Phật Thuyết Kinh Tọa Thiền Tam Muội - Phần Mười
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT
KINH TỌA THIỀN TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẦN MƯỜI
Bấy giờ, dần dần hiểu được tướng thật của các pháp, như hơi thở hiện rõ. Ví như mẹ hiền thương yêu con đỏ của mình, cho bú mớm, nuôi dưỡng dạy dỗ, đủ thứ không sạch mà không cho là dơ bẩn, nhớ thương gấp bội, muốn làm cho con được an lạc. Hành giả cũng vậy, tất cả chúng sinh đủ thứ xấu ác, tịnh, bất tịnh, tâm không tăng thêm ghét bỏ, không thoái lui, không lay chuyển.
Lại nữa, vô lượng chúng sinh ở khắp mười phương, một mình con phải nên độ tất cả, khiến cho họ đạt được Phật đạo. Tâm nhẫn nhục không thoái lui, không hối tiếc, không từ bỏ, không biếng nhác, không nhàm chán, không lo sợ, không thấy khó khăn. Ở trong sinh nhẫn này, nhất tâm chú niệm ba loại tư duy, không khởi lên niệm khác. Nếu niệm theo duyên bên ngoài thì thâu giữ trở lại. Đó gọi là sinh nhẫn.
Nhu thuận nhẫn là như thế nào?
Bồ Tát đã đạt được công đức vô lượng của sinh nhẫn nên nhận biết phước báu của công đức này là vô thường. Khi ấy, nhàm chán vô thường tự cầu phước thường hằng, cũng vì chúng sinh mà cầu pháp thường trụ. Tất cả các pháp, pháp sắc, pháp vô sắc, pháp có thể thấy, pháp không thể thấy, pháp chướng ngại, pháp không chướng ngại, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, hữu vi, vô vi, thượng, trung, hạ, cầu tướng thật của chúng.
Cớ sao tướng thật chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải lạc, chẳng phải không lạc, chẳng phải không, chẳng phải chẳng không, chẳng phải hữu thần, chẳng phải vô thần?
Tại sao chẳng phải thường?
Vì do nhân duyên sinh. Trước không nay có, đã có lại không, cho nên chẳng phải thường.
Tại sao chẳng phải vô thường?
Vì nghiệp báo không mất, lãnh thọ trần duyên bên ngoài, nhân duyên tăng trưởng, cho nên chẳng phải vô thường.
Tại sao chẳng phải lạc?
Vì ở trong khổ mới sinh tưởng là lạc. Tất cả là tánh vô thường, nơi dục mà sinh, cho nên chẳng phải lạc.
Tại sao chẳng phải bất lạc?
Vì có lạc thì có hữu, do dục nhiễm sinh ra, cầu lạc không tiếc thân mạng, cho nên, chẳng phải bất lạc.
Tại sao chẳng phải không?
Vì nhập vào trong ngoài, mỗi mỗi nhận biết rõ ràng, có quả báo của tội, phước, tất cả chúng sinh tin tưởng, cho nên chẳng phải không.
Tại sao chẳng phải chẳng không?
Vì những thứ hòa hợp sinh ra cầu phân biệt không thể được, tâm lực chuyển đổi cho nên chẳng phải chẳng không.
Tại sao chẳng phải hữu thần?
Vì không tự tại, thức giới thứ bảy không thể nắm bắt, tướng thần không nắm bắt cho nên chẳng phải hữu thần.
Tại sao chẳng phải vô thần?
Vì có đời sau, được giải thoát, mỗi mỗi tâm ta sinh ra không tính kể nơi khác, cho nên chẳng phải vô thần. Như vậy, không sinh, không diệt, chẳng phải không sinh, chẳng phải không diệt, chẳng phải có, chẳng phải không, không thọ, không chấp, mọi ngôn thuyết đều diệt, nơi chốn hành của tâm cũng diệt trừ, như tánh của Niết Bàn là tướng thật của pháp.
Ở trong pháp này tâm tin tưởng thanh tịnh, không trì trệ, không ngăn ngại, uyển chuyển nhận biết, tin tưởng tiến tới. Đó gọi là pháp nhẫn nhu thuận.
Pháp Nhẫn vô sinh là thế nào?
Như trong phần nói về pháp tướng thật trên, trí tuệ, tín, tấn, tăng trưởng, các căn thông suốt, đó gọi là pháp nhẫn vô sinh. Ví như trong pháp của hàng Thanh Văn, pháp noãn, đảnh, trí tuệ, tín, tinh tấn tăng trưởng đạt được pháp nhẫn. Nhẫn là nhẫn về Niết Bàn, nhẫn với pháp vô lậu nên gọi là nhan, mới được, mới thấy cho nên gọi là nhẫn.
Pháp nhẫn cũng như thế, khi A La Hán giải thoát không được trí vô sinh, tiến thêm, tạo lợi ích rộng lớn, chưa đến lúc giải thoát mà được trí vô sinh. Pháp nhẫn vô sinh cũng như vậy, tuy chưa đạt được quả vị Bồ Tát nhưng được pháp nhẫn vô sinh, đạt được hành quả chân thật của Bồ Tát, đó gọi là đạo quả của Bồ Tát.
Khi ấy, đạt được tam muội Ban chu, đối với chúng sinh được đại bi, hội nhập vào pháp môn bát nhã Ba la mật.
Bấy giờ, Đức Phật liền thọ ký danh hiệu cho người ấy, sinh vào trong Cõi Phật, được Chư Phật nhớ nghĩ, tất cả tội nặng thành nhẹ, tội nhẹ được diệt trừ, đoạn dứt ba đường ác, thường sinh trong hàng trời, người, gọi là bất thoái chuyển, đến cõi bất động, nhục thân sau cùng nhập vào trong pháp thân.
Có thể làm đủ thứ biến hóa, độ thoát tất cả chúng sinh, đầy đủ sáu độ, cúng dường Chư Phật, làm thanh tịnh Cõi Phật, giáo hóa chúng sinh, đứng trong mười địa, công đức viên mãn, lần lượt chứng được Bồ Đề Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, là pháp môn ban đầu trong pháp thiện của Bồ Tát.
Khi hành giả định tâm cầu đạo
Thì thường nên quan sát phương tiện
Nếu không đúng thời, không phương tiện
Là phải bị mất không được lợi.
Như nghé chưa sinh mà vắt sữa
Không đúng thời sữa không thể có
Nếu nghé đã sinh, vắt bò đực
Sữa chẳng thể được vì vô trí.
Như chặt cây ướt cầu ra lửa
Không đúng thời, lửa không thể có
Nếu bẻ cây khổ để cầu lửa
Vô trí nên không thể được lửa.
Đúng nơi, biết thời, lượng sức mình
Quán tâm, sức phương tiện nhiều ít
Hợp với tinh tấn và không hợp
Tướng đạo đúng thời và không đúng.
Nếu tâm dao động không nên dũng
Dũng quá như vậy chẳng được định
Nếu như củi nhiều, cháy lửa lớn
Gió mạnh thổi đến không dập tắt.
Nếu hay dùng định tự điều tâm
Như vậy dứt động tâm được tịnh
Ví như lửa lớn, gió mạnh thổi
Nước lớn tưới đến đều tiêu diệt.
Nếu người yếu đuối lại lười biếng
Nhàm chán như thế không nên làm
Ví như củi ít, không có lửa
Không được gió thổi, liền tự diệt.
Nếu có tinh tấn, tâm dũng mãnh
Chuyển mạnh như vậy mau đạt đạo
Ví như lửa lớn, nhiều củi đốt
Khi gió thổi đến lửa không tắt.
Nếu hành buông lung nên dừng lại
Nếu lại phế bỏ, mất hộ pháp
Ví như người bệnh được chăm sóc
Nếu không bỏ thì không được sống.
Nếu có tưởng bỏ, tâm chân chánh
Đúng thời siêng làm, mau đắc đạo
Ví như có người cỡi voi thuần
Tùy ý đi khắp không chướng ngại.
Nếu tâm nhiều dâm dục, ái loạn
Bấy giờ không nên hành từ bi
Người dâm hành từ thêm buồn bực
Như người bệnh lạnh uống thuốc lạnh.
Người dâm, tâm loạn quán bất tịnh
Quán thật bất tịnh tâm được định
Hành pháp như vậy là thích hợp
Như người bệnh lạnh uống thuốc nóng.
Nếu tâm nhiều sân giận, rối loạn
Bấy giờ, không nên quán bất tịnh
Người sân quán ác, tăng thêm sân
Như người bệnh nóng uống thuốc nóng.
Nếu người sân giận hành tâm từ
Hành Từ liên tục tâm sân diệt
Hành pháp như vậy là thích hợp
Như người bệnh nóng uống thuốc lạnh.
Nếu tâm nhiều ngu si tăm tối
Không hành pháp từ bi, bất tịnh
Hành hai pháp thêm si, không lợi
Như người bệnh phong uống thuốc khô.
Người tâm ngu tối, quán nhân duyên
Phân biệt quán đế, tâm si diệt
Hành pháp như vậy là thích hợp
Như người bệnh phong uống thuốc bổ.
Ví như thợ vàng bày quạt than
Dụng công trái thời, mất phương pháp
Vội vàng sử dụng không đúng lúc
Hoặc khi tưới nước hoặc buông bỏ.
Vàng chảy vội dừng thì tiêu mất
Chưa chảy liền dừng thì không tan
Phi thời tưới nước vàng còn nguyên
Phi thời buông bỏ thì không đạt.
Tinh tấn, nhất tâm và buông bỏ
Nên phải quán xét pháp hành đạo
Phương tiện phi thời, mất pháp lợi
Nếu không lợi pháp là phi lợi.
Ví như thầy thuốc trị ba bệnh
Chữa lành hết bệnh lạnh, nóng, phong
Phật cũng thế theo benh cho thuốc
Bệnh dâm, nộ, si tùy thuốc diệt.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Lục Nhập Xứ - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Sáu - Phẩm Kinh điển
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Năm - Phẩm An Lạc Hạnh - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Năm - Phẩm Giáng Sinh Vương Cung
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Bốn - Tinh Tấn độ Vô Cực - Kinh Số Năm Mươi Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Trảo Giáp
Phật Thuyết Kinh Thuần đà Chân đà La Sở Vấn Như Lai Tam Muội - Phần Bảy