Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Năm - Phẩm Hai Mươi - Bài Kệ - Chuyện Long Vương Campeyya Tiền Thân Campeyya

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI NĂM  

PHẨM HAI MƯƠI

BÀI KỆ  

CHUYỆN LONG VƯƠNG CAMPEYYA

TIỀN THÂN CAMPEYYA  

Ai đó như tia chớp sáng bừng. Câu chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về các hạnh nguyện ngày trai giới.

Bậc Ðạo Sư bảo: Lành thay, này các thiện nam tử, các ông đã phát nguyện giữ Trai giới. Nhưng bậc trí xưa kia cũng đã từ bỏ ngay cả vinh quang của một Long Vương và sống theo các giới hạnh này. Sau đó theo lời thỉnh cầu của hội chúng, Ngài kể một chuyện quá khứ.

Một thuở nọ, khi Vua Anga Ưng già trị vì ở Quốc Độ Anga Ưng Già mà Vua Ma Kiệt Đà trị vì ở xứ Magadha Ma Kiệt Đà. Giữa hai Quốc Độ Ưng Già và Ma Kiệt Đà là con sông Campà Chiêm Bà, nơi có loài Rồng rắn Nàga sinh sống, được chúa Rồng Campeyya cầm quyền thống lãnh.

Ðôi khi Vua Ma Kiệt Đà chiếm nước Ưng Già và có khi Vua Ưng Già chiếm Ma Kiệt Đà. Một ngày kia, Vua Ma Kiệt Đà, sau khi lâm chiến với Ưng Già và thất bại, liền leo lên chiến mã đào tẩu, và bị quân sĩ Ưng Già đuổi theo gấp.

Khi Vua đến sông Campà lại đang mùa lũ lụt, nhưng Vua nói: Thà chết chìm trong dòng sông này hơn là chết trong tay kẻ thù của ta! Rồi cả người và ngựa đều nhào xuống dòng sông ấy. Thời bấy giờ Long Vương đã xây dựng cho mình ở dưới nước một ngôi nhà thủy tạ bằng châu ngọc, ngay lúc ấy đang ở giữa triều đãi tiệc say sưa.

Nhưng Vua trên kia cùng chiến mã nhảy xuống sông ngay chính trước mặt chúa Rồng. Rồng chúa ngắm vị Vua lộng lẫy cao sang này, sinh lòng yêu mến, liền đứng lên từ bảo tọa, Rồng chúa mời Vua ngự lên chính ngai vàng của mình, bảo Vua đừng sợ gì cả, rồi hỏi tại sao Vua lại nhảy xuống sông. Vua kể hết mọi sự xảy ra cho Rồng chúa nghe.

Rồng chúa liền bảo: Tâu Ðại Vương, đừng sợ gì cả! Trẫm sẽ làm cho Ðại Vương trở thành bá chủ hai Vương Quốc ấy. Rồng chúa an ủi Vua như vậy và suốt bảy ngày liền tiếp đãi Vua vô cùng trọng thể. Vào ngày thứ bảy, chúa Rồng cùng Vua Ma Kiệt Đà rời Long Cung.

Sau đó nhờ thần lực của Long Vương, Vua Ma Kiệt Đà chiếm lấy Quốc Độ Ưng Già, giết Vua Ưng già rồi thống trị cả hai lãnh thổ ấy. Từ đó trở đi, có mối giao hảo mật thiết giữa Vua và Rồng chúa.

Dần dần Vua truyền lệnh xây một ngôi đình bằng châu báu trên bờ sông Campà, triều cống Rồng chúa đủ lễ vật rất cao sang. Rồng chúa cùng đám tùy tùng đông đảo xuất hiện từ Long Cung lên tiếp nhận lễ triều cống và mọi người được dịp chiêm ngưỡng cảnh vinh quang của Rồng chúa.

Thời ấy, Bồ Tát sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó, Ngài thường đi cùng đám thần dân ấy đến bờ sông. Tại đó khi trông thấy cảnh vinh quang của Rồng chúa, Ngài sinh lòng thèm muốn và Ngài chết đi trong nỗi khát vọng này.

Rồi bảy ngày sau khi Rồng chúa Campeyya ấy từ trần, phần Bồ Tát vì suốt một đời đã sống đầy đức hạnh và chuyên bố thí, nên được tái sinh vào cung điện của Rồng chúa ấy trên Long sàng kia, thân thể Ngài như một chuỗi vũ quý hoa hoa lài vĩ đại. Khi thấy vậy, lòng Ngài tràn ngập niềm hối hận.

Ngài bảo: Ta đã có quyền lực để dành trên sáu cảnh Trời Dục Giới là do kết quả các thiện nghiệp của ta, như hạt thóc tích trữ trong vựa.

Song nay hãy xem đây, ta lại sinh làm thân rồng rắn, vậy ta còn thiết gì đời sống nữa?

Và vì thế Ngài có ý định kết liễu cuộc đời mình.

Nhưng có một Long Nữ tên là Sumanà, trông thấy Ngài liền báo tin cho cả loài biết: Vị này ắt hẳn là Ðế Thích Thiên Chủ đầy uy lực vừa ra đời tại đây với chúng ta!

Sau đó, Long chúng cùng đi đến dâng lễ vật cho Ngài với đủ loại đàn ca múa hát. Long Cung của Ngài chẳng khác nào cung của Thiên Chủ, nên Ngài không còn nghĩ đến chuyện chết nữa, Ngài trút bỏ hình tướng Rồng và ngự lên bảo tọa, lộng lẫy xiêm y cùng ngọc vàng trang điểm.

Từ đó về sau, cảnh vinh quang của Ngài thật vĩ đại, Ngài thấy hối tiếc ăn năn thầm nghĩ: Ta còn ham thích gì cái thân Rồng rắn này nữa?

Ta muốn sống theo các hạnh nguyện Trai giới, ta muốn thoát thân khỏi nơi này, ta sẽ ra đi đến giữa loài người, học hỏi các chân lý và chấm dứt khổ đau.

Nhưng sau đó Ngài vẫn ở lại trong cung điện ấy, và thành tựu các hạnh nguyện trai giới, rồi khi các Long Nữ trang điểm rực rỡ đến vây quanh Ngài, Ngài lại thường vi phạm giới đức.

Về sau, Ngài rời bỏ cung điện đi vào Ngự Viên, nhưng bọn chúng theo Ngài đến đó, và hạnh nguyện của Ngài cũng bị phá bỏ như trước kia.

Ngài liền suy nghĩ: Ta phải rời cung này, đi vào Thế Giới loài người, và tại đó, ta phải sống theo đúng hạnh nguyện của Trai giới. Vì thế vào ngày Trai giới, Ngài rời cung điện ra đi, vào nằm trên nóc tổ kiến cạnh đường cái, không xa một thôn làng biên địa.

Ngài nói: Ai muốn lấy da thịt ta, thì cứ lấy, hoặc có ai muốn bắt ta làm trò con Rồng nhảy múa thì cứ bắt ta đi. Như vậy Ngài đã chịu xả thân ra bố thí, nên vừa thu gọn chiếc mồng lại, Ngài vừa nằm đó hành trì hạnh nguyện Trai giới.

Nhiều người qua lại trên đường cái trông thấy Ngài, liền cúng dường Ngài đủ hương hoa thơm ngát. Và dân chúng trong thôn làng biên địa kia xem Ngài là Rồng chúa đại oai lực, nên dựng một ngôi đình trên chỗ Ngài nằm, rải cát trước đó và cúng dường chiêm bái đủ thứ hương liệu, nước hoa.

Bấy giờ, dân chúng bắt đầu cầu tự nhờ Ngài giúp sức, nên có lòng tín ngưỡng bậc Ðại Sĩ và sùng kính tôn thờ Ngài. Tại đó bậc Ðại Sĩ giữ hạnh nguyện vào các ngày mười bốn, rằm giữa tháng, an tọa trên tổ kiến, rồi đến ngày mồng một âm lịch, Ngài lại về Long Cung, và cứ như vậy Ngài giữ tròn hạnh nguyện theo thời gian.

Một hôm Vương phi Sumanà thưa với Ngài: Tâu Chúa Thượng, Ngài ra đi đến cõi nhân gian để giữ hạnh nguyện trai giới, song nhân thế đầy nguy hiểm kinh hoàng. Giả sử có mối nguy cơ nào xảy ra cho Chúa Thượng, thì nay Ngài hãy bảo cho thần thiếp biết nhờ dấu hiệu gì để nhận ra việc ấy.

Sau đó Ngài dẫn Vương phi đến bên một hồ nước an toàn và bảo: Nếu có ai đánh ta hay làm ta bị thương, thì nước hồ sẽ vẩn đục lên. Còn nếu có con chim đại bàng nào tha ta đi, thì nước hồ sẽ biến mất, nếu có kẻ bỏ bùa bắt rắn nào tóm được ta thì hồ sẽ đổi thành màu máu.

Sau khi giải thích ba dấu hiệu này cho Vương phi, Ngài rời cung điện ra đi, giữ hạnh nguyện trai giới trong ngày mười bốn, đến nằm trên tổ kiến, ánh sáng trên thân Ngài tỏa rực rỡ khắp chỗ đó. Toàn thân Ngài trắng ngần, như một cuộn dây toàn bạc, đầu Ngài như một cuộn len đỏ.

Trong Tiền Thân này, thân thể Bồ Tát to bằng cái đầu lưỡi cày, còn trong Tiền Thân Bhuridatta, tập bảy Ngài lớn bằng bắp đùi, và trong Tiền Thân Sankhapàla tập sáu thân Ngài tròn trịa như chiếc xuồng dài có móc chèo.

Thời ấy có một thanh niên Bà La Môn ở Ba La Nại đến Takkasilà học tập dưới sự dạy bảo của một vị Giáo Sĩ lừng danh Thế Giới, nhờ vị này chàng ta học được bùa chú sai khiến mọi loài Hữu Tình. Khi về nhà theo đường cái ấy, chàng chẳng thấy gì ngoài bậc Ðạo Sĩ.

Chàng suy nghĩ: Ta sẽ bắt con Rồng này và sẽ du hành khắp thôn làng thị trấn, Kinh Thành, bắt nó nhảy múa và tha hồ kiếm lợi lớn. Sau đó chàng lấy thứ cỏ thuốc linh dược, đọc Thần Chú và đến gần Rồng chúa. Vừa nghe tiếng niệm chú này, tức thì bậc Ðại Sĩ cảm thấy hai lỗ tai như bị củi đốt cháy đâm thủng, đầu Ngài như thể vỡ ra vì bị kiếm đâm vào.

Ngài suy nghĩ: Ta gặp chuyện gì đây?

Rồi ló đầu ra khỏi chiếc mồng, Ngài trông thấy người bỏ bùa bắt rắn ấy.

Ngài liền suy nghĩ: Nọc độc của ta cực kỳ mãnh liệt, nếu ta nổi giận và phì hơi độc từ lỗ mũi ra thì thân nó sẽ tan nát ra như một nắm trấu vậy, và thế là công đức của ta sẽ bị tiêu diệt hết, nên ta không muốn nhìn nó. Ngài vừa nhắm mắt lại vừa thụt đầu vào trong chiếc mồng.

Người Bà La Môn bỏ bùa rắn kia nhai một cây cỏ thuốc, niệm chú rồi nhỏ lên mình Ngài: Nhờ công hiệu cỏ thuốc và bùa chú nên nơi nào có nước miếng của người đó dính vào thì các mụn mủ nổi lên. Sau đó chàng ta nắm lấy được Ngài ra. Chàng ta lấy chiếc gậy hình chân dê thúc ép Ngài cho đến lúc Ngài yếu sức, rồi nắm chặt phần đầu Ngài mà chà xuống.

Bậc Ðại Sĩ há mồm ra, chàng nhỏ nước miếng vào, nhờ công hiệu cỏ thuốc và bùa chú, răng Ngài gãy tan hết, chiếc mồm đầy cả máu. Song bậc Ðại Sĩ sợ phải phá hủy công đức của Ngài, nên Ngài chịu mọi khổ hình này và không hề mở mắt ra đủ để liếc nhìn gã.

Sau đó chàng nói: Ta sẽ làm Rồng chúa này yếu đi!

Chàng ép chặt thân Rồng chúa từ đầu chí đuôi như thể chàng muốn chà nát xương Ngài thành bột!

Rồi chàng gói Ngài trong thứ thường được gọi là mảnh vải cuộn, thắt thêm một vật gọi là dây thừng rồi nắm đuôi Ngài và đấm đá. Thân thể của bậc Ðại Sĩ bê bết máu, và Ngài đau đớn vô cùng. Khi thấy chúa Rồng này đã yếu sức, chàng làm cái thúng bằng cây liễu gai để đặt Rồng chúa vào.

Sau đó chàng đem Ngài vào làng xóm, bắt Ngài làm trò cho dân chúng. Dù phải hóa thành màu xanh, đen hay màu gì khác nữa, biến ra hình tròn vuông lớn nhỏ ra sao, hễ chàng Bà La Môn muốn gì, bậc Ðại Sĩ đều làm cả, vừa nhảy múa, giương mồng quay tít thành thiên hình vạn trạng.

Dân chúng quá thích thú nên cho thật nhiều tiền. Trong một ngày chàng đã kiếm được cả ngàn đồng ru pi và nhiều trò đáng giá cả ngàn đồng khác nữa.

Lúc đầu chàng dự định thả Ngài ra khi đã kiếm được một ngàn đồng, nhưng khi được rồi, chàng lại nghĩ: Trong một làng biên địa mà ta đã kiếm được chừng này, nếu gặp Vua quan thì ta còn mong được biết bao nhiêu của cải nữa. Thế là chàng mua một chiếc xe bò và một chiếc xe du ngoạn, trong xe bò, chàng chất đầy hàng hóa, còn chàng ngồi xe kia.

Như vậy cùng với một đoàn tùy tùng hầu cận, chàng đi qua thôn làng thị trấn, bắt bậc Ðại Sĩ làm trò, và tiếp tục du hành với ý định trình diện Ngài trước Vua Uggasena ở Ba La Nại rồi mới thả Ngài đi.

Chàng ta thường giết ếch nhái và đem cho Rồng chúa nhưng Rồng từ chối mỗi khi chàng ta đưa vậy, để không một sinh vật nào bị chàng ta giết vì Ngài nữa. Sau đó chàng ta đem mật và bắp rang cho Ngài.

Nhưng Ngài cũng không chịu ăn, vì Ngài nghĩ: Nếu ta ăn gì thì ta sẽ ở trong giỏ này cho đến chết. Suốt một tháng, người Bà La Môn đến ở Ba La Nại. Tại đó chàng kiếm được nhiều tiền nhờ bảo Rồng chúa diễn trò trong các thôn làng ngoài cổng thành. Vua cho triệu chàng vào và ra lệnh diễn trò.

Chàng hứa sẽ làm vào ngày hôm sau, là ngày cuối trong mỗi nửa tháng. Sau đó Vua bảo đánh trống khắp Kinh Thành, bố cáo ngày mai sẽ có một Rồng chúa nhảy múa trong sân chầu, vậy dân chúng được phép tụ tập để xem thật đông. Hôm sau sân chầu được trang hoàng, và người Bà La Môn được triệu vào.

Chàng mang bậc Ðại Sĩ trong cái thúng và có dát ngọc vàng, trên một tấm thảm rực rỡ, chàng đặt thúng xuống và Vua an tọa trên ngai vàng giữa thần dân chật ních vây quanh. Người Bà La Môn bắt bậc Ðại Sĩ ra và bảo nhảy múa.

Dân chúng không thể nào ngồi yên được: Hàng ngàn chiếc khăn quăng tung vẫy giữa không gian. Bảy loại châu báu rớt xuống như mưa quanh Bồ Tát. Từ khi Long Vương bị bắt đến nay đã một tháng tròn và suốt thời gian ấy Ngài chẳng ăn uống gì cả.

Bây giờ Vương phi Sumanà bắt đầu suy nghĩ: Phu quân yêu quý của ta đã ở nán lại trên đó lâu rồi.

Cả tháng này Ngài chưa trở về chắc có việc gì chăng?

Vì thế nàng bước ra xem mặt nước hồ: Kìa, nước đỏ như máu! Thế là nàng biết chắc hẳn Ngài đã bị hành hạ, và nàng khóc than. Sau đó nàng vào ngôi làng biên địa kia để hỏi thăm và khi biết hết mọi sự, nàng đi thẳng đến Ba La Nại và ngay giữa quần chúng trên khoảng không của chính sân chầu, nàng cứ đứng than khóc mãi. Trong lúc bậc Ðại Sĩ nhảy múa, Ngài chợt nhìn lên không và thấy nàng, Ngài hổ thẹn, bò ngay vào thúng nằm yên.

Khi Ngài bò vào thúng, Vua kêu lớn: Sao có gì thế này?

Nhìn quanh quẩn đâu đó, Ngài thấy Long Nữ đứng ở trên không liền ngâm vần kệ:

Ai đó như tia chớp sáng bừng,

Hay vầng tinh tú tỏa hào quang,

Tu La Thần nữ hay Thiên Nữ?

Ta chắc nàng không phải thế nhân?

Sau đây câu chuyện giữa hai vị qua các vần kệ:

Long Nữ:

Chẳng là Thiên Nữ, Tu La Thần,

Cũng chẳng loài người, tấu Ðại Quân,

Tiện thiếp chính là Long Nữ đó,

Ðến đây vì có việc cầu ân.

Ðức Vua:

Nàng tỏ ra hờn giận, bất bằng,

Mắt nàng mưa lệ cứ tuôn tràn,

Việc gì, ước vọng nào đưa đến,

Hãy nói, ta mong biết, hỡi nàng!

Long Nữ:

Rắn rồng bò, tựa lửa hung hăng!

Chúng vẫn gọi Ngài thế, bỗng dưng

Gã bắt Ngài đi vì hám lợi,

Thiếp cầu Chúa Thượng thả Long Quân!

Ðức Vua:

Vì sao kẻ ốm đói như vậy

Bắt được Rồng kia mãnh lực đầy?

Long Nữ, xin nàng cho trẫm biết,

Làm sao đánh giá đúng Rồng này?

Long Nữ:

Thần lực Ngài, ngay cả thị thành,

Ngài thiêu ra đống bụi tan tành,

Song Ngài yêu chuộng đường thanh tịnh,

Khổ hạnh đi tìm lại chính danh.

Sau đó Vua hỏi bằng cách nào chàng kia bắt được Ngài, nàng đáp qua vần kệ sau:

Vào ngày trai giới, Đấng Long Vương

Bốn pháp hành trì hạnh Thánh Nhân,

Gã múa rối kia tìm bắt được,

Xin Ngài vì thiếp, cứu lang quân!

Sau những lời trên, nàng lại ngâm hai vần kệ khác xin giải thoát cho Ngài:

Mười sáu ngàn kìa đám nữ nhân,

Rỡ ràng vòng ngọc với kim ngân,

Dưới dòng nước đã tôn Rồng thánh

Là chúa tể cho chúng ẩn thân.

Ðại Vương, mong rộng lượng, công bằng,

Xin chuộc Long Vương được thoát thân

Bằng một làng, trăm bò cái chẵn,

Thêm vàng, đem phước báo Quân Vương.

Ðức Vua liền ngâm tiếp ba vần kệ:

Này xem ta chánh đáng, hào hoa,

Ta chuộc cho Rồng chúa được tha

Bằng một làng, trăm bò cái chẵn,

Thêm vàng, đem phước báo cho ta!

Rồi trẫm tặng chàng vòng ngọc tai,

Với vàng trăm lượng chẳng hề sai,

Tọa sàng xinh đẹp như hoa gấm,

Gối nệm nằm chen bốn dãy dài.

Bò đực, cùng bò cái một trăm,

Và hai người vợ cũng chung dòng,

Xin tha Rồng chúa đầy thanh tịnh,

Việc ấy sẽ đem lắm phước phần.

Nghe vậy, người bắt rắn đáp lời:

Thần không cầu thưởng, tấu Anh quân,

Mà để chúa Rồng được thoát thân,

Như vậy, nay thần xin giải phóng:

Việc này sẽ tạo lắm hồng ân.

Sau lời này, chàng ta đem bậc Ðại Sĩ ra khỏi thúng.

Long Vương từ từ bò ra, tiến vào trong một cái hoa, tại đó Ngài trút bỏ xác cũ và hiện hình một nam tử phục sức cực kỳ lộng lẫy: Ngài đứng sừng sững, chẳng khác nào Ngài vừa rẽ mặt đất ra và bước lên. Còn nàng Long Nữ Sumanà từ trên Trời giáng xuống đứng cạnh Ngài. Vị Rồng chúa đứng chấp tay tỏ vẻ tôn trọng Vua lắm.

Ðể giải thích việc này, bậc Ðạo Sư ngâm hai vần kệ:

Tự do, Rồng chúa xứ Cam pa

Liền nói như vậy với Đức Vua:

Chúa tể Kàsi nuôi Quốc Độ!

Cầu Ngài vinh hiển tự bây giờ

Thần xin đảnh lễ Ngài cung kính,

Trước lúc trở về viếng cố gia!

Ðức Vua:

Ðời thường nói các Đấng Siêu Phàm

Khó được lòng tin ở thế gian

Ví thử chúa Rồng nay nói thật:

Long Cung đâu?

Hãy chỉ ngay đàng!

Nhưng bậc Ðại Sĩ muốn Vua tin tưởng, liền thề nguyền như sau qua hai vần kệ:

Dù gió thổi tung cả núi đồi,

Mặt Trời, trăng rớt khỏi bầu Trời,

Suối sông, xoáy ngược dòng đang cháy,

Chúa Thượng, thần không thể dối

Ví Trời nứt nẻ, hải dương khô,

Ðất mẹ bao la vỡ vụn ra,

Dù núi Tu Di rung bật gốc,

Ðại Vương, thần chẳng dối bao giờ!

Dù có lời cam đoan như vậy, Vua vẫn chưa tin bậc Ðại Sĩ và bảo:

Ðời thường nói các Đấng Siêu Phàm

Khó được lòng tin ở thế gian,

Ví thử chúa Rồng nay nói thật,

Long Cung đâu, hãy chỉ ngay đàng!

Một lần nữa Vua ngâm vần kệ trên và thêm: Ngài phải biết ơn ta về các hành động tốt ta đã làm cho Ngài đấy. Tuy nhiên ta có tin Ngài chân chánh hay không, thì việc ấy tùy ta định đoạt.

Vua nói rõ điều này qua vần kệ:

 Ngài đầy nọc độc, đủ quyền năng,

Chiếu sáng rực Trời, chóng nổi sân,

Ngài bị giam, nhờ ta giải thoát,

Quyền ta là phải được tri ân!

Bậc Ðại Sĩ liền thề nguyền như vậy để Vua tin tưởng:

Kẻ nào không muốn đáp ân tình,

Sẽ chẳng làm sao hưởng phước lành,

Kẻ đó bỏ mình trong rọ nhốt!

Chịu thiêu trong ngục tối hồn Kinh!

Bấy giờ Vua mới tin Ngài và cảm ơn Ngài như vậy:

Ngài nguyện lời kia quả thật chân,

Giận hờn tan biến, tránh thù hằn:

Như ta tránh lửa trong mùa hạ,

Mong điểu Vương xa lánh chúa Rồng!

Phần Ngài, bậc Ðại Sĩ cũng ngâm kệ nữa để cảm tạ Vua:

Như mẹ hiền kia muốn bố ân

Cho con độc nhất quý vô ngần,

Ðại Vương nhân ái cùng Rồng rắn,

Xin phụng sự Vua, mỗi chúng thần.

Bấy giờ Vua ước ao đi viếng cảnh giới loài Rồng, nên truyền lệnh cho quân sĩ chuẩn bị sẵn sàng lên đường qua vần kệ:

Ðoàn Vương xa, hãy thắng yên cương,

Ðứng sẵn bầy la khéo luyện thuần,

Vương tượng cân đai vàng chói lọi,

Ta cùng đi viếng xứ Long Vương.

Sau đây là vần kệ phát xuất từ trí tuệ Tối thắng của Đức Phật:

Trống con, trống lớn, đánh thì thùng,

Chũm chọe, tù và thổi dậy rân,

Kìa ngắm Ugga Vương ngự đến

Huy hoàng hiện giữa đám cung tần.

Vào lúc Vua rời Kinh Thành, bậc Ðại Sĩ dùng thần lực khiến cảnh giới Long Vương xuất hiện với một bức tường thành bao quanh làm bằng bảy loại châu báu, cùng các Tháp canh tại cổng thành, Ngài hóa phép cho các con đường dẫn đến Long Cung đều được trang hoàng rực rỡ.

Theo đường này, Vua cùng đám tùy tùng bước vào cung và trông thấy một khung cảnh đầy kỳ thú với nhiều lâu đài nguy nga lộng lẫy cao sang.

Ðể giải thích việc này, bậc Ðạo Sư ngâm kệ:

 Chúa tể Kàsi thấy đất bằng

Nơi nơi rải khắp cát như vàng,

Hoa san hô đẹp trồng quanh chốn,

Ðỉnh tháp bằng vàng ở tứ phương.

Sau đó, Ðại Vương lại đặt chân

Ngự vào đại sảnh của Long Thần

Tựa thiên lôi chủy đồng lóe sáng,

Hay cả vầng hồng tỏa ánh quang.

 Vào đến Campey đại sảnh đường,

Vừa dời gót ngọc, Đấng Quân Vương:

Ngàn cây đổ bóng che im mát,

Không khí ngàn mùi tỏa diệu hương.

Bên trong cung điện chúa Campey,

Ðại đế vừa khi ngự đến đây,

Ðàn trổi khúc Thần Tiên tuyệt diệu,

Yêu kiều Long Nữ múa như bay!

Ngài được mời lên bảo tọa vàng

Nệm êm ái sực nức Chiên Đàn,

Cả đoàn kiều nữ khoan thai lướt

Khắp sảnh đường theo gót rộn ràng.

Vừa khi Vua an tọa tại đó, quân hầu đã dâng lên đủ thức cao lương mỹ vị Thần Tiên, họ cũng đem các thứ này mời mười sáu ngàn Long Nữ kia và toàn thể hội chúng ấy. Suốt bảy ngày, Vua cùng đám tùy tùng thọ hưởng các thực phẩm thần tiên cùng mọi lạc thú khác.

Vừa ngự trên bảo tọa, Vua vừa ca ngợi cảnh vinh quang của bậc Ðại Sĩ: Này Long Vương Vua hỏi tại sao Ngài bỏ mọi cảnh huy hoàng này để đi nằm trên tổ kiến giữa cảnh trần thế của con người và hành trì ngày trai giới vậy?

Bậc Ðại Sĩ liền đáp lại Vua.

Ðể giải thích sự việc này, bậc Ðạo Sư ngâm kệ:

Chốn kia, Vua hưởng thú vui tràn,

Rồi tới Cam pey chúa, hỏi han:

Cung điện Ngài đây vinh hiển quá,

Hồng như vầng nhật tỏa hào quang,

Trên trần không chốn nào như vậy,

Vì cớ sao Ngài muốn ẩn thân?

Ðứng đây toàn tuyệt sắc giai nhân

Cầm lấy bằng đầu ngón búp măng

Chén rượu trong bàn tay ửng đỏ,

Ðai vàng ôm sát ngực và thân,

Tại sao Ngài muốn làm Tu Sĩ,

Chẳng thấy cảnh kia ở cõi trần?

Suối, sông, hồ cá đẹp, trong ngần,

Ðều có bến xây bậc vững vàng

Trên trần chẳng chốn nào như thế,

Vì cớ sao Ngài muốn ẩn thân?

Ðàn công, sếu hạc, với thiên nga,

Bao vẻ mê hồn cu gáy ca,

Vì cớ sao Ngài làm Ẩn Sĩ,

Trên đời đâu thấy cảnh kia mà?

Ðây trồng Tilak, đó xoài, sal,

Hoa quế, hoa chuông nở rộ tràn,

Chẳng thấy cảnh này nơi địa giới,

Sao Ngài làm Ẩn Sĩ trần gian?

Nhìn các hồ kia, gió thoảng đưa,

Hương Thần Tiên tỏa khắp đôi bờ,

Cảnh này không thấy trên trần giới,

Vì cớ sao Ngài muốn ẩn cư?

Long Vương:

Chẳng vì thọ mạng, của hay con,

Ta phấn đấu vậy với bản thân,

Nếu được, chính lòng ta ước nguyện,

Tái sinh làm một kẻ phàm nhân.

Vua lại nói:

Phục sức cao sang, mắt đỏ ngầu,

Rộng vai và nhẵn nhụi đầu râu,

Chiên đàn tẩm ướt, như Thiên Đế

Phán bảo toàn dân chúng địa cầu.

Lực thần vĩ đại thật hùng oai,

Làm chủ quyền mơ ước mọi loài,

Rồng chúa, xin vui lòng giải đáp,

Vì sao địa giới vượt Long đài?

Câu hỏi này được Rồng chúa đáp lại như sau:

Thanh tịnh, điều thân, chỉ đạt thành

Khi người ta sống giữa quần sinh,

Nếu làm người, chẳng bao giờ nữa

Ta thấy tử sinh đến với mình.

Vua lắng nghe và đáp kệ này:

Quả thật là chân chánh thiện tâm

Tôn sùng bậc trí tuệ uyên thâm

Tầm tư siêu việt thường sinh khởi.

Khi trẫm nay chiêm ngưỡng chúa Rồng,

Cùng với cả đoàn Long Nữ ấy,

Trẫm mong làm thiện nghiệp muôn phần.

Long Vương bảo Ngài:

Quả thật là chân chánh thiện tâm

Tôn sùng bậc trí tuệ uyên thâm

Tầm tư siêu việt thường sinh khởi.

Khi Ðại Vương nhìn thấy tiểu quân,

Cùng với cả đoàn Long Nữ ấy,

Ngài mong thành thiện nghiệp muôn phần.

Sau buổi đàm đạo ấy, Vua Uggasena muốn ra đi, liền tạ từ Ngài và bảo: Này Long Vương, trẫm ở lại đây đã lâu rồi, nay trẫm cần phải ra về.

Bậc Ðại Sĩ liền chỉ các kho báu cho Vua xem, vừa tặng bất cứ thứ gì Vua muốn lấy, Ngài vừa ngâm kệ:

Vàng thoi bỏ đó, kể không cùng,

Bạc chất như cây cả mấy tầng,

Ngài lấy mà xây tường đá bạc,

Ðem về dựng gác ngọc lầu vàng.

Ta đoán năm ngàn xe ngọc trai,

San hô chen giữa ửng hồng tươi,

Lấy đi để trải đầy cung điện

Chẳng thấy đất dơ lộ phía ngoài.

Ðại Vương! Hãy dựng một cung đình,

Như tiểu quân nay muốn tấu trình,

Tại đó xin Ngài lên ngự trị,

Thành Ba La Nại sẽ phồn vinh:

Mong Ngài cai trị dân hiền đức,

Và trị nước nhà thật xứng danh.

Vua chấp thuận lời đề nghị này.

Sau đó bậc Ðại Sĩ ban lời bố cáo khắp Kinh Thành bằng tiếng trống lệnh: Hãy để cho đám tùy tùng của Đức Vua từ nhân giới lấy đem về bất cứ món gì trong các kho báu của ta, cả vàng ròng nữa như ý muốn. Rồi Ngài truyền đưa bảo vật đến tặng Vua chất đầy hàng trăm cỗ xe.

Xong xuôi, Vua giã từ cảnh giới Long Vương trong muôn vẻ huy hoàng trọng thể và trở về thành Ba La Nại. Từ đó về sau, tục truyền rằng đất được lát vàng khắp cả xứ Diêm Phù Đề Ấn Ðộ.

Khi pháp thoại này chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo: Như vậy các bậc trí ngày xưa đã từ giã cảnh vinh quang trong Thế Giới loài Rồng để hành trì ngày trai giới.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy Devadatta Đề Bà Đạt Đa là người nhử rắn, mẹ của Ràhula La Hầu La là nàng Sumanà, Sàriputta Xá Lợi Phất là Vua Uggasena và ta chính là Long Vương Campeyya.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần