Phật Thuyết Kinh đại Minh độ Kinh đạo Hành Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười - Phẩm Chiếu Minh Thập Phương

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI MINH ĐỘ KINH ĐẠO

HÀNH BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

PHẨM MƯỜI

PHẨM CHIẾU MINH THẬP PHƯƠNG  

Thiện Nghiệp bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Cúi xin Đức Thế Tôn giảng về minh độ vô cực chiếu sáng cho đời.

Thế nào gọi là chiếu sáng?

Phật dạy: Như Lai chỉ bày năm ấm cho thế gian.

Thiện Nghiệp lại hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Làm thế nào thấy rõ năm ấm hư hoại có thực ngay ở thế gian, hay không hư hoại có thực ngay ở thế gian?

Phật dạy: Năm ấm vốn không hư, không hoại.

Vì sao?

Vì nó không tướng, nguyện, không hư, không hoại, không có chỗ sinh ra, không hư hoại, không có chỗ biết. Do không hư không hoại, năm ấm vốn không tướng, nguyện không có chỗ sinh ra, không có chỗ biết. Minh độ chỉ bày rõ ràng cho thế gian. Đối với tâm của vô lượng người, Như Lai đắc được minh độ đều biết cội nguồn của họ.

Làm thế nào để biết cội nguồn của họ?

Đối với bổn tâm của con người thì bổn tâm là cội rễ của con người vốn bình đẳng không khác. Như vậy, minh độ sinh ra Như Lai thị hiện nơi đời.

Lại nữa, này Thiện Nghiệp! Với tâm lanh lợi, Như Lai theo minh độ đều biết hết.

Tâm lanh lợi là gì?

Tâm loạn động liền biết. Kinh vốn ra vào ở trong tâm, Kinh vốn không vào, cũng không ra Kinh. Nên tâm là gốc của Kinh, Kinh vốn là gốc của tâm. Cội nguồn của Kinh không lanh lợi, không loạn động liền biết.

Thế nào là tâm lanh lợi liền biết?

Theo sự lanh lợi ấy thì tất cả đếu không thật có, vì tâm giống như không thật có nên không lanh lợi, không loạn động. Đó là tâm lanh lợi liền biết. Như vậy, minh độ sinh ra Như Lai thị hiện ở đời. Ái dục tâm vốn liền biết.

Tâm tức giận vốn liền biết, tâm ngu si vốn liền biết?

Tâm ái dục vốn không phải tâm ái dục, tâm tức giận vốn chẳng phải tâm sân giận, tâm ngu si vốn chẳng phải tâm ngu si.

Vì sao?

Vì tâm vốn không hiển hiện, không tưởng. Không tưởng là không có ái dục, tức giận, ngu si. Đây chính là vốn không, giống như Kinh này không có cội nguồn. Như vậy, minh độ sinh ra Như Lai. Nếu tâm ái dục, tức giận, ngu si, dứt trừ liền biết.

Thế nào là tâm dứt trừ liền biết?

Vì tâm dứt trừ không có ái dục, không có tức giận, không có ngu si.

Vì sao?

Vì có ái dục thì tâm dứt trừ tận gốc rễ, có tức giận thì tâm dứt trừ tận gốc rễ, có ngu si thì tâm dứt trừ tận gốc rễ nên đều không từ nơi nào sinh ra được. Không có cội nguồn nên không từ nơi nào sinh ra, vì không từ nơi nào sinh ra nên các pháp không từ nơi nào sinh ra.

Không có ái dục vì ái dục được dứt trừ, không có tức giận vì tức giận được dứt trừ, không có ngu si vì ngu si được dứt trừ, không thể thấy được. Như vậy, minh độ sinh ra Như Lai, dùng người có đức. Tâm rộng lớn liền biết. Không có tâm lớn, nhỏ, vô ích, không có tâm bỏ đi.

Vì sao?

Vì tâm dứt trừ như thế sinh ra Như Lai. Dùng người có đức, không có tâm diêm dúa liền biết. Tâm này không đi, không đến, không ở.

Vì sao?

Vì nó vốn không, không có chỗ sinh ra. Vốn không nên không đến, không đi, không ở. Không thể lường như vậy, tâm liền biết. Trong thân tâm không tăng thêm thì tâm biết. Như hư không không thể tính lường như vậy tâm liền biết. Minh độ sinh ra Như Lai không thể tính kể, người nào chưa thấy, tâm liền biết.

Vì sao?

Vì vô tưởng nên tất cả thấy các pháp của Kinh giống như tâm bình đẳng. Như các pháp tưởng không phải các pháp. Các pháp không phải tâm tưởng.

Thế nào là pháp tưởng không phải các pháp?

Thế nào là không phải tâm tưởng?

Vì các pháp không có tâm tưởng, cũng vô tưởng, không thấy. Như vậy minh độ sinh ra Như Lai, muốn được đây thì đến đây, đem sự có đức giúp người.

Thế nào là muốn được đây thì đến đây?

Vì tất cả muốn được đến, ở trụ trong năm ấm, muốn được theo đây thì liền đến đây.

Này Thiện Nghiệp! Như Lai làm thế nào mà muốn được nhân này đến đây?

Từ chết đến chết thuộc về sắc. Từ chết đến không chết thuộc về sắc. Từ không chết đến không chết thuộc về sắc. Không có chết, không có không chết thuộc về sắc. Năm ấm như vậy. Có thế gian vô ngã chính là sắc, không thế gian có ngã chính là sắc. Có thế gian có ngã, không thế gian vô ngã thuộc về sắc.

Không có thế gian không có ngã, không phải không có thế gian không phải vô ngã thuộc về sắc. Như vậy được cội nguồn thế gian, được cội nguồn của ngã thuộc về sắc. Có cội nguồn, không có cội nguồn thuộc về sắc. Không cội nguồn, không phải không có cội nguồn thuộc về sắc.

Không được cội nguồn thế gian, không được cội nguồn của ngã thuộc về sắc. Có cội nguồn, không có cội nguồn thuộc về sắc. Không có cội nguồn, không phải không có cội nguồn thuộc về sắc. Mạng này, thân này thuộc về sắc.

Chẳng có mạng, chẳng có thân thuộc về sắc. Năm ấm cũng như vậy. Đây là muốn được nhân này đến đây. Từ thân ta khởi ra công dụng của Như Lai. Người bị dính mắc, bị trói buộc, bị dục liền biết. Biết Như Lai quá khứ, biết thời, biết Như Lai hiện nay, biết thời, biết sắc.

Làm thế nào biết sắc Như Lai biết?

Như cội nguồn vốn không, năm ấm cũng vậy.

Năm ấm của Như Lai làm sao biết được?

Như cội nguồn vốn không, năm ấm vốn không. Như Lai vốn không. Làm như vậy thấy được vốn không. Năm ấm vốn không, thế gian vốn không, các pháp cũng vốn không. Dự Lưu, Tần lai, Bất hoàn, Duyên Giác vốn không, Như Lai cũng vốn không.

Tất cả vốn không, không khác nhau. Không có nơi đến, không có nơi dừng, vô tưởng, vô tận. Như vậy vốn không chẳng khác Như Lai. Từ trong minh độ sinh ra đều biết điều này. Thế nên gọi là Phật.

Thiện Nghiệp bạch Phật: Rất sâu xa, bạch Đức Thế Tôn! Ai sẽ là người tin việc này?

Chỉ có Thanh Văn và người đạt địa vị không thoái chuyển mới tin thôi.

Phật dạy: Khi vốn không vô tận thì điều Như Lai nói là vô cực.

Đế Thích và cả muôn vị Thiên Tử cùng hai muôn vị Thiên Tử Trời Phạm Chúng đều đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi lui đứng một bên.

Thiên Tử Trời Ái dục, Thiên Tử Trời Phạm Thiên đều bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Ngài đã giảng pháp rất sâu xa, làm sao tưởng pháp ấy?

Phật bảo các Thiên Tử: Hư không dính mắc vô tướng, vô nguyện, vô sở trụ, như hư không không có gì trở ngại, các Trời, Rồng, Quỷ, Thần không thể làm lay động.

Vì sao?

Vì đây là tướng không tác giả. Năm ấm không thể tạo ra tưởng. Người, chẳng phải người không thể làm được.

Phật dạy các Thiên Tử: Nếu có người nói làm ra được hư không, thế nào?

Có tin được không?

Thưa, không tin được, bạch Đức Thế Tôn! Không có ai làm ra được hư không.

Vì sao?

Vì hư không không có sắc.

Đức Phật dạy: Đây là tướng thường trụ. Dù có Phật hay không có Phật, tướng này vẫn trụ như vậy. Như Lai đều biết hết.

Các Thiên Tử bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Tưởng này rất sâu xa, Đức Như Lai đều biết hết, không có gì trở ngại. Minh độ là đạo tự tại của Như Lai. Đây là nơi Phật ở.

Phật bảo Thiện Nghiệp: Đối với Kinh, Như Lai tôn kính tôn thờ, tự quy y.

Tại sao gọi là Kinh minh độ?

Vì Như Lai từ Kinh này mà được đạo vô thượng chánh chân. Do đó ta cung kính Kinh, sẽ báo ân Kinh. Các pháp là vô tác, ta đều biết không đem đến. Đây là báo ân Kinh.

Thiện Nghiệp bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp không biết, không thấy, làm sao minh độ sinh ra Như Lai thị hiện ở đời?

Đức Phật dạy: Các pháp không chỗ tru. Như vậy đều thấy biết sinh ra Như Lai thị hiện ở đời. Năm ấm không thấy làm ra được thị hiện ở đời.

Thế nào là không thấy?

Năm ấm không có nhân duyên nên không thấy. Không thấy chính là minh độ sinh ra Như Lai thị hiện ở đời. Như hư không thị hiện ở đời. Thị hiện ở đời khó hoàn toàn thanh tịnh. Đây là thị hiện ở đời.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần