Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Một - Phẩm Mười một Bài Kệ - Chuyện đại Vương Dasaratha Tiền Thân Dasaratha

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI MỘT  

PHẨM MƯỜI MỘT BÀI KỆ  

CHUYỆN ĐẠI VƯƠNG DASARATHA

TIỀN THÂN DASARATHA  

Lak kha hiền đệ lẫn Sita. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một người địa chủ có cha chết. Khi người cha từ trần, lòng người ấy tràn ngập đau buồn bỏ dở mọi công việc của mình, ông chìm đắm trong nỗi u sầu. Vào một buổi sáng, bậc Ðạo Sư nhìn xuống thế gian, nhận thấy người ấy đã đến thời kỳ thành thục để đắc quả Dự Lưu.

Hôm ấy khi đã đi khất thực tại Xá Vệ, và thọ thực xong, Ngài bảo các Tỳ Kheo lui về, rồi Ngài đem theo một Tỳ Kheo trẻ, đi đến nhà người ấy.

Ngài chào ông và nói với ông trong lúc Ngài ngồi đó bằng những lời ngọt ngào như mật: Này Cư Sĩ, ông đang sầu muộn phải chăng?

Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Con đang buồn vì cha con mất!

Bậc Ðạo Sư bảo: Này Cư Sĩ, các bậc trí nhân ngày xưa hiểu rõ tám pháp của Thế Giới này được và mất, vinh và nhục, khen và chê, lạc và khổ, nên khi cha mất, các Ngài không thấy đau buồn, dù chỉ mảy may. Rồi theo lời thỉnh cầu của ông, Ngài kể một chuyện quá khứ.

Một thuở nọ, tại Ba La Nại, một vị Đại Vương mệnh danh Dasaratha, từ bỏ các ác đạo và cai trị theo Chánh Pháp. Trong số mười sáu ngàn cung phi, vị chánh Hậu sinh hạ hai Vương Tử và một công chúa.

Thái Tử được đặt tên là Ràma Pandita hay Hiền Giả Ràma. Vị thứ hai được đặt tên Lakkhana hay Cát Tường và tên công chúa là Sità hay Thanh Lương.

Theo thời gian chánh Hậu qua đời. Lúc bà từ trần, Vua bị nỗi đau buồn xâm chiếm trong một thời gian, nhưng khi được triều thần thúc giục, Ngài cử hành tang lễ bà xong, lại phong cho một vi Vương Phi khác lên làm chánh hậu.

Bà này được Vua hết sức sủng ái. Sau đó bà thụ thai, được Vua chăm sóc rất ân cần chu đáo và sinh hạ một hoàng nam, đặt tên là Vương Tử Bharata.

Vua rất yêu quý Vương Tử ấy và bảo chánh Hậu: Này ái khanh, ta ban cho nàng một ân huệ, nàng hãy chọn đi. Bà nhận đặc ân trên, nhưng xin Vua cho bà hoãn lại sự lựa chọn ấy một thời gian.

Khi Vương nhi lên bảy tuổi, bà đến yết kiến Vua và tâu: Tâu Thánh Thượng, Ngài đã hứa ban một đặc ân cho Vương Tử, con của thần thiếp, giờ đây xin Ngài ban cho thần thiếp được chăng?

Ái khanh hãy chọn đi Vua phán. Tâu thánh thượng bà bảo xin ban Vương Quốc này cho con thần thiếp.

Vua tỏ vẻ bất cần đối với bà: Lui ra ngay, này ác nữ nhân! Ngài phán một cách giận dữ.

Hai Vương nhi của ta sáng rực như hai ngọn lửa hồng, ngươi muốn giết chúng đi rồi đòi ngai vàng cho con của ngươi đấy chăng?

Bà hoảng sợ chạy về cung thất nguy nga của bà, rồi các ngày tiếp theo, lại cố xin Vua đặc ân ấy mãi. Vua không chấp thuận ban cho bà ân huệ ấy.

Ngài nghĩ thầm: Nữ nhân thường vong ân và phản bội, ác phụ này có thể dùng chiếu chỉ giả mạo hay hối lộ gian trá để sai giết các con ta.

Vì vậy Ngài cho triệu hai con đến và kể hết mọi việc cho con nghe, rồi phán: Này hai Vương nhi, nếu các con ở đây, chắc tai họa có thể xảy ra cho các con. Vậy hãy qua Vương Quốc bên cạnh ta, hoặc vào rừng, rồi khi thân ta đã được hỏa táng, hãy trở về thừa kế Vương vị thuộc về gia tộc của các con. Sau đó Ngài triệu các thầy tướng số đến hỏi về thọ mạng của Ngài. Họ tâu rằng Ngài có thể sống thêm mười hai năm nữa.

Rồi Ngài bảo: Này các con, sau mười hai năm các con phải trở về và giương cao chiếc lọng của hoàng gia. Hai Vương Tử hứa lời xong và vừa đi khỏi cung điện vừa khóc lóc.

Công nương Sità nói: Ta cũng sẽ đi cùng hai Vương Huynh. Nàng vào từ biệt Phụ Vương, vừa ra đi vừa khóc lóc. Cả ba anh em lên đường giữa đám đông dân chúng. Ba vị bảo dân chúng lui về, rồi tiến lên cho đến khi đi tận vùng Tuyết Sơn. Tại đó, ở một nơi có nước chảy nhiều, và thuận tiện để hái quả rừng, hai vị dựng am tu và sống tại đó bằng quả cây.

Trí giả Lakkhana và Sità nói với Trí giả Rama: Ðại hiền huynh ở địa vị thân phụ của chúng em, vậy xin ở lại trong am và chúng em sẽ đi hái quả về nuôi hiền huynh. Chàng đồng ý. Từ đó Hiền Giả Rama ở tại nhà, còn hai em cùng đi mang quả rừng về nuôi chàng.

Ba vị sống tại đó như vậy và nuôi thân bằng quả rừng hoang dại, song Vua Dasaratha héo mòn vì nhớ các con nên từ trần vào năm thứ chín. Trong lúc cử hành tang lễ Vua, Hoàng Hậu ra lệnh giương chiếc lọng phong Vương cho con trai bà là Vương Tử Bharata.

Nhưng triều thần bảo: Các vị Vương Tử chúa tể của chiếc lọng này đang ở trong rừng. Nên đại chúng không cho phép việc ấy.

Vương Tử Bharata lại bảo: Ta sẽ đi tìm Đại Vương huynh Ràma trong rừng về và giương chiếc lọng phong Vương cho Ngài. Mang theo năm biểu tượng của Vương quyền bảo kiếm, lọng trắng, vương miện, đôi hài và cái quạt bằng lông đuôi trâu rừng, chàng lên đường cùng một đoàn hộ tống đầy đủ bốn đạo quân voi, kỵ mã, xe, bộ binh, đến nơi ba vị đang trú ngụ.

Không xa đó mấy, chàng ra lệnh cắm trại, rồi cùng vài triều thần đi đến viếng vùng ẩn am, vào lúc Hiền Giả Lakkhana cùng Sità đã đi vào rừng. Hiền Giả Ràma đang ngồi ở cửa am, vô tư và thanh thản như một pho tượng bằng vàng ròng vững chắc.

Vị Vương Tử đến gần Ngài đảnh lễ rồi đứng một bên, kể cho Ngài nghe mọi việc xảy ra ở Vương Quốc, vừa quỳ xuống chân Ngài cùng đám triều thần vừa òa lên khóc nức nở. Hiền Giả Ràma không buồn cũng không khóc, tâm trí Ngài không còn xúc động nữa. Sau khi Bharata đã hết khóc và ngồi xuống, mãi đến chiều hai vị kia mới trở về với mớ quả rừng.

Hiền Giả Ràma suy nghĩ: Hai em kia còn trẻ, chúng không có trí tuệ tỉnh giác như ta.

Nếu thình lình chúng được nghe tin rằng Phụ Vương đã băng hà, nỗi đau khổ sẽ lớn quá mức chúng chịu đựng, ai biết được tim chúng chẳng tan nát ra?

Vậy ta sẽ dụ chúng bước xuống nước rồi tìm phương tiện tỏ bày sự thật.

Rồi vừa chỉ cho hai em một nơi ở phía trước có nước, Ngài bảo: Các em đi ra ngoài lâu quá, vậy đây là cách để các em hối lỗi. Hãy bước xuống vũng nước kia và đứng đó.

Rồi Ngài ngâm nửa vần kệ:

Lak kha hiền đệ, lẫn Si tà,

Bước xuống ao kia cả đấy mà.

Chỉ một lời thế là đủ, hai vị bước xuống nước và đứng đó.

Lát sau Ngài báo tin cho hai em bằng cách ngâm nửa vần kệ tiếp:

Vương Tử Bhara vừa nói rõ

Da sa Đại Đế đã băng hà.

Khi hai vị nghe tin Vương Phụ đã băng hà, liền ngất xỉu. Ngài lập lại tin ấy, hai vị lại ngất xỉu, đến lần thứ ba, hai vị vẫn ngất đi. Các triều thần liền đỡ họ dậy và đem họ ra khỏi nước rồi đặt họ lên đất khô ráo. Khi hai vị đã được an ủi khuyên lơn, cả hai vẫn ngồi khóc lóc, kêu gào.

Lúc ấy Vương Tử Bharata suy nghĩ: Vương huynh Lakkhana và Vương tỷ Sità không thể nào ngăn nỗi sầu bi khi nghe tin Phụ Vương từ trần, song Hiền Giả Ràma chẳng than khóc kêu gào gì cả. Ta không biết nguyên nhân gì khiến Vương huynh chẳng sầu muộn. Ta sẽ hỏi xem.

Rồi chàng ngâm vần kệ thứ hai hỏi:

Cho biết, Ràma, bởi lực gì,

Gặp buồn, huynh lại chẳng sầu bi?

Lòng huynh sầu muộn không tràn ngập,

Dù được tin Vương Phụ mất đi!

Sau đó, Ràma giải thích lý do Ngài không cảm thấy sầu bi bằng cách đáp lời:

Khi chẳng làm sao giữ vật nào,

Dù cho người ấy có kêu gào,

Vậy nên người trí đầy thông tuệ

Phải tự hành mình bởi cớ sao?

Các đám thanh niên, kẻ trưởng thành,

Người ngu cùng với bậc thông minh,

Giàu, nghèo, kết cuộc đều cầm chắc,

Phải chết từng người giữa chúng sinh.

Như ta đứng trước quả cây muồi,

Hay phát sinh niềm sợ quả rơi,

Cũng vậy phát sinh lòng sợ chết,

Với phàm nhân ở khắp muôn người.

Nhiều kẻ vừa trông thấy buổi mai,

Có khi chiều tối đã lìa đời,

Và người được thấy khi chiều xuống,

Vừa mới sáng mai đã mất rồi.

Nếu người ngu dại hoặc cuồng điên,

Phúc lạc đổ dồn đến tự nhiên

Khi nó tự hành bằng nước mắt,

Bậc Hiền làm giống kẻ kia liền.

Cách này đây nó tự hành mình,

Kẻ ấy gầy mòn lại tái xanh,

Nước mắt chẳng làm gì ích lợi,

Chẳng làm người chết được hồi sinh.

Như nhà cháy rực lửa đang hồng,

Ðược dập tắt liền với nước sông,

Người mạnh, người hiền, người có trí,

Những người hiểu giáo lý tinh thông,

Nỗi buồn đem rắc như bông vải,

Khi có cuồng phong thổi bão bùng.

Một khi sinh vật phải lìa trần,

Một kẻ khác liền được thọ thân,

Kết hợp với nhiều dây trói buộc,

Có cùng đặc tính một nguồn căn,

Phước phần mỗi kẻ đều tùy thuộc

Vào những dây liên hệ buộc ràng.

Người mạnh, tinh thông lý nhiệm mầu,

Quán sát đời này lẫn kiếp sau,

Hiểu bản chất này chung của chúng,

Cho nên chẳng bị nỗi buồn rầu,

Khiến cho lòng trí mình dao động,

Dù có khổ đau đến độ nào.

Vậy ta nên cống hiến song thân,

Phụng dưỡng các Ngài phẩm vật dâng,

Ta sẽ bảo tồn di tích cũ,

Ấy là hành động của Hiền Nhân.

Trong các vần kệ này, Ngài đã giải thích tính Vô thường của vạn vật. Khi hội chúng nghe pháp thoại này của Hiền Giả Ràma làm sáng tỏ quy luật Vô thường, họ đều tiêu tan mọi nỗi sầu muộn. Sau đó Vương Tử Bharata kính chào Hiền Giả Ràma và van xin Ngài nhận lãnh Vương Quốc ở Ba La Nại.

Hiền Giả Ràma bảo: Này Vương đệ, hãy đem Lakkhana và Sità về với Vương đệ, và chính các Vương đệ hãy chăm lo cai trị đất nước. Tâu Chúa Thượng, không được, xin Chúa Thượng đảm nhận Quốc Độ.

Này Vương đệ, Phụ Vương đã ban lệnh cho ta nhận lãnh Quốc Độ sau mười hai năm. Nếu ta về bây giờ, ta sẽ không thi hành lệnh Vua ban. Vậy ba năm nữa ta sẽ về.

Thế ai sẽ trị nước trong thời gian này?

Chính Vương đệ. Tiểu đệ không muốn thế. Vậy thì cho đến khi ta về, đôi hài này sẽ làm việc đó. Ràma bảo, rồi tháo đôi hài rơm ra, Ngài trao chúng cho Vương đệ. Thế là ba vị nhận lấy đôi hài, từ tạ vị Hiền Nhân và lên đường về Ba La Nại cùng với đoàn người hộ tống đông đảo.

Trong ba năm liền, đôi hài ấy cai trị Vương Quốc. triều thần đặt chúng lên ngai, khi hội chúng xét xử một việc gì. Nếu vụ kiện được xét xử sai, đôi hài sẽ đập vào nhau. Và khi thấy dấu hiệu ấy, sự việc kia được xét lại, đến khi việc phán xét đúng đắn thì đôi hài nằm yên.

Khi thời gian ba năm ấy đã qua, bậc trí nhân ra khỏi rừng, đi đến Ba La Nại, và vào Ngự Viên. Các Vương Tử nghe tin Ngài đến, liền cùng một đoàn hộ tống đông đảo đi đến Hoa Viên, và phong Sità lên làm chánh Hậu, rồi làm lễ quán đảnh rảy nước Thánh cho cả hai.

Khi cử hành lễ quán đảnh như thế xong, bậc Ðại Sĩ đứng trên chiếc Vương xa lộng lẫy với một đám đông vây quanh tiến vào Kinh Thành, đi diễu quanh một vòng theo hướng bên hữu, rồi ngự lên thượng lầu vĩ đại của cung điện nguy nga Sucandaka kia, Ngài trị nước tại đó rất chân chánh trong mười sáu ngàn năm, và về sau đi lên cộng trú cùng hội chúng của Chư Thiên.

Vần kệ này từ trí tuệ tối thắng giải thích phần kết thúc câu chuyện:

Trăm năm nhân với sáu mươi lần,

Một vạn năm thêm, chuyện kể rằng

Dũng sĩ Rà ma lên ngự trị,

Cổ Ngài ba ngấn, hạnh phúc tràn.

Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt pháp thoại này, Ngài tuyên thuyết các sự thật. Bấy giờ, lúc kết thúc các sự thật, người địa chủ đã được an trú vào Sơ Quả Dự Lưu.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Thời ấy, Vua Suddhodana là Vua Dasaratha, Hoàng Hậu Mahàmayà là mẫu hậu, mẹ của Ràhula là Sità, Ànanda là Bharata và ta chính là Hiền Giả Ràma.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần