Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Trụ Tất Cánh địa
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT THIỆN GIỚI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẨM BA MƯƠI
PHẨM TRỤ TẤT CÁNH ĐỊA
Bốn Tịnh Hạnh của Đại Bồ Tát gồm có: Thân tịnh. Duyên tịnh. Tâm tịnh. Trí tịnh.
Đoạn hẳn căn bản vô minh, hoàn toàn thanh tịnh, chứng Vô Thượng Bồ Đề, thân được tự tại, sanh diệt tự do, mệnh danh là thân tịnh.
Sức thần thông tự tại như ý, gọi là duyên tịnh.
Tu tập thiện pháp, tâm lìa phiền não, gọi là tâm tịnh.
Biết tất cả pháp giới không bị chướng ngại, được sáng suốt tự tại, biết sự chi phối của các pháp, gọi là trí tịnh.
Đại Bồ Tát do bốn pháp thanh tịnh này mà được kết quả mười bậc.
Mười bậc ấy là:
Năng lực biết rõ thị xứ phi xứ.
Năng lực biết rõ các nghiệp quá khứ, hiện tại vị lai.
Năng lực biết rõ cảnh giới các thiền định giải thoát.
Năng lực biết rõ sự hơn kém, lanh chậm của các căn cơ.
Năng lực biết rõ chỗ tri giải của chúng sanh.
Năng lực biết rõ cõi chúng sanh.
Năng lực biết đến nơi đến chốn các đạo lý.
Năng lực biết rõ những đời quá khứ.
Năng lực thiên nhãn thấy rõ không bị chướng ngại.
Năng lực dứt sạch tận cùng các thứ mê lầm.
Như Lai nói ra chân thật không hai, do đó mệnh danh là Đa Đà A Già Độ Như Lai.
Nếu nói quả lành và quả chẳng lành, nói về nhân duyên chân thật, thể chân thật, an trụ chân thật, sanh ra chân thật. Đây gọi là thị xứ. Quả lành, quả chẳng lành. Chẳng phải nhân cho là nhân. Đây gọi là phi xứ.
Trí phá tâm kiêu mạn, gọi là trí chân thật, là trí vô ngại, là nhất thiết trí, là trí thanh tịnh, trí lìa mạn v.v…vì tính theo thứ lớp cho nên gọi là Lực thứ nhất.
Vì không còn gì cao hơn nữa gọi là tất cả hạnh. Vì lợi ích chúng sanh, phá dẹp các ma cho nên gọi là lực. Vì chân thật trang nghiêm, được sức tự tại, cho nên gọi là đầy đủ.
Vì có thể phá hoại mọi sự đe dọa, cho nên gọi là Niết Bàn. Do Tám Thánh Đạo, cho phá các khổ gọi là vô thượng.
Đúng như pháp trụ, cho nên gọi là chân thật. Tự mình được pháp thanh tịnh, thương xót chúng sanh vì chúng sanh diễn nói, cho nên gọi là Phạm Luân đấng Trong sạch. Phạm Luân là Như Lai. Như Lai còn gọi là Trong mát.
Sự trong mát gọi đó là giới, thọ trì tịnh giới, đúng như giới nói ra, gọi là nói đúng đắn, nói thật, nói lợi ích, nói rộng rãi, nói không ngăn ngại, nói tất cả, nói rốt ráo, nói không gì hơn, nói không mê lầm, nói không thi vi, nói hiện tiền v.v…
Bởi thế gọi là Tiếng rống oai hùng của Sư Tử. Nói phương tiện của năng lực thiện, nói nhân chân thật, do nhân duyên chân thật được quả chân thật. Nghĩa là quả phước Trời, người và quả vị giải thoát vô thượng. Đây gọi là năng lực Thị xứ phi xứ.
Nếu tạo nghiệp rồi tăng trưởng, thành ra kết quả, gọi là quá khứ. Nghiệp đã tạo rồi mà chưa chịu quả cũng gọi là quá khứ. Chưa tạo nghiệp mà muốn tạo, chưa được quả mà muốn được, gọi là vị lai.
Nghiệp đã tạo rồi nhưng chưa chịu quả báo hay nghiệp chịu quả rồi diệt đi quá khứ, gọi là hiện tại.
Nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại đều có ba thứ quả: Quả của thân, quả của miệng, quả của ý. Nơi ba nghiệp này, chỗ nào tạo nghiệp lành thì chỗ ấy được quả báo tốt, chỗ nào gây nghiệp ác chỗ ấy bị quả báo xấu Thị Xứ.
Nghiệp bất thiện và nghiệp hung ác chẳng được quả lành phi xứ chỉ trừ siêng tu thân giới, tâm huệ, khiến cho chịu báo địa ngục nhẹ đi trong lúc làm người vì có sự tương tự cho nên gọi là địa ngục.
Trong lúc làm người chịu quả báo nhẹ, gọi là quả báo của người. Đây gọi là năng lực biết rõ các nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại thông cả năng lực thị xứ, phi xứ.
Bốn Cõi Thiền Thiên thuộc Sắc Giới, tám pháp giải thoát v.v…
Những pháp như thế Phật đều tu chứng một cách tự tại.
Vì có sự tự tại cho nên Như Lai luôn luôn ở trong chánh định, trong khi Như Lai thuyết pháp, Trời Phạm Thiên Vương và các thiên chúng khác chỉ nghe âm thanh mà không thấy hình bóng.
Các thiền định thuộc Tứ Thiền, Bá định như trên, những người tu tập còn có hai thứ phiền não lo âu: Người chưa được định lo âu muốn được định. Người đã được rồi lo âu bị mất.
Như Lai đã chấm dứt hai mối lo âu như thế, được sức tự tại, biết tất cả tâm nghĩ tưởng của tất cả chúng sanh, tuy được biết rõ nhưng không tham đắm, cũng không sanh vui thích, tu tập đầy đủ rồi muốn được liền được, được một cách vĩ đại, được một cách dễ dàng, được rồi không thoái lui. Đây gọi là năng lực thứ ba, năng lực biết rõ thiền định, giải thoát.
Biết rõ năm căn tín, tấn, niệm, định, tuệ, mỗi căn đều có thượng, trung, hạ. Những trình độ này từ sự nghe pháp sanh ra hoặc từ sự tư duy sanh ra. Đây gọi là năng lực biết rõ sự hơn kém, lanh chậm của các căn cơ.
Rõ thấu sự mong muốn của hạng thượng, trung, hạ.
Đây gọi là năng lực hiểu biết, biết hết mọi tâm tánh như tánh Thanh Văn, tánh Duyên Giác, tánh Bồ Tát, tánh Như Lai, tánh tham dục của chúng sanh, cho đến tính chất của tám mươi bốn ngàn phiền não v.v…
Gọi là năng lực thứ năm, năng lực biết rõ chỗ tri giải của chúng sanh.
Biết rõ ràng: Do phiền não mà chúng sanh chịu thân trong cõi. Đây gọi là năng lực thứ sáu, năng lực biết rõ chúng sanh.
Biết rõ các thứ phiền não, mỗi mỗi đều có cách đối trị, biết sự lưu chuyển của các loài hữu, mỗi mỗi đều có pháp đối trị, biết cách phá trừ các lối chấp tà xấu ác. Đây gọi là năng lực biết đến chốn các đạo lý lực thứ bảy.
Biết rõ các tên họ của các loài chúng sanh trong bốn phương cho đến mười phương, biết rõ tám việc của chúng sanh trong đời quá khứ: Tên tộc. Sanh ra. Họ hàng. Sự ăn uống. Nghiệp chịu khổ. Tuổi thọ. Ở đời. Chết mất.
Lại nữa, nhớ rõ sáu việc: Tên họ. Giòng giống như Sát Đế Lợi, Bà La Môn. Họ hàng cha mẹ. Sự ăn uống. Cảnh giàu nghèo. Sống lâu, chết yểu…
Đây gọi là Năng lực thứ tám, năng lực biết rõ những đời quá khứ.
Tu hành thiện nghiệp để sanh lên bốn tầng Trời thuộc Sắc Giới được quả Tứ Thiền, sự nhìn thấy rộng lớn gọi là thiên nhãn.
Chứng được đầy đủ kết quả của sự thuần thiện, gọi là thanh tịnh, vì sự sáng tỏ giữa loài người loài Trời chẳng đồng, cho nên nói là hơn mắt người đời.
Có thứ thiên nhãn ở Cõi Dục, tên tuy đồng nhưng lại không thanh tịnh, cho nên chẳng gọi là thiên nhãn.
Cái thấy biết của thiên nhãn thanh tịnh là thấy rõ sự sa đọa của chúng sanh. Biết được sự sa đọa gọi là Thiên.
Lại có sự đọa lạc gọi là người chết, có cái sanh gọi là thân trung ấm, thân trung ấm có hai loại: Một là lành, hai là chẳng lành.
Thân trung ấm chẳng lành hình thù như chiếc áo vá màu đen hắc lũ hạt. Lúc ban đêm, thiên nhãn thanh tịnh mới nhìn thấy, thiên nhãn thanh tịnh nhìn thấy sắc thân trung ấm rất rõ ràng. Thân trung ấm lành, hình thù như chiếc áo đàn bà ở xứ ba la nại ba la nại nữ y.
Khi Trời trăng sáng tỏ, Chư Thiên có mắt thanh tịnh mới thấy. thiên nhãn thanh tịnh cũng thấy sắc thân trung ấm rõ ràng như vậy. Thân trung ấm sắc đen là hạng chúng sanh bậc thấp, bậc dưới.
Sắc trắng là hạng chúng sanh bậc trên. Do nhân duyên ác nghiệp của thân, miệng, ý gọi là chúng sanh hạng dưới.
Do nhân duyên nghiệp lành thuộc thân, miệng, ý, gọi là hạng trên. Nghiệp ác, phần nhiều là những kẻ tà kiến.
Tà kiến lại có hai hạng:
Một là có thể sửa đổi.
Hai là chẳng thể sửa đổi.
Hạng bài bác nhân quả, bảo rằng không có Thánh Nhân giải thoát, hạng này không thể sửa đổi.
Hạng thứ hai chẳng phải nhân nhận thức là nhân, chẳng phải quả chấp cho là quả, hạng này có thể cải đổi. Bởi vậy, nghiệp ác gọi là tà kiến, nghiệp lành gọi là chánh kiến.
Không chê bai Bốn Thánh Đế, tin quả báo chân thật của nghiệp lành, nghiệp dữ, hạng nghiệp lành như vậy gọi là chánh kiến.
Nhân duyên nghiệp ác, chết rồi qua chốn địa ngục, vì chẳng vui ưa chịu quả thống khổ, gọi là địa ngục. Phóng túng nghiệp ác, cùng một hành vi với loài có lông có cánh, quyết định đến chốn địa ngục.
Thấy rõ nhân quả cho nên làm hạng có thiên nhãn. Do nhân duyên của nghiệp lành mà qua khỏi cái chết hung dữ, vui thích nhận thấy quả báo và thọ thân Trời, Người.
Vì nhận thức đúng đắn cho nên sanh về đường lành, sanh đến nẻo lành Cõi Trời, cõi người, thấy sáng tỏ rõ ràng, gọi là thiên nhãn.
Thế nào là nẻo lành?
Đây gọi là năng lực thứ chín, năng lực thiên nhãn thấy rõ không bị chướng ngại. Do nhân duyên tu giới luật nơi thân, định huệ nơi tâm, dứt tất cả mê lầm, bởi dứt mê lầm cho nên đưa đến kết quả sạch hết mê lầm lậu hoặc.
Thân giới và tâm tuệ có hai thứ:
Nhận ra đạo.
Tu tập đạo.
Do hai đường hướng này mà tâm được giải thoát, tuệ được giải thoát, vì được tâm tuệ giải thoát mà thị hiện sức thần thông giáo hóa chúng sanh. Đây gọi là năng lực thứ mười, năng lực sạch tận cùng tâm mê lầm.
Với mười năng lực trên đây, Đại Bồ Tát biết rõ về tánh, biết rõ về phân biệt, biết tự tướng, cộng tướng, biết bất cộng tướng, biết sự bình đẳng, biết nghiệp, biết thứ lớp hơn hoặc chẳng hơn.
Đại Bồ Tát luôn luôn biết rõ bảy điều như thế.
Biết về tánh: Tánh của mười lực tức là tánh của năm căn. Do tuệ nhiều cho nên gọi là trí tánh, vì vậy nói là biết xứ chẳng phải xứ, không nói tin xứ chẳng phải xứ. Cho đến trí biết sạch hết các lậu hoặc cũng vậy.
Biết về phân biệt:
Phân biệt có ba: Phân biệt thời gian, phân biệt hạnh, phân biệt tự tướng, cộng tướng.
Mười Lực luôn luôn biết rõ qua các thời gian quá khứ, vị lai, hiện tại, gọi là phân biệt thời gian.
Mười lực có công năng biết tất cả sự đối trị vô lượng phiền não của vô lượng chúng sanh trong mười phương Thế Giới, gọi là phân biệt hạnh.
Mười lực có công năng biết tất cả sắc tướng. Đây gọi là biết tự tướng. Biết sắc là vô thường cho đến biết tất cả pháp đều vô thường. Đây gọi là phân biệt cộng tướng.
Ba sự phân biệt như trên gọi là biết về tự tướng, cộng tướng.
Bất cộng tướng nghĩa là: Mười lực như trên, hàng Thanh Văn, Duyên Giác chẳng thể chung đồng.
Biết sự bình đẳng là: Các Đức Phật trong mười phương đồng chứng thập lục, gọi là sự bình đẳng.
Biết nghiệp: Nghĩa là năng lực biết Thị Xứ, Phi Xứ. Nhân biết thật là nhân, quả biết thật là quả. Như Lai biết rõ nghiệp quả của tự mình, cũng biết những gì thuộc nghiệp quả của tất cả chúng sanh.
Bởi năng lực thiền định, giải thoát, Như Lai được ba sự thị hiện, có thể điều phục chúng sanh.
Do năng lực biết rõ căn cơ hơn kém, Như Lai biết căn tánh thượng, trung, hạ của chúng sanh. Do biết căn tánh, cho nên tùy mỗi trình độ vì họ thuyết pháp.
Do năng lực biết chỗ tri giải, Như Lai thấu rõ tánh thiện, tánh ác của tất cả chúng sanh nhằm đối trị tánh ác, Phật nói về tánh thiện.
Do năng lực biết rõ chúng sanh, Như Lai thường thực hành các phương tiện thế gian, nhưng không bị thế pháp làm ô nhiễm, biết rõ Thế Giới, chúng sanh giới cho nên tùy căn cơ, tâm tưởng và tùy phiền não của chúng sanh, Như Lai thuyết pháp giáo hóa.
Thế nào là cách giáo hóa đầu tiên của Như Lai khiến cho chúng sanh vào trong giáo pháp của Phật?
Lúc ban sơ dạy Thanh Văn, Bồ Tát, Như Lai nói như thế này: Hỡi kẻ thiện nam! Người nên ưa thích sự vắng lặng, một mình ở chỗ rảnh rang.
Lúc người mới sanh, cha mẹ vì người mà đặt cho tên tộc, cho nên các thầy Hoà Thượng đặt cho tên tộc, ngươi hãy hết lòng quán xét: Như tên gọi của ta được cha mẹ, Hoà Thượng đặt ra đây, đối với sáu nhập bên trong lẫn bên ngoài, là có hay không có?
Thiện nam tử! Nếu lìa sáu nhập, bên trong lẫn bên ngoài mà ngươi chẳng thấy có, thì lúc ấy ngươi sẽ được sự sáng suốt chân thật, ngươi sẽ biết rằng: Tên chỉ là cái hư giả, chẳng phải chân thật, pháp cũng chẳng phải chân.
Danh từ và pháp đều không chân thật, thế sao nơi đó lại sanh kiêu mạn?
Thiện nam tử! Đến khi đó thì ngươi nên quan sát con mắt và tên gọi con mắt.
Con mắt có hai: Một là tên, hai là pháp lan rộng. Tên con mắt chẳng phải là mắt. Tướng con mắt cũng chẳng phải là mắt. Nếu có vật nào tên gọi là mắt thì vật ấy cũng không thật.
Nếu thật sự có cái gọi là mắt, thì tên gọi lẽ ra cũng thật ư?
Nếu là chân thật thì khi chúng sanh mới sanh ra đời, đáng lẽ phải tự biết lấy chẳng cần dạy vẽ. Nhưng chưa từng thấy có kẻ không ai chỉ dạy mà có thể tự biết.
Do đó biết rõ tên vốn không thật, vật cũng không thật, cái biết của con mắt hoặc cái biết của các giác quan khác cũng không thật.
Khi khởi quán như thế sẽ dứt trừ sự tham đắm bên trong, bên ngoài bởi các giác quan nhập do dứt thân tâm bên trong, bên ngoài mà dứt tất cả tướng các pháp.
Vì dứt tất cả tướng các pháp, tức biết một cách chân thật về tánh các pháp. Tất cả các pháp chẳng có tánh chân thật, không có tướng mạo.
Thiện nam tử! Khi khởi quán như vậy, nếu muốn được nhất thiết trí, muốn được đại từ, đại bi, muốn chứng Sơ Thiền cho đến Phi phi tưởng xứ, muốn được tánh hạnh cho đến Như Lai hạnh, muốn được lục thông của Bồ Tát, cho đến muốn chứng vô thượng bồ đề… tất cả những việc đó đều có thể được.
Đây gọi là năng lực thứ sáu của Như Lai, năng lực biết đến nơi đến chốn về pháp đối trị nhất thiết trí xứ đạo trí lực.
Do năng lực biết đến nơi đến chốn pháp đối trị này mà nhận thấy rõ đạo chân thật, đạo chẳng chân thật. Biết rồi dùng đạo chân thật chỉ rõ để phá bỏ đạo không chân thật.
Do năng lực biết được việc đời trước, cho nên biết sự chịu đựng thống khổ, biết rồi chẳng thích sanh tử và phá lối chấp thường.
Do năng lực thiên nhãn không chướng ngại, Như Lai thọ ký cho người, dứt trừ chấp đoạn.
Do năng lực biết rõ sạch hết lậu hoặc, Như Lai tự biết đã được giải thoát, nên có thể phá hỏng chấp lầm của chúng sanh, những kẻ không phải Như Lai tự cho là Như Lai, chẳng phải Sa Môn tự nói Sa Môn, chẳng phải Bà La Môn, tự xưng Bà La Môn.
Khi Như Lai chứng vô thượng bồ đề, mười lực trên đây cùng chứng được trong một lúc.
Làm thế nào nói cho có thứ lớp?
Khi Như Lai chứng vô thượng bồ đề rồi, trước hết là xem xét nhân quả, vì thế, lực thứ nhất gọi là thị xứ phi xứ.
Nhân quả như thế cái gì tạo ra?
Cái gì chịu lấy?
Đây là Lực biết nghiệp quả, hiện, vị lai lực thứ hai.
Biết chúng sanh phá trừ nghiệp chướng là do tu tập thiền định lực thứ ba.
Để biết các chúng sanh, người nào có thể tu, người nào không thể tu, do đó quán sát các căn cơ lực thứ tư.
Căn cơ có thượng, trung, hạ, gọi là chúng sanh tánh. Đến đây gọi là lực thứ năm biết chỗ tri giải.
Vì biết tánh cho nên biết là tâm trong sạch hay chẳng trong sạch. Như thế gọi là lực biết chúng sanh giới lực thứ sáu.
Muốn biết nhân của tâm tịnh hay tâm bất tịnh, cho nên xét về sự đến nơi đến chốn, đối trị các đạo Lực thứ bảy.
Biết được các lối chấp thường, chấp đoạn. Đây gọi là năng lực túc mạng thứ tám, năng lực thiên nhãn thứ chín.
Biết rõ hai chấp đã dứt trừ, các mê lầm sạch hẳn. Đây gọi là năng lực ậu tận trí lực thứ mười. Như vậy gọi là biết có thứ lớp.
Lại nữa, có thứ lớp nghĩa là: Khi Như Lai chứng vô thượng bồ đề, đầu tiên quán xét phải trái của các đạo lý thị xứ, phi xứ. Kế đó xét rõ về nghiệp thế gian. Vì phá bậc thế gian cho nên quán về thiền giải thoát và quán sát chúng sanh có thể hay không thể tu tập đạo quả.
Kế nữa dùng thiên nhãn xem xét căn cơ chúng sanh có thể hay không thể tu tập đạo quả. Kế nữa dùng thiên nhãn xem xét căn cơ chúng sanh lanh hay chậm. Ngoài ra như trên đã nói.
Lại nữa, khi Như Lai chứng vô thượng bồ đề rồi, quán về mười hai nhân duyên.
Đây là thị xứ phi xứ.
Mười hai nhân duyên do đâu phát xuất?
Vì vậy quán về nghiệp. Các nghiệp của chúng sanh, hoặc có thọ báo hoặc không thọ báo.
Thiên nhãn xem xét những gì?
Vì chúng sanh mà quán pháp giới. Đây gọi là năng lực biết chỗ tri giải.
Pháp giới và Thế Giới vốn không sai khác. Muốn biết sự khó điều phục hay dễ điều phục, vì vậy mà biết về túc mạng.
Để biết những kẻ nghe dạy và kẻ không nghe dạy, do đó biết về căn cơ lợi độn.
Biết rồi nói ra Tám Thánh Đạo, gọi là lực chí xứ đạo.
Biết rõ sự đoạn phiền não của bậc có đạo lực, gọi là năng lực sạch hết mê lầm lậu hoặc.
Năng lực biết rõ xứ phi xứ và năng lực biết rõ nghiệp báo ba đời, giữa hai lực có gì sai khác?
Nghiệp lành, nghiệp dữ đều thấu rõ. Quả lành, quả dữ đều biết rõ. Đây gọi là thị xứ, phi xứ.
Gây tạo quyết định chịu quả, chẳng tạo chẳng chịu quả báo. Đây gọi là năng lực biết rõ nghiệp báo ba đời.
Vì muốn điều phục nghiệp bất thiện mà tu tập thiền định.
Sự điều phục có hai:
Một là kẻ tin.
Hai là kẻ không tin.
Do đó quán xét cội gốc của lòng tin cũng có hai:
Một là tin Tam Bảo.
Hai là tin Trời Ma Hê Thủ La.
Điều phục các hạng như trên gọi là tri giải thoát lực.
Căn cứ có thượng, trung, hạ, gọi là tri chúng sanh giới lực.
Biết Thế Giới, chúng sanh giới rồi nói về đạo thế gian, đạo Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật Đạo, gọi là chí xứ đạo lực.
Thấy rõ nhân lành, nhân dữ, nghiệp nặng, nghiệp nhẹ của chúng sanh, gọi là Tri túc mạng lực.
Biết như vậy rồi dứt trừ chấp thường, chấp đoạn, gọi là năng lực thiên nhãn.
Thấy rõ đạo chân thật, các mê lầm đã sạch hết. Đây mệnh danh là Lậu tận trí lực.
Tánh của mười lực đều là tánh sáng suốt của tuệ giác không gì sai khác. Vì cảnh giới để duyên có khác, cho nên cách thuyết minh có khác vậy thôi.
Bốn vô sở úy, như nhiều chỗ thường nói.
Như Lai vì chúng sanh nói pháp có bốn sự:
Pháp giải thoát của Phật, Thanh Văn chẳng chung.
Pháp giải thoát của Phật, Thanh Văn nói chung.
Sự giải thoát khổ của chúng sanh.
Vì chúng sanh nói pháp đối trị dứt khổ để được giải thoát.
Thanh Văn chẳng chung là như thế nào?
Như Lai biết rằng, nếu nói các vị Thanh Văn về pháp giác ngộ mà Phật đã có, các vị này chẳng rõ biết được.
Ta chẳng thấy có một Sa Môn, Bà La Môn hay Ma Vương, Phạm Vương nào đúng như thật bảo rằng Như Lai chẳng rõ, chẳng biết. Vì không thấy ai nói như thế, cho nên Như Lai chẳng e sợ.
Như Lai đã sạch cùng tất cả mê lầm. Nếu nói rằng chưa sạch hết, thì sao không thấy Sa Môn, Bà La Môn, Ma Vương hay Phạm Vương nào đúng như thật nói rằng Phật chẳng sạch hết mê lầm. Vì chẳng thấy, cho nên Như Lai chẳng e sợ.
Như Lai đã chứng vô thượng bồ đề.
Nếu nói đạo này chẳng rốt ráo, Như Lai cũng chẳng thấy có Sa Môn, Bà La Môn, Ma Vương hay Phạm Vương nào đúng như thật nói rằng Như Lai chưa chứng đạo, hoặc nói rằng đạo này chẳng phải rốt ráo.Vì chẳng thấy cho nên ta chẳng e sợ.
Khi Như Lai nói về sự chướng đạo hay không chướng đạo, ta cũng chẳng thấy có Sa Môn, Bà La Môn, Ma Vương hay Phạm Vương nào đúng như thật nói rằng ta nói chướng đạo là không phải chướng đạo.
Bởi chẳng thấy cho nên ta chẳng e sợ.
Những gì về đạo mà Phật nói ra, đều vì các vị Bồ Tát và Chư Thanh Văn.
Sau khi Phật Niết Bàn lúc kiết tập Kinh Điển, trong Tạng Thanh Văn bỏ ra tên các Bồ Tát, trong tạng Bồ Tát để tên các vị Bồ Tát. Do đó, bộ loại các Kinh Phương Đẳng, gọi là Bồ Tát tạng. Đây gọi là chẳng chung.
Lại nữa, chẳng chung với Thanh Văn là ba niệm xứ của Như Lai.
Như Lai thuyết pháp, có người hết lòng nghe nhận, tâm được vui mừng, cảm thọ an lạc, sống đúng như pháp, chẳng trái lời Phật dạy…
Với việc như thế Phật chẳng lấy làm mừng, vẫn tu tập tâm xả, không mất chánh niệm, cũng không buông lung.
Như Lai Thuyết Pháp, hoặc có người đã không tin nhận, còn trái nghịch lời dạy của Như Lai.
Với việc như thế Phật cũng chẳng giận, chẳng chút buồn rầu, mà vẫn tu tập tâm xả, không mất chánh niệm, cũng không buông lung.
Như Lai thuyết pháp, cùng một lúc có người chịu nghe, có người chẳng chịu nghe. Với hai hạng trên, Phật cũng chẳng vui buồn, vẫn tu tập tâm xả, không mất chánh niệm, cũng không buông lung.
Như thế gọi là ba niệm xứ.
Lại nữa, chẳng chung với Thanh Văn là luận về ba bất hộ của Như Lai là: Thân, miệng và mệnh.
A La Hán, có người vì nghiệp vô ký khởi lên, cho nên không giữ chánh niệm. Nghiệp vô ký là tội Đột Kiết La ác tác. Như Lai đã chấm dứt hoàn toàn nghiệp vô ký.
Vì sao thế?
Vì luôn luôn tu chánh niệm, cho nên Như Lai tùy tâm mà phát ngôn, như quở trách Đệ Tử quyến thuộc chẳng hạn. Dầu Phật có nói lời thô xua đuổi kẻ xấu, tâm cũng không sợ nạn.
Tại sao vậy?
Vì thân, khẩu và mệnh của Phật đều thanh tịnh hoàn toàn.
Lại nữa, chẳng chung với Thanh Văn là tâm đại bi như trước đã nói:
Như Lai làm việc gì?
Làm nơi nào?
Nhân duyên gì làm?
Làm bằng cách nào?
Khi nào làm?
Những việc như thế Phật đều luôn luôn biết đúng sự thật. Đây gọi là tâm ghi nhớ chẳng quên thường bất vong thất.
Như Lai biết những việc gì?
Biết tất cả hạnh.
Làm ở nơi nào?
Tất cả Thế Giới.
Vì nhân duyên gì làm?
Vì điều phục chúng sanh.
Làm bằng cách nào?
Những phương tiện hay khéo.
Khi nào làm?
Trong tất cả thế gian.
Bởi luôn luôn tu tâm chánh niệm, cho nên Như Lai Thế Tôn hoặc cử động, hoặc nhìn ngó, hoặc nói năng, hoặc đi, hoặc đứng, hoặc làm bất cứ việc gì, trong tất cả thời gian ấy, hoàn toàn không một mảy may tập quán phiền não phát khởi.
Thế nên nói rằng Như Lai dứt hẳn tập khí phiền não.
Bậc A La Hán v.v… không thể như vậy, do đó Như Lai chẳng cùng chung với Thanh Văn. Đây gọi là trí đoạn tập nhân phiền não.
Như Lai giác ngộ các pháp hữu vi, biết rõ về ba nhóm:
Một là nghĩa lợi ích.
Hai là nghĩa chẳng phải lợi ích.
Ba là nghĩa chẳng phải lợi ích chẳng phải không lợi ích.
Như Lai biết rõ ràng, Như Lai được nhất thiết chủng trí.
Một trăm bốn mươi pháp bất cộng như trên, hàng Thanh Văn và chẳng thể chung đồng, vì vậy mà gọi rằng:
Thanh Văn bất cộng pháp pháp Thanh Văn chẳng chung. Khi còn trụ Bồ Tát Hạnh, được ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, nhưng không được tươi sáng.
Đến khi ngồi nơi Bồ Đề Đạo Tràng, không thầy mà tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo chứng quả vô thượng. Khi đó các tướng hảo mới sáng tươi xinh đẹp.
Đại Bồ Tát Địa tận Đẳng Giác, sau khi chứng Kim Cang tam muội rồi, niệm thứ hai là được mười lực, được tất cả Phật Pháp, cho đến tất cả tịnh trí.
Vì được tất cả cho nên gọi là nhất thiết chủng trí, vô ngại trí, vô chướng trí, tịnh trí, tịch tịnh trí, cụ túc trí. Đến đây gọi là Tất Cánh địa.
Khi còn ở Bồ Tát hạnh Đệ thập pháp vân địa, Đại Bồ Tát nhìn thấy pháp thân Phật, như cái nhìn xuyên qua lớp lụa mỏng. Như Lai Thế Tôn không có điều đó, cho nên gọi là pháp thân Thanh Tịnh.
Bồ Tát ở bậc Địa Tận đối với sự nhìn thấy pháp thân Phật, như từ xa nhìn thấy màu sắc, Chư Phật thấy pháp thân như ở gần nhìn rõ màu sắc.
Bồ Tát Địa tận đối với sự nhìn thấy pháp thân Phật, như từ chỗ tối mà nhìn thấy sắc. Chư Phật thấy pháp thân như giữa ban ngày nhìn thấy màu sắc. Bồ Tát Địa tận như lúc chưa ra khỏi thai, Chư Phật Thế Tôn như đã ra khỏi thai.
Bồ Tát Địa Tận thấy pháp thân Phật như người còn trong mộng. Các Đức Như Lai như người đã thức giấc, thấy rõ muôn vật.
Bồ Tát Địa tận như ngọn đèn chẳng sáng. Chư Phật Thế Tôn như những ngọn đèn sáng rực.
Đại Bồ Tát chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác rồi, làm Phật Sự ở nơi Thế Giới của tất cả Chư Phật. Sự thi tác Phật Sự này có chín cách. Mỗi mỗi Phật Sự có thể làm lợi ích rất nhiều cho vô lượng chúng sanh.
Chín cách đó là: Tự làm công việc của bậc đại trượng phu và có thể làm cho chúng sanh tin tưởng sự việc của bậc đại trượng phu.
Dùng ba mươi tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm tự thân, làm lợi ích chúng sanh bằng cách phá trừ lưới nghi của chúng.
Như lai đầy đủ mười lực. Vì đủ mười lực nên có thể lợi lạc vô lượng chúng sanh. Nếu có ai hỏi về lực, Phật liền khéo léo giải thích, phá trừ tâm nghi của kẻ đó, và điều phục chúng sanh lìa bỏ chấp tà.
Như Lai với Bốn Vô sở úy, làm cho người tin tưởng Tam Bảo, điều phục chúng sanh, phá bỏ chấp tà và làm tiếng rống oai hùng của Đại Sư Tử.
Sự đầy đủ ba niệm xứ của Như Lai, theo chỗ nói mà làm, như chỗ làm mà nói, phá các thứ phiền não. Chứa nuôi đệ tử và dạy dỗ chúng sanh.
Sự đầy đủ ba món Bất hộ của Như Lai làm lợi ích chúng sanh, ngày đêm thường vận dụng Phật nhãn xem xét khắp các chúng sanh.
Sự đầy đủ tâm Đại bi của Như Lai nhờ tu nhẫn nhục Ba la mật, làm cho chúng sanh lìa các sự khổ, ban cho chúng sanh những sự an vui.
Sự đầy đủ tâm không lầm lẫn, không mất chánh niệm của Như Lai, không thấy mà vẫn đúng pháp thực hành, đúng pháp an trú, làm lợi ích chúng sanh khiến họ được điều phục và phá bỏ tâm buông lung của chúng sanh.
Sự đoạn hẳn tất cả vô minh phiền não, với nhất thiết chủng trí, Như Lai rõ biết pháp đúng như nghĩa, lìa pháp chẳng phải nghĩa, chẳng phải phi nghĩa v.v…
Nói tóm lại, Như Lai đầy đủ một trăm bốn mươi pháp bất cộng và chín việc như thế, luôn luôn làm Phật Sự, vì vậy gọi là Như Lai Hạnh, Như Lai địa hay gọi là Tất cánh địa của Như Lai.
Tại sao thế?
Vì Hạnh Như Lai, Địa Như Lai Tất cánh địa của Như Lai vốn từ vô lượng na do tha đại kiếp thọ giới Bồ Tát, siêng năng dạy dỗ vô lượng, bô biên chúng sanh cũng trụ tất cánh địa đồng với Như Lai.
Tất cả Phật Pháp của Như Lai đều vì chúng sanh, chẳng tự vì mình. Pháp của Thanh Văn, Duyên Giác chỉ tự lợi mình, lợi người rất ít.
Do đó pháp của Nhị thừa chẳng cùng với Như Lai. Phật Pháp vô thượng trọn không giống như Phật Pháp của Thanh Văn, Duyên Giác.
Đấng Đại Bi chẳng thể lầm lẫn về sự đoạn hẳn tất cả tập khí vô minh phiền não. Với nhất thiết chủng trí, ngũ trí tam muội, Như Lai đầy đủ tất cả các pháp bất cộng. Do đây gọi là Đấng Vô Thượng.
Kinh này diễn nói về giới cấm của Bồ Tát, nói về đạo Bồ Tát và nói về quả đức của Bồ Tát giới.
Tất cả Hạnh của Bồ Tát. Tất cả Giới, Hạnh, Quả của Bồ Tát mệnh danh là Bồ Tát địa, gọi là Bồ Tát tạng, gọi là Bồ Tát luận.
Kinh này nhiếp tất cả Kinh Điển Đại Thừa, là Kinh Điển của trí vô ngại.
Nếu Chư Thiên hay loài người, hoặc Sa Môn hay Bà La Môn tin tưởng Kinh Điển này, rồi thọ trì đọc tụng, nghe giảng, biên chép, nói rộng cho người, theo ý nghĩa của Kinh mà tu tập, hoặc cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen người trì Kinh này, hay là dâng cúng dầu đèn, hương hoa, âm nhạc v.v…
Được như thế, người này luôn luôn được các Đức Phật trong mười phương che chở, ủng hộ và nhắc đến tánh danh, người ấy được sự chứa nhóm vô lượng phước đức.
Tại sao vậy?
Vì làm nhân duyên cho giới Bồ Tát là làm nhân duyên cho sự chứng ngộ vô thượng bồ đề.
Nhờ Thọ trì, đọc tụng, biên chép giải nói giới Bồ Tát mà chánh pháp Như Lai trụ lâu nơi đời, không bị phá diệt, các Tỳ Kheo xấu ác sẽ lần lần giảm đi.
Nếu không có giới Bồ Tát, các Tỳ Kheo xấu sẽ dần dần lẫy lừng thanh thế và chánh pháp Như Lai chẳng bao lâu sẽ bị phá diệt.
Lúc bấy giờ Ngài Ưu Ba Ly bạch hỏi Đức Phật: Kính bạch Đức Thế Tôn! Kinh này tên gọi là gì?
Phật dạy: Ưu Ba Ly! Kinh này gọi là thiện giới, gọi là Bồ Tát Địa, gọi là Luật Bồ Tát, gọi là Luận Bồ Tát, gọi là Như Lai Tạng, gọi là căn bản của tất cả thiện pháp, gọi là nhân của sự an lạc, gọi là sự chứa nhóm các hạnh Ba la mật.
Khi Ngài Ưu Ba Ly nghe Đức Phật dạy xong, vui mừng đảnh lễ lạy, nhiễu quanh Đức Phật và lui trở về.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu - Kinh Con Chết Không Chôn
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Bốn - Tinh Tấn độ Vô Cực - Kinh Số Sáu Mươi Tám
Phật Thuyết Kinh đại Lâu Thán - Phẩm Mười Ba - Phẩm Trời đất Thành Hoại
Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Ba - Quán Tướng - Tập Tám