Phật Thuyết Kinh Tọa Thiền Tam Muội - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT

KINH TỌA THIỀN TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẦN HAI  

Tướng của người sân giận là người nhiều ưu sầu, hung tợn, ôm lòng phẫn nộ, thân miệng thô bạo, có thể nhẫn chịu các khổ, gặp việc khó nhường nhịn, sầu nhiều vui ít, có thể làm những việc ác lớn, không có lòng thương người, ưa thích tranh cãi, dung mạo tiều tụy, mắt trợn, mày nhăn, khó nói khó vui, khó làm, khó được.

Tâm mình như ghẻ nhọt mà thích nói lỗi của người. Luận bàn về nghĩa lý hay ngang bướng, không thể thuyết phục, khó làm lay chuyển, khó gần gũi, khó ngăn cản, ngậm độc khó nêu ra, kiện tụng không quên, có nhiều tiểu xảo. Không biếng nhác, làm việc mau chóng, ôm lấy những điều mong cầu mà không bày tỏ.

Ý sâu khó dò, chịu ân thì báo đáp, có khả năng quy tụ nhiều người theo mình mà không bị ngăn cản, có thể hoàn thành công việc người khác, khó can thiệp, không ngại khó khăn, ví như sư tử rất khó bị khuất phục, thẳng đường tiến tới, không quay đầu lại, nhớ nghĩ ít khi quên, nhiều nghĩ ngợi lo lắng, có trí nhớ tốt, ưa bố thí lợi lạc ít nhưng không thoái lui, làm thầy người lanh lợi, lìa dục, ở một mình, ít dâm dục. Tâm ý thường hiếu thắng, tham chấp vào đoạn kiến.

Mắt thường hay dòm ngó, lời nói chân thật, phân biệt rõ sự việc, ít bạn thân, chấp nhặt nơi làm việc, nhớ kỹ không quên, có nhiều sức mạnh, vai ngực nở nang, trán rộng, tóc đều, tâm cứng rắn khó thuyết phục, mau được, khó quên, có khả năng tự xa lìa tham dục, hay tạo các tội nặng.

Những thứ tướng trạng như vậy là tướng sân giận.

Tướng của người ngu si là người đa nghi, nhiều hối hận, biếng nhác, không biết nhận thức, tự mãn, ít chịu tuân thủ, kiêu mạn, khó dạy bảo, việc đáng tin chẳng tin, việc không đáng tin lại tin, không biết cung kính, nơi nào cũng tin theo, dễ nghe lời người khác.

Vội vàng đường đột không biết hổ thẹn, làm việc không suy nghĩ, thường trái với lời dạy, chẳng biết chọn bạn, không tự sửa đổi mình, thích mến thầy nơi đạo lạ, không phân biệt thiện ác, khó tiếp nhận, dễ quên, căn cơ thấp kém, lười biếng, chê bai những việc làm bố thí, không có lòng thương xót, không biết tin theo chánh pháp.

Khi tiếp xúc với việc thì mù mờ, lúc giận dữ thì tối mắt, không có trí tuệ, nhiều mong cầu, lắm nghi ngờ, ít có lòng tin, ganh ghét với người tốt, cho là không có quả báo về tội phước, không phân biệt được lời nói thiện, không nhận biết về lỗi lầm, không nghe theo lời chỉ dạy, luôn bị người thân xa lìa, oán ghét, không biết phép tắc, thích nói lời ác, râu, tóc, móng thường để dài, răng miệng hôi hám.

Áo quần nhơ bẩn, bị người sai khiến, chỗ đáng sợ thì không sợ, việc vui thì lo buồn, việc đáng lo buồn thì vui, chỗ đáng thương xót lại cười cợt, chỗ vui vẻ thì ưu sầu, đợi dẫn dắt mới theo sau, chịu đựng sự khổ, không phân biệt các mùi vị, khó xa lìa tham dục, tạo tội sâu nặng.

Những thứ tướng trạng như vậy là tướng của ngu si.

Nếu người nhiều dâm dục thì dùng pháp môn quán bất tịnh để đối trị.

Nếu người nhiều sân giận thì dùng pháp môn quán tâm từ bi để đối trị.

Nếu người nhiều ngu si thì tư duy về pháp quán nhân duyên để đối trị.

Nếu người nhiều lo nghĩ thì dùng pháp quán hơi thở để đối trị.

Nếu người nhiều tham, sân, si bằng nhau thì dùng pháp môn niệm Phật để đối trị.

Như vậy, có bao nhiêu thứ bệnh thì có bấy nhiêu pháp để chữa trị.

Thứ nhất: Pháp môn đối trị tham dục.

Người nhiều dâm dục thì nên tu tập pháp quán bất tịnh.

Nơi thân người từ chân đến tóc toàn là những thứ bất tịnh: Tóc, lông, móng, răng, da mỏng, da dày, máu, thịt, gân, mạch, xương, tủy, gan, phổi, tim, lá lách, thận, dạ dày, ruột già, ruột non, phân, nước tiểu, nước mũi, nước dãi, mồ hôi, nước mắt, mật, nước dịch, mỡ, mỡ sa, màng óc… như vậy trong thân toàn là những loại bất tịnh.

Lại nữa, quán bất tịnh theo thứ lớp: Quán thây chết máu ứ tím bầm, thây sình trướng, thối rữa, máu mủ chảy khắp, mùi hôi xông lên, trùng thú rúc rỉa chỉ còn đống xương tan rã. Đó gọi là quán bất tịnh.

Lại nữa, người nhiều dâm dục có bảy thứ yêu thích: Yêu thích nhan sắc, yêu thích dung mạo tươi đẹp, yêu thích dáng điệu dịu dàng, ưa thích âm thanh, ưa thích xúc chạm, thương yêu mọi người, yeu thích tất cả.

Nếu người yêu thích sắc thì nên tu tập pháp quán thây chết máu ứ tím bầm và những màu sắc vàng, đỏ bất tịnh… cũng như vậy. Nếu yêu thích dung mạo tươi đẹp thì nên tu tập pháp quán thây chết sình trướng, nứt rã. Nếu yêu thích dáng điệu dịu dàng thì nên tu tập pháp quán thây mới chết, máu chảy tràn trề cho đến khi xương cốt tan rã.

Nếu tham đắm âm thanh thì nên tu tập pháp quán hơi thở tắt nghẹn, mạng sống sắp chấm dứt. Nếu ưa thích xúc chạm thì nên tu tập pháp quán bộ xương và các bệnh khiến người khô gầy. Nếu yêu thích mọi người thì nên tu tập sáu pháp quán bất tịnh. Nếu yêu thích tất cả thì nên quán toàn bộ các pháp quán bất tịnh. Hoặc khi thì quán các thứ này, lúc thì quán các thứ khác, tất cả đều là pháp quán bất tịnh.

Hỏi: Nếu thân bất tịnh, giống như thây chết thối rữa thì từ đâu sinh ra yêu thích tham đắm?

Nếu cho thân là trong sạch thì thân dù thối rữa cũng vẫn yêu thích.

Nếu không yêu thích thân thối rữa thì thân trong sạch cũng không tham đắm, vì cả hai thân đều như nhau chăng?

Đáp: Có thể mong cầu nơi cả hai thân đều thật trong sạch là không thể được. Tâm người mê lầm vì điên đảo che lấp, nên thân bất tịnh cho là tịnh. Nếu tâm điên đảo được phá trừ thì liền có được pháp quán thật tướng. Khi ấy, biết thân là bất tịnh, hư dối không thật.

Lại nữa, thây chết không còn hơi ấm, mạng sống, thần thức và các căn, người biết rõ được thân ấy thì tâm không sinh đắm nhiễm. Do thân có hơi ấm, mạng căn, thần thức và các căn đầy đủ, nên tâm mê hoặc, điên đảo sinh tham chấp.

Lại nữa, khi tâm tham đắm sắc thân thì cho đó là tịnh. Tâm tham đắm được diệt trừ liền biết thân là bất tịnh. Nếu thân thật sự là tịnh thì lẽ ra phải thường thanh tịnh, mà hiện tại thì không như thế. Như chó ăn phân cho là sạch, người thay cho đó là rất bẩn.

Trong, ngoài của thân này thảy đều là bất tịnh. Nếu chấp đắm nơi bên ngoài thân thì bên ngoài ấy chỉ là một lớp da mỏng bao bọc, chỉ cần một phần nhỏ của cơ thể cũng đã là bất tịnh, huống chi trong thân chứa tới ba mươi sáu thứ ô uế.

Lại nữa, xét về nhân duyên thì toàn thân đều là những thứ bất tịnh. Thân đó là do tinh huyết bất tịnh của cha mẹ hợp thành, lại thường tiết ra toàn thứ chẳng sạch. Áo quần, giường nệm cũng dơ dáy bất tịnh, huống gì là chỗ có thây chết, vì vậy, nên biết thân người dù sống hay chết, trong, ngoài đều là bất tịnh.

Lại nữa, người tu quán cũng có ba bậc: Mới tu tập, đã tu tập, hoặc đã tu tập lâu ngày.

Nếu người mới tu tập thì nên dạy: Ông hãy hủy bỏ các tưởng bên ngoài nơi thân tướng, trừ diệt hết những thứ bất tịnh, chỉ quán bộ xương màu đỏ, tập trung ý quán tưởng, không nghĩ gì khác, nếu có nhớ nghĩ các duyên ben ngoài thì phải thâu giữ niệm.

Nếu người đã tu tập thì nên dạy: Quán tưởng trừ bỏ phần da thịt, chỉ quán bộ xương, đều không nhớ nghĩ gì khác, nếu có nhớ nghĩ các duyên bên ngoài thì nên thâu giữ lấy niệm.

Nếu người đã tu tập lâu ngày thì nên dạy: Chỉ quán về một phần nhỏ trong thân, tâm, loại bỏ hết phần da thịt, buộc tâm ý vào năm chỗ: Trên đỉnh đầu, trên trán, giữa chặng mày, chót mũi và trái tim. Buộc tâm ý vào năm chỗ ấy, quán xương, không nghĩ gì khác, nếu có nhớ nghĩ các duyên bên ngoài thì nên thâu giữ niệm. Thường nhớ nghĩ quán xét tâm, nếu tâm khởi lên thì chế ngự. Nếu tâm mệt mỏi thì xả bỏ các duyên bên ngoài và trụ vào đối tượng được duy

Ví như khỉ vượn bị buộc vào trụ cây, cuối cùng mới chịu nằm yên. Đối tượng được duyên như trụ cây, niệm như dây buộc, tâm dụ như khỉ vượn. Cũng như người vú em thường chăm sóc con nhỏ, không cho thất lạc. Hành giả quán tâm cũng như vậy, dần dần chế ngự tâm khiến trụ một nơi đã duyên. Nếu tâm trụ lâu, đó là ứng hợp với pháp Thiền. Nếu chứng đắc Thiền định thì có thể được ba tướng.

1. Thân thể điều hòa, nhẹ nhàng, vui vẻ, xương trắng phát ra ánh sáng như ngọc bạch kha. Tâm được an trú nơi vắng lặng, đó là pháp quán tịnh. Khi ấy, tâm liền được trụ ở Cõi Sắc. Đó gọi là người mới học pháp thiền, đạt được tâm ở Cõi Sắc. Tâm thích hợp với pháp thiền tức là pháp ở Cõi Sắc. Tâm được pháp ấy, thân tuy ở Cõi Dục nhưng bốn đại rất điều hòa, an lạc, hình sắc trong sạch, mềm dịu tươi tắn, đó gọi là tướng vui vẻ.

2. Hành gia quán tướng xương trắng, trong ấy phát ra ánh sáng màu trắng thanh tịnh, tỏa chiếu khắp.

3. Hành giả trụ tâm vào một chỗ, gọi là quán tịnh, bỏ thịt quán xương nên gọi là quán tịnh.

Ba tướng như trên đều tự mình biết, người khác không thể thấy được.

Ba bậc trên:

1. Mới tu tập, trước chưa phát tâm.

2. Đã thực hành tu tập ba bốn năm.

3. Tu tập thực hành lâu khoảng một trăm năm.

Thứ hai: Pháp môn đối trị sân giận.

Nếu người nhiều sân giận nên học ba pháp môn quán tâm từ mới tu tập, hoặc đã tu tập, hoặc đã tu tập lâu ngày.

Nếu người mới tu tập, nên dạy: Hướng tâm từ đến người thân.

Thế nào là hướng tâm từ đến người thân và nguyện cho họ được vui?

Nếu hành giả đạt được đầy đủ các loại thân tâm ưa thích, như khi lạnh được mặc ấm, khi nóng được mát mẻ, khi đói khát được ăn uống, khi bần cùng được giàu có, làm việc mệt nhọc được nghỉ ngơi. Những thứ vui ấy đều nguyện cho người thân cùng có được. Vị ấy an trụ vào tâm từ một cách chuyên nhất, không nghĩ gì khác, nếu có nhớ nghĩ các duyên bên ngoài thì phải thâu giữ niệm.

Nếu người đã tu tập thì nên dạy: Hướng tâm từ đến những người không thân, không sơ.

Thế nào là hướng tâm từ đến nhưng người không thân, sơ?

Nếu hành giả có được đầy đủ các loại thân tâm vui thích thì nguyện cho những người thân, sơ đó cùng được hưởng. Hành giả an trú vào tâm từ, không khiến nghĩ gì khác, nếu có nghĩ đến các duyên bên ngoài thì phải thâu giữ niệm.

Nếu người tu tập đã lâu ngày thì nên chỉ dạy: Hướng tâm từ đến những người oán ghét.

Thế nào là hướng tâm từ đến những người thù ghét mà nguyện cho họ được niềm vui?

Nếu hành giả đạt được các thứ thân tâm ưa thích thì nguyện cho người mà mình thù ghét đều được như nhau. Tâm của vị ấy thanh tịnh, rộng lơn xem người thân kẻ oán đều bình đẳng khiến cho mọi chúng sinh trong vô lượng Thế Giới đều được an lạc, khắp cả mười phương cùng một tâm bình đẳng, rộng lớn, thanh tịnh mười phương như thân mình, thấy họ rõ ràng ngay trước mắt, cùng được an vui.

Khi ấy liền chứng đắc tâm từ.

Lại hỏi: Nếu người thân mến và người không thân sơ đó nguyện cho họ đạt được an vui, còn đối với người oán ghét, hung ác thì tại sao lại thương xót và cầu nguyện cho họ được an lạc?

Đáp: Nên ban vui cho họ.

Vì sao?

Vì những người ấy còn có rất nhiều sự việc tốt, là nhân của pháp thanh tịnh, hôm nay, tại sao ta chỉ vì một oán thù nhỏ mà bỏ mất những việc tốt của họ?

Lại suy nghĩ: Người ấy ở trong đời quá khứ biết đâu là người thân thiện của ta, nay há vì chút giận dữ mà sinh ra oán ghét?

Ta nên nhẫn chịu đối với họ đều là việc thiện lợi của ta.

Lại nghĩ: Thực hành những pháp nhân đức bao gồm diệu lực từ bi rộng lớn vô lượng này thì không thể diệt mất!

Lại suy nghĩ tiếp: Nếu không có sự oán ghét thì do đâu mà sinh pháp nhẫn?

Sinh pháp nhẫn là do kẻ oán, nên kẻ oán tức là thân thuộc của ta. Hơn nữa, quả báo của sự giận dữ là lớn nhất, trong các điều ác nó là hơn hết. Do sân giận mà hại người, tính chất độc của sân là khó kềm chế, tuy muốn thiêu đốt người, nhưng thật ra lại tự hại mình.

Nên tự suy nghĩ: Bên ngoài mặc pháp phục, bên trong tu tập hạnh nhẫn, đó gọi là Sa Môn, thì đâu vì lời nói xấu mà đổi sắc, buông theo tâm xấu ác?

Lại nữa, thân năm ấm này là rừng khổ, là nơi nhận lấy các điều ác, nên khi khổ não, xấu ác ập đến thì sao có thể tránh khỏi?

Như kim chích vào thân thì đau đớn vô cùng. Các thứ thù oán rất nhiều, không thể diệt trừ hết, nên tự bảo vệ bằng cách mang giày nhẫn nhục.

Như lời Đức Phật dạy:

Dùng sân báo sân

Sân lại hại mình

Sân mình không trả

Trừ diệt quân lớn.

Người không sân giận

Pháp bậc đại nhân

Tiểu nhân sân giận

Như núi khó chuyển.

Sân là độc dữ

Tàn hại rất nhiều

Không hại được người

Trở lại hại mình.

Sân: Bóng tối lớn

Có mắt không thấy

Sân là cấu uế

Làm nhiễm tâm trong.

Sân giận như vậy

Phải gấp dứt bỏ

Rắn độc trong nhà

Không trừ tất hại.

Sân giận như thế

Độc hại vô lượng

Thường tu tâm từ

Dập tắt giận dữ.

Đó gọi là pháp môn tam muội từ.

Thứ ba: Pháp môn đối trị ngu si.

Nếu người nhiều ngu si thì nên học pháp môn theo ba loại tư duy: Hoặc mới tu tập, hoặc đã tu tập, hoặc đã tu tập lâu ngày.

Nếu người mới tu tập thì nên dạy: Sinh duyên nơi lão, tử, vô minh duyên hành. Suy nghĩ như vậy, không nghĩ gì khác, nếu có nghĩ đến các duyên khác thì nên thâu giữ các niệm.

Nếu người đã tu tập thì nên dạy: Hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu. Tư duy như thế, không suy nghĩ gì khác, nếu có nhớ nghĩ đến các duyên khác thì phải thâu giữ niệm.

Nếu người đã tu tập lâu ngày thì nên chỉ dạy: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử. Tư duy như vậy, không suy nghĩ gì khác, nếu có nhớ nghĩ đến các duyên khác thì phải thâu giữ niệm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần