Phật Thuyết Kinh Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn - Phẩm Mười Tám - Phẩm Chúc Lụy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

TRÌ TÂM PHẠM THIÊN SỞ VẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI TÁM

PHẨM CHÚC LỤY  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn phát ra ánh sáng nơi đảnh đầu, thị hiện thần thông khiến ma Ba Tuần cùng các binh chúng đều đến chỗ Phật, thưa: Bạch Thế Tôn! Con và quyến thuộc ở trước Đức Như Lai xin phát nguyện: Bất cứ chỗ nào có lưu truyền Kinh này, hoặc có Pháp Sư nào giảng nói Kinh Điển này ở pháp hội, chúng con sẽ phát nguyện bảo hộ, khiến chư vị giảng nổi luôn thông suốt, không gặp phải nguy hiểm, bị hại.

Khi ấy, Đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng vàng ròng chiếu khắp Cõi Phật, rồi bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Như Lai sẽ kiến lập và hộ trì cho người giảng nói Kinh Pháp này, nhằm khiến chánh pháp được lưu truyền khắp thiên hạ nơi cõi Diêm Phù Đề, không bị hủy diệt.

Lúc này, chư vị trong chúng hội dùng tất cả loại hoa, tất cả hương thơm tung rải lên chỗ Đức Phật, thưa: Bạch Thế Tôn! Xin Đức Thế Tôn khiến cho Kinh này được trụ lâu ở cõi Diêm Phù Đề và được giảng thuyết, lưu truyền khắp nơi.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan: Tôn Giả nên thọ trì Kinh này.

Tôn Giả A Nan đáp: Bạch Thế Tôn! Con xin thọ trì.

Đức Phật dạy: Này A Nan! Kinh này được lưu truyền lên đến Cõi Trời. Ông nên thọ trì, rồi giảng nói rõ ràng cho chúng hội.

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu thọ trì, đọc tụng và giảng nói Kinh này cho người khác thì phước đức đạt được như thế nào?

Đức Phật dạy: Giả sử dùng bảy báu đầy khắp hư không để bố thí, so với việc dùng văn chương, câu cú đã giảng nói ở trong Kinh này để cúng dường Như Lai Chí Chân và hết thảy Thánh chúng, thì phước đức của phần sau nhiều hơn.

Nếu lại có người thọ trì Kinh Điển này, biên chép trên thẻ tre, trên lụa để cúng dường thì hiện tại, người ấy được mười kho tàng công đức.

Những gì là mười?

1. Thấy được tạng Phật vì đạt được thiên nhãn.

2. Nghe được tạng Pháp vì đạt được thiên nhĩ.

3. Gặp được tạng Thánh chúng vì không hề thoái chuyển.

4. Được tạng báu vô tận của Bồ Tát và Hiền Thánh vì có được bàn tay báu.

5. Được tạng sắc tượng vì đầy đủ tướng tốt.

6. Được tạng quyến thuộc vì quyến thuộc không thể tan lìa.

7. Được tạng chưa từng nghe vì được các pháp Đà La Ni, có tạng nhớ nghĩ vì đạt được biện tài.

8. Được tạng không sợ hãi vì thâu tóm hết các luận thuyết ngoại đạo.

9. Có tạng công đức vì cứu giúp chúng sinh.

10. Đạt tạng trí tuệ Bậc Thánh vì thấu tỏ được tất cả pháp của Chư Phật.

Khi Đức Phật thuyết giảng Kinh này, có bảy mươi hai ức Chư Thiên đạt được pháp nhẫn, vô lượng chúng sinh phát tâm Bồ Đề, vô số chúng sinh dứt sạch mọi thứ lậu hoặc, được giải thoát.

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Kinh này tên gọi là gì và thọ trì như thế nào?

Đức Phật dạy: Kinh này tên là Đẳng Ngự Chư Pháp, nên theo đó mà thọ trì. Lại gọi là Trang Nghiêm Phật Pháp, lại gọi là Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn, Phổ Thủ Sở Sướng, nên theo đó mà phụng trì.

Khi Đức Phật giảng nói như vậy, Bồ Tát Phổ Thủ, Phạm Thiên Trì Tâm, Bồ Tát Phổ Hạnh, Hiền Giả Đại Ca Diếp, Hiền Giả A Nan, Chư Thiên, loài Người, A Tu La… nghe lời Phật dạy đều vô cùng hoan hỷ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần