Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Pháp Giới - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI BA

PHẨM PHÁP GIỚI  

TẬP HAI  

Những gì là bốn?

Một là phân biệt tuệ vô tận.

Hai là phân biệt tuệ minh vô tận.

Ba là tư duy về tổng trì ghi nhớ.

Bốn là phân biệt biện tài trọn vẹn.

Xá Lợi Phất, đó là bốn tạng vô tận, là sự tu tập của Bồ Tát.

Lại có bốn tạng vô tận.

Một là không thể nắm giữ, buông lung không an trụ.

Hai là tâm đạo khó nắm giữ bản tánh rất thâm sâu.

Ba là nhập vào bản tế, sự tu tập không có gốc ngọn.

Bốn là nhập vào tâm ý của chúng sinh, biết rõ chẳng phải pháp.

Đó là tạng vô tận của Bồ Tát.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Bồ Tát có bốn tạng vô tận vững chắc là pháp môn biện tài.

Những gì là bốn?

Một là chí nguyện kiên cố không theo tà giáo. Hai là bản tánh thanh tịnh không sinh phiền não. Ba là lời Phật dạy giữ nhẫn nhục, không sân hận. Bốn là tùy theo nhân duyên tạo lập các hạnh, không mất thệ nguyện. Đó là pháp môn biện tài tạng vô tận của Đại Bồ Tát. Bồ Tát ở dưới gốc cây Bồ Đề, thâu phục các ma oán, tâm ý không khiếp nhược. Lại có bốn tạng vô tận pháp môn chuyển luân.

Những gì là bốn?

Một là lời nói chân thật không hủy báng người khác.

Hai là xét tận cùng duyên khởi, biết chỗ sinh ra.

Ba là dạy bảo chúng sinh không bao giờ lười biếng.

Bốn là hiểu biết trí tuệ đạt đến quả vị của Bồ Tát.

Đó là tạng vô tận không hủy hoại pháp giới của Đại Bồ Tát. Ấy là sự tu hành của Đại Bồ Tát.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Đại Bồ Tát có bốn tạng vô tận thành tựu pháp giới.

Những gì là bốn?

Một là chiếu soi rực rỡ cả pháp giới, thông suốt khắp nơi.

Hai là chiếu soi rực rỡ các pháp tánh, biết được không thật có.

Ba là phân biệt nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn.

Nhục nhãn là gì?

Nhìn thấy các sắc trần mà phát sinh nhãn thức.

Thiên nhãn là gì?

Thiên nhãn là nhìn thấy hình tượng ánh sáng của Chư Thiên mà không thấy quả báo. Tuệ nhãn là phân biệt mà không thấy phiền não. Pháp nhãn là thanh tịnh, đầy đủ sáu pháp vượt bờ. Phật nhãn là thấy rõ các tướng là vô tướng.

Bốn là chiếu soi rực rỡ các quả báo nhưng không dắm trước vào ba cõi.

Đó là thành tựu pháp giới tạng vô tận của Bồ Tát.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Đại Bồ Tát có bốn tạng vô tận.

Những gì là bốn?

Một là ý tinh tấn không định.

Ý có cầu tuệ.

Ý không cầu tuệ.

Ý có tận.

Ý không tận.

Ý có đắc.

Ý không đắc.

Phân biệt trong ngoài đều không thật có.

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thực hành quyền xảo khắp mọi nơi, giáo hóa cùng khắp lấy tinh tấn làm đầu, tu tập cấm giới lấy nỗ lực làm gốc. Theo Chư Phật Thế Tôn mong cầu chứa nhóm công đức, nghe pháp được vui mừng, tích tập trí tuệ, giảng rộng giáo pháp mà chẳng có lời giảng.

Dùng tuệ quán kiên cố để quán sát các pháp trong quá khứ, hiện tại và vị lai mới gọi là giáo hóa chân thật. Những lời dạy của Như Lai không dùng văn tự. Người nghe thanh tịnh và pháp được nói ra cũng thanh tịnh. Đó là chứa công đức trí tuệ đứng vững trong pháp nhẫn không bị thoái chuyển.

Này Xá Lợi Phất! Không tham sắc cũng không nương tựa vào sắc. Chẳng phải không có sắc, hiểu rõ sắc và không sắc, nên gọi là pháp tánh. Giả sử được tất cả hương thơm xông ướp the lụa năm màu, cờ, lọng trong tam thiên đại thiên Thế Giới đem đến cúng dường, cũng không lấy làm vui mừng. Xa lìa biếng nhác, không còn sợ hãi, tránh ý tham loạn, trừ tâm sân hận, thành Chánh Đẳng Chánh Giác.

Giảng rộng chánh pháp mới được thành Phật, xả bỏ sự an hưởng của tâm để lập thệ nguyện rộng lớn, thay thế chúng sinh nhận chịu các khổ não, siêng năng ưa thích pháp khiến cho chúng sinh đi vào ngôi nhà chánh pháp, tu tập đạo pháp thì được Chư Thiên ủng hộ, Trời, Rồng, Càn Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chiên Đà La, Ma Hưu Lặc, Người và phi nhân đều đến cúng dường.

Và được thiện nam, thiện nữ giúp đỡ khiến được thành Phật Đạo, phát nguyện kiên cố để được trí tuệ không còn thoái lui, không còn các duyên đọa vào ba đường, không nhận thức, không hiểu biết cũng không cứu cánh.

Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát tu tập pháp không tưởng niệm, pháp không lời dạy mới có thể thành tựu Thánh Giáo của Như Lai.

Khi ấy cả chúng hội nghe được pháp thâm sâu này đều phát tâm vô thượng, chứng quả vị không thoái chuyển.

Bấy giờ, Xá Lợi Phất bạch Phật: Những người vừa nghe pháp này bao lâu nữa sẽ thành Phật?

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Những người này trong hai trăm vô ương số kiếp sẽ thành Phật, đều cùng một hiệu Vô Cấu Đức Siêu Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Vi Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Cõi nước tên Thanh Tịnh, kiếp tên Nan Độ.

Cõi nước của Đức Phật ấy chỉ nương tựa có một thừa, không có tên Thanh Văn và Bích Chi Phật, thường bàn luận đức hạnh vô lượng của Bồ Tát, mặt đất bằng phẳng không có núi, sông, đồi gò, sông suối, hang khe và các loại hình sắc khác.

Như tấm nêm của Cõi Trời, không có ánh sáng của mặt trăng, mặt trời chiếu đến, chỉ có các tướng ánh sáng tự chiếu với nhau, các đức rộng khắp, chúng sinh có thể nghĩ rất nhiều ý tưởng.

Vì sao?

Vì pháp giới ấy không sai khác với ý tưởng của họ.

Chúng sinh trong Thế Giới của Đức Phật ấy ăn thức ăn cam lồ tự nhiên, mặc y kiếp ba dục giống như Cõi Trời thứ sáu Tha Hóa Lạc Thiên, đất đai phì nhiêu, các loại hoa màu sung túc, đầy đủ bảy báu: Vàng, bạc, trân báu, xà cừ, mã não, trân châu, hổ phách, có Chuyển Luân Thánh Vương tên Vũ Hoa, bảy báu cùng đi theo.

Bảy báu gồm có:

Một là luân báu. Luân báu đó đường kính bốn mươi khủy tay, toàn bằng bảy báu. Bánh xe ấy có ngàn cái căm, mỗi cái căm có hình tướng rõ ràng. Vua muốn đi về phía Đông thì bánh xe dẫn đầu.

Hai là voi báu. Voi báu ấy màu trắng như tuyết, miệng có sáu cái ngà, mỗi cái ngà đều có tướng rõ tàng. Vua muốn cỡi voi báu đi du hành đến Thế Giới nào thì trong một sát na đã đến Thế Giới ấy, chẳng khó khăn gì.

Ba là ngựa báu. Ngựa báu ấy thân màu xanh biếc, bờm và đuôi đỏ thắm, bay trên không chân không chạm đất. Ngựa hý một tiếng chấn động cả Thế Giới, ở đâu cũng nghe. Vua cỡi ngựa báu đi các phương Đông, Tây, Nam, Bắc chỉ trong một sát na đã đến khắp nơi.

Bốn là ngọc báu nữ. Thân có hương thơm mùi hoa sen xanh. Miệng tỏa mùi hương ngưu đầu chiên đàn. Người đoan chánh thân thể tròn đầy, không quá mập hay ốm, không quá cao hay thấp, không quá trắng hay đen, đầy đủ sáu mươi bốn vẻ đẹp của người nữ. Ý Vua muốn gặp liền có ngay.

Năm là ngọc báu. Ngọc báu ấy cạnh vuông ba nhận, cao bảy nhận. Muốn thử ngọc báu ấy, vào đêm vắng người, Vua liền triệu tập quân ngựa và và bốn binh chủng, đem ngọc báu ấy đặt trên đầu của đài cao vạn trượng, ánh sáng của ngọc báu chiếu khắp Thế Giới, ngọc báu đến đi tùy ý muốn của Nhà Vua.

Sáu là quan giữ kho tạng báu. Vị điển tạng báu ấy, khi Chuyển Luân Thánh Vương muốn đi đến biên cương của Thế Giới. Con đường dẫn đến gặp phải biển lớn, sâu đến không đáy.

Vua muốn thử sự chứng nghiệm khả năng của Điển Tạng báu liền ra lệnh cho người hầu cận: Hãy dừng lại ở biển này, ta muốn nghỉ ngơi.

Vua liền báo Điển Tạng báu: Ta cần vàng, bạc, trân báu, xà cừ, mã não, san hô, hổ phách, thủy tinh, lưu ly, Khanh có thể lấy được không?

Khi ấy, Điển Tạng báu liền quỳ trong nước, dùng đồ múc nước, tùy theo ý nghĩ mong cầu mà bảy báu tự đến.

Bảy là Điển Binh báu. Điển Binh báu ấy, Vua muốn tập họp bốn binh chủng, liền bảo Điển Binh báu: Ta muốn kiểm tra bốn binh chủng ngay tức khắc, ông có làm được không?

Điển Binh báu thưa Vua: Không biết Thánh vương cần bao nhiêu binh?

Vua bảo: Ta cần trước, sau, phải, trái mỗi chỗ vạn hàng.

Điển Binh báu làm đúng theo lời bảo của Vua.

Tập họp bốn binh chủng: Bốn binh chủng là: Tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh. Mỗi binh đều có thêm mười loại, bốn loại binh đều như vậy.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Tối Thắng và cả chúng hội: Chuyển Luân Thánh Vương chẳng phải là người nào khác, chớ suy nghĩ gì nữa, vì sao?

Nay chính là Bồ Tát Tối Thắng: Do có sự biến hóa, lời nói dịu dàng nên chúng sinh nương theo pháp âm ấy mà được vắng lặng. Bồ Tát giảng dạy sáu pháp độ vô cực, bốn ân, bốn tâm vô lượng, sáu trọng pháp. Bồ Tát dùng quyền phương tiện nhập vào diệt tận định xa lìa các dục không còn cấu uế. Các pháp vô vi, không, vô tướng, vô nguyện, pháp không sinh, không diệt, không có đầu mối.

Các pháp ấy chúng sinh, Chư Thiên, con người trong cảnh đó. Bồ Tát phân biệt căn cơ vô lậu và trí tuệ của Bậc Thánh. Hoặc phát ra âm thanh hướng dẫn về chánh pháp. Hoặc dùng các khổ dạy bảo để nhập vào pháp luật. Hoặc dùng ánh sáng biến hóa của thần túc hướng dẫn chúng sinh dần dần vào nơi cứu cánh.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Tất cả chúng sinh có tướng ngã, nhân. Nguồn gốc các pháp thanh tịnh, không hình tướng, chẳng phải pháp thường, đoạn, các pháp không bị hủy hoại, quán rõ Cõi Phật không thật có.

Lại nữa Xá Lợi Phất! Mười hai nhân duyên, năm ấm, sáu suy đều không có hình tướng. Tám thứ âm thanh của Như Lai không phải là tướng nam, không phải tướng nữ, không tiếng mạnh, không tiếng yếu, không phải tiếng trong, không phải tiếng đục, không phải tiếng trống, không phải tiếng mái. Do bố thí độ mà chứng được quả này. Sự thanh tịnh biết rõ chiếu soi cả pháp giới. Hoặc phát ra một tiếng vang khắp cả ba ngàn cõi nước mười phương.

Ta từng ở trong Thế Giới Dã Mã, cách cõi này bảy mươi hai ức hằng hà sa cõi nước Chư Phật. Ở cõi đó, phát ra âm thanh lớn vang khắp Cõi Phật kia. Người nghe âm thanh này có một trăm ức chúng sinh ở địa vị không thoái chuyển đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Khi ấy, đệ tử ta tên Mục Kiền Liên thần thông số một, đi lên một ngọn núi Tu Di, lại lên một ngọn núi Tu Di nữa, như thế trải qua kiếp này đến kiếp khác mà chân không chạm đất. Khi đó, Mục Kiền Liên ở trong cõi Dã Mã, phát ra âm thanh lớn vang cả tam thiên Thế Giới khắp cả mười phương, dùng âm thanh này mà diễn dạy giáo pháp.

Như Lai thuyết pháp chưa từng có hành nghiệp, cũng không thấy hành nghiệp, chẳng phải không có hành nghiệp, biết hành nghiệp mà không phải hành nghiệp nên gọi là thanh tịnh. Các pháp không tướng, cũng không âm thanh.

Lại thuyết Tứ Đế đúng như pháp tánh. Biết khổ không khổ nên không ở trong khổ. Vì nhập vào trí tuệ này nên gọi là khổ trí. Nhân tập, thấu suốt nguồn gốc hiểu rõ tập, không tập, không thấy có tập nên gọi là tập trí. Biết chỗ diệt tận, do diệt tận mà sinh, do diệt tận mà diệt, cũng không thấy diệt tận gọi là tận trí.

Đạo vô vi là không thấy nơi chốn, đều được Chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai khen ngợi. Hiện tại Đức Phật thuyết không có đạo. Những điều nói ở quá khứ, vị lai cũng thế. Đạo không có hình tướng nên không thể thấy được. Hiễu rõ đạo không phải đạo nên gọi là đạo trí.

Đó là phân biệt nghĩa đạo của Đại Bồ Tát. Bấy giờ, tất cả chúng sinh ở trong Thế Giới Dã Mã, chỉ nghe âm thanh này mà không thấy được hình tướng. đại chúng ở trong đó ngạc nhiên cho là điều kỳ lạ. Đây là người nào mà phát ra âm thanh lớn chấn động cả Thế Giới, đồng thời diễn thuyết nghĩa lý sâu xa.

Đức Như Lai biết được tâm niệm của chúng sinh liền bảo Mục Kiền Liên: Ông hãy bỏ thần thông và hiện hình ra ở trong đại chúng này.

Khi ấy, Mục Kiền Liên theo như hình dáng của mình bổng nhiên hiện ra giữa đại chúng. Thân của Bồ Tát cõi ấy cao tám vạn bốn ngàn do tuần. Thân Phật cao mười sáu vạn tám ngàn do tuần. Trong đại chúng thấy Mục Kiền Liên, đắp y mang bát giống như Sa Môn nên rất ngạc nhiên cho là việc chưa từng thấy.

Đây là loài gì?

Là cầm thú hay là người vậy?

Lúc đó, Đức Phật kia biết tâm niệm của đại chúng liền bảo: Các ông chớ nghĩ như vậy, sở dĩ như thế là vì cách đây bảy mươi hai ức hằng hà sa số Thế Giới Chư Phật, có một Thế Giới tên là nhẫn độ.

Đức Phật cõi ấy tên là Thích Ca Văn Như Lai Đẳng Chánh Giác. Đầy đủ mười tôn hiệu, xuất hiện ở thế gian trong đời ngũ trược, thường dùng văn tự giáo hóa chúng sinh. Nhân dân trong nước ấy sống đến trăm tuổi hoặc sống hơn không bao nhiêu cả. Phật dùng bốn chân đế để phân biệt nghĩa lý, giảng thuyết trí tuệ không xứ sở, không chấp trước. Tỳ Kheo Mục Kiền Liên này là đệ tử thần thông số một.

Đức Phật ấy liền bảo Mục Liên, đại chúng đây muốn được nhìn thấy thần thông hiện tại của ông.

Khi ấy Mục Kiền Liên nghe theo lời Đức Phật dạy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bỗng nhiên biến mất mà nhập vào Tam Muội định ý vô ngại, tiếp nhận hết cõi nước Chư Phật khắp mười phương đặt vào trong bàn tay phải, tay trái đỡ lấy cõi nước Đức Phật kia đưa lên hư không. Mọi người đều thấy thần thông của Mục Kiền Liên nhưng muốn thấy thân hình của Mục Kiền Liên thì không thể thấy được.

Bấy giờ, Bồ Tát liền hướng về Đức Phật Thế Tôn kia, cầu xin Đạo sư cứu giúp, Phật bảo: Đừng sợ, hoàn toàn không có gì đâu.

Khi ấy, Đức Phật bảo Mục Kiền Liên: Mục Liên, hãy dừng lại và xả thần thông để cho Bồ Tát này thấy được dấu tích. Lúc đó, Mục Liên nghe lời Phật dạy, bỏ thần thông trở về chỗ cũ.

Bồ Tát kia bạch Phật: Cõi Kham nhẫn của Đức Phật Thích Ca ấy, dùng gì để giáo hóa, thuyết pháp như thế nào?

Dùng đạo gì để giáo hóa chúng sinh?

Dùng quyền trí gì để qua lại trong sinh tử?

Phật bảo hàng Bồ Tát: Chúng sinh ở cõi ấy cang cường khó giáo hóa, tranh nhau phải trái đều cho mình là hơn. Vì thế, Như Lai dùng những lời dạy nghiêm khắc để chỉ dạy dẫn dắt họ vào đạo.

Ví như: Rồng, voi và các thú dữ hung bạo, không thuần thục, nên phải đánh đập để chúng biết đau đớn. Sau đó, chúng mới được thuần thục cho Vua cỡi đi. Đối với chúng sinh trong cõi đó cũng như thế, phải dùng rất nhiều lời nói để độ thoát họ, hoặc dùng âm thanh khổ nói về khổ, tiếng tập, diệt, đạo cũng như vậy.

Bấy giờ, Bồ Tát kia khen ngợi việc chưa từng có: Lành thay! Lành thay! Bạch Thế Tôn! Đức Phật Như Lai kia siêng năng chịu khổ làm những việc khó làm ở trong đời năm trược sôi sục để giáo hóa chúng sinh, rộng nói đạo lớn, Niết Bàn tịch nhiên, trở về vô vi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần