Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Mười Năm - Phẩm Phân Thân
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH
TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT
THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI NĂM
PHẨM PHÂN THÂN
Phật bảo Bồ Tát Tối Thắng: Đại Bồ Tát nhập vào định phân thân, đầy đủ mười loại an trú chân như.
Mười loại ấy là gì?
Biết tất cả các Thế Giới đều an trú chân như, tất cả phương đều an trú chân như, tất cả số kiếp đều an trú chân như, tất cả chúng sinh đều an trú chân như, tất cả các pháp đều an trú chân như, tất cả các hạnh Bồ Tát đều an trú chân như, trong tất cả các nguyện đều an trú chân như, trong tất cả các định đều an trú chân như, tất cả Chư Phật Thế Tôn đều an trú chân như, tất cả đại địa đều an trú chân như.
Bồ Tát nào đạt được định phân thân này thì thành tựu mười loại an trú chân như như vậy.
Bồ Tát nhập vào định phân thân đến tất cả chúng sinh như thế nào?
Này Tối Thắng! Ở đây, khi Đại Bồ Tát nhập vào định phân thân, trước nhập định bên trong thân, xuất định bên ngoài thân, nhập định bên ngoài thân, xuất định bên trong thân. Nhập định ở thân này, xuất định ở thân khác, nhập định ở thân khác, xuất định ở thân này.
Nhập định ở thân người, xuất định ở thân Dạ Xoa, nhập định ở thân Dạ Xoa, xuất định ở thân rồng. Nhập định ở thân rồng, xuất định ở thân A Tu La. Nhập định ở thân A Tu La, xuất định ở thân Trời. Nhập định ở thân Trời, xuất định ở thân Phạm Thiên. Nhập định ở thân Phạm Thiên, xuất định ở thân của Cõi Dục. Nhập định ở thân Cõi Trời, xuất định ở thân địa ngục.
Nhập định ở thân địa ngục, xuất định ở thân cõi người. Nhập định ở thân người, xuất định ở cõi khác. Nhập định nơi một ngàn thân, xuất định ở một thân. Nhập định ở một thân, xuất định nơi một ngàn thân. Nhập định ở một ức thân, xuất định nơi một thân thân. Nhập định nơi một thân, xuất định ở một ức thân. Nhập định nơi chúng sinh có hình tướng ở Nam Diêm Phù Đề, xuất định nơi chúng sinh có hình tướng ở Tây Ngưu hóa châu.
Nhập định nơi chúng sinh có hình tướng ở Tây Ngưu Hóa Châu, xuất định nơi chúng sinh có hình tướng ở Bắc Câu Lô Châu. Nhập định nơi chúng sinh có hình tướng ở Bắc Câu Lô Châu, xuất định nơi chúng sinh có hình tướng ở Đông Thắng Thần châu.
Nhập định nơi chúng sinh có hình tướng ở phương Đông, xuất định nơi chúng sinh có hình tướng ở ba phương còn lại. Nhập định nơi chúng sinh có hình tướng ở ba phương, xuất định nơi chúng sinh có hình tướng ở bốn phương.
Nhập định nơi chúng sinh có hình tướng ở bốn phương, xuất định nơi chúng sinh có hình tướng và mạng sống ở tất cả các biển. Nhập định nơi chúng sinh có hình tướng và mạng sống ở tất cả các biển, xuất định nơi thân của thần biển. Nhập định nơi thân thần biển, xuất định nơi thủy chủng trong biển. Nhập định nơi thủy chủng trong biển, xuất định nơi địa chủng ở biển.
Nhập định nơi địa chủng ở biển, xuất định nơi hỏa chủng ở biển. Nhập định nơi hỏa chủng ở biển, xuất định nơi phong chủng ở biển. Nhập định nơi phong chủng ở biển, xuất định nơi bốn đại. Nhập định ở bốn đại, xuất định nơi không có pháp. Nhập định nơi không có pháp, xuất định nơi núi Tu Di.
Nhập định nơi núi Tu Di, xuất định nơi núi bảy báu. Nhập định nơi núi bảy báu, xuất định nơi trăm loài cỏ cây, núi, sông, vách đá. Nhập định nơi trăm loài cỏ cây, núi, sông, vách đá, xuất định nơi hương hoa tinh khiết và tất cả các vật dụng quý báu.
Nhập định nơi hương hoa tinh khiết và tất cả các vật dụng quý báu, xuất định nơi tất cả các y phục, thực phẩm của hết thảy chúng sinh trong bốn phương, phương trên và phương Dưới.
Nhập định nơi tất cả các y phục, thực phẩm của hết thảy chúng sinh trong bốn phương, phương trên và phương Dưới, xuất định nơi thân chúng sinh có hình tướng trong cõi Tam Thiên.
Nhập định nơi thân chúng sinh có hình tướng trong cõi tam thiên, xuất định nơi chúng sinh có hình tướng ở cõi tam thiên đại thiên. Nhập định nơi chúng sinh có hình tướng ở cõi tam thiên đại thiên, xuất định nơi chúng sinh có hình tướng trong trăm ngàn ức cõi tam thiên đại thiên.
Nhập định nơi chúng sinh có hình tướng trong trăm ngàn ức cõi tam thiên đại thiên, xuất định nơi thân chúng sinh có hình tướng trong vô hạn cõi. Nhập định nơi thân chúng sinh có hình tướng trong vô hạn cõi, xuất định ở thân các chúng sinh có hình tướng ở vô số cõi.
Nhập định nơi thân các chúng sinh có hình tướng ở vô số cõi, xuất định nơi thân chúng sinh có hình tướng trong vô lượng Cõi Phật. Nhập định nơi thân chúng sinh có hình tướng trong vô lượng Cõi Phật, xuất định nơi thân chúng sinh có hình tướng trong vô biên Cõi Phật. Nhập định nơi thân chúng sinh có hình tướng trong vô biên Cõi Phật, xuất định nơi thân chúng sinh có hình tướng trong vô kể các Cõi Phật.
Nhập định nơi thân chúng sinh có hình tướng trong vô kể các Cõi Phật, xuất định nơi thân chúng sinh có hình tướng trong không thể nghĩ bàn các Cõi Phật. Nhập định nơi thân chúng sinh có hình tướng trong không thể nghĩ bàn, vô hạn, vô lượng Cõi Phật, xuất định nơi thân chúng sinh có hình tướng trong vô hạn vô lượng không thể nghĩ bàn Cõi Phật.
Nhập định nơi thân chúng sinh có hình tướng ở cực xa, xuất định nơi thân chúng sinh ở cực xa. Nhập định nơi chúng sinh ở cực gần, xuất định nơi chúng sinh ở cực gần. Nhập định nơi mắt, xuất định nơi mắt. Nhập định nơi tai, xuất định nơi tai. Nhập định nơi mũi, xuất định nơi mũi.
Nhập định nơi lưỡi, xuất định nơi lưỡi. Nhập định nơi thân, xuất định nơi thân. Nhập định nơi ý, xuất định nơi ý. Nhập định nơi thân của mình, xuất định nơi thân của mình. Nhập định nơi thân người khác, xuất định nơi thân người khác. Nhập định nơi thân của mình và nhập định nơi tất cả chúng sinh có hình tướng, xuất định nơi vô số vô hạn, vô lượng, không thể tính kể các cõi.
Nhập định nơi vô số, vô hạn, vô lượng không thể tính kể các cõi, xuất định nơi tất cả chúng sinh có hình tướng. Nhập định nơi Thanh Văn, xuất định nơi Bích Chi Phật. Nhập định ở Bích Chi Phật, xuất định nơi Thanh Văn. Nhập định nơi tự thân, xuất định ở thân Phật. Nhập định ở thân Phật, xuất định nơi tự thân. Nhập định trong một niệm, xuất định trong trăm ức kiếp.
Nhập định trong trăm ức kiếp, xuất định trong một niệm. Nhập định trong hiện tại, xuất định trong hiện tại. Nhập định trong quá khứ, xuất định trong quá khứ. Nhập định ở vị lai, lại nhập định ở ba đời. Như vậy, Bồ Tát tùy theo định đã nhập, tùy theo định đã xuất mà nhập vào định ở cõi hư không, xuất định ở cõi hư không.
Tối Thắng nên biết! Như có người bị quỷ dựa nhập, đi đâu cũng bị quỷ thần điều khiển mà không hề hay biết, nhưng quỷ thần chỉ dựa vào thân người ấy chứ không hiện ra hình tướng. Đại Bồ Tát cũng vậy, nhập định trong tâm, xuất định ở bên ngoài.
Nhập định bên ngoài, xuất định bên trong. Như thần thức đã ra khỏi thân người chết, không có chỗ nương tựa, cũng không lay động, thân cũng không biết chỗ ở của thần thức, thần thức đi thọ thân khác cũng không biết thân đời trước đang ở đâu.
Tối Thắng nên biết! Đại Bồ Tát cũng vậy, ban đầu nhập vào định hữu, quán sát tất cả đều bình đẳng, rồi lại nhập vào định không, thấy tất cả đều không, sinh trước diệt sau đều không biết nhau.
Bồ Tát lại nên quán sát như tâm tự tại của bậc giải thoát, một thân có thể hóa ra nhiều thân, nhiều thân trở lại làm một. Biết là không từ một thân ẩn mất mà liền sinh ra nhiều thân, cũng không biết được từ nhiều thân ẩn mất mà sinh ra trong một thân, không từ nhiều thân sinh ra nhiều thân, không từ nhiều thân sinh ra một thân Đại Bồ Tát cũng vậy, nhập định ở một thân, xuất định nơi nhiều thân. Nhập định ở nhiều thân, xuất định nơi một thân.
Ví như mặt đất được ẩm ướt là nhờ vào nước, nên sinh ra vạn vật không giống nhau. Cõi người, cõi ma đều được thấm nhuần, vạn vật cũng chẳng tự biết mình được sinh ra, nước cũng chẳng biết mình là thấm nhuần. Đại Bồ Tát cũng vậy, đạt tam muội này rồi, một làm thành vô số, vô số lại làm thành một, vô số chẳng biết nó được làm thành một, một cũng chẳng biết nó được làm thành vô số.
Như vậy, này Tối Thắng! Đó là tam muội phân thân đến tất cả chúng sinh của Đại Bồ Tát. Bồ Tát ở địa thứ tám tu hành an trú trong tam muội này thì đạt được mười tôn hiệu của Phật, lại thêm đạt được mười công đức được tán thán.
Những gì là mười?
Đó là tôn hiệu Như Lai, là theo đúng phép chân như mà tu hành. Tôn hiệu Phật là giác ngộ tất cả các pháp, từ bờ bên này đến bờ bên kia. Tôn hiệu Tối Thắng là được chúng sinh cung kính cúng dường. Tôn hiệu Nhất Thiết Trí là đầy đủ tất cả trí đức. Tôn hiệu Vô Tận là che chở, giúp đỡ cho tất cả chúng sinh. Tôn hiệu Đạo Sư là khiến các chúng sinh thấy rõ con đường chân chánh.
Tôn hiệu Vô Đẳng Luân là đầy đủ các trí và các pháp giới của tất cả chúng sinh. Tôn hiệu Diệu Quang là cho tất cả chúng sinh đều được nhờ ân soi sáng. Tôn hiệu mười lực là thành tựu hạnh nguyện, đạt trí phân biệt các pháp, không chấp thủ, không bị nhiễm ô. Tôn hiệu Nhất Thiết Hiện là khiến cho tất cả các pháp đồng nhất, tự tại, đạt đến bờ bên kia.
Như vậy, này Tối Thắng! Đó là mười tôn hiệu Phật và mười công đức được khen ngợi của Đại Bồ Tát, đều là nhờ sức oai thần của tam muội này. Đại Bồ Tát an trụ trong tam muội này, đạt được mười loại ánh sáng tự chiếu rực rỡ.
Mười loại ánh sáng ấy là gì?
Đó là: Ánh sáng của Chư Phật tự chiếu rực rỡ. Ánh sáng của tất cả các thừa đều được dẫn đến Đạo Tràng, tỏa sáng xung quanh. Ánh sáng giáo hóa tất cả chúng sinh dùng làm hương xông. Ánh sáng ban bố không sợ hãi cho vô số xứ sở ở khắp pháp giới. Ánh sáng giải thoát khỏi tất cả các ái dục. Ánh sáng cảm hóa được tất cả các chúng sinh. Ánh sáng không nương tựa, không chấp thủ của Chư Phật.
Ánh sáng tư duy hoàn hảo đạt đến giải thoát của bậc Đẳng Chánh Giác. Ánh sáng tánh chân thật như vậy của tất cả các pháp. Ánh sáng nói về pháp vô thượng diệt trừ các kết sử. Nếu Đại Bồ Tát an trụ trong tam muội này thì đạt được mười loại ánh sáng tự chiếu sáng rực rỡ như thế.
Bồ Tát lại nên khéo léo tu học mười hạnh không dấu vết.
Mười hạnh ấy là gì?
Hạnh không dấu vết về sự niệm thân. Hạnh không dấu vết về miệng. Hạnh không dấu vết về ý. Ở những nơi không có tham dục, thực hành hạnh lìa dục. Không vì pháp hữu vi, không làm hại chánh pháp, không bỏ trí tuệ, tu tập trí vô sinh, đối với các pháp nên học hay không nên học có trí đầy đủ. Đạt trí không hình tướng, thấu rõ nghĩa lý thanh tịnh.
Đại Bồ Tát an trú trong tam muội này, có nhiều khả năng khác nhau để đoạn trừ sự vướng mắc về các duyên. Từ một thân nhập vào nhiều loại định, hoặc xuất định, hoặc tư duy trong định, đối với định cũng chẳng có định. Từ nhỏ biến thành lớn, từ lớn biến thành nhỏ.
Từ hẹp biến thành rộng, từ rộng biến thành hẹp. Từ co làm cho duỗi ra, từ duỗi làm cho cong lại. Không thân làm cho có thân, có thân biến thành không thân. Hoặc xuất định nhập định, hoặc nhập định xuất định. Nhơ bẩn khiến không nhơ bẩn, không nhơ bẩn làm thành nhơ bẩn. Người chứng tam muội này, có khả năng phá vỡ tất cả các cảnh giới như người đập bể bình sành.
Giống như pháp thuật Thần Chú phòng hộ linh nghiệm, có nhiều loại sắc, có nhiều loại thanh, hoặc bị Thần Chú ngăn cấm, hoặc bị tiếng huyễn sai khiến. Thần Chú thì sai khiến phần tinh thần, tiếng huyễn thì sai khiến tướng bên ngoài.
Nhận thấy sắc huyễn là của nhãn thức, nghe được tiếng huyễn là chức năng của nhĩ thức, ngửi thấy hương huyễn là chức năng của tỷ thức, nếm biết vị huyễn là chức năng của thiệt thức, nhận biết được các hình tướng và vật chất là chức năng của thân thức, truy tìm huyễn hóa từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên không thể suy lường là chức năng của ý thức. Như vậy, Đại Bồ Tát an trú trong tam muội này, hoặc phân tán ra, hoặc tụ tập lại, hiện ra rất nhiều biến hóa.
Tối Thắng nên biết! Ta sẽ nói ví dụ để người có mắt hiểu rõ điều này. Như Chư Thiên cùng A Tu La đánh nhau, Chư Thiên thắng A Tu La. Khi ấy, A Tu La biết mình thua, liền bày kế hóa ra ao tắm có các loại hoa sen. Thân A Tu La cao lớn bảy ngàn do tuần nhưng đều ẩn mất và các binh chúng trốn trong những đường rỗng của các cọng sen, nên Chư Thiên tìm không thấy.
Đó là nhờ A Tu La hiểu rõ pháp huyễn. Đại Bồ Tát thông đạt về sự huyễn của tất cả các trí tuệ cũng vậy, từ địa này đến địa khác, trí tuệ không hề giảm sút. Bồ Tát nào cũng đều đạt đến như thế. Bồ Tát dùng trí tuệ để thâu tóm hết các pháp như huyễn. Như vậy, Bồ Tát nhập vào định toàn thân, hiện ra định phân tán các pháp.
Ví như có người hoặc ở cõi người, hoặc ở cõi quỷ lấy hạt giống gieo xuống đất, thường xuyên tưới để cây được lớn lên, hạt giống thì gieo xuống đất nhưng quả thì trổ trên cây, hạt giống trước chẳng phải là hạt giống sau, hạt giống sau chẳng phải là hạt giống trước, hạt giống trước chẳng khác hạt giống sau, hạt giống sau chẳng khác hạt giống trước.
Bồ Tát Đại Sĩ tự thọ hình tướng, trụ vào tam muội này cũng vậy, có thể xa lìa hữu, không ở nơi hữu. Cũng như nam nữ giao hợp, tinh của người nam, huyết của người nữ, còn thần thức thì nương gá vào đó.
Trải qua mười tháng trong thai mẹ, tùy theo sự chi phối của phước nghiệp đã làm đời trước, thân thể tay chân dần dần đầy đủ, sáu căn trọn vẹn, chủng tánh thuần thục. Có thức và sáu căn nguồn gốc khác nhau, sáu căn thâu nhận tướng của các hữu, tùy theo nghiệp lành dữ đã tạo mà thọ thân ở đời sau, sự sống từ xưa đến nay đều như huyễn, như hóa.
Bồ Tát Đại Sĩ cũng vậy, tâm giải thoát tăng thượng là cha mẹ, trí tuệ là thần thức để đi thọ sinh, nhập vào định vô hữu, xuất định ở định hữu. Hoặc nhập và định hữu, nhưng không an trú vào địa nào, có thể cưỡi mây ở trong hư không, làm sấm làm chớp, tùy thời phun mưa làm cho khắp nơi đều được thấm nhuần.
Như cung điện loài rồng không ở trong hư không, cũng chẳng phải là chỗ ở của loài rồng, mà loài rồng lại ở trong hư không hiện ra nhiều biến hóa, hoặc tỏa ánh sáng, hoặc khiến cho chúng sinh ngước lên hư không là nhìn thấy mình.
Cung điện nhà cửa loài rồng thì nương nơi mặt đất mà chúng lại tuôn mưa trên hư không, phép biến hóa của chúng thật kỳ lạ. Đại Sĩ Bồ Tát cũng vậy, an trú trong tam muội này và trong các pháp huyễn hóa, nhập định không hình tướng, xuất định có hình tướng. Nhập định có hình tướng, lại xuất định không hình tướng.
Như vậy, này Tối Thắng! Bồ Tát an trụ trong tam muội này, biến hư không thành đất, biến đất thành hư không một cách dễ dàng. Giống như cung điện Thủy tinh quang trên Trời do nhiều loại châu báu làm thành.
Khi lên điện này, Phạm Thiên Đại Tự Tại có thể từ xa nhìn thấy tất cả các cung Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân và phi nhân cho đến ba đường ác, núi Tu Di, núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, núi đá đen, núi đá đen lớn, núi bảy báu, sông, hồ, biển cả, đô thành, làng xóm, núi sông, cây cối, cỏ thuốc.
Hoa quả các hình tướng vật chất tốt xấu, sạch bẩn, cho đến các hình tướng vi tế của hư không trong một ngàn Thế Giới, trăm ngàn Thế Giới, tam thiên đại thiên Thế Giới… các ánh sáng đều soi chiếu nhau không bị che lấp.
Như người ở cõi này thấy rõ quần áo mắc trên giá, cũng như soi gương sáng thấy rõ nét mặt. Ở trong Trời ấy cũng như vậy, đi đứng tới lui, uống ăn ngủ nghỉ đều rõ ràng trước mắt như nhìn viên ngọc trong tâm bàn tay.
Đại Bồ Tát cũng vậy, an trú trong định phân thân tất cả chúng sinh, được tự tại đối với các tam muội, đạt định tự tại của Phật, định tự tại giáo hóa chúng sinh, định tự tại thực hành các pháp, định tự tại thành tựu các hạnh, định tự tại đầy đủ giải thoát lớn mạnh, định tự tại đối với các tam muội.
Định tự tại trong việc ra vào đi đứng, định tự tại đạt các trí tuệ, định tự tại làm một khoảng khảy móng tay thành một kiếp. Như vậy, Bồ Tát nào an trú trong tam muội này thì được an lạc trong mười định tự tại của bậc Đẳng Chánh Giác.
Đại Bồ Tát thị hiện oai lực đạt mười điều không sợ hãi.
Mười điều ấy là gì?
Nghĩa là thị hiện oai lực Phật sáng rỡ hơn cả hư không, tinh tấn không ngừng nghỉ đối với các pháp Bất hoại, đạt được Ba la mật. Thị hiện hạnh nguyện Bồ Tát không hề sợ hãi, khẩu nghiệp tự tại như Phật, đạt được Ba la mật. Thị hiện làm thanh tịnh Thế Giới nhơ uế. Ở giữa chúng sinh thị hiện pháp không thể nghĩ bàn. Hiện bày các Kinh Pháp không gián đoạn của Bồ Tát. Thị hiện đến Cõi Phật cúng dường lễ bái.
Thị hiện trí tuệ thực hành pháp không thể nghĩ bàn. Thị hiện hiểu rõ tam muội nhưng không sợ hãi. Thị hiện nhập định vi diệu, biết rõ chúng sinh các cõi, dùng thừa Bồ Tát để độ thoát cho họ. Thị hiện pháp làm thanh tịnh Cõi Phật, không gián đoạn thệ nguyện Bồ Tát để tự chiếu sáng không hề sợ hãi.
Ở giữa thế tục, Đại Bồ Tát thị hiện hình Tượng Phật cũng không sợ hãi, thị hiện chuyển pháp luân để giáo hóa chúng sinh, hiện bày nguồn gốc căn lành của chư Như Lai, tu hành theo Phật thừa được thành tựu, hiển bày đầy đủ oai lực về ý và đạt được Ba la mật.
Lại nữa, Đại Bồ Tát tư duy thấu đạt rõ ràng về pháp nhẫn bất khởi, vô số vô hạn các pháp đã tu hành trong trăm ngàn ức kiếp đều hiện rõ trước mặt, hiển bày oai lực và xiển dương chánh pháp.
Lại nữa, trong từng năm, từng tháng, từng ngày, từng đêm, từng giờ, từng phút, Bồ Tát đều luôn tỉnh giác tâm ý, chỉ trong khoảng một khảy móng tay, bằng trí tuệ, Bồ Tát biết rõ các việc trong cả ba đời không hề sai chạy, mà cũng chẳng sợ hãi.
Như vậy, này Tối Thắng! Đại Bồ Tát an trú trong tam muội này có thể hiển bày sáng rỡ các pháp Ba la mật, đạt mười điều không sợ hãi, ở giữa đại chúng nhập định chánh thọ phân thân như bụi trần. Đây là sự tu hành phương tiện thiện xảo của Bồ Tát ở địa thứ tám.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hữu Lưu
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tam Muội Niệm Phật - Phẩm Mười Một - Vua Vi Mật
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Hai - Pháp Hội Bảo Nữ - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bốn - Kinh Phật Thuyết Như Vậy - Chương Một - Một Pháp - Phẩm Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh A Nan Sở Vấn - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Phật Lên Trời đao Lợi Thuyết Pháp Cho Thân Mẫu - Phần Một