫn Vương nhi

Mong ước rời Vương Quốc biệt ly,

Bỏ mặc lão thân đời quạnh quẻ,

Ẩn am tìm đến để tu trì?

Nghe vậy, bậc Đại Sĩ liền trấn an Ngài.

Phụ Vương lại bảo: Này Vương nhi Sutasoma, cho dù con không thương tiếc gì đến song thân nữa, con vẫn còn nhiều Vương Tử, công chúa lắm. Chúng không thể nào sống thiều con được.

Vậy đợi đến khi chúng trưởng thành rồi Vương nhi hãy xuất gia tu hành có được chăng?

Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ bảy:

Vương nhi nhiều ấu tử, e rằng:

Hết thảy còn đang độ búp măng,

Đến lúc Vương nhi vừa vắng bóng

Nỗi buồn nào sánh chúng hay chăng?

Nghe lời này, bậc Đại Sĩ đáp vần kệ:

Quả thật, thần nhi có lắm con,

Chúng còn đang độ tuổi măng non,

Dù bao năm sống gần bên chúng,

Con phải giờ đây vĩnh biệt luôn.

Thế là bậc Đại Sĩ thuyết pháp cho Phụ Vương và khi nghe Ngài thuyết pháp, Vua cha bình tâm lại, rồi Quần Thần thông báo cho bảy trăm cung phi.

Họ từ trên thượng lầu bước xuống yết kiến Ngài, ôm lấy chân Ngài và ngâm vần kệ:

Lòng Ngài chắc phải vỡ vì buồn,

Hoặc giả Ngài không biết xót thương,

Nên ước nguyện theo đời Ẩn Sĩ,

Để cung tần khóc nỗi cô đơn!

Bậc Đại Sĩ nghe họ khóc than như vậy trong lúc họ ngã mình dưới chân Ngài và gào thét, liền ngâm thêm một vần kệ:

 Lòng ta không thể vỡ vì buồn

Dẫn thấy đau vậy, cũng xót thương,

Song việc tu hành ta đã quyết

Để ta hưởng Cực Lạc Thiên Đường.

Sau khi, Quần Thần trình lên chánh cung Hoàng Hậu.

Bà đang mang thai nặng nhọc vì ngày sinh cận kề, bà liền đến gần bậc Đại Sĩ, đảnh lễ Ngài và kính cẩn đứng qua một bên rồi ngâm ba vần kệ:

Than ôi! bất hạnh chính là ngày

Thiếp được xe duyên Chúa Thượng đây,

Vì quá vô tình nhìn lệ thảm,

Đại Vương quyết chí xuất gia ngay.

Bạc phận, than ôi, đó chính ngày

Cùng Soma kết tóc xe dây,

Vì chàng để mặc ai sầu chết,

Quyết chí theo đời Ẩn Sĩ đây.

Mãn nguyệt khai hoa đã kế gần,

Mong chàng ở lại, hỡi Vương quân,

Khi con sinh hạ, ngày sầu thảm

Thiếp biết từ đây mất chúa công.

Đến lượt bậc Đại Sĩ ngâm vần kệ đáp:

Mãn nguyệt khai hoa đã tới hồi,

Ta chờ đến lúc trẻ ra đời,

Rồi ta từ giả ngay Vương Tử,

Xuất thế, ta thành Ẩn Sĩ thôi!

Nghe Ngài nói vậy, bà không thể nào kiềm chế nỗi sầu thảm được nữa, liền lấy hai tay ôm ngực, bảo Ngài: Tâu Chúa Thượng, từ nay cảnh vinh quang của đôi ta không còn nữa. Rồi lau dòng lệ xong, bà lại than khóc thảm thiết.

Bậc Đại Sĩ ngâm kệ an ủi bà:

Vương hậu mắt huyền hoa mượt mà,

Xin nàng đừng khóc nữa vì ta,

Nguyệt Nga, lên thượng lầu an nghỉ,

Ta sẽ đi, lòng chẳng thiết tha!

Không thể nào chịu đựng nổi lời nói của Ngài được nữa, bà vội bước lên thượng lầu ngồi khóc một mình.

Lúc ấy vị Thái Tử của Bồ Tát thấy vậy, hỏi bà:

Tại sao Mẫu Hậu ngồi khóc ở đây?

Và chàng ngâm kệ này hỏi mẹ:

Mẫu Hậu có ai khiến mẹ buồn,

Cớ sao mẹ khóc, lại nhìn con?

Ai trong hoàng tộc lòng vô đạo,

Vì mẹ, con đành giết sạch luôn.

Hoàng Hậu liền ngâm vần kệ đáp:

Không ai dám hại đến người kia,

Người khiến ta sầu khổ não nề,

Vì chính Phụ Vương con đã nói:

Ta không đoái tưởng, sẽ ra đi.

Nghe lời mẹ, Thái Tử nói:

Tâu Mẫu Hậu, sao Mẫu Hậu lại nói thế?

Nếu quả vậy thì chúng con thật bơ bơ.

Chàng liền than khóc và ngâm kệ:

Có lần ta dạo khắp hoa viên

Nhìn lũ voi giao đấu trận tiền,

Vì thử Phụ Vương thành Ẩn Sĩ

Ta làm gì, hỡi kẻ vô duyên?

Sau đó, một vị Vương Tử vừa lên bảy, thấy anh và mẹ đang khóc, liền đến gần mẹ hỏi: Mẫu Hậu và hoàng huynh ơi, cớ sao lại than khóc?

Và khi nghe duyên cớ, cậu bé bảo: Thôi được, đừng khóc nữa, con sẽ không để Phụ Vương xuất gia đâu.

Rồi Vương Tử an ủi hai vị, xong cùng nhũ mẫu bước xuống khỏi thượng lầu, đến yết kiến Phụ Vương và thưa: Tâu Phụ Vương, thần nhi nghe nói Phụ Vương sắp rời bỏ chúng con mà xuất gia, mặc dù chúng con không muốn, vậy con không chịu để Phụ Vương đi tu đâu.

Rồi ôm chặt lấy cổ Vua cha, Vương Tử ngâm vần kệ:

Mẫu Hậu đang ngồi khóc nỉ non,

Vương huynh cũng muốn giữ cha thương,

Con ôm Vương Phụ bằng tay vậy,

Chẳng để cha đi trái ý con.

Bậc Đại Sĩ liền suy nghĩ: Thằng bé này thật là mối nguy hiểm cho ta, ta làm thế nào để thoát được nó đây?

Rồi nhìn người nhũ mẫu, Ngài bảo: Này hiền nhũ mẫu, hãy nhìn viên ngọc trang sức này, ta cho ngươi đấy, chỉ việc đem đứa bé này đi nơi khác, đừng để nó cản trở ta.

Vì Ngài không thể tránh được cậu bé đang nắm chặt lấy tay Ngài, Ngài hứa ban thưởng cho nhũ mẫu ấy và ngâm kệ:

Gắng nuôi Vương Tử lớn lên dần,

Đem trẻ vui đùa chốn khác hơn,

E trẻ phá tan niềm hỷ lạc,

Cản chân ta vội đến Thiên Đường.

Nhủ mẫu nhận món quà thưởng và dỗ dành cậu bé rồi dẫn đi nơi khác, bà vừa than khóc vừa ngâm kệ:

Vì ta từ khước hạt minh châu,

Ta chẳng màng chi sẽ thế nào?

Vì Chúa Thượng ta làm Ẩn Sĩ

Bảo châu còn có nghĩa gì đâu?

Lúc ấy vị đại tướng của Ngài suy nghĩ: Chắc Đức Vua tưởng Ngài chỉ có rất ít bảo vật trong cung thôi. Vậy ta sẽ cho Ngài biết có vô số kể.

Vì thế vị này đứng lên đảnh lễ Vua và ngâm kệ:

Đại Vương đầy ắp mọi kho tàng,

Chúa Thượng tạo nên đại phú cường,

Toàn cõi thế gian đều khuất phục,

Chớ làm Ẩn Sĩ, sống thư nhàn.

Nghe vậy, bậc Đại Sĩ đáp vần kệ:

 Kho tàng đầy ắp các kim ngân,

Ta đã tạo nên đại phú cường,

Toàn cõi thế gian đều khuất phục,

Nay làm Ẩn Sĩ, bỏ phàm trần!

Khi ấy một vị đại phú thương vừa đi đến, có tên là Kulavaddhana, nghe lời liền đứng lại, đảnh lễ Vua và ngâm kệ:

Đại Vương, thần tột đỉnh giàu sang,

Chẳng đếm làm sao xiết bạc vàng,

Xin ngắm hạ thần dâng tất cả,

đứng làm Ẩn Sĩ, sống thư nhàn!

Nghe lời này, bậc Đại Sĩ đáp vần kệ:

Này hỡi Kula, vẫn biết rằng

Khanh mong dâng hiến cả kho tàng

Song ta hướng dịch về Thiên Giới

Nên khước từ nhân giới dục tham.

Bậc Đại Sĩ Thuyết Pháp như vậy cho dân chúng rồi bước lên thượng lầu của cung Vạn Hoa, Ngài đứng trên tầng thứ bảy, cắt búi tóc và bảo: Bây giờ ta không là gì nữa đối với các ngươi, vậy các ngươi hãy chọn một vị Vua khác đi. Cùng với những lời này, Ngài ném búi tóc của Ngài, khăn đội đầu, cùng các bảo vật khác xuống giữa đám Quần Thần dân chúng.

Quần Thần cầm lấy búi tóc, lăn lóc trên mặt đất, kêu gào thảm thiết, rồi một đám bụi từ nơi ấy tung lên cao, dân chúng đứng lùi lại nhìn theo bảo nhau: Có lẽ Đức Vua đã cắt búi tóc và ném xuống cùng khăn đội đầu đủ cả vào đám dân chúng, cho nên mới có đám bụi tung lên gần cung điện.

Rồi họ khóc than ngâm kệ:

Nhìn đám bụi kia chợt tỏa cao

Gần Hoàng Cung đại Vạn Hoa Lầu,

Chắc rằng Minh Đế lừng danh vọng

Đã cắt tóc Ngài với bảo đao!

Còn bậc Đại Sĩ truyền gọi một quân hầu tìm đủ vật dụng cần thiết của một ẩn sĩ đem đến cho Ngài, lại bảo người thợ hớt tóc cạo sạch râu tóc Ngài, ném chiếc hòang bào rực rỡ xuống bảo tọa.

Ngài cắt bỏ mọi dải lụa màu, đắp lên người những miếng vải nối lại màu vàng, buộc cái chén đất lên đầu vai trái, rồi cầm chiếc gậy hành khất trong tay, Ngài đi lui đi đi tới trên thượng lầu, sau đó bước xuống lầu đi ra đường, song không ai nhận ra Ngài khi Ngài đi xuông cả. Còn bảy trăm cung tần bước lên thượng lầu không tìm thấy Ngài, mà chỉ thấy đống xiêm y của Ngài.

Liền bước xuống bảo mười sáu ngàn cung phi khác: Đại Đế Sutasoma, Chúa Thượng tôn quý của ta đã trở thành Ẩn Sĩ rồi. Và họ than khóc bước ra.

Vừa lúc ấy dân chúng hay tin Ngài đã làm ẩn sĩ, cả Kinh Thành chấn động hẳn lên, dân chúng bảo nhau: Người ta bảo Đức Vua đã trở thành Ẩn Sĩ rồi.

Họ đều tụ tập tại cung môn, kêu lên: Chúa Thượng chắc đang ở một nơi nào đó.

Rồi họ đổ xô ra khắp nơi Ngài thường lui tới, song không tìm được Ngài, họ đi lang thang đây đó vừa than khóc, vừa ngâm kệ:

Này đây, cung điện, tháp lầu vàng,

Lủng lẳng vòng hoa tỏa ngát hương,

Rộn rịp bao cung tần mỹ nữ,

Ngày xưa Chúa Thượng ngự du thường.

Giăng mắc vòng hoa, dát ngọc vàng,

Ta nhìn cung điện nóc cao sang

là nơi hoàng tộc chầu bên cạnh,

Đại Đế kiêu hùng bước dọc ngang.

Đây vườn thương uyển rực muôn hoa,

Thay đổi quanh năm với các mùa,

Rộn rịp bao cung tần mỹ nữ,

Ngày xưa Chúa Thượng ngự loan xa.

Hồ kia phủ khắp đám sen xanh.

Nơi chốn chim muông đến lượn quanh,

Tất cả Hoàng Gia chầu cạnh đó,

Ngày xưa Chúa Thượng vẫn du hành.

Cứ thế dân chúng vừa đi khắp nơi vừa than khóc rồi trở lại sân chầu, họ ngâm kệ:

Thật buồn thay Chúa Thượng Soma

Đã bỏ ngai vàng để xuất gia,

Mặc chiếc hoàng y, Ngài rảo bước

Như voi đơn độc lạc đường xa.

Rồi họ ra đi, bỏ hết nhà cửa đồ đạc, dắt theo con cái đi tìm Bồ Tát và cha mẹ, cháu chắt họ cùng đi theo với mười sáu ngàn cung phi ca múa. Cả Kinh Thành như bãi sa mạc vì dân chúng đi theo nhau cả. Bồ Tát và dân chúng chiếm cứ một vùng mười hai dặm về núi Tuyết Sơn.

Lúc ấy Đế Thích Thiên Chủ, chú tâm đến đại sự xuất thế của Ngài, liền bảo Vissakamma: Này hiền hữu Vissakamma, Vua Sutasoma đã từ bỏ thế tục. Ngài phải có nơi ẩn cư, vì dân chúng tụ tập quanh Ngài đông lắm.

Ngài lại triệu vị này đến bảo: Hãy đi dựng am thất Ẩn Sĩ dài mười ba dặm, rộng năm dặm trên bờ sông Hằng ở vùng núi Tuyết Sơn. Vị này tuân lệnh, cung cấp các lều Ẩn Sĩ đầy đủ mọi vật dụng cần thiết và lại làm một con đường dẫn đến đó, rồi trở về Thiên Giới.

Bậc Đại sĩ theo đường này đến vùng Am Tranh, sau khi Ngài thọ đại giới, Ngài lại truyền giới cho đám dân chúng, dần dần đa số được thọ giới nên khu vực mười ba dặm này đông đảo người tu.

Lúc bấy gờ, việc Vissakamma xây am Ẩn Sĩ ra sao, đại chúng được truyền giới như thế nào, vùng am thất của Bồ Tát được sắp đặt ra sao, đều được hiểu theo như kiểu trong Tiền Thân Hatthipàla, tập năm.

Ở đây, nếu có một dục tưởng hay tà kiến nào khởi lên trong tâm bất cứ người nào, bậc Đại Sĩ liền đến gần người đó ở trên không, ngồi kiết già giữa không gian và thuyết pháp qua hai vần kệ:

Quên đi chuyện ái dục ngày xưa

Khi vẻ mặt người vẫn cợt đùa,

Kẻo sợ kinh thành hoan lạc ấy

Làm bừng dục vọng, phải tiêu ma.

Thoát người tham đắm, tự điều thân,

Thiện ý ngày, đêm với thế nhân,

Ngươi sẽ hưởng ngôi nhà thượng giới,

Nơi người hành thiện đến chung phần.

Hội chúng Thánh Nhân này hành trì lời giáo huấn của Ngài, nên được tái sinh lên Phạm Thiên Giới, câu chuyện được kể giống hệt như trong Tiền Thân Hatthipàla.

Sau khi bậc Đạo Sư chấm dứt thời pháp thoại, Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, không phải chỉ bây giờ, mà cả ngày xưa nữa, Như Lai đã làm đại sự xuất thế.

Và Ngài nhận diện tiền thân: Lúc bấy giờ, song thân là Vương Phụ và Mẫu Hậu trong Triều Đình, Candà là mẹ Ràhula La Hầu La, Thái Tử là Sàriputta Xá Lợi Phất, tiểu Vương Tử là Ràhula, nhũ mẫu là Khujjutarà, vị phú thương Kulavaddhana là Kassapa Ca Diếp, vị đại tướng là Moggallàna Mục Kiền Liên, hoàng đệ Somadatta là Ànanda A Nan và Vua Surasoma chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần