Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Tướng Không Thoái Chuyển
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM MƯỜI SÁU
PHẨM TƯỚNG KHÔNG THOÁI CHUYỂN
Lúc bấy giờ, Tu Bồ Đề bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là những tướng mạo của Bồ Tát không thoái chuyển?
Và làm thế nào để con biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển?
Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Trong các địa: Phàm phu, Thanh Văn, Bích Chi Phật, Như Lai địa không bị hoại diệt, không hai, không phân biệt, Bồ Tát dùng như đó để vào thật tướng của các pháp cũng phân biệt.
Tướng như đó tùy theo như mà vào thật tướng các pháp, ra khỏi như đó lại nghe các pháp khác cũng không còn nghi ngờ, không hối tiếc, không nói phải trái, thấy tất cả pháp đều thuộc như: Bồ Tát đó nói ra điều gì cũng chắc chắn, không nó điều vô ích, chỉ nói điều có lợi, không suy xét điều hay dở của người.
Này Tu Bồ Đề! Với các tướng mạo như vậy nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát không thoái chuyển không để tâm đến lời nói của ngoại đạo, Sa Môn, Bà La Môn mà chỉ thấy và biết như thật.
Lại nữa, Bồ Tát không thoái chuyển cũng không lễ bái Thánh Thần cho đến không dùng hoa hương cúng dường.
Này Tu Bồ Đề! Với những tướng mạo như vậy nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát không thoái chuyển chắc chắn không rơi vào ba đường ác, không thọ thân người nữ.
Tu Bồ Đề! Với những tướng mạo như vậy nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát không thoái chuyển tự mình không sát sinh, cũng không bảo người sát sinh, tự mình không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời ác, không nói lời vô ích, không tham lam ghen ghét, không sân giận, không tà kiến, cũng không bảo người khác hành tà kiến.
Đó là thân thường tự thực hành mười điều lành, cũng dạy bảo người khác thực hành. Đến như trong mộng, Bồ Tát ấy không làm mười điều bất thiện, mà luôn thực hành mười điều lành.
Tu Bồ Đề! Với những tướng mạo như vậy, nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát đối với các Kinh Điển có thể đọc tụng được nên nghĩ phải thuyết pháp, làm cho chúng sinh được an lạc nhờ pháp thí đó nên pháp như được mãn nguyện và dùng pháp đó ban cho tất cả chúng sinh.
Tu Bồ Đề! Với những tướng mạo như vậy, nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Khi Bồ Tát không thoái chuyển nghe pháp thâm sâu, tâm không nghi ngờ, hối tiếc. Nói năng êm ái nhẹ nhàng, ít ngủ nghỉ, lúc đi đứng tâm luôn nhiếp niệm, hành động không hấp tấp, luôn nhất tâm, nhìn đất bước đi khoan thai.
Tu Bồ Đề! Với những tướng mạo như vậy nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Y phục, ngọa cụ của Bồ Tát không thoái chuyển luôn sạch sẽ, Bồ Tát thích thanh tịnh, oai nghi đầy đủ, thân thường an ổn, ít bệnh tật.
Tu Bồ Đề! Trong thân phàm phu có tám vạn hang ổ vi trùng, nhưng trong thân Bồ Tát không thoái chuyển không có các vi trùng như thế.
Vì sao?
Này Tu Bồ Đề! Vì thiện căn của Bồ Tát đó vượt khỏi xuất thế gian, tùy thiện căn tăng trưởng nên được thân và tâm thanh tịnh.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Tâm thanh tịnh của Bồ Tát là những gì?
Tu Bồ Đề! Tùy theo thiện căn của Bồ Tát tăng trưởng nên những điều gièm pha, dua nịnh, dối trá lần lượt tự tiêu diệt. Vì các điều ấy tiêu diệt nên tâm thanh tịnh, nhờ tâm thanh tịnh nên có thể vượt qua Thanh Văn, Bích Chi Phật địa. Đó gọi là tâm thanh tịnh của Bồ Tát.
Tu Bồ Đề! Với những tướng mạo như vậy nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát không thoái chuyển không tham lợi dưỡng, không ganh ghét, khi nghe pháp thâm sâu tâm không bỏ qua, do trí tuệ thâm sâu nên lắng lòng nghe pháp. Những pháp được nghe đều tương ứng với bát nhã Ba la mật, nhờ bát nhã Ba la mật nên Bồ Tát xem những việc thế gian đồng với thật tướng và làm bất cứ việc gì cũng đều tương ứng với bát nhã Ba la mật.
Tu Bồ Đề! Với những tướng mạo như vậy nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Nếu ác ma đến chỗ Bồ Tát hóa ra tám địa ngục lớn, mỗi mỗi địa ngục hóa làm bao nhiêu trăm ngàn vạn Bồ Tát và nói các Bồ Tát này đều được Phật thọ ký không thoái chuyển, nhưng nay lại bị đọa vào trong địa ngục lớn này, nếu ông được Phật thọ ký không thoái chuyển thì sẽ bị đọa vào địa ngục này.
Còn như ông ăn năn hối cải thì không bị đọa vào địa ngục và sẽ được sinh thiên. Bồ Tát nào nghe lời nói ấy tâm không dao động giận hờn và nghĩ không có việc Bồ Tát không thoái chuyển bị đọa vào đường ác.
Tu Bồ Đề! Với những tướng mạo như vậy nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Có ác ma hóa làm Sa Môn đến chỗ Bồ Tát nói: Những gì ông được nghe, đọc tụng trước kia nên bỏ đi. Nếu bỏ đi không thọ trì nữa thì ta sẽ thường đến chỗ ông, những gì ông được nghe đó chẳng phải Phật nói đều là văn tự hoa mỹ.
Còn những lời ta nói là chân kinh, đúng lời Phật nói. Bồ Tát nào nghe việc ấy, tâm dao động giận hờn, nên biết Bồ Tát đó chưa được Phật thọ ký, quyết chắc chưa trụ trong tánh Bồ Tát không thoái chuyển.
Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát nào nghe việc ấy, tâm không dao động, chỉ y vào thật tướng của các pháp là không sinh, không khởi, không tạo tác không theo lời nói của ma, trong hiện tại được lậu tận A La Hán, chứng các pháp tướng bất sinh, bất khởi, không bị ác ma chế ngự.
Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát cũng vậy, không theo lời nói của ma, chỉ cầu quả vị Thanh Văn, Bích Chi Phật, không có gì phá hoại được, không bị thoái lui, quyết chắc đến nhất thiết trí, trụ trong tánh không thoái chuyển, không theo lời nói của kẻ khác.
Này Tu Bồ Đề! Với những tướng mạo như vậy nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Có ác ma đến chỗ Bồ Tát nói: Việc làm của ông là việc làm sinh tử, chẳng phải việc làm nhất thiết trí, ngay nơi thân này ông có thể diệt được hết khổ để được Niết Bàn, nếu làm được như vậy thì không còn thọ các khổ trong sinh tử, ngay nơi thân đời này không còn chứng được huống nữa muốn thọ thân sau. Bồ Tát nghe như vậy tâm không dao động.
Ác ma nói tiếp: Nay ông muốn thấy các Bồ Tát cúng dường y phục, thức ăn uống, giường chõng, thuốc men cho vô số Chư Phật, được ở chỗ Chư Phật tu hành phạm hạnh gần gũi thăm hỏi Chư Phật, vì Bồ Tát thường cần học hỏi nhiều.
Bồ Tát trụ vào đâu, thực hành như thế nào?
Các Bồ Tát đó ở chỗ Chư Phật tùy theo những điều nghe được đều có thể tu hành.
Lời dạy như vậy, học như vậy, hành như vậy còn không thể chứng đắc vô thượng bồ đề, không trụ vào nhất thiết trí, huống là đắc vô thượng bồ đề ư?
Bồ Tát đó nghe việc như vậy tâm không dao động, ác ma lại hóa ra các Tỳ Kheo và nói: Các Tỳ Kheo này đều là lậu tận A La Hán, trước kia vì phát tâm cầu Phật đạo nên nay chỉ trụ được quả vị A La Hán, huống chi ông mà được chứng vô thượng bồ đề hay sao?
Bồ Tát nào nghĩ mình nghe những điều này từ người khác mà không bị lỗi gì, nên tâm không thoái lui, không sinh niệm khác, đó là ma sự.
Không có việc Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật như vậy, học bát nhã Ba la mật như vậy mà không đắc nhất thiết trí.
Tu Bồ Đề! Không có việc Bồ Tát nghe, suy nghĩ và thực hành theo lời Phật dạy, không xa lìa đạo, không xa lìa niệm nhất thiết trí mà không đắc nhất thiết trí.
Tu Bồ Đề! Với những tướng mạo như vậy nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Có ác ma đến chỗ Bồ Tát không thoái chuyển nói nhất thiết trí đồng với hư không, pháp hư không đó vô sở hữu, không có người nào nhờ pháp đó để đắc đạo.
Vì sao?
Vì người đắc đạo, đạo để đắc phương tiện đắc đạo đều đồng như hư không, người thấy biết, pháp thấy biết, phương tiện thấy biết vô sở hữu, đều đồng với hư không thì thật uổng công chịu khổ não, nếu nói đắc vô thượng bồ đề thì đó là việc ma, chẳng phải Phật nói.
Đối với việc này, Bồ Tát nên nghĩ người nào quở trách mình làm cho mình xa lìa nhất thiết trí, đó là việc ma, nên sinh tâm kiên cố, tâm không dao động, tâm không lay chuyển.
Tu Bồ Đề! Với những tướng mạo như vậy nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát không thoái chuyển nếu muốn vào Cõi Thiền thứ hai, thứ ba, thứ tư có thể vào được như ý muốn. Tuy Bồ Tát vào các Cõi Thiền nhưng còn nắm giữ pháp Cõi Dục nên không sinh vào các Cõi Thiền kia.
Tu Bồ Đề! Với những tướng mạo như vậy nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát không thoái chuyển không tham đắm danh thơm tiếng tốt, tâm không có sân hận và gây chướng ngại cho các chúng sinh, thường sinh tâm an ổn, lợi ích, đi, đứng, dừng, nghỉ, tâm không tán loạn, luôn nhất tâm không mất oai nghi.
Tu Bồ Đề! Bồ Tát ấy nếu ở tại nhà không đắm nhiễm các sự ham muốn, tuy thọ các dục nhưng tâm sinh nhàm chán, xa lìa, thường ôm lòng lo sợ. Ví như đường hiểm có nhiều giặc cướp, tuy được ăn uống nhưng tâm luôn nhàm chán, xa lìa, luôn lo sợ, tâm yên không ổn chỉ nhớ nghĩ lúc nào mới qua khỏi con đường hiểm này.
Bồ Tát không thoái chuyển tuy tại gia thọ các dục nhưng đều thấy chúng là tội lỗi xấu ác nên tâm không tham tiếc, không sinh sống bằng tà mạng phi pháp, thà chịu mất thân mạng chứ không chiếm đoạt của người.
Vì sao?
Vì Bồ Tát tại gia cũng phải ban sự an lạc cho chúng sinh. Tuy tại gia nhưng cũng có thể thành tựu công đức như vậy.
Vì sao?
Vì đạt được lực bát nhã Ba la mật.
Tu Bồ Đề! Với những tướng mạo như vậy nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát không thoái chuyển luôn được thần Chấp Kim Cang theo hộ vệ, không để phi nhân đến gần, tâm Bồ Tát không cuồng loạn, các căn đầy đủ không thiếu khuyết, tu tập hạnh lành của Bậc Hiền.
Không có việc nào mà không hiền thiện, không dùng chú thuật, cỏ thuốc tiếp xúc với người nữ, không tự mình làm cũng không bảo người khác làm, Bồ Tát thường tu tịnh mạng, không xem điềm tốt xấu, cũng không xem tướng sinh trai hay gái, các việc như vậy đều không làm.
Tu Bồ Đề! Với những tướng mạo như vậy nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát không thoái chuyển còn có những tướng mạo như: Bồ Tát không thoái chuyển không thích nói tạp sự thế gian như việc quan, việc chiến đấu, việc giặc, việc thành ấp, xóm làng, việc cỡi voi ngựa, xe cộ, y phục, ăn uống, giường chõng.
Không thích nói việc hương hoa của người nữ, dâm nữ. Không thích nói việc thần quy, không thích nói việc biển lớn, không thích nói chuyện buồn phiền của người khác, không thích nói đủ các thứ chuyện, chỉ thích nói bát nhã Ba la mật, thường không xa lìa tâm nhất thiết trí.
Không thích tranh cãi, tâm luôn thích lẽ phải. Không thích điều phi pháp, mến bậc thiện tri thức. Không thích oan gia, thích hòa giải. Không thích dèm pha, thích được xuất gia trong Phật Pháp, thường mong muốn được sinh vào Cõi Phật thanh tịnh, ở phương khác đều tùy ý, tự tại, đến đâu cũng luôn được cúng dường Chư Phật.
Tu Bồ Đề! Bồ Tát không thoái chuyển phần nhiều muốn tái sinh vào Cõi Dục, Cõi Sắc ngay thành phố, giỏi kỹ nghệ, hiểu rõ Kinh Điển, chú thuật, xem tướng, tất cả đều thông suốt, ít sinh ở biên địa, nếu sinh nơi biên địa ắt hẳn phải ở nước lớn. Có các tướng mạo công đức như vậy nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát không thoái chuyển không suy nghĩ ta là không thoái chuyển hay chẳng phải không thoái chuyển không nảy sinh sự nghi ngờ ấy.
Này Tu Bồ Đề! Tự mình chứng địa không thoái chuyển quyết không có chỗ nghi ngờ.
Ví như chứng pháp Tu Đà Hoàn, tâm không có chỗ nghi ngờ, đủ mọi việc ma đã hiểu rõ thì mình không tùy thuận. Bồ Tát cũng vậy, trong địa vị không thoái chuyển tâm không có điều gì nghi ngờ, biết đủ mọi chuyện ma, đã hiểu rõ thì mình không tùy thuận.
Tu Bồ Đề! Ví như có người mắc nghịch tội, tâm thường hối hận, sợ hãi đến chết cũng không thôi, không thể xa lìa như vậy tâm tội lỗi luôn theo tâm đó cho đến chết.
Tu Bồ Đề! Bồ Tát không thoái chuyển cũng lại như vậy, tâm của Bồ Tát không thoái chuyển luôn an trú trong địa vị không thoái chuyển, không thể lay chuyển, tất cả thế gian, Trời, Người, A Tu La không thể phá hoại, biết đủ mọi chuyện ma hiểu rõ mình không tùy thuận, tâm không nghi ngờ trong pháp chứng đắc, cho đến lúc tái sinh tâm không rơi vào Thanh Văn hoặc Bích Chi Phật.
Trong khi tái sinh tâm cũng không còn nghi ngờ mình không chứng đắc vô thượng bồ đề, tự mình chứng đắc chứ không tùy thuận người khác, được tự tại chứng đắc, không ai phá hoại được.
Vì sao?
Vì thành tựu trí tuệ chẳng thể hoại, an trụ tánh không thoái chuyển.
Tu Bồ Đề! Có ác ma hóa làm Phật đến chỗ Bồ Tát không thoái chuyển nói: Này Thiện Nam! Nếu ác ma hóa làm thân Phật, ông có thể chứng A La Hán. Ở thân này ông có thể chứng A La Hán, cần vô thượng bồ đề làm gì.
Vì sao?
Vì Bồ Tát thành tựu tướng mạo vô thượng bồ đề, còn ông không có tướng đó.
Tu Bồ Đề! Bồ Tát nghe nói vậy tâm không dao động liền nghĩ đây là do ác ma sai khiến, chẳng phải Phật nói. Nếu Đức Phật nói thì ta không nên có sự đổi khác, nếu Bồ Tát có thể nghĩ như thế do ác ma hóa thân làm Phật muốn làm cho ta xa lìa bát nhã Ba la mật thì ác ma biến mất. Nên biết Bồ Tát đó đã từng được Phật thọ ký vô thượng bồ đề, an trụ trong địa không thoái chuyển.
Vì sao?
Vì Bồ Tát đó có tướng mạo không thoái chuyển.
Tu Bồ Đề! Với những tướng mạo như vậy nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát không thoái chuyển vì hộ pháp nên không tiếc thân mạng, vì chánh pháp nên hành tinh tấn và nghĩ ta chẳng những hộ trì chánh pháp của Chư Phật thời quá khứ và hiện tại, mà cũng sẽ hộ trì chánh pháp Chư Phật trong đời vị lai nữa.
Ta cũng sẽ được thọ ký trong vô số kiếp. Bản thân ta tự giữ gìn hộ trì chánh pháp, Bồ Tát thấy rõ lợi ích của việc đó nên hộ trì chánh pháp, cho đến không tiếc thân mạng, tâm không ẩn mất không hối tiếc.
Tu Bồ Đề! Với những tướng mạo như vậy nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Nếu lúc Bồ Tát không thoái chuyển nghe Như Lai thuyết pháp, tâm không có điều gì nghi ngờ.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Khi nghe Như Lai thuyết pháp, tâm Bồ Tát không nghi ngờ, còn khi nghe Thanh Văn thuyết pháp tâm Bồ Tát cũng không có điều nghi ngờ chăng?
Này Tu Bồ Đề! Khi nghe Thanh Văn thuyết pháp tâm Bồ Tát không nghi ngờ.
Vì sao?
Vì đối với các pháp Bồ Tát đắc vô sinh pháp nhẫn.
Tu Bồ Đề! Bồ Tát thành tựu tướng mạo công đức như vậy nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Năm - Pháp Hội Hư Không Tạng Bồ Tát - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Dhananjani
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Năm - Pháp Hội Hư Không Tạng Bồ Tát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Thế Ký - Phẩm Hai - Uất ðan Viết