Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Công đức Thâm Sâu - Tập Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM MƯỜI BẢY
PHẨM CÔNG ĐỨC THÂM SÂU
TẬP MỘT
Lúc bấy giờ, Tu Bồ Đề bạch Phật: Thật hy hữu thay, bạch Đức Thế Tôn! Đó là đại công đức Bồ Tát không thoái chuyển thành tựu.
Bạch Thế Tôn! Ngài đã nói hằng hà sa số tướng mạo của Bồ Tát không thoái chuyển, Ngài nói tướng mạo ấy, tức là Ngài nói tướng bát nhã Ba la mật sâu xa.
Phật dạy: Lành thay Tu Bồ Đề! Ông có khả năng nêu lên các tướng thậm thâm của Bồ Tát.
Tu Bồ Đề! Tướng thậm thâm ấy là nghĩa không, tức là nghĩa không hình tướng, không tạo tác, không khởi, không sinh, không diệt, vô sở hữu, không nhiễm, tịch diệt, viễn ly, Niết Bàn.
Bạch Đức Thế Tôn! Nhưng nghĩa không ấy, cho đến nghĩa Niết Bàn, chẳng phải là nghĩa của tất cả pháp ư?
Này Tu Bồ Đề! Tất cả pháp cũng là nghĩa rất sâu xa.
Vì sao?
Này Tu Bồ Đề! Sắc thậm thâm. Thọ, tưởng, hành, thức cũng thậm thâm.
Thế nào là sắc thậm thâm?
Như như là thậm thâm.
Thế nào gọi là thọ, tưởng, hành, thức thậm thâm?
Như như là thậm thâm.
Tu Bồ Đề! Vô sắc là sắc thậm thâm. Vô thọ, tưởng, hành, thức là thức thậm thâm.
Tu Bồ Đề thưa: Thật hy hữu, bạch Đức Thế Tôn! Ngài đã dùng phương tiện vi diệu phá chướng ngại sắc, biểu hiện Niết Bàn. Phá chướng ngại thọ, tưởng, hành, thức, biểu hiện Niết Bàn.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Đối với bát nhã Ba la mật này, Bồ Tát nếu có thể suy nghĩ và xem xét, như điều bát nhã Ba la mật dạy thì ta nên học như thế. Như điều bát nhã Ba la mật nói thì ta nên thực hành như thế, Bồ Tát ấy suy nghĩ và tu tập như thế, cho đến công đức tạo ra một ngày không có số lượng hạn định.
Tu Bồ Đề! Ví như người nhiều ham muốn, dục vọng cũng nhiều, cùng với người nữ đoan chính hẹn hò, người nữ này bị công việc trở ngại nên lỗi hẹn không đến.
Tu bồ đề! Ý ông thế nào?
Người nhiều ham muốn đó thích ứng với pháp gì?
Bạch Đức Thế Tôn! Người nhiều ham muốn đó sinh ý tưởng nhớ đến cô gái: Chẳng bao lâu cô ấy sẽ đến cùng với mình ngồi, nằm đùa giỡn.
Này Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?
Trong một ngày đêm người đó sinh ra bao nhiêu ý nghĩ ham muốn?
Bạch Đức Thế Tôn! Trong một ngày đêm người đó sinh ra rất nhiều ý nghĩ ham muốn.
Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào như lời dạy bát nhã Ba la mật thâm sâu mà tư duy học tập thì không bị thoái lui, xa lìa đường ác, vượt khỏi hiểm nạn trong bao nhiêu kiếp sinh tử. Nhờ tương ứng sâu xa với bát nhã Ba la mật, dù chỉ một ngày, Bồ Tát cũng có thể tạo ra công đức hơn hẳn Bồ Tát tạo công đức bố thí trong hằng hà sa kiếp mà lại xa lìa bát nhã Ba la mật.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào đối với Bồ Tát cúng dường các bậc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, các Phật trong vô số kiếp mà lại xa lìa bát nhã Ba la mật, phước đó có nhiều không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Rất nhiều, phước ấy vô lượng, vô biên không thể nói hết.
Phật dạy: Nhưng phước ấy cũng không bằng Bồ Tát tu hành theo bát nhã Ba la mật thâm sâu dù cho một ngày cũng tạo nhiều phước đức.
Vì sao?
Vì Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật có khả năng vượt qua Thanh Văn, Bích Chi Phật địa, vào quả vị Bồ Tát đắc vô thượng bồ đề.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Trong hằng hà sa kiếp Bồ Tát bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ mà lại xa lìa bát nhã Ba la mật, ý ông thế nào, phước đó có nhiều không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!
Phật dạy: Nhưng phước ấy cũng không bằng phước của Bồ Tát tu hành đúng pháp theo bát nhã Ba la mật dù chỉ một ngày bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, phước ấy rất nhiều.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Trong hằng hà sa kiếp, Bồ Tát ban bố pháp cho chúng sinh nhưng lại xa lìa bát nhã Ba la mật, ý ông thế nào?
Phước ấy có nhiều không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!
Phật dạy: Nhưng phước ấy cũng không bằng phước của Bồ Tát tu hành đúng pháp theo bát nhã Ba la mật thâm sâu dù chỉ một ngày ban bố pháp cho chúng sinh, phước ấy rất nhiều.
Vì sao?
Vì Bồ Tát không xa lìa bát nhã Ba la mật tức là không xa lìa nhất thiết trí.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Trong hằng hà kiếp, Bồ Tát tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo nhưng lại xa lìa bát nhã Ba la mật, ý ông thế nào, phước ấy có nhiều?
Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!
Phật dạy: Nhưng phước ấy cũng không bằng phước của Bồ Tát trụ trong bát nhã Ba la mật thâm sâu dù một ngày tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo, phước ấy rất nhiều.
Vì sao?
Vì không có việc Bồ Tát trụ trong bát nhã Ba la mật mà thoái lui nhất thiết trí.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Trong hằng hà sa kiếp Bồ Tát thực hành tài thí, pháp thí, thiền định, hồi hướng các công đức ấy lên ngôi vô thượng bồ đề nhưng lại xa lìa bát nhã Ba la mật.
Ý ông thế nào?
Phước ấy có nhiều không?
Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!
Phật dạy: Nhưng phước ấy cũng không bằng phước của Bồ Tát tu hành đúng pháp theo bát nhã Ba la mật thâm sâu dù cho một ngày thực hành tài thí, pháp thí, thiền định, hồi hướng các công đức lên ngôi vô thượng bồ đề, phước ấy rất nhiều.
Vì sao?
Vì đó là công đức hồi hướng đệ nhất, nghĩa là không xa lìa bát nhã Ba la mật thâm sâu.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Như lời Ngài nói, tất cả pháp sinh ra đều do ý nhớ tưởng phân biệt thì tại sao nói là Bồ Tát được phước rất nhiều?
Tu Bồ Đề! Khi Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật cũng có thể quán sát tạo ra công đức. Tướng công đức ấy là không, không thật có, hư dối, không thật, không kiên cố. Nếu Bồ Tát quán sát như vậy thì không xa lìa bát nhã Ba la mật thậm thâm, không xa lìa bát nhã Ba la mật thậm thâm tức đắc vô lượng, vô số phước đức.
Bạch Đức Thế Tôn! Vô lượng và A tăng kỳ có khác nhau như thế nào?
Tu Bồ Đề! A tăng kỳ là số lượng không thể đếm hết, vô lượng là quá hơn con số đó, không thể tính lường.
Bạch Đức Thế Tôn! Vậy thì sắc có vô lượng.
Thọ, tưởng, hành, thức có vô lượng không?
Phật dạy: Có, này Tu Bồ Đề! Sắc vô lượng. Thọ, tưởng, hành, thức cũng vô lượng.
Bạch Đức Thế Tôn! Nghĩa của vô lượng như thế nào?
Vô lượng là nghĩa gì?
Tu Bồ Đề! Vô lượng nghĩa là không, tức là nghĩa vô tướng, vô tác.
Bạch Đức Thế Tôn! Vô lượng chỉ là nghĩa không, hay còn có nghĩa nào khác nữa?
Này Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?
Ta không nói tất cả pháp là không ư?
Bạch Thế Tôn! Ngài có nói.
Này Tu Bồ Đề! Nếu không tức là vô tận, nếu không tức là vô lượng, thì nghĩa của pháp này không có sai khác.
Này Tu Bồ Đề! Như Lai nói vô tận, vô lượng, không, không tướng, không tạo tác, không khởi, không sinh, không diệt, vô sở hữu, không nhiễm, Niết Bàn, chỉ là nói danh từ phương tiện mà thôi.
Tu Bồ Đề thưa: Thật hy hữu, bạch Đức Thế Tôn! Thật tướng của các pháp không thể nói được, mà nay Ngài nói được.
Bạch Thế Tôn! Như con hiểu lời Ngài nói thì tất cả pháp đều không thể nói được.
Đúng vậy, đúng vậy, này Tu Bồ Đề! Tất cả pháp đều không thể nói được.
Bạch Đức Thế Tôn! Tướng không của tất cả pháp không thể nói được. Không thể nói nghĩa ấy, không có thêm và không có bớt.
Nếu như vậy, bố thí Ba la mật cũng phải không thêm không bớt, trì giới Ba la mật, nhẫn nhục Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền định Ba la mật cũng phải không thêm không bớt. Nếu các Ba la mật ấy không tăng, không giảm thì tại sao Bồ Tát dựa vào sự không tăng, không giảm của bát nhã Ba la mật để đắc vô thượng bồ đề hoặc gần vô thượng bồ đề.
Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát dựa vào sự tăng hoặc giảm của Ba la mật thì không thể gần vô thượng bồ đề.
Đúng vậy, đúng vậy, này Tu Bồ Đề! Không thể nói nghĩa không tăng không giảm, khéo biết phương tiện lúc Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, tu bát nhã Ba la mật, không nghĩ bố thí Ba la mật tăng hoặc giảm, mà nghĩ bố thí Ba la mật chỉ có danh tự. Khi Bồ Tát bố thí khởi niệm và các thiện căn đều là những tướng hồi hướng đến vô thượng bồ đề.
Tu Bồ Đề! Bồ Tát khéo biết phương tiện hành bát nhã Ba la mật, tu bát nhã Ba la mật, không nghĩ trì giới Ba la mật, nhẫn nhục Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền định Ba la mật hoặc tăng hoặc giảm.
Tu Bồ Đề! Bồ Tát khéo biết lúc phương tiện hành bát nhã Ba la mật, tu bát nhã Ba la mật, không nghĩ bát nhã Ba la mật hoặc tăng hoặc giảm mà nghĩ bát nhã Ba la mật chỉ có danh tự. Khi Bồ Tát tu bát nhã Ba la mật khởi niệm, khởi tâm và các thiện căn đều là những tướng hồi hướng đến vô thượng bồ đề.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những gì là Vô Thượng Chánh Đẳng Giác?
Này Tu Bồ Đề! vô thượng bồ đề tức là Như như không tăng, không giảm. Bồ Tát nào thực hành phải nghĩ như thế đó tức là gần vô thượng bồ đề.
Như vậy, này Tu Bồ Đề! Không thể nói nghĩa tuy không có tăng giảm nhưng không thoái lui các niệm và không thoái lui các Ba la mật. Bồ Tát thực hành những việc đó thì gần vô thượng bồ đề nhưng cũng không thoái lui hạnh Bồ Tát, do đó Bồ Tát nghĩ mình được gần vô thượng bồ đề.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Sáu - Quán Bốn Oai Nghi - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đoạn Pháp - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Ba Mươi Bốn - Kinh Dâng Nước Ngọt
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Tam Muội - Phẩm Sáu - Phẩm Chân Tánh Không
Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Vào Niết Bàn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Diệt - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Sáu - Phẩm Mười Hai - Phẩm Hiện Hóa