Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Sáu - Phẩm Sáu Bài Kệ - Chuyện Chú Nai Con Tiền Thân Migapotaka

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG SÁU  

PHẨM SÁU BÀI KỆ  

CHUYỆN CHÚ NAI CON

TIỀN THÂN MIGAPOTAKA  

Sầu thương vật đã chết rồi. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Jetavana Kỳ Viên về một Trưởng Lão nọ. Chuyện kể rằng ông nhận một cậu thanh niên xuất gia vào Hội chúng, và Sa Di này sau một thời gian phục vụ thầy rất nhiệt tình, dần dần lâm bệnh và từ trần.

Vị Trưởng Lão tràn ngập ưu phiền vì cái chết của nam tử kia nên cứ đi quanh quẩn than khóc kêu gào.

Tăng Chúng không thể nào an ủi ông cho khuây khỏa được, liền đưa vấn đề ra thảo luận tại chánh pháp đường: Vị Trưởng Lão kia có một Sa Di từ trần, cứ quanh quẩn than khóc mãi. Do triền miên suy tư mãi về cái chết, chắc chắn vị ấy sẽ trở thành kẻ bơ vơ lạc lỏng.

Khi bậc Ðạo Sư bước vào, Ngài hỏi Tăng Chúng hội họp để bàn luận đề tài gì, và khi biết được câu chuyện, Ngài bảo: Không phải chỉ bây giờ, mà cả ngày xưa, Trưởng Lão ấy cũng đi quanh quẩn than khóc khi thanh niên này từ trần. Nói xong Ngài kể một chuyện quá khứ. 

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta Phạm Thọ trị vì tại Ba La Nại, Bồ Tát được sinh làm Sakka Thiên Chủ Ðế Thích. Thời ấy có một người sống trong Quốc Độ Kàsi, đi đến miền Himàlaya Tuyết Sơn và sống đời khổ hạnh với các loại quả rừng.

Một hôm vị ấy thấy một chú nai con mất mẹ. Vị ấy đem nó về thảo am, cho nó ăn và yêu quý nâng niu nó. Chú nai con lớn dần thành một con vật xinh đẹp thanh tao, và ẩn sĩ chăm sóc nó, đối đãi với nó như con đẻ mình vậy. Một ngày kia, con nai chết thình lình vi bội thực, không tiêu hóa hết số cỏ quá nhiều.

Vị khổ hạnh cứ lang thang gào khóc: Con ta chết rồi!

Lúc ấy Sakka Thiên Chủ xem xét trần gian, nhìn thấy vị ấy, Ngài nghĩ cách khuyến giáo ông, liền hiện xuống đứng giữa không trung và ngâm vần kệ đầu:

Sầu thương vật đã chết rồi,

Hỡi người khổ hạnh sống đời độc cư.

Thoát dây tục lụy xuất gia,

Giờ đây phát bệnh tâm tư buồn phiền!

Vị khổ hạnh vừa nghe vậy liền ngâm vần kệ thứ hai:

Nếu người bầu bạn thú hiền,

Tâu Ngài Ðế Thích ở trên Cõi Trời,

Buồn phiền vì mất bạn chơi,

Tuôn dòng nước mắt sẽ vơi nỗi sầu.

Thiên Chủ Sakka lại ngâm hai vần kệ nữa:

Người đời lắm kẻ ước ao

Mỗi khi vật mất, kêu gào tiếc thương.

Thôi đừng khóc nữa, trí nhân,

Thánh Hiền vẫn bảo hoài công thôi mà.

Nếu nhờ nước mắt tuôn ra

Chúng ta có thể vượt qua tử thần,

Thì ta quyết phải hợp quần

Ðể mà cứu mọi vật thân nhất trần.

Trong lúc Thiên Chủ Sakka nói vậy, vị khổ hạnh nhận ra rằng khóc than cũng chẳng ích gì, liền ca ngợi tán thán Thiên Chủ và ngâm ba vần kệ nữa:

Ví như ngọn lửa nóng hừng

Ðổ thêm bơ sữa cháy bừng thật cao,

Ðược vòi nước lạnh tưới vào,

Ngài vừa dập tắt nỗi sầu của ta.

Lòng ta nhức nhối xót xa

Vì tên sầu não xuyên qua kinh hoàng.

Ngài đã chữa trị vết thương,

Và Ngài hồi phục đời thường cho ta.

Mũi tên vừa được nhổ ra,

Lòng ta tràn ngập an hòa vui tươi,

Lắng nghe Ðế Thích nhủ lời,

Ta không còn phải chơi vơi khổ sầu.

Sau khi đã khuyến giáo vị khổ hạnh như thế, Sakka Thiên Chủ trở về cõi của Ngài.

Ðến đây bậc Ðạo Sư chấm dứt pháp thoại và nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, vị Trưởng Lão là nhà khổ hạnh, Sa Di là con nai, và ta chính là Sakka Thiên Chủ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần