Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Chín - Phẩm Khen Ngợi Thanh Tịnh - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM CHÍN

PHẨM KHEN NGỢI THANH TỊNH  

TẬP HAI  

Bấy giờ, Đức Phật dùng thần lực khiến cho Cõi Trời Tứ Thiên Vương và các Thích Đề Hoàn Nhân, các Phạm Thiên Vương làm chủ Thế Giới Ta Bà thuộc về tam thiên đại thiên thế giới đều đi đến chỗ Phật đầu mặt lễ dưới chân Phật rồi lui đứng qua một bên.

Các Tứ Thiên Vương, các Thích Đề Hoàn Nhân và các Phạm Thiên Vương… nhờ thần lực của Phật mà họ đều được thấy cả ngàn tướng Phật như vậy như vậy đặt tên là Phẩm Thuyết Bát Nhã Ba la mật, đều đặt tên gọi là Tu Bồ Đề hỏi điều khó khăn cũng như Thích Đề Hoàn Nhân và Bồ Tát Di Lặc sẽ thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, cũng ở cõi này để nói bát nhã Ba la mật.

Khi ấy, Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Khi Bồ Tát Di Lặc thành Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài ở nơi ấy thuyết giảng bát nhã Ba la mật như thế nào?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Khi Bồ Tát Di Lặc thành Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài nói bát nhã Ba la mật: Không nói sắc là trống không, cũng không nói thọ, tưởng, hành, thức là trống không. Không nói sắc buộc, không nói sắc mở. Không nói thọ, tưởng, hành, thức buộc, cũng không nói thọ, tưởng, hành, thức mở.

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật thanh tịnh.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Sắc thanh tịnh nên bát nhã Ba la mật cũng thanh tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh nên bát nhã Ba la mật cũng thanh tịnh.

Phật dạy: Hư không thanh tịnh nên bát nhã Ba la mật cũng thanh tịnh. Sắc không nhiễm ô nên bát nhã Ba la mật thanh tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức không nhiễm ô nên bát nhã Ba la mật thanh tịnh.

Này Tu Bồ Đề! Hư không không nhiễm ô nên bát nhã Ba la mật thanh tịnh.

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, tín nữ nào có thể thọ trì, đọc tụng bát nhã Ba la mật thì sau khi mạng chung không bị chết oan, sẽ có bao nhiêu trăm ngàn Chư Thiên đều cùng đi theo hộ vệ.

Nếu mỗi tháng vào ngày mùng tám, mười bốn, rằm, hai mươi ba, hai mươi chín và ba mươi, bất cứ chỗ nào mà vị ấy thuyết pháp bát nhã Ba la mật thì phước ấy rất nhiều phải không?

Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy, này Tu Bồ Đề! Nhờ giảng pháp bát nhã Ba la mật mà người này được phước rất nhiều.

Tu Bồ Đề! Nhưng bát nhã Ba la mật có nhiều trở ngại.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật là trân bảo lớn. Đối với pháp ấy không có sự đắm trước, cũng không có chấp thủ.

Vì sao?

Vì các pháp ấy đều vô sở hữu nên chẳng thể nắm bắt được.

Này Tu Bồ Đề! Vì bát nhã Ba la mật vô sở đắc nên không thể nhiễm ô.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật không có pháp nên gọi bát nhã Ba la mật là không nhiễm ô. Vì bát nhã Ba la mật không nhiễm ô nên các pháp cũng không nhiễm ô. Nếu như thế mà chẳng phân biệt gọi là hành bát nhã Ba la mật.

Này Tu Bồ Đề! Vì bát nhã Ba la mật không có pháp hoặc thấy, hoặc không thấy, cũng không có pháp hoặc chấp thủ hay hoặc xả.

Khi nghe Phật nói với Tu Bồ Đề như vậy thì bao nhiêu trăm ngàn các Thiên Tử vui mừng phấn khởi ở trên hư không đồng thanh xướng lên: Chúng con lại trông thấy bánh xe pháp quay ở Cõi Diêm Phù Đề.

Tu Bồ Đề nói với các Thiên Tử: Bánh xe pháp không phải chuyển lần đầu tiên và không phải chuyển lần thứ hai.

Vì sao?

Vì trong pháp bát nhã Ba la mật không có lưu chuyển và cũng không có hoàn diệt.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Ma Ha Ba la mật là bát nhã Ba la mật của Bồ Tát. Đó gọi là đối với tất cả các pháp không có chuyển, không có chấp trước nên chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác cũng không có sở đắc. Khi chuyển pháp luân không có chỗ để lưu chuyển, cũng không có pháp hoàn diệt, không có pháp có thể chỉ thị, cũng không có pháp có thể thấy là vì pháp ấy chẳng thể nắm bắt được.

Vì sao?

Này Tu Bồ Đề! Vì rỗng không nên không có lưu chuyển và hoàn diệt. Không hình tướng, không tạo tác, không phát khởi, không sinh đều là vô sở hữu nên không có lưu chuyển và không hoàn diệt. Nói như vậy gọi là nói bát nhã Ba la mật. Vì không có người nghe, không có người thọ nhận, không có người chứng, cũng không có người vì pháp mà làm phước điền.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ba la mật vô biên là bát nhã Ba la mật, vì hư không vô biên.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật chân chánh là bát nhã Ba la mật, vì các pháp bình đẳng.

Bạch Thế Tôn! lìa Ba la mật là bát nhã Ba la mật, vì các pháp tánh xa lìa.

Bạch Thế Tôn! Không thể phá hoại Ba la mật là bát nhã Ba la mật, vì các pháp chẳng thể nắm bắt được.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật vô xứ là bát nhã Ba la mật, vì các pháp không có hình tướng và không có tên gọi.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật là bát nhã Ba la mật, vì các pháp vô lai.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật vô đoạt là bát nhã Ba la mật, vì các pháp không thể chấp thủ.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật vô tận là bát nhã Ba la mật, vì các pháp vô tận.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật vô sinh là bát nhã Ba la mật, vì các pháp vô sinh.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật vô tác là bát nhã Ba la mật, vì người tạo tác chẳng thể nắm bắt được.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật không sinh ra là bát nhã Ba la mật, vì người sinh ra chẳng thể nắm bắt được.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật không đến là bát nhã Ba la mật, vì không thoái lui.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật vô cấu là bát nhã Ba la mật, vì các phiền não đều thanh tịnh.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật vô nhiễm là bát nhã Ba la mật, vì không có sự nhiễm ô.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật bất diệt là bát nhã Ba la mật, vì các pháp lìa chặng trước.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật huyễn hóa là bát nhã Ba la mật, vì các pháp bất sinh.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật mộng mị là bát nhã Ba la mật, vì ý thức bình đẳng.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật không hý luận là bát nhã Ba la mật, vì các hý luận bình đẳng.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật bất niệm là bát nhã Ba la mật, vì các niệm không sinh.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật bất động là bát nhã Ba la mật, vì pháp tánh thường trụ.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật lìa dục là bát nhã Ba la mật, vì các pháp không hư vọng.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật không khởi là bát nhã Ba la mật, vì các pháp không phân biệt.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật tịch diệt là bát nhã Ba la mật, vì các pháp tướng bất khả đắc.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật không có phiền não là bát nhã Ba la mật, vì các pháp không có lầm lỗi.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật không có chúng sinh là bát nhã Ba la mật, vì đời chúng sinh chẳng thể nắm bắt được.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật không đoạn là bát nhã Ba la mật, vì các pháp không sinh khởi.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật không có hai bên là bát nhã Ba la mật, vì các pháp không chấp trước.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật không sai khác là bát nhã Ba la mật, vì các pháp không hòa hợp.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật không dính mắc là bát nhã Ba la mật, vì không phân biệt địa Thanh Văn và Bích Chi Phật.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật không phân biệt là bát nhã Ba la mật. Vì các sự phân biệt bình đẳng.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật vô lượng là bát nhã Ba la mật, vì lượng pháp không sinh.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật hư không là bát nhã Ba la mật, vì các pháp không có chướng ngại.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật bất sinh là bát nhã Ba la mật, vì các pháp không phát khởi.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật vô thường là bát nhã Ba la mật, vì các pháp không mất.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật khổ là bát nhã Ba la mật, vì các pháp không có khổ não.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật vô ngã là bát nhã Ba la mật, vì các pháp không bị tham trước.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật không là bát nhã Ba la mật, vì các pháp vô sở đắc.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật vô tướng là bát nhã Ba la mật, vì tướng của các pháp chẳng thể nắm bắt được.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật vô tác là bát nhã Ba la mật, vì các pháp không có chỗ thành tựu.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật lực là bát nhã Ba la mật, vì các pháp không thể phá hoại.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật vô lượng Phật Pháp là bát nhã Ba la mật, vì pháp vượt qua toán số.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật vô sở úy là bát nhã Ba la mật, vì tâm không biến mất.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật như thật là bát nhã Ba la mật, vì các pháp không sai khác.

Bạch Thế Tôn! Ba la mật tự nhiên là bát nhã Ba la mật, vì các pháp vô tánh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần