Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Sáu - Phẩm Ba Mươi Bài Kệ - Chuyện Nam Tử Sambhava Tiền Thân Sambhava

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI SÁU  

PHẨM BA MƯƠI BÀI KỆ  

CHUYỆN NAM TỬ SAMBHAVA

TIỀN THÂN SAMBHAVA  

Trẫm chẳng màng ngôi vị Đế Vương. Trong lúc trú tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể lại câu chuyện này liên quan đến sự viên mãn của trí tuệ tối thắng.

Các chi tiết đưa đến phần mở đầu câu chuyện sẽ được nêu ra trong Tiền Thân Mahà Ummagga Ðường Hầm lớn, Chương hai mươi hai, tập bảy.

Ngày xưa có vị Vua Danh Hiệu Dhananjaya Korabya trị vì tại Kinh Đô Indapatta ở Quốc Độ Kuru Câu lâu. Một Bà La Môn tên Sucìrata là Tế Sư cùng là Quốc Sư của Ngài trong mọi vấn đề Thánh sự.

Nhà Vua cai trị rất đúng pháp, thực hành bố thí cùng nhiều thiện sự khác. Một ngày kia Ngài chuẩn bị một câu hỏi liên quan việc phụng sự Chân lý, nên sau khi mời Bà La Môn Sucìrata an tọa xong, và cung kính đảnh lễ vị ấy.

Ngài đưa vấn đề ra hỏi bằng cách ngâm bốn vần kệ:

Trẫm chẳng màng ngôi vị Đế Vương,

Su cì, và thống trị giang sơn,

Vì mong trẫm đạt thành cao cả,

Ngự trị khắp toàn cõi thế gian.

Bằng Chánh chân thôi, tránh lỗi lầm,

Bởi vì tất cả đấng quân Vương,

Ở trên trần thế cần theo đúng

Bất cứ điều chân chánh thiện lương.

Do đó ta xa lánh lỗi lầm

Ðời này và mãi mãi ngàn năm

Ta cầu mong được danh vinh hiển

Ở giữa Chư Thiên lẫn thế nhân.

Này hỡi Tế Sư, hãy biết rằng

Những gì chân thiện, trẫm mong làm,

Vậy khi được hỏi, xin cho biết

Những việc làm nào đúng thiện chân.

Lúc bấy giờ, đó là cả vấn đề cao siêu thuộc phạm vi tri kiến của một vị Phật. Ðó là vấn đề ta phải đem ra thưa trình lên Đức Phật Chánh Ðẳng Chánh Giác, hoặc nếu không có Ngài, thì ta phải trình với một vị Bồ Tát đang mong cầu quả vị Chánh Ðẳng Chánh Giác kia. Còn Sucìrata không phải là một vị Bồ Tát nên không lý giải được vấn đề.

Vì thế ông chẳng hề làm ra vẻ thông thái, mà đành thú nhận sự bất tài của mình qua vần kệ sau:

Khải tấu Đại Vương, chẳng có ai

Ngoài Vidhu ấy đủ thiên tài,

Nói điều kỳ diệu là chân thiện,

Chúa thượng hằng mong thực hiện hoài.

Nhà Vua nghe lời này, liền phán:

Vậy Tôn Giả hãy đi ngay.

Và Vua ban một tặng vật để vị Tế Sư đem theo và trong niềm mong mỏi ông lên đường, Ngài ngâm vần kệ:

Hiền hữu, đi ngay lấy phiến vàng

Ðến Vidhu ấy, trẫm nhờ mang

Tặng phần xứng trí nhân ưu tú

Dạy trẫm điều chân thiện tỏ tường.

Nói xong Ngài cho ông một phiến vàng đáng giá một trăm ngàn đồng tiền dùng để viết lời giải đáp vấn đề lên trên đó, một xe ngựa để đi đường, một đạo binh hộ tống, một tặng vật và bảo ông đi ngay.

Khởi hành từ thành Indapatta, ông không đi thẳng Ba La Nại, trước tiên đến thăm nhiều nơi chốn các Bậc Hiền Nhân cư ngụ, vẫn không thấy ai có thể giải đáp vấn đề được, ông đi dần đến Ba La Nại.

Trong khi nghỉ tại đó, cùng vài người tùy tùng đến nhà Vidhura vào giờ ăn sáng, sau khi nhờ thông báo việc đến yết kiến, ông được mời vào và thấy Tế Sư Vidhura đang dùng điểm tâm tại nhà riêng.

Bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ thứ bảy để giải thích sự việc này:

Bhàrad vội vã tiến lên đàng

Ðến gặp Vidhu, thấy bạn vàng

Ngồi tại nhà riêng, sắp sửa dự

Bữa cơm thanh đạm sáng tinh sương.

Lúc bấy giờ Vidhura là bạn thiếu thời của Sucìrata, đã học chung tại nhà một vị Giáo Sư, nên sau khi cùng ăn điểm tâm với nhau, Tế Sư Sucìrata an tọa, và được Tế Sư Vidhura hỏi:

Hiền hữu đến đây có việc gì?

Tế Sư Sucìrata nêu rõ lý do đến đây và ngâm vần kệ thứ tám:

Ðến vì thánh chỉ chúa Câu Lâu

Dòng dõi Yudhi, hiện thỉnh cầu,

Hiền hữu, Vidhu, cho đệ biết

Thiện lương, chân chánh phải là đâu.

Lúc bấy giờ, vị Bà La Môn này đang đeo đuổi công việc sưu tập các dòng tư tưởng của một số người, việc ấy cứ chồng chất lên cao như thể nước lụt Sông Hằng dâng tràn, cho nên chẳng có thì giờ giải đáp vấn đề này được nữa.

Vì thế, ông ngâm vần kệ thứ chín nêu rõ trường hợp mình:

Tràn ngập chủ đề quá lớn lao

Như Sông Hằng nước lụt tuôn trào,

Ta không thể nói đâu là lẽ

Chân Thiện, hiền huynh đến thỉnh cầu.

Nói vậy xong, ông lại thêm:

Ta có một con trai rất thông minh, cháu ấy còn mẫn tuệ hơn ta nhiều. Cháu sẽ giải thích rõ cho Hiền hữu. Vậy hãy đến gặp tiểu điệt.

Và ông ngâm vần kệ thứ mười:

Hiện giờ đệ có một con trai

Tên gọi Bhàdra ở giữa đời,

Tìm đến chàng ngay, chàng sẽ nói

Thiện lương, chân lý rõ cho Ngài.

Nghe điều này, Tế Sư Sucìrata liền rời nhà vị Tế Sư Vidhura, đến tư thất của Bhadrakàra, và thấy chàng đang ngồi ăn điểm tâm giữa đám thân nhân của chàng.

Bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ thứ mười một làm sáng tỏ vấn đề này:

Lúc ấy Bhà rad lại vội vàng

Ðến Bha dra gấp tại gia đường,

Giữa bao bằng hữu đang tề tựu,

An tọa thong dong được thấy chàng.

Khi đến nơi, vị Tế Sư được chàng thanh niên Bhadrakàra tiếp đãi nồng hậu, mời lên tọa sàng cùng nhiều tặng vật.

Vừa khi an tọa, và được hỏi nguyên cớ đến thăm, ông ngâm vần kệ thứ mười hai:

Ðến vì Thánh Chỉ Câu Lâu

Dòng họ Yu dhi, hiện thỉnh cầu

Hiền điệt Bhà dra, cho chú biết

Thiện lương, chân lý phải là đâu.

Lúc ấy Bhadrakàra đáp lại: Thưa Tôn Giả, ngay bây giờ, tiểu điệt đang có dự mưu dan díu với vợ một người khác. Cho nên trí óc của tiểu điệt không được thư thái để giải đáp vấn đề.

Song em trai cháu tên là Sanjaya còn thông thái hơn cháu nhiều. Xin Tôn Giả đi hỏi chàng, chàng sẽ giải đáp vấn đề của Tôn Giả.

Chàng ngâm vần kệ để bảo ông đến đó:

Cháu bỏ thịt nai thật ngọt ngon,

Và đang theo đuổi tắc kè con,

Làm sao có thể nào thông hiểu

Ðâu lẽ thiện lương với thật chân?

Song có em trai, Ngài phải biết,

San ja tên gọi, hãy lên đường

Kiếm chàng cho được, chàng tuyên thuyết

Chân Thiện Ngài nghe thật tỏ tường.

Ông liền đi đến nhà Sanjaya ngay và được chàng tiếp niềm nở, khi được hỏi lý do đến đấy, ông nói rõ ra.

Bậc Ðạo Sư ngâm hai vần kệ để giải thích sự việc này:

Lúc ấy Bhàrad phải vội vàng

Ðến Sanjay gấp tại gia đường

Giữa bao bằng hữu đang tề tựu,

An tọa thong dong được thấy chàng.

Ðến vì thánh chỉ chúa Câu Lâu,

Dòng dõi Yudhi, hiện thỉnh cầu

Hiền điệt Sanjay, cho chú biết

Thiện lương, chân lý phải là đâu.

Nhưng Sanjaya cũng đang bận bày mưu tính kế, chàng liền thưa với ông: Thưa Tôn Giả, tiểu điệt đang theo đuổi vợ người khác, và lại sắp đi xuống Sông Hằng để qua sông.

Sáng tối trong lúc tiểu điệt qua sông thường phải gặp nanh vuốt tử thần, cho nên tâm trí tiểu điệt đang rối ren, tiểu điệt không thể giải đáp vấn đề của Tôn Giả được, song em trai tiểu điệt là Sambhava, mới lên bảy tuổi đã thông minh tài trí hơn tiểu điệt gấp cả trăm ngàn lần đấy.

Em cháu sẽ nói chuyện với Tôn Giả, xin hãy đi tìm để hỏi em cháu ngay.

Bậc Ðạo Sư ngâm hai vần kệ để giải thích sự việc:

Tử thần há miệng rộng đầy chông

Sáng tối chờ con, hỡi thúc ông

Làm thế nào con thưa với chú

Ðâu là chân lý với hiền lương?

Song có em thơ, chú biết chăng,

Sam bha tên gọi, hãy lên đường,

Tìm em, thưa chú, em nêu rõ

Chân lý, thiện lương thật tỏ tường!

Nghe vậy, Tế Sư Sucirata nghĩ thầm:

Vấn đề này ắt là điều kỳ bí nhất trên đời.

Ta chắc không ai đủ sức giải đáp cả.

Nghĩ vậy ông ngâm hai vần kệ:

Việc lạ lùng này phật ý ta,

Chẳng hai con lớn, chẳng ông cha,

Biết phương giải đáp điều mầu nhiệm

Vậy nếu như chàng cũng chịu thua,

Thì phải chăng đây là cậu bé

Biết gì về lý thiện chân ư!

Nghe vậy, Sanjaya đáp: Thưa Tôn Giả, xin Ngài đừng tưởng Sambhava chỉ là đứa trẻ thơ dại. Nếu chẳng ai giải đáp được vấn đề của Tôn Giả, thì cứ đi hỏi em cháu.

Rồi chàng ngâm mười hai vần kệ nêu lên những đức tính của cậu bé này qua các ví dụ chứng minh trường hợp trên:

Xin Ngài đi hỏi Sam bha,

Xin Ngài chớ vội khinh là trẻ thơ,

Em đầy thông thái tài ba

Nói ngay Ngài biết đâu là Thiện Chân.

Khác nào ánh nguyệt trong ngần

Sáng bừng vượt hẳn sao giăng đầy Trời,

Ánh sao le lói mờ soi

Chim dần trong ánh rạng ngời Hằng Nga,

Cũng như chú bé Sambha

Trí tài kiệt xuất vượt xa tuổi vàng,

Hỏi Sambha, biết tỏ tường,

Xin Ngài chớ vội khinh thường tuổi thơ.

Em đầy thông thái tài ba

Nói rành chân thiện đâu là lẽ ngay.

Tháng tư quyến rủ đắm say,

Vượt xa tất cả tháng ngày trong năm.

Hoa xuân đâm lộc nảy mầm,

Màu xanh bát ngát bao trùm rừng cây,

Bé Sambha cũng thế này,

Vượt xa tuổi trẻ, trí tài tuyệt luân.

Như trên đỉnh tuyết Hương Sơn

Rừng cây bao phủ, có thần điểm trang

Tỏa ra ánh sáng huy hoàng,

Mùi hương ngào ngạt dần lan toàn miền,

 Dành cho vô số Thần Tiên

Tìm nơi ẩn náu bình yên chốn này.

Bé Sambha cũng như vậy,

Vượt xa tuổi trẻ, trí đầy khôn ngoan.

Khác nào ngọn lửa huy hoàng

Cháy tràn lan khắp đồng hoang tung hoành,

Với cây cột lửa cuộn nhanh,

Không hề biết thỏa, tan tành cỏ non.

Ðể trơ một lối đen ngòm,

Bất kỳ nơi chốn lửa bùng lướt qua.

Cũng vậy chú bé Sam bha,

Trí tài kiệt xuất vượt đà ấu niên,

Khác nào một ngọn lửa thiêng

Ðốt bằng bỏ sống trong đêm tối Trời,

Gặp cây gỗ quý nhất đời,

Giục cơn thèm cháy sáng ngời cao xa.

Cũng vậy chú bé Sambha

Thông minh trí tuệ vượt xa tuổi vàng,

Hỏi Sambha, chớ coi thường

Em thông hiểu, nói tận tường Thiện Chân.

Trâu nhờ sức lực tráng cường

Ngựa nhờ tốc độ phô trương giống nòi,

Bò nhờ vắt sữa tuôn vòi,

Hiền Nhân, ta biết nhờ lời khôn ngoan.

Sam bha cũng vậy, mầm non,

Thông minh trí tuệ vượt hơn tuổi vàng,

Hỏi Sambha, chớ coi thường

Em thông thái, nó tận tường Thiện Chân.

Trong khi Sanjaya ca ngợi Sambhava như vậy, Tế Sư Sucìrata nghĩ thầm: Ta sẽ đặt vấn đề với cậu bé này là biết ngay.

Ngài hỏi: Thế tiểu hiền điệt ở đâu rồi?

Chàng liền mở cửa sổ giơ tay chỉ và nói: Ngài nhìn cậu bé đằng kia, da óng như vàng ròng, đang chơi cùng các trẻ khác bên đường trước cửa, chính đó là tiểu đệ của cháu. Xin cứ đến hỏi, tiểu hiền đệ sẽ giải đáp vấn đề của Ngài với mọi lý lẽ huyền diệu của một vị Phật.

Sucìrata nghe thế, liền bước xuống khỏi dinh, đến gần cậu bé vừa đúng lúc cậu bé đang đứng, áo quần xốc xếch vắt qua vai, hai tay đang bốc đất.

Bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ giải thích sự việc này:

Lúc ấy Bhàrad lại vội vàng

Ðến Sambha gấp tại gia đường

Ở ngoài công lộ, kìa ngay đó

Cậu bé đùa chơi thấy rõ ràng.

Bậc Ðại Sĩ vừa khi thấy vị Bà La Môn kia đến đứng trước Ngài, liền hỏi: Hiền hữu đến đây có việc gì chăng?

Vị Tế Sư đáp: Này tiểu hiền điệt, ta đã đi khắp Cõi Diêm Phù Đề mà không tìm ra người nào đủ tài trí giải đáp vấn đề ta đặt ra, nên nay ta đến đây tìm cháu.

Cậu bé nghĩ thầm: Họ bảo đây là vấn đề khắp cả Cõi Diêm Phù Đề chưa giải đáp được, nên vị này đến tìm ta. Còn ta đã am hiểu thông thạo rồi.

Lúc ấy cậu thấy hổ thẹn, liền vứt cục đất đang cầm trong tay, sửa sang áo quần lại đàng hoàng và bảo: Này Tôn Giả Bà La Môn, cứ hỏi đi, ta sẽ giải đáp cho Ngài với mức tinh thông lưu loát của một vị Phật.

Rồi với trí tuệ Tối thắng, Ngài mời vị kia lựa chọn đề tài để hỏi.

Vị Bà La Môn liền hỏi vấn đề qua các câu kệ:

Ðến vi Thánh chỉ chúa Câu Lâu,

Dòng dõi Yudhi, hiện thỉnh cầu,

Hiền điệt Sambha, cho chú biết,

Thiện lương, chân lý phải là đâu?

Vấn đề được hỏi kia quá rõ ràng đối với Sambhava như thể vầng trăng tròn giữa bầu Trời cao.

Ngài bảo: Này hãy nghe lời ta.

Và Ngài giải đáp vấn đề phụng sự chân lý qua các vần kệ:

Hiền hữu, ta nay sẽ bảo Ngài,

Ðúng như bậc trí phải trình bày,

Vua cần biết rõ điều chân thiện,

Song việc Vua làm, ai có hay?

Trong khi Ngài đứng giữa đường phố thuyết giảng chân lý với giọng ngọt như mật, âm thanh vang dội khắp thành Ba La Nại, mỗi phía vang đến mười hai dặm đường. Nhà Vua cùng các phó Vương và nhiều Vua khác tụ tập lại, bậc Ðại Sĩ liền đứng giữa đám đông ấy, tuyên thuyết chân lý.

Sau khi đã hứa giải đáp vấn đề qua vần kệ này, giờ đây Ngài nêu lời giải đáp vấn đề phụng sự chân lý:

Ðáp lại Đức Vua, hãy tấu Ngài:

Ngày nay không hẳn giống ngày mai,

Thần khuyên chúa thượng nên thông suốt

Nắm lấy thời cơ kịp đến tay.

Ta ước mong hiền hữu Tế Sư

Gợi cho Vua biết cách suy tư,

Nhờ đây tâm trí Ngài an lạc:

Vua phải tránh xa mọi oán thù,

Cũng chớ đi theo đường ác độc

Như là người độn trí mê mờ.

Ðừng gây tội lỗi mất tâm hồn,

Ðừng phạm hành vi bất chánh chân,

Ðừng có bao giờ theo ác hạnh,

Ðừng đưa huynh đệ bước sai đường.

Ai biết hoàn thành đúng chánh chân

Những điều này, giống nguyệt tròn dần,

Như Vua danh tiếng tăng lên mãi,

Làm ánh sáng soi đám bạn thân,

Yêu mến họ hàng, khi tận mạng

Hiền Nhân sẽ đạt đến Thiên Cung.

Như vậy chẳng khác nào đem vầng trăng soi rọi khắp bầu Trời, bậc Ðại Sĩ giải đáp vấn đề của vị Bà La Môn này với mọi vẻ tinh thông của một bậc giác ngộ.

Dân chúng reo hò vỗ tay vang dậy. Hàng ngàn tiếng reo tán thưởng cùng vô số khăn vẫy lên không và tiếng búng tay lách tách. Họ thả luôn cả đồ trang sức trên tay. Vua Ba La Nại hoan hỷ tỏ lòng tôn kính ngưỡng mộ Ngài.

Còn vị Tế Sư Sucìrata, sau khi tặng thưởng Ngài một ngàn cân vàng, liền viết câu giải đáp vấn đề trên bằng son đỏ vào phiến vàng ấy và khi đến Kinh Thành Indapatta, ông tâu trình Vua về câu giải đáp phụng sự chân lý như trên. Phần Vua nhờ kiên tâm hành trì các pháp chân chánh, về sau được lên Thiên Giới.

Khi chấm dứt Pháp Thoại, bậc Ðạo Sư bảo: Này các Tỳ Kheo, không phải chỉ bây giờ, mà ngay từ xa xưa, Như Lai đã dùng đại trí để giải đáp mọi vấn đề.

Và Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời bấy giờ Ànanda A Nan là Vua Dhananjaya, Anuruddha A Na Luật Đà là Sucìrata, Kassapa Ca Diếp là Vidhura, Moggallàna Mục Kiền Liên là Bhadrakàra, Sàriputta Xá Lợi Phất là thiếu sinh Sanjaya, và Trí Giả Sambhava chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần