Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ - Phẩm Mười Tám - Phẩm Quyền Trí

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI TÁM

PHẨM QUYỀN TRÍ  

Lại nữa, này Tối Thắng, Đại Bồ Tát lại phải tư duy đệ thập quyền trí định tuệ tam muội, phải nhớ nghĩ tu hành.

Thế nào là Bồ Tát tu hành đệ thập quyền trí định tuệ tam muội?

Này Tối Thắng, Đại Bồ Tát có tam muội tên là Vô Lượng Định Ý. Bồ Tát trụ tam muội đó quán biết vô lượng thân hành, quán biết vô lượng khẩu hành, quán biết vô lượng cõi Phật rồi đến đó làm trang nghiêm, quán biết vô lượng chúng sanh rồi dùng trí đến hàng phục, quán biết vô lượng chúng sanh nhận lãnh giáo hóa thành tựu trí nghiệp, quán biết vô lượng ánh sáng lớn phát ra tiếp độ người chưa được độ.

Quán biết vô lượng ánh sáng oai tướng Đại Nhân phát ra không nơi nào không soi chiếu, quán biết vô lượng chuyển chánh pháp luân mà Chư Thiên, người đời, các loại ma như Thiên Ma, Phạm Thích, Tứ Thiên Vương không thể chuyển, chỉ Như Lai mới có thể chuyển. Quán biết vô lượng Bồ Tát dạo đến các cõi Phật làm vị Thượng Thủ Đạo Sư dẫn đường cho các chúng sanh.

Bồ Tát tuy được Phật lực nhưng không nương lực đó, tự buông xả thân ý như không có gì để buông xả, đạt trí tuệ của Phật cũng không nương trí tuệ, lấy sự hưng khởi của Phật mà khởi phát trí tuệ, thọ trì thần túc của Phật Độ vô lượng cảnh giới.

Lấy sự thanh tịnh của Phật để thanh tịnh hạnh, lấy sở hạnh của Phật mà làm hạnh của mình, lấy tâm lượng của Phật để tu tập các tâm lượng, lấy định phấn tấn không có tâm khiếp nhược của Phật nên được sự thanh tịnh của Phật mà làm Phật Sự.

Đại Bồ Tát đã trụ tam muội này quán khắp tất cả trí, đã quán tất cả trí lại quán tất cả nghiệp, đã quán nghiệp, suy tư thì có thể tu tập trí tuệ.

Đã tu tập trí tuệ thì thọ trí giác. Đã thọ trí giáo thì suy tư diệu trí, đã suy tư diệu trí thì liền cầu trí nghiệp, đã khởi trí duyên thì đạt trí giải thoát, đã đạt trí giải thoát thì đạt giải thoát vô dư, đã đạt giải thoát vô dư thì tương ưng với pháp và luật giải thoát Vô Thượng Bồ Tát tu tập lâu dài nên thành tựu Bồ Tát nghiệp.

Ý Bồ Tát tinh tấn. Bồ Tát nhẫn nhục trước cảnh khổ. Bồ Tát làm muội lược ác, nhập Bồ Tát tạng, giữ gìn ánh sáng của Bồ Tát, trừ bỏ sự mê mờ của Bồ Tát, lên địa vị Bồ Tát, hiện tướng Bồ Tát, trừ bỏ sự điếc không nghe của Bồ Tát, thanh tịnh âm thanh Bồ Tát.

Bồ Tát nghe âm thanh đó tâm không dao động, không lo sợ cũng không thoái chuyển, tâm không nhàm chán, không nghĩ nhớ sự tăng ích, không xả ly cũng không nghi ngờ, không dừng nghỉ giữa chừng cũng không nương tựa vào điều Bồ Tát nghe nên được như vậy.

Đại Bồ Tát ở chỗ chúng sanh tùy theo tánh loại mà thể nhập quán sát pháp tắc, thành tựu tâm hoằng thệ, làm mô phạm cho các chúng sanh theo pháp Đại Thừa đi vào sông biển của Phật, theo con đường thẳng không mất dấu đạo. Đại Bồ Tát luôn phải tư duy ba điều hoằng thệ lớn, giữ tâm hoằng thệ hướng đạo chúng sanh từ bờ này sang bờ kia.

Ba điều hoằng thệ lớn ấy là gì?

Đó là:

1. Tăng ích hoằng thệ.

2. Tăng trung hoằng thệ.

3. Tăng hạ hoằng thệ.

Lại nữa, Bồ Tát lại có ba điều hoằng thệ.

Ba điều hoằng thệ đó là gì?

Đó là:

1. Hạ Thượng.

2. Hạ Trung.

3. Hạ Hạ.

Đó gọi là ba điều hoằng thệ. Tối Thắng nên biết, Đại Bồ Tát đạt được đệ thập quyền trí định tuệ tam muội đó thì mới có thể đạt được tâm hoằng thệ lớn tăng thượng bậc nhất, giáo dưỡng chúng sanh, thanh tịnh Quốc Độ Phật, giữ trí phương tiện, lìa khỏi sự ràng buộc của ái dục.

Khéo học thâm nhập pháp nhất tướng của Bồ Tát, ngộ rõ các tướng cũng không có tướng, khéo thông đạt pháp ảo hóa của Bồ Tát, an lập tâm ý chúng sanh trụ nơi kiên cố, khởi tâm bố thí cho tất cả loại chúng sanh. Các Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác ở quá khứ, vị lai, hiện tại thực hành tâm đại từ bi biến khắp tất cả.

Người vô trí được trí tuệ sáng, người mù thì được sáng mắt, kẻ không được cứu hộ thì được cứu hộ làm sung mãn tất cả pháp của Chư Phật khiến chúng sanh có tâm mong cầu trừ bỏ pháp tưởng.

Vì sao như vậy?

Ví như vị Trưởng Giả tích chứa tiền của ngàn ức, vàng bạc, vật báu như xa cừ, mã não, chơn châu, hổ phách trong kho. Lại có ngọc báu minh châu Như Ý, ánh sáng phát ra soi khắp mọi nơi, màu sắc đẹp tuyệt vì thể tánh của ngọc đó tự sáng.

Đại Bồ Tát cũng như vậy, thể đạt ngọc tâm ý phát ra trí tuệ, dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp nơi, thông đạt sự qua lại không bị chướng ngại, nhập định ý này cũng không gặp nạn tai.

Như viên ngọc sáng kia ánh quang chiếu khắp nơi, Bồ Tát tự hiện năng lực ý chí nên bổn tánh tự như vậy, không gì có thể chế phục khiến năng lực ý chí ấy chẳng như vậy.

Vì sao?

Thể tánh tự nhiên, không thể khiến nó không tự nhiên. Tự nhiên cũng là không tự nhiên, không tự nhiên cũng là không tự nhiên. Không thấy chúng sanh tự nhiên, không thấy chúng sanh không tự nhiên. Tối Thắng nên biết, chúng sanh xuất hiện nơi tự nhiên, cũng xuất hiện nơi không tự nhiên.

Vì sao nói chúng sanh xuất hiện nơi tự nhiên, cũng xuất hiện nơi không tự nhiên?

Nói chúng sanh xuất hiện nơi tự nhiên đó là nói giới hạn trong năm đường lưu chuyển không dứt một thân, trăm thân hoặc ngàn vạn thân. Một kiếp, trăm kiếp hoặc ngàn vạn kiếp bỏ thân rồi thọ thân, thành tựu bốn đại, nuôi lớn năm ấm. Đó gọi là chúng sanh xuất hiện nơi tự nhiên.

Thế nào là chúng sanh xuất hiện nơi không tự nhiên?

Là do thể tánh chúng sanh vốn không, không cũng là vô thức, cũng là vô tưởng niệm.

Khi ấy bốn đại có bốn ngọn gió khởi:

Một là địa khí phong thổi đến không.

Hai là thủy khí phong thổi đến không.

Ba là hỏa khí phong thổi đến không.

Bốn là phong khí tức không phong.

Thần giao, thức chướng ngại đột nhiên kết hợp với nhau, năm pháp giao kết tích tụ mới thành hình thể, gặp trời thì làm trời, gặp người thì làm người, theo chỗ nhiễm của hình thể liền thành thân kia.

Giả sử có địa khí mà không có thủy, hỏa, phong cũng không thành được. Nếu có thủy khí mà không có địa, hỏa, phong cũng không thành được.

Nếu có hỏa khí mà không có địa, thủy, phong thì cũng không thành được. Nếu có phong khí mà không có địa, thủy, hỏa thì cũng không thành được.

Giả sử có thần thức nương tựa không, tự quản mà không có địa, thủy, hỏa, phong thì cũng không thành được. Bồ Tát phải quán thức là tánh không, là chỗ thâu nhiếp pháp giới. Có thức, bốn đại. Năm pháp tương ưng thì thành thân năm ấm. Nhanh chóng khỏe mạnh tức là không giới.

Thức tự biết lạnh, thô ráp, trơn mịn, cứng chắc suy tư tìm hiểu biết ly không ý tư duy chuyên chú, tâm niệm tưởng không, giải thoát vắng lặng tức là tự ngộ rõ sự hư ảo trong pháp không, không trở lại Thế Giới này thể nhập giải thoát Niết Bàn vô dư nói mà diệt độ.

Nếu thần thức ấy trì độn, không lanh lợi, mê mờ, hoảng hốt, không tin pháp ly không thì đó là do bản thân tức là hư không, do hình thể cảm thọ đối tượng nên phải đi vào cửa sanh, gặp thiện thì theo thiện, gặp ác thì theo ác.

Gặp thiện thì chúng sanh tin có thiện ác, biết đời này đời sau có tôn ti, lớn nhỏ nhàm chán họa khổ của thế gian, tu tập pháp thiện không mệt mỏi, lâu dài mới đắc đạo.

Gặp ác thì thần thức vĩnh viễn lìa bỏ thiện, cam tâm làm ác, trôi lăn trong sanh tử, đi vào nỗi khổ nơi địa ngục. Thần thức cảm thọ khổ não không dừng nghỉ mới tự tỉnh thức, nhớ nghĩ việc đã làm không phù hợp với luật cấm, dần dần tự trách sửa đổi bỏ ác theo thiện.

Từ sơ phát tâm trải qua nhiều số kiếp tích lũy công đức, đầy đủ các hạnh mới được thành đạo. Đó là chúng sanh xuất hiện nơi không tự nhiên. Đại Bồ Tát thường phải tư duy, nhất tâm quán sát tự nhiên và không tự nhiên.

Thế nào là Bồ Tát quán tự nhiên và không tự nhiên?

Tự nhiên là pháp thế gian, không tự nhiên là đạo. Tự nhiên là ràng buộc, không tự nhiên là không ràng buộc. Tự nhiên là hữu, không tự nhiên là không. Tự nhiên là có thức, không tự nhiên là đã ly thức. Tự nhiên là có danh, có sanh, có già, có bệnh, có chết.

Không tự nhiên là pháp không sanh, không khởi diệt, cũng không rong ruổi trôi lăn theo năm đường. Bồ Tát phải nhớ nghĩ xả bỏ pháp hữu tự nhiên, tu tập pháp vô tự nhiên, các trí sáng suốt không bị chướng ngại, xả bỏ pháp tự kỷ, không khởi tự nhiên cũng không thấy diệt, thanh tịnh tất cả mười phương Thế Giới.

Độ cho người chưa được độ, tuy có thân cận nhưng cũng không thấy gần, vì người mà chịu khó nhọc, không chấp nghĩ có khổ, đảm nhận trọng trách luôn lấy đạo bổn hướng dẫn người đến biển pháp, mong cầu định bất loạn, nhặt được vô hạn lượng vật báu là năm phần pháp thân.

Không, vô tướng, vô nguyện, thiền định, giải thoát, tướng tốt, thần túc. Dùng chúng làm tâm báu, không lo sợ cũng không hoảng hốt. Lại có tam muội tên Vô vi định.

Đại Bồ Tát trụ tam muội này lấy chánh định hiển phát ánh quang minh làm thanh tịnh dấu tích của chúng sanh mà không nhàm chán, vì chúng sanh diễn nói tánh không. Chúng sanh ngộ rõ không khi đó mới được thức tỉnh, hồi tâm quay về với đạo, trọn không thoái lui.

Khi đó Thế Tôn bảo Ngài Tối Thắng: Như ta ngày nay trụ pháp giới tự tại định ý này, dùng Thiên Nhãn quán lên tận bờ mé hư không, cảnh giới chúng sanh không tự nhiên trụ, trong khoảnh khắc khảy móng tay có ức trăm ngàn không thể tính đếm chúng sanh đến.

Họ từ xưa theo dục thọ hình đi vào cửa sanh. Bấy giờ vô số hằng sa Chư Phật Thế Tôn ở mười phương đều dùng hóa thân trụ giữa hư không nói pháp hư vô cho bốn khí thần thức kia thể đạt không rồi lại ly không.

Cũng như vậy làm cho lìa thức. Ngã không suy tư ngã hữu, vì ly không vĩnh viễn mà thôi. Nếu nương tựa không kia thì thức cảm thọ biết thân. Người tư duy quán không thì ở trong cõi đó không xả bỏ thức nhận biết thân hình, nhập cảnh vô dư mà thủ diệt độ.

Không trở lại cõi này nhận lãnh thân năm ấm, đi vào khổ não. Quyền trí của Như Lai vô hình, độ cho thức nhập hư không giới, hiện đức thần biến đặc thù vi diệu đó để hóa độ, hoặc hiện ra các Cõi Phật thanh tịnh, hoặc có khi an lập sự tịch tĩnh của Hiền Thánh, hoặc có khi kinh hành, tụng đọc không mệt mỏi.

Thức tuy không thấy được nhưng oai nghi thể tiết của Chư Phật Thế Tôn vốn không suy hao.

Bồ Tát phải quán hư không bao trùm vô biên cõi, hư không cũng không có niệm đó: Ta nay sẽ phủ trùm Quốc Độ như vậy. Hư không cũng không tự nghĩ có công lao khó nhọc.

Vì sao?

Hư không phủ che tất cả, tự tánh của nó như thế. Pháp không biến dị, tự nhiên thường trụ. Pháp không động chuyển cũng không nhiều biến hiện, không sanh, không diệt cũng không đổi khác. Vì vậy nên tánh của pháp giới hư không là tự nhiên. Bồ Tát lại phải tư duy thần thức hư không. Thức có ba tướng.

Ba tướng là gì?

Một là thú, hai là hối, ba là không thú cũng không hối.

Thế nào là thần thức hư không thứ nhất: Thú?

Thú đó tức là có hướng đi về sanh, nuôi lớn chủng ấm, theo loại pháp thức nhiễm liền thọ nhận thân hình. Bồ Tát phải biết, thần thức hư không cũng có thân trung chỉ. Thức hợp bốn khí hướng đến thân trung chỉ. Thân trung chỉ thọ hình hoặc trải qua nửa tháng, hoặc trải qua một tháng, hoặc trải qua thân hư không trung chỉ hướng đến năm đường.

Thân trung chỉ trong năm đường hiện tiền, đã đi vào năm đường thì hoặc trải qua một, hai, ba, bốn cho đến mười hai tháng. Thân trung chỉ hóa sanh ở Cõi Trời thì không có tuổi theo tháng năm. Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cũng có thân trung chỉ.

Mỗi cảnh giới đều có thân không thức trung chỉ chẳng giống nhau, vắng lặng vô hình nên không thể thấy, chỉ có Chư Phật Thế Tôn A Duy Nhan mới có thể thấy mà thôi. Đó gọi là Đại Bồ Tát quán thân hư không trung chỉ hướng về sanh môn.

Thế nào là thần thức hư không thứ hai, thức có hối?

Thức thứ hai, hối, là nói bốn khí kết hợp với thức trụ trong đó, hối nhận lãnh thân tâm đó niệm tưởng là không, giải thoát vắng lặng, không suy tư chấp trước.

Lại nữa, Chư Phật Thế Tôn dùng hóa thân Phật đúng thời giáo hóa khiến thức ngộ rõ, Bát Niết Bàn nơi Cõi Niết Bàn Vô Dư. Tối Thắng nên biết, Chư Phật Thế Tôn ở trong ba đời giáo giới chúng sanh khiến vô số không thể tính đếm chúng sanh được đến bờ giải thoát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần