Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Tám - Phẩm đồng Chân - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM TÁM

PHẨM ĐỒNG CHÂN  

TẬP MỘT  

Lúc bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng thưa: Bạch Thế Tôn! Bậc Bồ Tát thứ tám làm thế nào mà trụ vào quả vị thứ tám để tu hành thanh tịnh?

Phật bảo Tối Thắng: Bậc Bồ Tát thứ tám thường xuyên bằng thần thông làm lợi ích chúng sinh tùy theo căn cơ, xem xét ý muốn của họ mà thị hiện, lại dùng thần thông đi khắp các cõi nước Phật, quán sát việc làm đặc biệt thù thắng của Chư Phật, trở về tự trang nghiêm cõi nước Phật của mình đích thân đến hầu hạ kính lễ các Đức Phật, quán thân tướng của Phật là không, không thật có.

Tu tập hiểu biết các nhẫn, phân biệt các căn, thường nhập định tam muội như huyễn biết nó vốn là không, theo công đức đã làm được không có sự mong cầu, không có hình tướng, vượt khỏi ba cõi, hoàn toàn không còn bị trói buộc, tuệ không bằng ý niệm, không có sinh diệt, vì không có sự sinh nên gọi là tuệ. Làm không thấy làm, cũng không thấy có người tạo tác nên gọi là tuệ.

Không có ranh giới, khoảng giữa, đều không dừng lại cũng không lõm xuống. Tuệ là thanh tịnh không lệ thuộc vào thức.

Vì sao?

Do không tưởng niệm nên tuệ vô hạn, bằng diệu lực phương tiện không bị lệ thuộc vào tham dục, cũng chẳng trụ nơi sắc hoặc Vô Sắc, tuy cũng ở nơi ô nhiễm mà không bị đắm trước. Thế nên tối thắng, đây được gọi là đại trí. Xa lìa tham dục, sân giận, ngu si, không ở chỗ ngu tối, hoàn toàn không còn chướng ngại, không dính mắc, đoạn tuyệt.

Bỏ mười hai nhân duyên mà căn bản là vô minh nên không còn thấy ta và người. Vô ngã thì không có ngã, không trụ tham dục, rõ nó chỉ là một, không cầu sắc tưởng lại không nghĩ ở trong các sắc. Nên gọi là tuệ nghiệp của Bồ Tát thứ tám.

Hoàn toàn không còn lệ thuộc theo duyên, không bị các tai họa phiền não, không hợp với nghi, cũng không hữu vi, chẳng phải không hữu vi. Không cầu phước chẳng phải không có công đức, vượt qua các việc ác phi pháp.

Vì sao?

Vì không thấy pháp tánh thường tồn nên kẻ ngu làm việc phi pháp, không thấy thân tâm bị phiền não quấy rối, ý không bị vọng tưởng. Thế nên tối thắng, đó gọi là tuệ.

Phân biệt không quán, biết rõ vô sinh, không cho tăng trưởng, đoạn diệt chấp thường, khống chế sáu giác quan, hoàn toàn không nhìn sai lạc, thệ nguyện sâu xa không có giới hạn. Đồng chân tu hành, giữ gìn cấm giới, không vượt thứ tự. Nếu thấy người thoái lui rơi vào quả vị thấp, thường khuyến khích, dẫn dắt họ được ở quả vị cao.

Tùy thuận phụng sự pháp, không bỏ tu luật nghi của Chư Phật, thân tâm vui vẽ vô cùng, tăng thêm sự an lạc nơi đạo, gìn giữ Pháp Thân, không dứt đoạn dòng Thánh, giải thoát không còn trói buộc, tu tập pháp thế gian và xuất thế gian. Nhờ pháp tánh nên không bỏ các học xứ, giữ gìn giới cấm, nên được thanh tịnh không cùng tận.

Ở trong sinh tử đến đây đã chấm dứt. Sự qua lại khắp cả năm đường cũng phải dừng nghỉ, chỗ ở vô thường cũng diệt tận. Các học phái khác chứng được ngũ thông nhưng không xa lìa trí thế gian. Cầu được sống lâu, về sau bị mất thần túc, chết rơi vào sinh tử.

Chúng sinh nào siêng năng tu hành ngũ giới, thập thiện thì sẽ sinh vào Cõi Trời, người. Siêng tu năm giới trong Cõi Trời Dục, thì được hưởng đầy đủ công đức. Nếu có chúng sinh tu tập định, không ở Cõi Sắc, dùng sự hỷ lạc làm thức ăn, tịch tĩnh vô tưởng làm Niết Bàn thì đây là tự mình khống chế mình chứ không phải đạt đến chỗ diệt độ hoàn toàn.

Bậc Bồ Tát thứ tám quán sát rõ nơi đómà không bị nhiễm chấp, thường diễn giảng pháp, khuyên người siêng năng tu học xa lìa nơi ấy. Tối Thắng nên biết, việc làm của đồng chân cũng xa lìa con đường nhị thừa. Từ Tu Đà Hoàn đến Bích Chi Phật đều còn lỗi lầm. Bồ Tát hoàn toàn không còn nghĩ đến pháp A La Hán.

Vì sao?

Vì tâm của A La Hán còn lệ thuộc nơi đạo Niết Bàn. Bồ Tát không học cách tu của Duyên Giác, bởi vì Duyên Giác không phát khởi tâm từ thương xót rộng lớn. Người tu học theo đây đều chẳng phải là chân chánh.

Nếu có Bồ Tát tu học muốn được biển trí tuệ hoàn toàn, đến tận nguồn gốc mà chưa thể đạt được, lập nguyện không bỏ tất cả chúng sinh, tu pháp của Như Lai vì tánh bất diệt. Tuệ vô cùng cực nên không thể thấy được, diễn giảng đạo quả liền được thành tựu, Bồ Tát nói lời chân thật, phát khởi thệ nguyện rộng lớn. Mười lực vô úy, mười tám pháp Bất cộng thù thắng cũng không thể nghĩ bàn, không thể cùng tận.

Bậc Bồ Tát thứ tám hóa độ khắp nơi, giữ tâm thực hành hạnh nhẫn nhục không thể nghĩ bàn, tâm không nghĩ trái, không làm các việc ác, không tăng thêm sự giận dữ sân hận đối với chúng sinh, lại không có ý tranh đua với người khác, không dẫn dắt họ đi đến sự lỗi lầm.

Cẩn thận giữ gìn thân không phạm tội, miệng không nói dối, đem những hành động của mình che chở chúng sinh, không theo việc tà, suy nghĩ về việc làm thiện, ý không tham dục, có thể trang nghiêm thân như thân tưởng Phật.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tối Thắng: Bồ Tát đồng chân thường phải học về ngôn ngữ, ý nghĩa âm thanh.

Thế nào là Bồ Tát học về ý nghĩa âm thanh?

Đó là Bồ Tát biết các pháp không, chẳng nhiễm chấp kíên chấp, tư duy vô tướng nên không loạn niệm, phân biệt, vô nguyện xa lìa hẳn ba cõi, pháp không dâm dục, tánh vốn thanh tịnh, không còn sinh khởi phiền não, thấu rõ vô minh không còn ngu tối.

Nên suy nghĩ về các pháp của quá khứ, hiện tại, vị lai. Các pháp tự nhiên hoàn toàn không có chỗ sinh, không thấy khởi diệt, sinh tử, không bị báo ứng. Tin thật có quả báo của việc làm thiện ác, miệng thanh tịnh không nói dối. Tâm vị ấy sáng suốt, hạnh không ô nhiễm.

Càng tăng trưởng việc làm thù thắng, không bỏ tất cả chúng sinh. Thường tự xem pháp như mộng huyễn. Giả như có ý niệm tà liền tự biết được. Tánh thường hòa nhã giữ gìn tâm mình khiến không sinh điều ác, thường sinh ở cõi thanh tịnh chân chánh.

Nếu ở nhân gian thì đầy đủ các đức, tám mươi tướng tốt, giọng nói trong trẻo như tiếng chim loan, hoặc nói tiếng rất hay như Phạm Thiên không hề nói phù phiếm, bỏ dâm dục, giận dữ, ngu si không còn lo buồn, hoàn toàn không đem đến cho người thái độ xấu và tâm thù hận, công đức đã tạo chưa từng bị mất, tùy theo căn cơ của họ làm cho được an lạc.

Thường nói pháp khuyến khích cho tất cả, thâu phục ngoại đạo và các học phái khác, xa lìa khổ não không còn ách nạn. Đầy đủ các pháp của Chư Phật, thường nhẫn nhục đối với người, thân tâm đạt đến sự tĩnh lặng, dù phải chịu sự mắng chửi vẫn im lặng không đáp trả.

Nếu bị chúng sinh đánh đập không nghĩ đến oán thù, cũng như đất chấp nhận tất cả vạn vật, hoàn toàn không còn tâm phân biệt và ý nghĩ thêm bớt.

Vì sao?

Vì pháp tánh xưa nay vốn không. Nếu bị sân hận hoàn toàn không oán thù, xem thái độ giận dữ ấy như huyễn, nên phát khởi ý tốt không đem tâm chống trái.

Đối với người có ý niệm ác nên xem như không biết, tự suy nghĩ: Ta đã biết rõ nó là không, nên phải xa lìa không nên gần gũi với họ. Đối với người tức giận ta nên cẩn thận. Giả sử có người đến khen ngợi thì ta chẳng vui mừng, hoặc bị người đánh đập cũng không nên buồn khổ.

Vì sao?

Vì thấy thân mình và sự đau đớn bị đánh đều do những nghiệp cũ, để chế phục tâm. Ở nơi vắng lặng suy xét trong thân có đủ thứ sinh, già, bệnh, chết, vô thường, thống khổ, lo buồn, sợ hãi, đói khát, nóng lạnh. Lại quán sát thân này hư hoại, là pháp vô thường, thân này là vật chứa các khổ, là nơi tập họp các bệnh, trống rỗng chỉ là bốn đại, thân này không ngã, không sinh, không diệt.

Chúng sinh nơi ba cõi bị trôi nổi trong vòng ái dục, chìm đắm lưu chuyển không dứt, nên trước tiên phải kềm chế tâm không cho tăng trưởng, lại nghĩ đến nguồn gốc của dòng lưu chuyển, ở trong ba cõi phải chịu sinh tử, thọ thân không ngừng. Cũng nên suy nghĩ về dòng tà kiến, chúng sinh ngu si điên đảo bị lệ thuộc sáu mươi hai tà kiến, nên mê muội theo dòng đời.

Chúng sinh nơi ba cõi lưu chuyển trong vô minh, bị mê mờ ngu si không biết đường chân chánh, lấy bất tịnh làm tịnh, rơi lại trong dòng dục, lấy khổ làm vui, lấy vô thường làm thường, lấy chẳng phải thân làm thân, cũng không nghĩ từ bỏ tham muốn ô uế, tự hại mình, mãi mãi không lo tu tập, già rồi dâm dục không dứt, có của cải không bố thí, không tiếp nhận lời Phật dạy. Đó là bốn thứ ngăn che làm tăng trưởng gốc ái do ý niệm cùng với hành động của thân tiếp xúc cùng nhau.

Như vậy, này Tối Thắng! Bồ Tát vào sâu thiền định quán sát, trừ bỏ ác dục và tư tưởng xấu. Ở trong thân này, nhớ nghĩ đến Tam Bảo, quán xét vô thường, khổ, không, vô ngã, theo lời dạy của Bậc Hiền, Thánh tâm không còn khổ, vui. Tu tập bốn Thánh Đế, xét thấu đáo nghĩa ấy, sinh là khổ đế, ái là Tập Đế, thanh tịnh là diệt đế, thoát khỏi là đạo đế.

Nhàm chán thân hình này không một chút đáng tham, nghĩ kỹ nguồn gốc từ đâu sinh ra, theo tánh quán sát mới biết gốc khổ là từ thân sinh ra. Tập nhân do ái sinh, ái diệt khổ diệt, không còn ái dục thì chứng được đạo.

Thường theo tâm từ, không có ý hại, nuôi dưỡng giáo hóa, thương xót chúng sinh, cần phải cứu vớt khổ sinh tử cho họ, hòa nhã niềm nở đối với mọi người, khuyến khích giáo hóa họ phát khởi đạo tâm, bằng lời nói thông suốt biết rõ tướng chân thật của các pháp, thông hiểu các pháp, tùy lúc thể nhập vào, hỏi thì trả lời ngay, đối ứng không trở ngại, lời nói đúng lúc, văn từ không nhầm lẫn.

Bồ Tát bằng tâm từ thương xót tất cả, nghĩ đến khắp chúng sinh, những loại có thân hình không tránh khỏi sự đau đớn, bệnh tật, già chết, nên dùng phương tiện làm ra cho chúng được giải thoát. Lại khởi tâm bi thương xót tất cả các loài bị các khổ về đói khát, nóng lạnh, được mất, lầm lỗi, gian nan, nghĩ đến phương tiện khiến cho họ được an vui.

Lại bằng tâm hỷ nghĩ đến thế gian đều có các hoạn nạn, lo khổ, sợ hãi nên ta phải dùng phương tiện thích hợp làm cho họ được an ổn lâu dài. Thường bằng tâm che chở, Bồ Tát nguyện độ các chúng sinh đang bị tám nạn trong ba cõi đối với người ngu si mê muội không thấy đạo chân chánh, muốn cứu giúp họ đạt đến vô vi, thương xót chúng sinh tâm không thay đổi.

Tuy thực hành những pháp này tâm không nhiễm chấp, không vì sự lao khổ mà sinh tâm thoái lui, khát ngưỡng đạo chân chánh vô thượng đối với các thông tuệ không nhàm chán.

Dù được tiếp xúc năm thứ, ca, nhạc, múa, hát cũng không vui thích, hiểu rõ thế gian đều là huyễn hóa, tất cả vạn vật đều trở về vô thường, không bị tám pháp làm lay động, thường xa lìa như tránh kiếp lửa, không ở trong đó bị người gây phiền não.

Nếu người khác muốn đem sự sân giận đến với mình, thì hoàn toàn không đáp trả lại dầu chỉ bằng đầu sợi tóc, được cung kính cũng không dám xâm phạm đến người. Giả sử có người muốn hại Bồ Tát, cắt thân ra từng phần bỏ khắp nơi, đều có thể nhẫn nhịn không sinh loạn tưởng.

Vì muốn đầy đủ phạm hạnh nên Bồ Tát lại quán pháp của thân và tâm hợp, thành, tan, diệt có gì đáng để tham muốn mà cho là quý báu. Nhờ kết quả này, chắc chắn được thân Phật, thành tựu đầy đủ kho tàng bí mật của Như Lai, lập chí nguyện lớn, suy xét nguồn gốc của đạo.

Bồ Tát thực hành phương tiện biến hóa vô cùng, ở trong hàng ngoại đạo và các học phái khác, hiện thân vào trong lửa, nằm ngồi tự do, từ trong lửa ấy ra mà không bị tổn hại, hướng dẫn mọi người biết đạo chân thật, sửa đổi tâm mình, tu hành thanh tịnh, giáo hóa người ngu khiến tâm họ được trở về chân chánh, nhờ đó sinh lên Cõi Trời, diễn giảng pháp, hiểu rõ địa vị ở Cõi Trời cũng bị suy tán. Bồ Tát dùng phương tiện vào khắp mọi nơi, Đế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương đều quy y mà đảnh lễ.

Nhờ vào sự tích chứa công đức thù thắng, chẳng phải là chỗ của nhị thừa đạt đến, trí tuệ thần thông, phạm hạnh cũng vô biên. Tâm rộng lớn không bờ mé, cũng không có hạn lượng, lời nói lợi ích không làm tổn hại đến mảnh lông.

Vì thế nên tuệ không cùng tận, phân biệt mỗi pháp của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tâm, biết rõ đều không, không thật có, đạt đến nhẫn tuệ, chứng đắc các trí, không nghĩ tất cả là thường, ngay đó liền được trí tuệ tột bậc. Với người, nếu nói lời gì thì nghĩ về lời dạy ấy như âm vang trong núi, hiểu được điều này gọi là quyền tuệ.

Lại xét về tánh không của các pháp hữu vi, vô vi, sự thật là vắng lặng, chỉ có tên gọi mà thôi, không nghĩ mình đã chứng đạo quả, những kẻ khác thì thua kém không bằng mình. Lại không tự nghĩ mình tu hành giới luật, tôn trọng giáo pháp, hoàn toàn không sinh ra những ý niệm ấy.

Đó là quyền tuệ phạm hạnh vô biên. Nếu có Bồ Tát thực hành nhẫn hòa, nhẫn không, nhẫn đãnh, nhẫn không thoái chuyển, quán sát như thật không có hư vọng. Tu ba phạm trú không, không có nguồn gốc, không ý niệm chắc thật, không quán tư tưởng mà cũng không nghĩ có tưởng. Cũng không mong cầu để sinh tưởng nguyện.

Pháp giới chỉ một tướng, không có hình dáng, nghĩ đến sinh tử không có đầu mối kết thúc, không có người bố thí, chẳng có vật bố thật, không thấy quá khứ, hiện tại, vị lai, xoay vần qua lại đều không chân thật. Quá khứ đã diệt, hiện tại không trú, vị lai không sinh, có đức không thấy vô đức, vô đức không thấy có đức, không phải có đức, chẳng phải vô đức, chẳng phải không có đức, chẳng phải không, không có đức.

Biết rõ có đức hay vô đức đều vắng lặng không tịch, không có tên gọi sinh, diệt, thường, đoạn. Lại quán vô sinh không thấy chỗ sinh, không thấy vô sinh, phân biệt hữu sinh cùng vô sinh đều hư huyễn không thật, chỉ một chẳng phải hai, không thấy độ thoát thế gian chứng được đạo quả, lại cũng không thấy trước sau, khoảng giữa. Đối với văn tự lời dạy không thấy phân tán, không hợp với đời, lại không thấy nhóm họp mà cùng lưu chuyển.

Như vậy, này Tối Thắng! Tu tập phạm hạnh sâu xa khó lường, không thể nghĩ bàn, không ai sánh kịp, không thấy đạo nhẫn cùng trí nhẫn hòa hợp, cũng chẳng thấy trí nhẫn cùng đạo nhẫn hòa hợp cũng không phải không hòa hợp. Không thấy vô đạo cùng với vô trí hòa hợp, không thấy vô trí cùng với vô đạo hòa hợp, đạo nhẫn và đạo tự nó không cùng hòa hợp, chẳng phải không có hòa hợp, cũng chẳng không, không hòa hợp.

Vì sao?

Vì tự tánh của nó là không. Tối thắng nên biết, thế gian có hai pháp khiến người mới học có sự nghi ngờ.

Thế nào là hai pháp sinh ra sự nghi ngờ?

Ở đây, có Bồ Tát tu trăm ngàn pháp, chấp trước Niết Bàn, cho là giải thoát. Người nào tu hành như vậy sẽ bị tổn giảm. Hoặc có Bồ Tát biết tánh Niết Bàn là hoàn toàn giải thoát nên không sinh nhiễm chấp, tuy có lập ra sinh tử nhưng không theo, không bỏ, biết rõ chỉ là một, không có tên gọi khác nhau.

Bồ Tát có tuệ nhẫn hoàn toàn không sinh tâm phân biệt, bình đẳng đối với đại thừa, hiểu rõ tuệ không, không chấp trước, không đoạn diệt không bị nhiễm ô mới gọi là bình đẳng, quán rõ tánh bình đẳng không trói buộc, không giải thoát, không tạo tác nên không có chỗ sinh, không thấy tự nhiên mà có sinh diệt, người giải thoát như vậy mới gọi là tự nhiên. Không thấy có tự nhiên, không thấy không có tự nhiên, biết rõ tự nhiên đều không thật có, đó là thanh tịnh, đó là diệt tận.

Như vậy, này Tối Thắng! Bồ Tát từ lâu đã thành tựu tuệ vô cùng cực, hành tuệ vô sinh không thể cùng tận. Ban đầu mới tu học cho đến lúc ngồi dưới gốc cây nơi Đạo Tràng, thâu phục ma oán, Thánh Đạo vô thượng, trước phải nhập vào những tuệ định ý này sau đó mới đi vào định sư tử vấn tấn độc bộ.

Phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, người thấy ánh sáng này đều do tuệ nhẫn, thấy rõ hào quang bao quanh, ý thức nhu hòa, tâm không hung bạo. Thường bằng tâm từ bi hộ trì thân, miệng, ý lời nói thanh tịnh trước sau đều không tổn giảm, tùy theo vô vi tôn sùng Phật Đạo, ở trong tam muội tâm không loạn tưởng.

Đối với người khiêm tốn không khinh miệt, công đức đạo quả ngày càng tăng trưởng, sự trói buộc oán ác không còn mầm móng, có thể đến các Cõi Phật khác, biết rõ ánh sáng và sự thần thông cảm ứng, tùy thuận giáo hóa chúng sinh, độ thoát tất cả. Suy tìm ánh sáng đó rõ là không thật có, lại phân biệt rõ các tướng cũng không chân thật, nên phân biệt tướng trạng sinh khởi của sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Thế nào để quán sát rõ tướng của năm ấm?

Người thấy có ánh sáng cho là sắc, phần vật chất của thân hình cũng cho là sắc, nhận lấy đem cho cũng là sắc, giữ gìn thân mình cũng là sắc, nếu cùng với người khác cũng gọi là sắc. Thứ đến phải biết sự sinh diệt của thọ.

Do những gì mà có thọ này?

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần