Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh đại Bản - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT

KINH TRƯỜNG A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

KINH ĐẠI BẢN  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở động Hoa Lâm vườn cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ, cùng với chúng đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, các Tỳ Kheo sau khi khất thực, tụ họp ở Hoa Lâm Đường, cùng nhau bàn luận rằng: Các Hiền Giả Tỳ Kheo, duy chỉ Đấng Vô Thượng Tôn, rất kỳ diệu, oai lực lớn lao, thần thông viễn đạt, mới biết rõ quá khứ vô số Đức Phật nhập Niết Bàn, dứt sạch các kết sử, tiêu diệt các hý luận và cũng biết rõ kiếp số các Đức Phật ấy dài hay ngắn, cho đến danh hiệu, dòng họ thác sinh, sự ăn uống, thọ mạng dài ngắn, cảm thọ lạc và cảm thọ khổ như thế nào.

Lại biết rõ các Đức Phật ấy có giới như vậy, có pháp như vậy, có trí tuệ như vậy, có giải thoát như vậy, an trụ như vậy.

Thế nào, này Chư Hiền?

Đó là do Đức Như Lai thông rõ các pháp tính mà biết được hay do Chư Thiên kể lại?

Bấy giờ, Ðức Thế Tôn đang ở chỗ thanh vắng, bằng thiên nhĩ thanh tịnh, nghe rõ các Tỳ Kheo luận bàn như thế, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Hoa Lâm Đường, ngồi vào chỗ ngồi dọn sẵn.

Bấy giờ, Ðức Thế Tôn tuy đã biết nhưng vẫn hỏi: Này Chư Tỳ Kheo, các ngươi tụ tập nơi đây bàn luận chuyện gì?

Các Tỳ Kheo bèn đem hết mọi việc bạch lại với Phật.

Rồi thì, Ðức Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Lành thay, lành thay!

Các ngươi đã với tâm chánh tín xuất gia học đạo, nên làm hai việc: Một là nói năng theo pháp Hiền Thánh, hai là im lặng theo pháp Hiền Thánh. Những điều các ngươi luận bàn phải nên như thế. Như Lai thần thông oai lực lớn lao, biết khắp mọi việc từ vô số kiếp quá khứ, như thế là do thông rõ các pháp tính, đồng thời cũng do Chư Thiên nói lại.

Bấy giờ Phật nói bài tụng:

Tỳ Kheo họp pháp đường

Giảng luận pháp Hiền Thánh.

Như Lai từ am vắng

Nghe rõ bằng thiên nhĩ.

Mặt Trời Phật rọi khắp,

Phân tích nghĩa pháp giới.

Cũng biết việc quá khứ,

Chư Phật Bát Niết Bàn,

Tên, dòng họ, chủng tộc.

Cũng biết thọ sanh phần.

Vị ấy ở nơi nào,

Ghi nhận bằng tịnh nhãn.

Chư Thiên uy lực lớn,

Dung mạo rất đoan nghiêm,

Cũng đến bẩm báo ta

Chư Phật Bát Niết Bàn,

Chỗ sinh, tên, chủng tộc

Ấm thanh vi diệu tỏ.

Đấng Chí Tôn trong đời

Biết rõ Phật quá khứ.

Phật lại bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo!

Các ngươi có muốn Như Lai, bằng trí túc mạng biết nhân duyên của Chư Phật quá khứ, nói cho nghe chăng?

Các Tỳ Kheo liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nay chính là lúc. Chúng con muốn nghe.

Lành thay! Thế Tôn, lúc này thích hợp để giảng thuyết. Chúng con phụng hành.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Hãy lắng nghe, hãy suy gẫm kỹ. ta sẽ phân biệt giải thuyết cho các ngươi nghe. Lúc bấy giờ, các Tỳ Kheo vâng lời, lắng nghe.

Phật nói: Này các Tỳ Kheo!

Quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp có Đức Phật Hiệu là Tỳ Bà Thi, Như Lai, Chí Chân, xuất hiện ở thế gian.

Lại nữa, Tỳ Kheo, trong quá khứ cách đây ba mươi mốt kiếp có Đức Phật Hiệu là Thi Khí, Như Lai, Chí Chân, xuất hiện ở thế gian.

Lại nữa, Tỳ Kheo, cũng trong ba mươi mốt kiếp đó có Đức Phật Hiệu là Tỳ Xá Bà Như Lai, Chí Chân, xuất hiện ở thế gian.

Lại nữa, Tỳ Kheo, trong hiền kiếp này có Phật Hiệu là Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm, Ca Diếp. ta nay cũng ở trong hiền kiếp này mà thành Tối Chánh Giác.

Bấy giờ, Phật nói bài tụng:

Qua chín mươi mốt kiếp

Có Phật Tỳ Bà Thi.

Ba mươi mốt kiếp kế

Có Phật Hiệu Thi Khí.

Cũng ở trong kiếp này,

Xuất hiện Phật Tỳ Xá.

Nay trong hiền kiếp này,

Vô số Na Duy tuổi,

Có bốn Đại Tiên Nhân,

Xuất hiện vì thương đời:

Câu Lưu Tôn, Na Hàm,

Ca Diếp, Thích Ca Văn.

Các ngươi nên biết, thời Đức Phật Tỳ Bà Thi, nhân loại sống đến tám vạn tuổi.

Thời Đức Phật Thi Khí, nhân loại sống đến bảy vạn tuổi.

Thời Đức Phật Tỳ Xá Bà, nhân loại sống đến sáu vạn tuổi.

Thời Đức Phật Câu Lưu Tôn, nhân loại sống đến bốn vạn tuổi.

Thời Đức Phật Câu Na Hàm, nhân loại sống đến ba vạn tuổi.

Thời Đức Phật Ca Diếp, nhân loại sống đến hai vạn tuổi và nay ta ra đời, nhân loại sống đến một trăm tuổi, tăng thì ít mà giảm thì nhiều.

Rồi Phật nói bài tụng:

Người thời Tỳ Bà Thi,

Thọ tám vạn bốn ngàn,

Người thời Phật Thi Khí

Thọ mạng bảy vạn tuổi.

Người thời Tỳ Xá Bà

Thọ mạng sáu vạn tuổi.

Người thời Câu Lưu Tôn

Thọ mạng bốn vạn tuổi.

Người thời Câu Na Hàm

Thọ mạng ba vạn tuổi.

Người thời Phật Ca Diếp

Thọ mạng hai vạn tuổi.

Người thời ta hiện nay

Tuổi thọ không quá trăm.

Đức Phật Tỳ Bà Thi sinh về dòng Sát Lỵ, họ Câu Lỵ Nhã.

Phật Thi Khí và Phật Tỳ Xá Bà, dòng họ cũng vậy.

Phật Câu Lưu Tôn sinh về dòng Bà La Môn họ Ca Diếp.

Phật Câu Na Hàm, Phật Ca Diếp, dòng họ cũng vậy.

Còn nay Ta, Như Lai, Chí Chân thì sinh về dòng Sát Lỵ, họ Cù Đàm.

Phật lại nói bài tụng:

Tỳ Bà Thi Như Lai,

Thi Khí, Tỳ Xá Bà,

Ba vị Đẳng Chánh Giác,

Sinh họ Câu Lỵ Nhã.

Ba Đức Như Lai kia,

Sinh vào họ Ca Diếp

Ta nay, bậc Vô Thượng,

Dẫn dắt các chúng sanh,

Bậc nhất trong Trời người,

Họ Cù Đàm dũng mãnh.

Ba Đấng Chánh Giác đầu,

Sinh vào dòng Sát Lỵ.

Ba Đức Như Lai sau

Thuộc dòng Bà La Môn.

Ta nay Đấng Tối Tôn,

Dòng Sát Lỵ dũng mãnh.

Đức Phật Tỳ Bà Thi ngồi dưới cây Ba Ba La chứng thành Bậc Tối Chánh Giác.

Phật Thi Khí ngồi dưới cây Phân Đà Lỵ, thành  bậc Tối Chánh Giác.

Phật Tỳ Xá Bà ngồi dưới cây Sa La thành bậc Tối Chánh Giác.

Phật Câu Lưu Tôn ngồi dưới cây Thi Lỵ Sa thành bậc Chánh Giác.

Phật Câu Na Hàm ngồi dưới cây Ô Tạm Bà La thành bậc Chánh Giác.

Phật Ca Diếp ngồi dưới cây Ni Câu Luật thành bậc Chánh Giác.

Ta nay, Như Lai, Chí Chân, ngồi dưới cây Bát Đa thành bậc Chánh Giác.

Rồi Phật nói bài tụng:

Tỳ Bà Thi Như Lai

Đi đến cây Ba La

Và ngay tại chỗ ấy

Đắc thành Tối Chánh Giác.

Thành đạo, dứt nguồn hữu.

Tỳ Xá Bà Như Lai

Ngồi dưới gốc Sa La

Đắc giải thoát tri kiến.

Thần túc không trở ngại,

Câu Lưu Tôn Như Lai

Ngồi gốc Thi Lỵ Sa

Vô nhiễm, vô sở trước.

Câu Na Hàm Mâu Ni

Ngồi dưới gốc Ô Tạm

Và ngay tại chỗ ấy

Diệt các tham, ưu não.

Đức Ca Diếp Như Lai

Ngồi dưới Ni Câu Luật

Và ngay tại chỗ ấy

Trừ diệt gốc rễ hữu.

Ta nay, Thích Ca Văn

Ngồi dưới cây Bát Đa

Đấng Như Lai, mười lực,

Đoạn diệt các kết sử,

Hàng phục đám ma oán,

Diễn ánh sáng giữa chúng.

Bảy Phật, sức tinh tấn,

Phóng quang, diệt tăm tối.

Mỗi mỗi ngồi gốc cây,

Ở đó thành Chánh Giác.

Đức Phật Tỳ Bà Thi có ba hội thuyết pháp:

Hội đầu có mười sáu vạn tám ngàn đệ tử.

Hội hai có mười vạn đệ tử.

Hội ba có tám vạn đệ tử.

Phật Thi Khí cũng có ba hội thuyết pháp:

Hội đầu có mười vạn đệ tử.

Hội thứ hai có tám vạn đệ tử.

Hội thứ ba có bảy vạn đệ tử.

Phật Tỳ Xá Bà có hai hội thuyết pháp:

Hội đầu có bảy vạn đệ tử.

Hội thứ hai có sáu vạn đệ tử.

Đức Câu Lưu Tôn Như Lai, một hội thuyết pháp, đệ tử bốn vạn người.

Đức Câu Na Hàm Như Lai, một hội thuyết pháp, đệ tử ba vạn người.

Đức Ca Diếp Như Lai, một hội thuyết pháp, đệ tử hai vạn người.

Ta nay một hội thuyết pháp, đệ tử một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ Phật nói bài tụng rằng:

Tỳ Bà Thi tên Quán

Trí tuệ không thể lường

Thấy khắp, không sợ hãi

Ba hội chúng đệ tử

Thi Khí, sáng, bất động

Diệt trừ các kiết sử

Vô lượng đại oai đức

Không thể trắc lượng được

Ngài cũng có ba hội

Tụ hội các đệ tử

Tỳ Xá Bà đoạn kết,

Đấng Đại Tiên tụ hội,

Tiếng tăm khắp các phương,

Pháp mầu được tán thán.

Chúng đệ tử hai hội,

Diễn rộng nghĩa thâm áo.

Câu Lưu Tôn một hội,

Thương xót trị các khổ,

Đạo Sư dạy chúng sanh,

Chúng đệ tử một hội.

Câu Na Hàm Như Lai,

Bậc Vô Thượng cũng vậy,

Thân sắc vàng ròng tía,

Dung mạo thảy toàn hảo,

Chúng đệ tử một hội,

Rộng diễn pháp nhiệm mầu.

Ca Diếp, mỗi sợi lông,

Nhất tâm không loạn tưởng,

Một lời không phiền trọng,

Chúng đệ tử một hội.

Năng Nhân Ý Tịch Diệt,

Ta, Sa Môn họ Thích,

Chí Tôn, Trời trên Trời,

Có một hội đệ tử,

Hội ấy, ta hiện nghĩa,

Quảng diễn giáo thanh tịnh.

Trong tâm thường hoan hỷ,

Lậu tận, không tái sinh,

Tỳ Bà, Thi Khí, ba,

Phật Tỳ Xá Bà, hai,

Bốn Phật mỗi vị một

Hội Tiên Nhân diễn thuyết.

Đức Phật Tỳ Bà Thi có hai đệ tử là Khiên Trà và Đề Xá.

Đức Phật Thi Khí có hai đệ tử là A Tỳ Phù và Tam Bà Bà.

Phật Tỳ Xá Bà có hai đệ tử là Phò Du và Uất Đa Ma.

Phật Câu Lưu Tôn có hai đệ tử là Tát Ni và Tỳ Lâu.

Đức Phật Câu Na Hàm có hai đệ tử là Thư Bàn Na và Uất Đa Lâu.

Đức Phật Ca Diếp có hai đệ tử là Đề Xá và Bà La Bà.

Còn nay ta có hai đệ tử là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.

Bấy giờ, Phật nói bài tụng:

Khiên Trà và Đề Xá

Đệ tử Tỳ Bà Thi.

A Tỳ Phù, Tam Bà,

Đệ tử Phật Thi Khí.

Phò Du, Uất Đa Ma,

Bậc nhất hàng đệ tử.

Cả hai hàng ma oán,

Đệ tử Tỳ Xá Bà.

Tát Ni và Tỳ Lâu,

Đệ tử Câu Lưu Tôn.

Thư Bàn, Uất Đa Lâu,

Đệ tử Câu Na Hàm.

Đề Xá, Bà La Bà,

Đệ tử Phật Ca Diếp.

Xá Lợi Phất, Mục Liên,

Bậc nhất đệ tử Ta.

Đức Phật Tỳ Bà Thi có vị đệ tử chấp sự là Vô Ưu.

Phật Thi Khí có vị đệ tử chấp sự là Nhẫn Hành.

Phật Tỳ Xá Bà có vị đệ tử chấp sự là Tịch Diệt.

Phật Câu Lưu Tôn có vị đệ tử chấp sự là Thiện Giác.

Phật Câu Na Hàm có vị đệ tử chấp sự là An Hòa.

Phật Ca Diếp có vị đệ tử chấp sự là Thiện Hữu.

Còn ta có vị đệ tử chấp sự là A Nan.

Vô Ưu và Nhẫn Hành,

Tịch Diệt và Thiện Giác,

An Hòa và Thiện Hữu

Thứ bảy là A Nan.

Ầy là thị giả Phật

Đầy đủ các nghĩa thú.

Ngày đêm không buông lung.

Bảy Thánh đệ tử ấy

Hầu tả hữu bảy Phật

Hoan hỷ và cúng dường,

Tịch nhiên vào diệt độ.

Đức Phật Tỳ Bà Thi có con tên Phương Ưng.

Phật Thi Khí có con tên Vô Lượng.

Tỳ Xá Bà có con tên Diệu Giác.

Câu Lưu Tôn có con tên Thượng Thắng.

Câu Na Hàm có con tên Đạo Sư.

Ca Diếp có con tên Tập Quân.

Ta nay có con tên là La Hầu La.

Phật lại nói bài tụng:

Phương Ưng và Vô Lượng,

Diệu Giác và Thượng Thắng,

Đạo Sư và Tập Quân,

Thứ bảy La Hầu La.

Các con hào quý ấy

Nối dõi hạt giống Phật,

Yêu pháp, ưa bố thí,

Trong Thánh Pháp, vô úy.

Đức Phật Tỳ Bà Thi có cha tên Bàn Đầu, dòng Vua Sát Lỵ. Mẹ tên Bàn Đầu Bà Đề. Quốc thành của Vua trị tên là Bàn Đầu Bà Đề.

Phật bèn nói bài tụng:

Biến Nhãn, cha Bàn Đầu,

Mẹ Bàn Đầu Bà Đề.

Thành Bàn Đầu Bà Đề,

Phật thuyết pháp trong đó.

Đức Phật Thi Khí có cha tên Minh Tướng, dòng Vua Sát Lỵ. Mẹ tên Quang Diệu, quốc thành Vua cai trị tên là Quang Tướng.

Phật lại nói tụng: Đức Phật Tỳ Xá Bà có cha tên Thiện Đăng, dòng Vua Sát Lỵ. Mẹ tên Xưng Giới, quốc thành Vua cai trị tên Vô Dụ.

Phật nói tụng:

Cha Phật Tỳ Xá Bà,

Vua Sát Lỵ Thiện Đăng.

Mẹ tên gọi Xưng Giới.

Quốc thành tên Vô Dụ.

Đức Phật Câu Lưu Tôn có cha tên Tự Đắc, dòng Bà La Môn. Mẹ tên Thiện Chi. Vua tên An Hòa và quốc thành cũng theo đó mà có tên là An Hòa.

Bà La Môn Tự Đắc,

Mẹ tên gọi Thiện Chi.

Vua tên là An Hòa,

Cai trị thành An Hòa.

Đức Phật Câu Na Hàm có cha tên Đại Đức, dòng Bà La Môn. Mẹ tên Thiện Thắng, Vua tên Thanh Tịnh và quốc thành này cũng theo đó mà có tên là Thanh Tịnh.

Bà La Môn Đại Đức,

Mẹ tên là Thiện Thắng,

Vua tên là Thanh Tịnh,

Ở trong thành Thanh Tịnh.

Đức Phật Ca Diếp có cha tên Phạm Đức, dòng Bà La Môn. Mẹ tên Tài Chủ. Vua thời đó tên Cấp Tỳ, trị vì quốc thành tên Ba La Nại.

Bà La Môn Phạm Đức,

Mẹ tên là Tài Chủ,

Thời Vua tên Cấp Tỳ,

Trị thành Ba La Nại.

Còn ta có thân phụ tên là Tịnh Phạn dòng Vua Sát Lỵ. Mẹ tên Đại Thanh Tịnh Diệu. Trị sở thành của Vua là Ca Tỳ La Vệ.

Cha, Sát Lỵ Tịnh Phạn,

Mẹ tên Đại Thanh Tịnh,

Đất rộng, dân sung túc,

Ta sinh ra ở đó.

Đó là nhân duyên, danh hiệu, chủng tộc và chỗ xuất sinh của Chư Phật. Kẻ trí nào nghe đến nhân duyên đó mà không vui mừng sinh tâm ưa muốn.

Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo! Nay ta muốn, bằng túc mạng trí, sẽ nói về sự tích của Chư Phật quá khứ.

Các thầy muốn nghe không?

Các Tỳ Kheo trả lời: Nay thật đúng lúc. Chúng con muốn nghe.

Phật nói: Này các Tỳ Kheo, hãy nghe kỹ, hãy suy ngẫm kỹ. Ta sẽ phân biệt giải thuyết cho các thầy.

Này các Tỳ Kheo, nên biết pháp thường của Chư Phật.

Đức Bồ Tát Tỳ Bà Thi từ Cõi Trời Đâu Suất giáng thần vào thai mẹ, do hông phải mà vào, chánh niệm không tán loạn. Ngay lúc ấy cõi đất rung chuyển, ánh sáng rực rỡ soi khắp thế gian, những chỗ mặt trời, mặt trăng không soi tới cũng đều mong nhờ chiếu sáng.

Chúng sanh chốn u minh nhờ đó được trông thấy lẫn nhau và tự biết mình hiện đang sinh ở chỗ nào. Ánh quang minh đó lại soi đến cung điện Ma Vương. Phạm Thiên, Đế Thích, Sa Môn, Bà La Môn và các chúng sanh khác, cũng đều được mong nhờ ánh sáng. Ánh sáng của Chư Thiên tự nhiên biến mất.

Rồi Phật nói bài tụng:

Mây dày kín hư không,

Ánh chớp chiếu thiên hạ.

Tỳ Bà Thi giáng thai,

Ánh sáng chiếu cũng vậy.

Chỗ nhật nguyệt không tới,

Thảy đều được chiếu sáng,

Thai thanh tịnh, vô nhiễm,

Pháp Chư Phật đều vậy.

Này các Tỳ Kheo, nên biết pháp thường của Chư Phật. Bồ Tát Tỳ Bà Thi, lúc ở thai mẹ, chuyên niệm không tán loạn, thường có bốn vị Thiên Thần tay cầm qua mâu, hộ vệ cho mẹ Ngài, dẫu loài người hay loài phi nhân đều không thể xâm phạm. Đó là pháp thường.

Rồi Phật nói bài tụng:

Bốn phương bốn Thiên Thần,

Có tiếng tăm, uy đức,

Thiên Đế Thích sai khiến,

Khéo thủ hộ Bồ Tát.

Tay thường cầm qua mâu,

Hộ vệ không chút rời.

Nhân, phi nhân không hại,

Ầy pháp thường Chư Phật.

Được Chư Thiên hộ vệ,

Như Thiên Nữ hầu Trời,

Quyến thuộc đều hoan hỷ,

Ầy pháp thường Chư Phật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường