Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Một - Phẩm Mười một Bài Kệ - Chuyện Vua Thiện Lai Tiền Thân Udaya

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI MỘT  

PHẨM MƯỜI MỘT BÀI KỆ  

CHUYỆN VUA THIỆN LAI

TIỀN THÂN UDAYA  

Dung sắc nàng trong sáng, vẹn toàn. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỳ Kheo thối thất. Trường hợp này sẽ được giải thích trong Tiền Thân Kusa.

Bậc Ðạo Sư hỏi người này: Này Tỳ Kheo, có đúng là ông thối thất như Tăng Chúng bảo chăng?

Người ấy đáp: Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Ngài nói: Này Tỳ Kheo, tại sao ông lại thối thất trong giáo pháp như giáo pháp của ta đưa đến giải thoát, mà tất cả chỉ vì tham dục?

Các bậc Trí nhân ngày xưa, từng làm Vua tại Surundha, một Kinh Thành phồn thịnh rộng mười hai dặm mỗi bề, dù suốt cả bảy trăm năm sống cùng phòng với một nữ nhân diễm lệ như Thiên Nữ, cũng không hề bị lôi cuốn vào dục vọng, thậm chí cũng chẳng bao giờ đưa mắt nhìn nàng với lòng ham muốn cả. Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

Một thuở nọ, khi Vua Kàsi đang trị vì Quốc Độ Kàsi, ỏ Kinh Thành Surundha, Ngài không có con cái gì cả. Vì thế Ngài ra lệnh cho các Vương Phi cầu tự.

Bấy giờ Bồ Tát từ Cõi Phạm Thiên xuống nhập vào mẫu thai của chánh Hậu. Và do Ngài sinh ra đời làm vui lòng đại chúng nên được đặt tên là Udayabhadda, tức Thiện Lai.

Vào lúc Vương nhi biết đi chập chững, thì một người khác xuất hiện ở đời này từ cõi Phạm Thiên xuống nhập mẫu thai làm Công Chúa của một bà Vương Phi khác và nàng cũng được đặt cùng tên ấy Udayabhaddà.

Khi Thái Tử đến tuổi trưởng thành, chàng tinh thông mọi ngành học thuật, và hơn nữa, chàng trong sáng đến độ chàng không biết gì về các hành động xác thịt, ngay cả trong các giấc mơ, tâm chàng cũng không hướng đến ác dục.

Vua cha ước mong chàng cũng không lên ngôi báu với lễ quán đảnh phong Vương huy hoàng, và muốn diễn kịch để chàng giải trí, nên Ngài ra lệnh ngay.

Nhưng Bồ Tát đáp: Con không thiết ngai vàng, lòng con không hướng về ác dục.

Chàng cứ bị nài ép mãi, nhưng chàng đáp lại bằng cách bảo tạc một tượng nữ nhân bằng vàng ròng, rồi trình lên song thân với lời tâu: Khi nào hoàng nhi tìm được một nữ nhân như vậy, hoàng nhi sẽ nhận ngôi báu. Quần Thần đem bức tượng vàng đi khắp cõi Diêm Phù Đề, nhưng họ không tìm ra nữ nhân nào giống như vậy cả, cuối cùng họ trang điểm cho nàng Udayabhadà thật lộng lẫy rồi đưa nàng ra so với bức tượng, dung sắc nàng còn vượt xa khi nàng đứng cạnh nó.

Thế là Quần Thần đem gả nàng cho Bồ Tát làm Vương Phi, dù cả hai vị đều không muốn, vì nàng chính là Công Chúa Udayabhaddà, em ruột cùng cha khác mẹ với Ngài, rồi quần thần lại làm lễ quán đảnh phong Vương cho Ngài.

Cả hai vị cùng nhau sống một cuộc đời thanh tịnh, không vướng dục tình. Theo thời gian, khi song thân qua đời, Bồ Tát trị vì Vương Quốc. Hai vị ở chung phòng, nhưng từ bỏ dục vọng, đến độ không bao giờ nhìn nhau với vẻ ham muốn.

Không những thế, hai vị còn ước nguyền rằng, nếu một trong hai vị từ trần trước, thì sẽ trở lại gặp vị kia từ cõi mới tái sinh, để báo tin: Ta đã tái sinh ở nơi kia. 

Thời bấy giờ lúc làm lễ quán đảnh, Bồ Tát sống bảy trăm năm rồi từ trần. Vì không có Vua nào nối ngôi, nên có lệnh của Tiên Đế Udayabhadda ban bố rằng Triều Đình phải lo trị nước. Bồ Tát đã trở thành Sakka Ðế Thích Thiên Chủ trên Cõi Trời Ba Mươi Ba, và do cảnh vinh quang này quá huy hoàng, nên Ngài không nhớ đến đời trước trong vòng bảy ngày.

Thế là sau bảy trăm năm theo ước tính của loài người, Ngài nhớ lại và tự nhủ: Ta muốn trở về gặp Công Chúa Udayabhaddà và sẽ thử lòng nàng bằng vàng bạc quý, rồi rống lên tiếng rống sư tử, ta sẽ thuyết giáo, như thế là ta thành tựu lời nguyện ước xưa. Vào thời ấy, chuyện kể rằng, đời sống con người kéo dài được mười ngàn năm.

Bấy giờ, vào ban đêm cửa cung khóa chặt, quân canh đã được bố trí cẩn mật, và Công Chúa đang ngồi yên lặng một mình trong cung điện nguy nga ở lầu thượng, suy tư về công hạnh của nàng. Lúc ấy, Ðế Thích Thiên Chủ cầm một chiếc dĩa vàng đựng đầy tiền vàng và xuất hiện trong khuê phòng trước mặt nàng, rồi đứng ra một bên.

Ngài bắt đầu ngâm vần kệ thứ nhất với nàng:

Dung sắc nàng trong sáng, vẹn toàn,

Nàng ngồi lầu thượng, dáng cô đơn,

Diễm kiều, trông tựa như Thiên Nữ,

Xin được đêm nay ở với nàng.

Công Chúa đáp lời này qua hai vần kệ sau:

Thành này tường bọc, lũy đào sâu,

Việc đến gần đây khó biết bao,

Trong lúc Tháp cao và lũy rộng,

Canh phòng đoàn kết với cung đao.

Chẳng bầy niên thiếu, bậc anh hùng

Có thế vào đây được dễ dàng,

Hãy nói, việc gì là có sự

Cùng ta gặp gỡ chốn thâm cung?

Sau đó Ðế Thích Thiên Chủ ngâm vần kệ thứ tư:

Ðại quý là ta, hỡi tố nga,

Với nàng, ta xuất hiện bây giờ,

Ban ta ân huệ nàng, nương tử,

Ðây dĩa vàng, xin nhận của ta.

Nghe thế, công chúa liền ngâm vần kệ thứ năm:

Từ thuở Thiện Lai vĩnh biệt trần,

Ta không đòi, dẫu quý hay thần,

Hoặc người ở cạnh, này Thiên Tử,

Ðừng đến nữa đây, chớ ở gần.

Nghe giọng sư tử hống của nàng, Thiên Chủ không còn đứng lại nữa, mà làm ra vẻ giã từ nàng rồi lập tức biến mất.

Hôm sau cũng vào giờ ấy, Ngài cầm cái chén bạc đựng đầy tiền vàng và đến nói với nàng qua vần kệ thứ sáu:

Cực Lạc cùng nhau biết rõ rành,

Hoàn toàn trọn vẹn giữa đôi tình,

Khiến người đời phạm bao điều ác,

Ôi quý nương, nàng chớ vội khinh!

Chén bạc, hãy nhìn, ta kính tặng,

Hỡi nàng, cười mỉm giá khuynh thành.

Lúc ấy công chúa suy nghĩ: Nếu ta cứ để vị kia nói mãi chuyện nhảm nhí, y sẽ đến hoài. Vậy ta không nói gì nữa với y. Thế là nàng không nói thêm lời nào. Ðế Thích Thiên Chủ thấy nàng không có gì để nói nữa, nên biến mất từ chỗ đứng.

Ngày kế tiếp cũng vào giờ ấy, Ngài cầm chén sắt đựng đầy tiền vàng và bảo: Thưa công nương, nếu nàng ban cho ta tình yêu của nàng, ta sẽ tặng nàng chén sắt đầy vàng này.

Khi trông thấy Ngài, Công Chúa ngâm vần kệ thứ bảy:

Nam nhi mong tán tỉnh hồng quần,

Ðem tặng vàng kia cứ mãi tăng,

Cho đến khi nàng chìu thỏa ý,

Nhưng ta xét cách của Thiên Thần

Nơi Ngài khác hẳn: nay Ngài đến,

Tặng vật xem ra cứ giảm dần.

Khi nghe những lời này, bậc Ðại Sĩ đáp: Thưa công nương, ta là một kẻ đi buôn rất thận trọng. Ta không phung phí của cải vô ích đâu. Nếu nàng tăng dần vẻ xuân sắc, ta sẽ tăng số tặng vật cho nàng, nhưng sắc đẹp của nàng đang tàn tạ dần, vì thế ta giảm dần số tặng vật đó thôi.

Nói xong Ngài ngâm ba vần kệ:

Ôi mỹ nhân, xuân sắc tàn phai,

Hỡi nàng thục nữ giữa trần ai,

Hôm nay nàng phải già hơn trước,

Nên số vàng ta tặng giảm hoài.

Vậy thưa nàng nữ chúa huy hoàng,

Trước mắt ta đang ngưỡng mộ nàng,

Trong lúc ngày đêm qua thấm thoắt,

Sắc nàng tươi đẹp sẽ phai tàn.

Song hỡi công nương trí tuyệt trần,

Nếu như nàng thuận ý bằng lòng,

Giữ gìn Thánh đạo và thanh tịnh,

Nàng sẽ luôn kiều diễm bội phần.

Ngay sau đó công chúa ngâm một vần kệ khác:

Chư Thiên chẳng giống các người trần,

Da chẳng già, không thấy nếp nhăn,

Thiên chúng làm sao không thể xác?

Ðiều này, ðại quý nói cho cùng.

Lúc ấy, Thiên Chủ giải thích vấn đề này qua một vần kệ nữa:

Thiên chúng không như người thế gian,

Chẳng già, da chẳng thấy đường nhăn,

Mai đây và mãi về sau nữa,

Thiên lạc vô ngần, mỹ sắc tăng.

Khi nàng nghe nói dung sắc trên Thiên Giới, nàng hỏi con đường lên đó qua một vần kệ khác:

Ðiều gì làm khiếp sợ quần sinh,

Xin hỏi ở đời, đấng hiển linh,

Làm sáng tỏ con đường thiện ấy,

Xin Ngài giải thích thật phân minh

Làm sao đi hướng về Thiên Giới,

Nơi ấy chẳng còn phải hãi kinh.

Kế đó Thiên Chủ giải thích vấn đề trong một vần kệ nữa:

Ai khéo hộ trì khẩu, ý, căn,

Chăng ưa làm ác nghiệp về thân,

Trong nhà ta thấy nhiều lương thực,

Ban phát rộng lòng, tín chánh chân,

Hào phóng, ngọt ngào, đầy thiện ý,

Sẽ sinh Thiên Giới chẳng kinh hoàng.

Khi công chúa nghe lời Ngài xong, nàng cảm tạ Ngài qua một vần kệ khác:

Giống như bà mẹ, giống như cha,

Ðại lực thần đang giáo hóa ta,

Hỡi Ðại Thần oai hùng mỹ diệu,

Ngài là ai đó, nói ngay ra.

Liền đó Bồ Tát ngâm kệ:

Ta chính Thiện Lai, hỡi mỹ nhân,

Vì lời ước hẹn, đến bên nàng,

Giờ đây đã nói, ta từ giã,

Lời hứa ngày xưa hết buộc ràng!

Công chúa thở dài bảo: Ôi Chúa Thượng, Ngài chính là Ðại Vương Udayabhadda ư?

Rồi nàng nức nở khóc, nước mắt tuôn như suối chảy: Vắng bóng Chúa Thượng, thần thiếp không thể nào sống được. Xin Chúa Thượng dạy bảo thần thiếp cách nào thiếp có thể sống cùng Chúa Thượng mãi mãi.

Nói xong nàng lại ngâm kệ khác:

Nếu Ðại Vương là chúa Thiện Lai,

Ðến đây vì nguyện ước, không sai,

Thì xin dạy thiếp, ôi Hoàng Thượng,

Ðể sống cùng nhau mãi mãi hoài.

Tiếp theo Ngài ngâm bốn vần kệ để giáo hóa nàng:

Thoáng chốc, xuân thì vụt quá nhanh,

Ðời không bền vững, mọi loài sinh,

Chết rồi, sống lại đời sau nữa,

Thối nát, thân này thật mỏng manh.

Vậy chớ buông lung cùng phóng dật,

Tiến lên, vững bước, giữ tâm thành.

Nếu cả trần gian, mọi bạc vàng

Thuộc quyền cai trị một anh quân,

Thánh nhân còn vượt xa Vua ấy

Trong cuộc thi đua giữa cõi trần,

Vậy chớ buông lung cùng phóng dật,

Tín tâm giữ vững, bước lên đàng.

Song thân cùng quyến thuộc, anh em,

Và vợ có tiền lại kết duyên,

Tất cả đều ra đi lũ lượt,

Kẻ này xa kẻ khác luân phiên,

Vậy đừng sống cuộc đời buông thả,

Giữ tín tâm bền vững, bước lên.

Thân kia, hãy nhớ, sẽ làm thành

Thực phẩm cho nhiều loại chúng sinh,

Hoan lạc cũng như niềm khổ não

Chỉ là giờ khắc thoáng trôi nhanh,

Ðời này nối tiếp đời sau mãi,

Vậy chớ buông lung, giữ tín thành.

Bậc Ðại Sĩ đã thuyết pháp như vậy.

Công chúa rất hoan hỷ với cách giáo hóa trên, và nàng cảm tạ Ngài với vần kệ cuối cùng:

Thiên Thần này nói ngọt ngào,

Thế nhân thấy rõ ngắn sao cuộc đời,

Ðời buồn, ngắn ngủi thế thôi,

Ði theo đời sống, không rời sầu bi.

Giã từ trần thế, ta đi,

Từ Kinh Đô xứ Ca Thi lên đàng.

Sau khi thuyết giáo như vậy cho nàng xong, Bồ Tát trở lại cõi của Ngài. Ngày kế tiếp, Công Chúa liền giao việc trị nước cho các triều thần, còn nàng trở thành ẩn sĩ ngay trong Kinh Thành ấy, ở hoa viên đầy an lạc. Tại đó, nàng vẫn sống theo chánh hạnh cho đến khi mạng chung, nàng được tái sinh ở Cõi Trời Ba Mươi Ba, làm thị nữ của Bồ Tát.

Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp Thoại này, Ngài thuyết giảng các sự thật. Bấy giờ, lúc kết thúc các sự thật, vị Tỳ Kheo thối thất đã được an trú vào Sơ Quả Dự Lưu.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, thân mẫu La Hầu La là công chúa kia và Ðế Thích Thiên Chủ chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần