Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Năm - Phẩm Năm Bài Kệ - Chuyện Chàng Sujàta Tiền Thân Sujàta
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG NĂM
PHẨM NĂM BÀI KỆ
CHUYỆN CHÀNG SUJÀTA
TIỀN THÂN SUJÀTA
Sao con lại vội mang. Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một người chủ đất có cha chết. Khi cha ông mất, ông buồn bã đi khắp nơi, chẳng thể nào vơi được cơn sầu. Bậc Ðạo Sư nhận thấy người đàn ông này có khả năng đạt quả giải thoát cho nên khi Ngài vào thành Xá Vệ để khất thực, Ngài cùng với một thị giả đến nhà ông ta.
Ngồi vào chỗ đã soạn sẵn cho Ngài, Ngài cúi xuống nói với gia chủ cũng đang ngồi đấy: Nay cư sĩ, phải chăng ông đang sầu khổ?
Người ấy đáp: Vâng, Bạch Thế Tôn, đúng như thế.
Ngài dạy: Này bằng hữu, các Bậc Hiền trí ngày xưa đã nghe lời trí tuệ của người chính trực và khi họ mất cha, họ không sầu khổ. Rồi do yêu cầu của gia chủ, Ngài kể một chuyện tiền kiếp.
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba La Nại, Bồ Tát sinh vào nhà một gia chủ nọ. Ngài được gọi là nam tử Sujàta. Khi Ngài lớn lên thì nội Tổ của Ngài mất. Từ ngày lão gia mất, thân phụ Ngài rất sầu khổ.
Ông lấy hài cốt của cha từ nơi hỏa táng rồi xây một nấm mồ trong vườn thưởng ngoạn của ông và đặt di cốt vào đấy. Mỗi khi đến thăm chỗ ấy, ông trang hoàng hoa lên mồ rồi mải miết than khóc. Ông chẳng tắm rửa chẳng xức dầu thơm, cũng chẳng để ý đến việc Kinh tài.
Quan sát việc này, Bồ Tát tự nghĩ: Từ khi ông nội ta mất, cha ta đi đâu cũng cứ đắm chìm trong sầu muộn. Ta chắc rằng chẳng ai ngoài ta ra có khả năng khuyên nhủ được người. Ta sẽ tìm cách giải thoát cho người khỏi cơn sầu khổ.
Thế rồi khi trông thấy con bò đực nằm chết ở bên ngoài thành phố, Ngài mang cỏ và nước tới đặt trước con bò ấy và nói: Ăn đi, uống đi! Ăn đi, uống đi.
Mọi người đi qua thấy thế đều bảo: Này Sujàta, bạn điên đấy ư?
Bạn đưa cỏ và nước cho một con bò chết ư?
Nhưng Ngài không đáp một tiếng nào.
Vì thế, họ đến bảo với thân phụ Ngài: Con trai của ông bị điên rồi, anh ta lấy cỏ và nước đem cho một con bò chết đấy. Nghe thế, người chủ đất ngưng sầu than cha mình mà lại bắt đầu sầu than đứa con trai.
Ông vội chạy đến và kêu lên: Này Sujàta, con không được bình thường đấy ư?
Sao con lại đưa cỏ cho cái xác bò chết?
Rồi ông đọc hai bài kệ sau:
Sao con lại vội mang
Cỏ mới cắt ngọt ngon
Cho con vật đã chết,
Lại kêu dậy mà ăn?
Không có thức ăn gì
Hồi sinh một bò chết,
Lời con vớ vẩn thật,
Và do bởi mê si.
Bấy giờ Bồ Tát đọc hai bài kệ:
Con vật này hẳn rồi
Vẫn còn đường sống lại,
Vì đủ cả đầu đuôi
Và bốn chân còn đấy.
Còn ông nội, rõ ràng
Ðầu, tay, chân đã mất,
Kẻ khùng nào khóc than?
Chỉ có cha độc nhất!
Nghe thế, thân phụ của Bồ Tát tự nghĩ: Con ta thật thông tuệ. Nó biết điều gì đúng cần làm cho đời này và cho cả đời sau. Nó đã làm thế để khuyên nhủ ta.
Rồi ông bảo: Này Sujàta, con trai yêu dấu và khôn ngoan của ta, ta đã hiểu được rằng mọi sự vật đang hiện hữu đều là vô thường. Từ nay ta sẽ không sầu khổ. Một đứa con như thế này hẳn là kẻ làm cho cha mình hết sầu khổ.
Ðể ca ngợi con trai, ông nói:
Như lửa dầu đang trong cơn cháy mạnh,
Nước đổ vào liền bị tắt ngay đi,
Cõi lòng ta đang nhức nhối sầu bi,
Con ta đã chữa lành đời ta sáng
Gai đã nhổ, tươi vui và tĩnh lặng,
Ta hết sầu, nghe lời của con ta.
Bậc thiện hiền khiến đời dứt phiền hà
Cứu thân phụ như Sujà thông tuệ.
Sau khi chấm dứt Pháp Thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Đế, người chủ đất đắc quả Dự Lưu.
Và bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Bấy giờ ta là Sujàta.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Quảng đại Thành Tựu Du Già - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Sáu - Phẩm Tổng Trì
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Quán Tự Tại Tùy Tâm Chú - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Tám - Phẩm Uế - Kinh Thủy Tịnh Phạm Chí