Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ðại Niệm Xứ - Phần Hai

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TRƯỜNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

KINH ĐẠI NIỆM XỨ  

PHẦN HAI  

Này các Tỳ Kheo, như vậy Tỳ Kheo sống quán pháp trên các pháp, đối với năm triền cái. Lại nữa, này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là Tỳ Kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn?

Này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo suy tư: Ðây là sắc, đây là sắc sanh, đây là sắc diệt. Ðây là thọ, đây là thọ sanh, đây là thọ diệt.  Ðây là tưởng, đây là tưởng sanh, đây là tưởng diệt. Ðây là hành, đây là hành sanh, đây là hành diệt. Ðây là thức, đây là thức sanh, đây là thức diệt.

Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp. Hay sống quán pháp trên các ngoại pháp. Hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp. Hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp. Hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp.

Có những pháp ở đây, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời.

Này các Tỳ Kheo, như vậy Tỳ Kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn.

Lại nữa này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo sống quán pháp trên các pháp đối với sáu nội ngoại xứ.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là Tỳ Kheo sống quán pháp trên các pháp đối với sáu nội ngoại xứ?

Này các Tỳ Kheo, ở đây Tỳ Kheo tuệ tri con mắt và tuệ tri các sắc, do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy.

Và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy.

Và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy và tuệ tri tai và tuệ tri các tiếng và tuệ tri mũi và tuệ tri các hương và tuệ tri lưỡi và tuệ tri các vị và tuệ tri thân và tuệ tri các xúc và tuệ tri ý và tuệ tri các pháp.

Do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.

Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp. Hay sống quán pháp trên các ngoại pháp. Hay sống quán pháp trên cả các nội pháp, ngoại pháp. Hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp. Hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp. Hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp.

Có những pháp ở đây, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.

Này các Tỳ Kheo, như vậy Tỳ Kheo sống quán pháp trên các pháp, đối với sáu nội ngoại xứ. Lại nữa này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy giác chi.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là Tỳ Kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy giác chi.

Này các Tỳ Kheo, ở đây Tỳ Kheo, nội tâm có niệm giác chi, tuệ tri rằng: Nội tâm tôi có niệm giác chi.

Hay nội tâm không có niệm giác chi, tuệ tri rằng: Nội tâm tôi không có iệm giác chi.

Và với niệm giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy, và với niệm giác chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy.

Hay nội tâm có trạch pháp giác chi. Hay nội tâm có tinh tấn giác chi. Hay nội tâm có hỷ giác chi. Hay nội tâm có khinh an giác chi. Hay nội tâm có định giác chi. Hay nội tâm có xả giác chi.

Tuệ tri rằng: Nội tâm tôi có xả giác chi.

Hay nội tâm không có xả giác chi, tuệ tri rằng: Nội tâm tôi không có xả giác chi.

Và với xả giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với xả giác chi đã sanh nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy.

Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp. Hay sống quán pháp trên các ngoại pháp. Hay sống quán pháp trên cả các nội pháp, ngoại pháp. Hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp. Hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp. Hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. Có những pháp ở đây.

Vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.

Này các Tỳ Kheo, như vậy Tỳ Kheo sống quán pháp trên các pháp đối với bảy giác chi. Lại nữa này các Tỳ Kheo, vị ấy sống quán pháp trên các pháp đối với bốn sự thật.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là Tỳ Kheo sống quán pháp trên các pháp đối với bốn sự thật?

Này các Tỳ Kheo, ở đây Tỳ Kheo như thật tuệ tri: Ðây là khổ.

Như thật tuệ tri: Ðây là Khổ Tập.

Như thật tuệ tri: Ðây là khổ diệt.

Như thật tuệ tri: Ðây là con đường đưa đến khổ diệt.

Và này các Tỳ Kheo, thế nào Khổ Thánh Đế?

Sanh là khổ, già là khổ, chết là khổ, sầu, bi. Khổ, ưu, não là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại năm thủ uẩn là khổ.

Này các Tỳ Kheo thế nào là sanh?

Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự xuất sản, xuất sanh, xuất thành, tái sanh của họ, sự xuất hiện các uẩn, sự hoạch đắc các căn.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là sanh.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là già?

Mỗi mỗi hạng chúng sanh, trong từng giới hạn, sự niên lão, sự hủy hoại, trạng thái rụng răng, trạng thái tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn hủy hoại.

Này các Tỳ Kheo, như vậy là già.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là chết?

Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự tạ thế, sự từ trần, thân hoại, sự diệt vong, sự chết, sự tử vong, thời đã đến, các uẩn đã tận diệt, sự vất bỏ tử thi.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là chết.

Này các Tỳ Kheo, thế nào gọi là sầu?

Này các Tỳ Kheo, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác. Với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự sầu, sự sầu lo, sự sầu muộn, nội sầu, mọi khổ sầu của người ấy.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là sầu.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là bi?

Này các Tỳ Kheo, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác. Với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự bi ai, sự bi thảm, sự than van, sự than khóc, sự bi thán, sự bi thống của người ấy.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là bi.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là khổ?

Này các Tỳ Kheo, sự đau khổ về thân, sự không sảng khoái về thân, sự đau khổ do thân cảm thọ, sự không sảng khoái do thân cảm thọ.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là khổ.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là ưu?

Này các Tỳ Kheo, sự đau khổ về tâm, sự không sảng khoái về tâm, sự đau khổ do tâm cảm thọ, sự không sảng khoái do tâm cảm thọ.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là ưu.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là não?

Này các Tỳ Kheo, với những ai gặp tai nạn này hay tai nạn khác.Với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự áo não, sự bi não, sự thất vọng, sự tuyệt vọng của người ấy.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là não.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là cầu bất đắc khổ?

Này các Tỳ Kheo, chúng sanh bị sanh chi phối, khởi sự mong cầu: Mong rằng ta khỏi bị sanh chi phối, mong rằng ta khỏi phải đi thác sanh. Lời cầu mong ấy không được thành tựu.

Như vậy gọi là cầu bất đắc khổ!

Này các Tỳ Kheo, chúng sanh bị già chi phối chúng sanh bị bệnh chi phối chúng sanh bị chết chi phối.

Chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối, khởi sự mong cầu: Mong rằng ta khỏi bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối!

Mong rằng ta khỏi đương chịu sầu, bi, khổ, ưu, não. Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy là cầu bất đắc khổ.

Này các Tỳ Kheo, như thế nào là tóm lại, năm thủ uẩn là khổ?

Như sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.

Này các Tỳ Kheo, như vậy tóm lại năm thủ uẩn là khổ.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là khổ tập Thánh Đế?

Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Như dục ái, hữu ái, vô hữu ái.

Này các Tỳ Kheo, sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đâu, khi an trú thì an trú ở đâu?

Ở đời, sắc gì thân ái, sắc gì khả ái?

Ở đời con mắt là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.

Ở đời cái tai ở đời mũi ở đời lưỡi ở đời thân ở đời ý là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.

Ở đời các sắc ở đời các tiếng ở đời các hương ở đời các vị ở đời các cảm xúc ở đời các pháp là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.

Ở đời nhãn thức ở đời nhĩ thức ở đời tỷ thức ở đời thiệt thức ở đời thân thức ở đời ý thức là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.

Ở đời nhãn xúc ở đời nhĩ xúc ở đời tỷ xúc ở đời thiệt xúc ở đời thân xúc ở đời ý xúc là sắc thân ái, à sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.

Ở đời nhãn xúc sở sanh thọ ở đời nhĩ xúc sở sanh thọ ở đời tỷ xúc sở sanh thọ ở đời thiệt xúc sở thanh thọ ở đời thân xúc sở sanh thọ ở đời ý xúc sở sanh thọ là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.

Ở Đời sắc tưởng ở đời thanh tưởng ở đời hương tưởng ở đời vị tưởng ở đời xúc tưởng ở đời pháp tưởng là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.

Ở đời sắc tư ở đời thanh tư ở đời hương tư ở đời vị tư ở đời xúc tư ở đời pháp tư là sắc thân ái, là sắc khả ai.  Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.

Ở đời sắc ái ở đời thanh ái ở đời hương ái ở đời vị ái ở đời xúc ái ở đời pháp ái là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đây.

Ở đời sắc tầm ở đời thanh tầm ở đời hương tầm ở đời vị tầm ở đời xúc tầm ở đời pháp tầm là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.

Ở đời sắc tứ ở đời thanh tứ ở đời hương tứ ở đời vị tứ ở đời xúc tứ ở đời pháp tứ là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi sanh khởi thì sanh khởi ở đấy, khi an trú thì an trú ở đấy.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là khổ tập Thánh Đế.

Này các Tỳ Kheo, và thế nào là khổ diệt Thánh Đế?

Sự diệt tận không còn luyến tiếc tham ái ấy, sự xả ly, sự khí xả, sự giải thoát, sự vô nhiễm tham ái ấy.

Này các Tỳ Kheo, sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đâu, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đâu?

Ở đời các sắc gì thân, các sắc gì ái, sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.

Ở đời sắc gì thân ái, sắc gì khả ái?

Ở đời con mắt là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.

Ở đời lỗ tai ở đời mũi ở đời lưỡi ở đời thân ở đời ý là sắc thân ái, là sắc khả ái.  Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.

Ở đời các sắc ở đời các tiếng ở đời các mùi hương ở đời các vị, ở đời các xúc ở đời các pháp là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.

Ở đời nhãn thức ở đời nhĩ thức ở đời tỷ thức ở đời thiệt thức ở đời ý thức là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.

Ở đời nhãn xúc ở đời nhĩ xúc ở đời tỷ xúc ở đời thiệt xúc ở đời thân xúc ở đời ý xúc là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.

Ở đời nhãn xúc sở sanh thọ ở đời nhĩ xúc sở sanh thọ ở đời tỷ xúc sở sanh thọ ở đời thiệt xúc sở sanh thọ ở đời thân xúc sở sanh thọ, ở đời ý xúc sở sanh thọ là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.

Ở đời sắc tưởng ở đời thanh tưởng ở đời hương tưởng ở đời vị tưởng ở đời xúc tưởng ở đời pháp tưởng là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.

Ở đời sắc tư ở đời thanh tư ở đời hương tư ở đời vị tư ở đời xúc tư ở đời pháp tư là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.

Ở đời sắc ái ở đời thanh ái ở đời hương ái ở đời vị ái ở đời xúc ái ở đời pháp ái là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.

Ở đời sắc tầm ở đời thanh tầm ở đời hương tầm ở đời vị tầm ở đời xúc tầm ở đời pháp tàm là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.

Ở đời sắc tứ ở đời thanh tứ ở đời hương tứ ở đời vị tứ ở đời xúc tứ ở đời pháp tứ là sắc thân ái, là sắc khả ái. Sự tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đấy, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đấy.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là khổ diệt Thánh Đế.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là khổ diệt đạo Thánh Đế.

Ðó là bát chi Thánh Đạo, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tin tấn, chánh niệm, chánh định.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là chánh tri kiến?

Này các Tỳ Kheo, tri kiến về khổ, tri kiến về khổ tập, tri kiến về khổ diệt, tri kiến về khổ diệt đạo.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là chánh tri kiến.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là chánh tư duy?

Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là chánh tư duy.

Này các Tỳ Kheo thế nào là chánh ngữ?

Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là chánh ngữ.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là chánh nghiệp?

Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cướp, tự chế không tà dâm.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là chánh nghiệp.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là chánh mạng?

Này các Tỳ Kheo, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là chánh mạng.

Này các Tỳ Kheo, và thế nào là chánh tinh tấn?

Này các Tỳ Kheo, ở đây Tỳ Kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.

Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.

Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là chánh tinh tấn.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là chánh niệm?

Này các Tỳ Kheo, ở đây vị Tỳ Kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Trên các cảm thọ trên các tâm quán pháp trên các pháp, tinh cần tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là chánh niệm.

Này các Tỳ Kheo, thế nào là chánh định?

Này các Tỳ Kheo, ở đây Tỳ Kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ.

Tỳ Kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.

Tỳ Kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba.

Tỳ Kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là chánh định.

Này các Tỳ Kheo, như vậy gọi là khổ diệt đạo Thánh Đế. Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp.

Hay sống quán pháp trên các ngoại pháp.  Hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp. Hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp. Hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp.

Có những pháp ở đây, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.

Này các Tỳ Kheo, như vậy Tỳ Kheo sống quán pháp trên các pháp đối với bốn Thánh đế.

Này các Tỳ Kheo, vị nào tu tập bốn niệm xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây:

Một là chứng chánh trí ngay trong hiện tại.

Hai là nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất Hoàn.

Này các Tỳ Kheo, không cần gì đến bảy năm, một vị nào tu tập bốn niệm xứ này như vậy trong sáu năm trong năm năm trong bốn năm trong ba năm trong hai năm trong một năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây:

Một là chứng chánh trí ngay trong hiện tại.

Hai là nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất Hoàn.

Này các Tỳ Kheo, không cần gì đến một năm, một vị nào tu tập bốn niệm xứ này trong bảy tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất Hoàn.

Này các Tỳ Kheo, không cần gì bảy tháng, một vị nào tu tập bốn niệm xứ này trong sáu tháng trong năm tháng trong bốn tháng trong ba tháng trong hai tháng trong một tháng trong nửa tháng vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây:

Một là chứng chánh trí ngay trong hiện tại.

Hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả bất hoàn.

Này các Tỳ Kheo, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập bốn niệm xứ này trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây:

Một là chứng chánh trí ngay trong hiện tại.

Hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất Hoàn.

Này các Tỳ Kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết Bàn.

Ðó là bốn niệm xứ.

Thế Tôn thuyết pháp đã xong. Các Tỳ Kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường