Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Mười - Phẩm Thành đạo - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI

PHẨM THÀNH ĐẠO  

TẬP MỘT  

Khi ấy, Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát bậc thứ mười đối với địa thứ mười được hạnh thanh tịnh như thế nào?

Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Tối Thắng: Đó là Bồ Tát tu đạo thần thông vi diệu độ khắp chúng sinh, dùng văn tự diễn bày thông suốt về tính không của các pháp, siêng tu giữ giới. Công đức của vị ấy nhiều vô lượng không thể nghĩ bàn, không có giới hạn, tất cả loài người không thể bì kịp.

Trời, Rồng, Quỷ Thần và tôn thần khen ngợi công đức của vị ấy cũng không nói được, Bậc Hiền Thánh cũng không thể nói hết nếu có nói ra chỉ là văn tự, Bồ Tát thị hiện thần túc đến khắp các cõi nước ở mười phương để hầu cận, đảnh lễ Chư Phật Thế Tôn, lại nhập vào Tam Muội Định ý giải thoát, đến khắp hằng hà sa cõi nước Chư Phật.

Được gặp các bậc chánh giác, nghe pháp cao thượng vượt qua các nghiệp tà, vững chí sáng suốt, không bị lay động, tâm như hư không, không có tưởng niệm, phân biệt hiểu rõ sự sinh diệt của pháp giới. Giáo pháp vị ấy nói ra đều hợp ấn thánh, tự tại trong tam muội không có sai phạm.

Giáo pháp mười phương Chư Phật nói ra cùng với pháp luật của Bậc Thánh không trái ngược nhau, lời nói ra vi diệu thù thắng. Quán sát các Thế Giới đều bình đẳng như hư không, ý nhớ nghĩ đầy đủ pháp môn giải thoát. Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ biện luận thông suốt, cứng hợp căn cơ, tâm hưởng ứng với đạo tuệ.

Thế nào là tâm?

Thế nào là đạo tuệ?

Thông suốt sách vở thế gian, thị hiện đi vào nghiệp tà, đó là tâm. Chuyên tinh nhất tâm nơi pháp xuất thế đó là đạo tuệ. Xả bỏ sự keo kiệt, làm việc bố thí không nghĩ đến sự báo đáp, giữ tâm hòa thuận, suy xét rõ ràng đó là tâm. Vào định vắng lặng, không khởi các tưởng, sống đạm bạc, không xa lìa giới hạn của Bậc Thánh, đó là đạo tuệ.

Nếu ở tại sinh tử mà siêng tu các pháp thì dù ở trong đó cũng không nhàm chán, đó là tâm bồ Tát. Nếu Bồ Tát ở nơi không yên ổn trong tám nạn, tâm không khởi điên đảo thấy có hai, có thể vượt qua hoàn toàn các bệnh, đó là đạo tuệ.

Đối với pháp thế gian, khen ngợi Niết Bàn là đạo vô vi, công đức đã tạo không hề hao tổn, đó gọi là tâm. Đối với pháp không Bồ Tát đều tự tại, thấu đạt sự thanh tịnh không thật có, đó là đạo tuệ. Quán sát người ở trước mặt, tùy theo căn cơ của họ mà phân biệt, nói pháp thích hợp, đó là tâm. Bồ Tát nhập định, bằng tuệ quán từ một pháp cho đến trăm, ngàn tướng của các pháp đó là đạo tuệ.

Quyết định ban cho những vật sở hữu như: Đất nước, của cải, vợ con mà không có sự luyến tiếc, đó là tâm. Ở nơi bình đẳng, không có đạo ba thừa, đến Đạo Tràng thanh tịnh, quy y Phật Đạo, đó là đạo tuệ. Đó là Bồ Tát bậc thứ mười, đạo tâm đã đi vào khắp nơi, giữ gìn thân, miệng, không buông lung, khen ngợi đủ tám điều tâm niệm của Bậc Đại Nhân, nghĩ đến hạnh ít muốn biết đủ, tu tập giữ giới không có nhiễm ô, có thể làm sạch phiền não cho chúng sinh.

Nếu thấy chúng sinh nào tự khen mình, chê người, tự đại, cống cao, kiêu mạn, ỷ mình giàu có, thường nhớ nghĩ các pháp bất thiện, dâm dật, sân hận, ngu si, hạng người như vậy, Bồ Tát có thể nói đức nhẫn nhục, khiến họ thuận theo, đạt được vô sinh nhẫn.

Ở trong đạo lập chí siêng năng thì các nguy hiểm không đưa đến được, ý dũng mãnh tinh tấn, tâm không thoái lui, biết rõ tất các công đức đã tạo tác, không thấy có sự tập họp mãi, cũng không thấy có sự phân tán hẳn, phước nghiệp đã tạo không có chỗ trụ, không phải không có chỗ trụ, đều cùng tương ưng mà không có sự tương ưng, không thấy có tương ưng.

Không thấy không tương ưng, không tương ưng chẳng tương ưng, đó là quán sát kỷ, tâm thương ưa thích pháp môn tiền định giải thoát, suy nghĩ về bốn cách ăn, trừ bỏ sự tham đắm, quán sát tận diệt không khởi định ý, đã nghe thì ghi nhớ, có thể đọc tụng, tuệ không tán loạn, hiểu rõ nguồn gốc không có xứ sở, muốn tìm nguồn gốc cũng không thể được.

Bồ Tát vì các chúng sinh nên thuyết giảng ba mươi bảy phẩm trợ đạo, hiểu rõ pháp không vô tướng, vô nguyện, thường phụng trì tôn trọng Phật Đạo, tùy theo đối tượng khiến họ đắc đạo quả. Chư Phật Thế Tôn đã từng tuyên thuyết cũng không ngoài lẽ ấy, nhân đó phát xuất chân đế, cho đến diệt độ cũng như vậy, không có tâm tạp loạn vọng tưởng khác.

Như vậy, này Tối Thắng! Bồ Tát bậc thứ mười dùng phương tiện quyền xảo không bị ngăn ngại, vì không ngăn đạo nên tu tập đến Chánh Giác, vì các chúng sinh mà chuyển pháp luân, khiến họ được địa kiên cố không thoái chuyển.

Bồ Tát bậc thứ mười lập vững thệ nguyện, cứu độ chúng sinh không sợ nguy khó. Ví như thợ giỏi làm dấu ấn cho người, biết họ tên người ấy, liền ghi nhớ để làm con dấu, tùy loại ghi nhớ không có nhầm lẫn.

Bậc Đại Sĩ Bồ Tát cũng vậy, dùng ấn Hiền Thánh, ấn vào sinh tử, tùy theo đối tượng mà hiện ra không hề sai lầm, cần phải suy nghĩ thế này: Ấn không phải là cục bùn, bùn không phải là ấn nhưng nó có khả năng hiện ra tên họ, danh hiệu.

Thánh tuệ của Bồ Tát cũng như vậy, đem bảo ấn trí tuệ, ấn vào chúng sinh, tùy theo khả năng mà hiện ra tên gọi, liền cthể sinh giáo lý ba thừa. Giống như gieo lúa vào ruộng tốt thì cây lúa dần dần trưởng thành. Lúa hư, mầm sinh thì không còn trở lại như cũ nữa. Suy nghĩ kỹ thì mầm không phải là hạt giống, cũng không lìa hạt giống.

Bồ Tát Đại Sĩ cũng như vậy, đầy đủ nhân duyên mới giảng pháp luật, quán các chúng sinh đã có phiền não, ba tai họa, sáu trần, mười hai nhân duyên, tà, nghi, thân kiến, vọng tưởng điên đảo, liền vì họ mà thuyết giảng về pháp khổ, không, vô thường, vô ngã, sau đó mới thuyết theo đúng pháp tánh, phân biệt khổ, tập, diệt, đạo, bỏ gánh nặng xuống.

Hoàn toàn được tịch diệt, lại nên xét kỹ về nguồn gốc nhân duyên sinh ra khổ não ấy, đều do vô minh, không có trí tuệ đưa đến sinh, già, bệnh, chết, khổ não. Ta phải tìm cách tiêu trừ các bệnh ấy, dần dần làm cho họ đi vào pháp luật của Hiền Thánh.

Do vô minh diệt nên sinh, già, bệnh, chết hoàn toàn không còn. Bồ Tát diễn nói pháp không quán tịch nhiên làm cho người nào biết quay về thì có chỗ nương tựa, trí tuệ sáng suốt, thông đạt đến giải thoát, chúng sinh đều tôn sùng, tu tập.

Trí vi diệu hiểu rõ dâm đục, sân giận, ngu si đều không sai khác, suy tìm đến nguồn gốc cũng vậy, nên trừ được cái niệm vọng tưởng, hoàn toàn không còn hối hận sinh tâm thêm bớt, xa lìa tất cả ấm, cái và kết sử trói buộc, tâm không bị chướng ngại, thường được tự tại trong pháp môn giải thoát, ca ngợi công đức Tam Bảo, thường suy nghĩ xa lìa nguy hiểm của tham dục, có thể ban bố công đức đã huân tập cho chúng sinh.

Bồ Tát tinh tấn đối với pháp môn ấy không còn nghi ngờ, chỉ dạy không tuệ, khai mở dẫn dắt chúng sinh, các pháp đã học hoàn toàn không chấp trước, lần lượt thành tựu không thoái chuyển, tuyên dương Kinh Điển, làm thanh tịnh Cõi Phật dẫn dắt chúng sinh đi vào cảnh giới Phật, làm cho họ được giải thoát, không còn sinh diệt.

Đó là Kinh Điển vô thượng cũa Thế Tôn. Bồ Tát nên quán thế này để nhập vào địa thứ mừơi không thể nghĩ bàn, tu tập pháp môn bình đẳng không hai, thông hiểu ba đời, không đoạn mất Tam Bảo, từ bỏ ba cấu uế, thành tựu ba môn giải thoát.

Bồ Tát đối với họ biểu hiện sự việc không thể nghĩ bàn, từ lúc mới phát tâm cho đến địa thứ mười, thường khen ngợi sự tu hành, giữ giới của Bồ Tát, hương thơm giới đức xông tỏa khắp nơi, được thành tựu các tuệ thông suốt, có thể diễn thuyết vô lượng pháp môn, đối với văn tự không còn chấp trước, cũng không phân biệt nơi chốn, hiểu rõ cảnh giới.

Nếu bậc Hữu học thức lệ thuộc nơi sắc, tâm thuận theo, mang hy vọng bị trói buộc không bỏ, đi trong sinh tử, xoay vòng qua lại, ý thường mê loạn không thể tự cứu, bị lưới nghi ấy thì rơi vào sinh tử, luân hồi trong năm đường không có lúc dừng nghỉ.

Bồ Tát giữ tâm chân chánh, chế ngự các loạn tưởng, không chạy theo năm ấm mà đoạn trừ ấm, cái. Cũng không cho sắc, thọ, tưởng, hành, thức có sinh, có diệt, tư duy về pháp quán hơi thở ra, vào. Phân biệt sắc do tứ đại tạo ra. Đất, nước, gió, lửa đều có tự tánh riêng của nó.

Nếu làm cho thức kia không ở nới năm ấm thì có thể thành tựu, không hoại pháp giới, thức không chạy theo mười hai trần lao: Mắt nhìn sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý đối với pháp.

Đó là thức của tuệ căn vô lậu, không phải là thức của sinh tử nhiễm ô. Nếu không chạy theo các pháp bên ngoài thì không còn mong cầu. Giả sử có nơi nương tựa, liền sinh thức tưởng, có sự mong cầu cũng gọi là thức. Bồ Tát phải học không lệ thuộc nhập nào cả nên tâm không sinh niệm, không có sự ưa thích, công lao bố thí không cầu đáp trả. Đây là loại thức hữu vi hữu lậu, tu hành vô vi mới là vô thức.

Bồ Tát thắp sáng đèn trí tuệ, dựng đuốc vô vi, chiếu ánh sáng lớn, hiển bày giáo pháp thù thắng không gì bằng, chỉ cầu sự chết thực bên trong, không tìm sự trau chuốt bên ngoài. Ở nơi đạo, pháp thân Bồ Tát không ai sánh bằng, có thể ở khắp các cõi nước Chư Phật hiện ra trong ấy, tự tại không sợ hãi.

Lại đối với các pháp, hoàn toàn không nắm giữ, cũng không chọn lựa, không thấy có cao thấp, tâm được tự tại, không khiếp sợ, tùy theo ngôn ngữ của họ để giáo hóa, hoặc vì chúng sinh mà nói pháp môn sâu xa, tạo ra điều kiện để họ từ bỏ tất cả, hiểu rõ được tâm niệm của chúng sinh, ý muốn hướng đến thiện, ác, đều đem họ đến khắp cõi nước Chư Phật.

Chư Phật Thế Tôn đã tu pháp bình đẳng, không thấy chúng sinh và Cõi Phật thanh tịnh. Nếu thấy có sự tu hành là hủy bỏ pháp giới do đó tâm Bồ Tát không có chỗ trụ. Nếu thấy có chúng sinh là trụ nơi phân biệt nên đối với pháp tánh sinh ra sự ràng buộc do nhận thức.

Không khởi không diệt, thức không chỗ trụ, đó là đạo tuệ vô vi thanh tịnh. Nếu không có pháp bình đẳng đạo tuệ thì Chư Phật Thế Tôn không từ mẫn xuất hiện ở đời. Thệ nguyện của Bồ Tát hành theo nghiệp vốn là không, cũng không dừng nơi thệ nguyện đó mà đạt đến lẽ tự nhiên, không có siêng năng để được thành tựu, không thấy nhàm chán có sự lười biếng.

Đối với pháp quán bình đẳng, không sinh, không diệt, dũng mãnh tinh tấn nên được thọ ký Bồ Tát, có thể phân biệt hoàn toàn Kinh Điển, chọn lấy trí tuệ, vứt bỏ phiền não, quán sát sinh tử và diệt độ không khác nhau, thường nhớ nghĩ nghĩa thâm sâu của Kinh Điển, dò xét xa gần đều vắng lặng không có dấu vết, dù độ chúng sinh cũng không nhớ tưởng, thân gần tri thức, tâm không đắm trước, không chấp ngã và tuổi thọ, suy nghĩ phân biệt về không, vô tướng, vô nguyện đều không sinh không diệt.

Hoặc ở trong Cõi Dục suy nghĩ về ái dục ô uế, bất tịnh, hoặc thọ thân ở Cõi Sắc, Vô Sắc biết rõ sự bất tịnh, vì muốn khai ngộ giáo hóa chúng sinh mê hoặc nên nói nghĩa chân đế này, phân biệt không vô đều không có nơi chốn, không thấy tạo tác có hình chất, không tạo không tác, không thấy nương tựa, trụ nơi không chỗ trụ, cũng không căn bản.

Không thấy đọa vào ba đường ác, không thấy sinh lên Cõi Trời đầy đủ thức ăn tự nhiên chỉ bày rõ đường vào đạo mà không có sự mong cầu, không có đối tượng tạo tác, đối với các pháp quán đạt đến lẽ tự nhiên, tướng các pháp cũng không cùng tận, giống như hư không, không có ranh giới.

Bồ Tát bậc thứ mười dạy người bố thí, không có tư tưởng ngăn ngại, bằng cách bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, tuyên dương trí tuệ, phương tiện quyền xảo, từ, bi, hỷ, xả, cứu giúp kẻ nghèo khốn, phát triển đạo lớn.

Bồ Tát bậc thứ mười tuy chưa ngồi tòa Như Lai nhưng có thể thông suốt nguồn biển tuệ, làm thanh tịnh trang nghiêm cõi nước, phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp chúng sinh, đem chánh pháp giáo hóa họ trở về với đạo, lập vững tuệ nghiệp, thành tựu đại thừa, được mười phương Chư Phật luôn ủng hộ và dùng oai thần trợ giúp thêm công đức cho vị ấy, cho đến lúc thành Phật được nhất thiết chứng đạo Vô thượng không để cho chúng ma quấy nhiễu.

Bồ Tát bậc thứ mười biết được công đức đã đầy đủ, muốn thành Phật ngồi dưới gốc cây Bồ Đề, trước tiên nên tu tập bốn niệm xứ, phân biệt thân, ý đều có tánh riêng của nó, liền tự quán sát sự sinh, diệt, hưng, suy của thân, tâm tụ vui mừng hoàn toàn xa lìa khổ não.

Bằng định tinh tấn, Bồ Tát quán thân này do nhân duyên hợp thành, suy nghĩ kết quả thân này do nhân duyên hòa hợp thì tại thành, nhân duyên tan hoại thì mất đi, nên biết thân này không có chủ tể, cũng không đáng tham.

Vì sao lại chấp trước sắc thân này?

Chớ nên chạy theo sự mê hoặc của năm ấm, bốn đại, cái nhập. Thân này là không vì không thấy bốn đại là pháp của ngã, chỉ do các hành tích tập nhiều kiếp nay mới có được.

Vì sao chấp trước thân mong manh không kiên cố này?

Nay ta được sắc thân Như Lai và Pháp Thân Phật, sắc thân là do tích tụ công đức giống như kim cang không thể bị hoại. Thân hữu lậu của thế tục đầy khắp hằng hà sa Thế Giới trong mười phương không bằng công đức như đầu sợi lông của sắc thân Như Lai.

Bồ Tát tự nghĩ: Do vô lượng công đức mới thành tựu sắc thân này. Nay nhờ vào hình tướng này nên nhận được Pháp Thân của Như Lai, lội trong sinh tử, qua lại năm đường, chịu vô lượng khổ không thể kể hết. Nay thọ sắc thân của Như Lai không còn nghĩ đến tai họa, khổ não ngày xưa đã chịu.

Từ nay mãi mãi xa lìa các phiền não, không còn tham đắm vào năm dục. Quán thân mình, rồi quán thân người khác đều không nơi chốn, tu tập hạnh thanh tịnh, không còn lỗi lầm, đó là Bồ Tát tu Pháp Thân niệm xứ.

Bồ Tát suy nghĩ pháp thọ niệm xứ như thế nào?

Đó là từ lúc mới phát tâm cho đến lúc thành Phật, trong khoảng thời gian đó, Bồ Tát chịu nhiều thống khổ không thể kể hết, chuyên tâm lập chí không thể mong cầu Phật Đạo, không nhớ nghĩ đến những thống khổ đã trải qua.

Nếu thấy người đang đau khổ, đi vào nẻo ác, Bồ Tát liền cứu vớt họ, khiến không còn khổ, thường nghĩ đến chúng sinh không tự tỉnh ngộ, quyết không để họ rơi vào sự trói buộc của dục. Từ xưa đến nay, xúc và thọ của ta không thật, không có, đều không có chỗ sinh khởi.

Giả sử có cảm thọ không khổ, không lạc thì đó là vô ký không thể gọi tên. Người tu tập tham đắm lạc thọ thì tự mình xa lìa chỗ ngồi của Như Lai, không thích ứng với giới luật của Như Lai, không thích ứng với giới luật của Chư Phật. Từ nay mãi mãi dứt hẳn không còn sống theo cảm thọ, khiến chúng sinh quán thọ không có chủ tể. Hoặc chúng sinh kia đối với sắc thọ cảm thọ hoặc tốt, hoặc xấu.

Đối với sắc đáng ưa, sắc không đáng ưa, sắc do bốn đại: Địa, thủy, hỏa, phong tạo ra thì khiến họ biết rõ điều vắng lặng, không thật có. Hoặc có chúng sinh trước khổ, sau vui. Hoặc có chúng sinh trước vui, sau khổ nên thuyết Kinh thâm sâu để họ làm chủ cảm thọ như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cùng với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp từ nhân duyên sinh cũng từ nhân duyên diệt nên suy nghĩ khổ, vui đều không khổ, vui.

Lại nên phân biệt cảm thọ trong ngoài: Hoặc có lạc thọ sinh ở hiện tại, hoặc quá khứ, hoặc vị lai. Hoặc có lạc thọ từ ái trói buộc sinh ra nên thức càng thêm đắm trước, không thể xa lìa.

Hoặc có lạc thọ từ si ái sinh ra nên tư duy chánh quán, mới được tiêu diệt, hoặc có lạc thọ do tà nghi sinh ra dần dần tăng trưởng nên dùng bốn vô thường trừ bỏ khiến không còn sinh. Hoặc có lạc thọ từ bốn thọ sinh ra thì dùng định vô tướng để diệt trừ các thọ. Hoặc có lạc thọ từ năm ấm sinh ra nên tư duy về pháp bảy giác chi, khiến không còn sinh.

Hoặc có lạc thọ từ sáu pháp nơi thân sinh ra thì phân biệt rõ không, vô tướng, vô nguyện, hoặc có lạc thọ từ bảy thức sinh ra thì phải lập chí tinh tấn, không tạo các duyên. Hoặc có lạc thọ từ tám pháp thế gian sinh ra thì nên hạ mình, không nên cao ngạo. Hoặc có lạc thọ từ chín phiền não sinh ra thì phải cố gắng hoàn toàn, xa lìa chín xứ.

Hoặc có lạc thọ từ mười tai họa sinh ra thì phải bỏ sự mong cầu, không nghĩ đến của cải không chân chánh. Hoặ có lạc thọ từ bảy vực sâu và bốn kết sử sinh ra thì phải suy nghĩ ánh sáng lớn của trí tuệ. Hoặc có lạc thọ từ chỗ ở của chín loại chúng sinh và ba pháp quán sinh ra thì phải giữ ý vào định không tịch.

Hoặc có lạc thọ không phải nhân quá khứ, hiện tại, ái vị lai, hoặc không phải nhân vị lai, hiện tại, ái quá khứ, hoặc không phải nhân quá khứ, vị lai, ái hiện tại hoặc không phải nhân quá khứ, ái vị lai, hiện tại, hoặc không phải nhân vị lai, ái quá khứ, hiện tại, hoặc không phải nhân hiện tại, ái vị lai, quá khứ.

Đối với các pháp ấy, Bồ Tát suy nghĩ về bảy xứ và ba pháp quán, diệt trừ mười ba thứ độc hại rực cháy. Khi ấy Bồ Tát suy nghĩ tiếp về sự sinh khởi của lạc thọ, hoặc có lạc thọ do tám tà kiến và sáu thức ở thân cùng nhau gặp gỡ sinh ra lạc thọ, nên càng phát triển ấm, trần, các nhập.

Đó là Bồ Tát dùng quán giải thoát, phân biệt thọ này hoàn toàn không còn. Hoặc có lạc thọ và mười pháp bất thiện, ô uế làm nhân duyên cho nhau, bằng tuệ nghiệp đoạn trừ năm loại lưới nghi. Nếu hiện tại sinh thì diệt trong hiện tại cũng không cho sinh trong vị lai, nếu đã sinh quá khứ thì cũng diệt trong hiện tại, đó là Bồ Tát dùng quán giải thoát diệt trừ mười lăm lưới nghi.

Bồ Tát phải suy nghĩ pháp niệm xứ như thế nào?

Bồ Tát này giữ ý, chế ngự tâm tán loạn làm cho chuyên nhất, có tạo tác quyết chắc có đối tượng, tự quán tâm mình, rồi quán tâm người khác, tâm ổn định không thay đổi thì đến chỗ nào, đi, lại, ra, vào, cử động đều nhẹ nhàng.

Luôn luôn tinh cần hộ trì tâm mình: Có duyên nó sinh, không duyên nó diệt, không duyên nó sinh, có duyên nó diệt, ở nơi mình duyên khởi thì do nơi mình duyên diệt, ở nơi người khác duyên khởi thì ở nơi người khác duyên diệt, hoặc duyên khởi, diệt cũng không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần