Phật Thuyết Kinh Tu Chân Thiên Tử - Phẩm Một - Phẩm Thưa Hỏi Về Bốn Việc - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TU CHÂN THIÊN TỬ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MỘT

PHẨM THƯA HỎI VỀ BỐN VIỆC  

TẬP MỘT  

Nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật du hóa tại Tinh Xá Kỳ Hoàn, nơi khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc ở nước Xá Vệ, cùng đại chúng Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị hội đủ, Bồ Tát gồm một vạn và các Thiên Tử ở Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc.

Các chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di cùng với vô số trăm ngàn người trước sau vây quanh Đức Thế Tôn để nghe thuyết pháp.

Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và Thiên Tử Tu Chân cũng ngồi trong chúng hội.

Thiên Tử Tu Chân quan sát đại chúng đang ngồi yên lặng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, quỳ gối, chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con có điều muôn thưa hỏi, xin Đức Thế Tôn phân biệt giải thích rõ.

Đức Phật khen: Lành thay, lành thay! Thiên Tử! Ông đã vì mọi thế gian mà cầu đạt tất cả nghĩa tối thượng, mới đem tâm niệm này thưa hỏi Như Lai. Theo chỗ hỏi của ông, Như Lai sẽ nói rõ để dứt mọi nghi ngờ.

Thiên Tử Tu Chân hết sức vui mừng, liền bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát được lòng tin chân thật nơi pháp Đại Thừa?

Thế nào là Bồ Tát được việc làm kiên cố, không hề khiếp sợ?

Thế nào là Bồ Tát được phước tối thắng không ai sánh bằng?

Thế nào là Bồ Tát có biết rõ về các hành không bị chướng ngại?

Thế nào là Bồ Tát xa lìa vô minh, phiền não, đạt được trí tuệ?

Thế nào là Bồ Tát hội nhập nơi các biện tài dũng mãnh không hề sợ sệt?

Thế nào là Bồ Tát nương vào ý nghĩa đã được lãnh hội mà có thể giữ gìn?

Thế nào là Bồ Tát dựa nơi pháp thâm diệu vượt hơn hẳn thế tục?

Thế nào là Bồ Tát cung kính, thực hành theo lời dạy của Thế Tôn?

Thế nào là Bồ Tát nương nơi pháp để giáo hóa, dẫn dắt, làm lợi ích cho tất cả muôn loài?

Thế nào là Bồ Tát được trí tuệ thần thông không ai sánh bằng?

Thế nào là Bồ Tát bị ma làm chướng ngại nhưng tâm không lay động?

Thế nào là Bồ Tát được trí sâu xa không ai bì kịp?

Thế nào là Bồ Tát không bị pháp thế tục làm nhiễm ô?

Thế nào là Bồ Tát một mình đi vào các hành thù thắng sâu xa?

Thế nào là Bồ Tát biết dùng phương tiện quyền xảo tùy theo căn cơ của chúng sinh để thuyết pháp?

Thế nào là Bồ Tát vào cửa giải thoát, ở trong sinh tử mà không bị sắc dục lôi cuốn?

Thế nào là Bồ Tát được phương tiện đặc biệt, chế ngự sự cao ngạo?

Thế nào là Bồ Tát có được phương tiện nhân duyên, biết các việc đã làm?

Thế nào là Bồ Tát có được phương tiện giới luật, xa lìa các kiến chấp?

Thế nào là Bồ Tát có được phương tiện thiện xảo, giáo hóa tất cả chúng sinh?

Thế nào là Bồ Tát được nguyện an lành, thân tâm thanh tịnh?

Thế nào là Bồ Tát được lực nhẫn nhục, tâm không sân giận?

Thế nào là Bồ Tát được các pháp Ba la mật, đạt tới bờ giác ngộ?

Thế nào là Bồ Tát cứu độ kẻ bần cùng làm lợi ích cho tất cả?

Thế nào là Bồ Tát được mọi người ở đời thương yêu cung kính?

Thế nào là Bồ Tát có trí tuệ sáng suốt, được mọi người tán thán?

Thế nào là Bồ Tát thực hành các công đức không cùng tận?

Thế nào là Bồ Tát lập thệ nguyện kiên cố, được đến Cõi Phật?

Thế nào là Bồ Tát thường được tôn quý, nắm vững các pháp, mà được tự tại?

Thế nào là Bồ Tát đối với sự hành hóa của mình được mọi người tôn xứng là bậc thầy?

Thế nào là Bồ Tát nắm vững các việc thấu rõ tất cả?

Thiên Tử Tu Chân thưa hỏi rồi thì im lặng.

Đức Phật khen: Lành thay, lành thay! Thiên Tử Tu Chân! Chỗ thưa hỏi thật sâu xa, trí tuệ vượt hơn người đời, mới nghĩ ra các việc ấy để hỏi Như Lai. Ông là Bồ Tát đã phát tâm cứu giúp chúng sinh thoát khỏi sinh tử. Hãy lắng nghe và lãnh thọ, Như Lai sẽ vì ông mà giải, nói về ý nghĩa ấy vượt hơn chỗ đã hỏi để mau đạt được các sự việc như vậy.

Lúc đó, Thiên Tử lắng nghe và lãnh thọ.

Đức Phật bảo Thiên Tử: Bồ Tát có bốn việc thực hành để có được niềm tin chắc thật nơi đại thừa.

Những gì là bốn?

1. Dùng phương tiện thiện xảo để hội nhập vào trí tuệ không bị lay động.

2. Đứng vững với đại bi, an trụ nơi lòng từ vô hạn.

3. Dùng ý nghĩa của giáo pháp tùy theo chỗ hỏi đến để giải đáp.

4. Xác lập vững nơi đạo, mau chứng thần thông được trí hiểu biết về mọi thứ hiện có.

Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để được niềm tin vững chắc nơi đại thừa.

Đức Phật nói kệ:

An trụ phương tiện quyền xảo

Trí tuệ thâu tỏ không cùng

Nguyện hành đại bi rộng khắp

Ban vui, giải thoát cho người.

Nhờ phương tiện rõ nghĩa pháp

Được kết quả không chướng ngại

Chứng thần thông giáo hóa người

Cho nên không thể hủy hoại.

Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc thực hành để chỗ tạo tác kiên cố, không khiếp sợ.

Những gì là bốn?

1. Tinh tấn không thoái lui.

2. Làm thanh tịnh thân mình và khiến cho người khác được thanh tịnh.

3. Tâm ý hoàn toàn vắng lặng, đạt đến chỗ sâu xa của đạo.

4. Đối với pháp Phật không hề chán mệt nên đạt được mọi thành tựu.

Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để chỗ tạo tác luôn kiên cố, không khiếp sợ.

Đức Phật nói kệ:

An trụ vững nơi tinh tấn

Ở trung đạo, không nhị biên

Thanh tịnh không hề cấu uế

Thân, miệng, ý hành cũng vậy.

Tạo tác thường luôn vắng lặng

Do đó hợp nghĩa Phật thừa

Mong cầu lợi ích không chán

Thường nhớ nghĩ về pháp Phật

Bốn sự việc ở trên đâỵ

Vi diệu cần phải giữ gìn

Người nào an trụ pháp ấy

Sẽ được thẳng đến đạo quả.

Thông suốt hết thảy trong ngoài

Liền sớm được chứng đắc đạo

Hiện tại ở trong ba cõi

Không lâu sẽ làm Pháp Vương.

Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc thực hành để được phước đức thù thắng, không ai sánh bằng.

Những gì là bốn?

1. Dùng bát nhã Ba la mật chỉ dạy khắp các Bồ Tát.

2. Người chưa phát tâm bồ đề thì khuyến khích họ phát tâm.

3. Thường thực hành ba pháp nguyện:

Một là giới.

Hai là trí tuệ.

Ba là bình đẳng, ứng hợp với sự việc này để tạo công đức, không giận dữ.

4. Tâm luôn nhớ nghĩ về đạo, không hề buông thả.

Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để được phước đức thù thắng, không ai sánh bằng.

Đức Phật nói kệ:

Dừng trí tuệ Ba la mật

Chỉ dạy người được thông suốt

Đưa chúng sinh trụ vào đạo

Thường dùng tâm bồ đề ấy.

Khuyến khích người hãy gắng sức

Làm cho họ phát đạo tâm

Không thoái chuyển nơi ba phẩm

Nếu người tương ưng việc này.

Thì phù hợp với nghĩa đạo

Tất cả việc đã làm ấỵ

Là đã thành tựu công đức

Lần được tiếp cận nơi đạo.

Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc thực hành để nhận biết được các hành không còn bị ngăn ngại.

Những gì là bốn?

1. Mọi sự tạo tác thường dùng trí tuệ, không nên tùy tiện.

2. Biết các pháp đều do nhân duyên sinh ra, nên xa lìa ngã, ngã sở, không sân giận.

3. Dùng pháp không để thâu giữ tất cả.

4. Xa lìa ái dục, hiểu rõ về sáu trần.

Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để nhận biết được các hành, không còn bị ngăn ngại.

Đức Phật nói kệ:

Tạo tác thường dùng tuệ

Không nghịch, không tùy tiện

Thường dùng sức phương tiện

Không chấp vào các kiến.

Pháp này là không tịch

Quyết không lìa bỏ người

Vượt qua các Cõi Dục

Trong ngoài đều thanh tịnh.

Pháp tối thượng như thế

Đã an trụ bốn việc

Liền được trí vô ngại

Chứng tuệ Ba la mật.

Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc phải thực hành để xa lìa vô minh, phiền não, đạt được trí tuệ.

Những gì là bốn?

1. Chỗ lãnh hội không nhàm chán.

2. Ứng hợp với sự mong muốn của người để thuyết pháp, thuyết pháp không có sự mong cầu.

3. Tất cả mọi sự tạo tác đều như huyễn, đối với pháp giới, trí tuệ không bị hủy hoại.

4. Ngay lúc phát tâm bồ đề là nhập vào thành chánh pháp.

Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để xa lìa vô minh, phiền não, đạt được trí tuệ.

Đức Phật nói kệ:

Thường cầu học rộng

Nghe không chán đủ

Quán sâu nghĩa pháp

Đáp ứng mong cầu.

Được tổng trì rồi

Tự mình nói ra

Không lệ thuộc người

Có người lãnh thọ.

Tạo tác như mộng

Như huyễn, dợn nắng

Thấy tất cả pháp

Tối tăm như vậy.

Giả bày tu tập

Không hoại chánh pháp

Phát tâm thanh tịnh

Xa lìa khổ thọ.

Các pháp như vậy

Rất là thù thắng

Kinh này tôn quý

Thường phải gần gũi.

Lìa bỏ vô minh

Được trí tuệ sáng

Ở trong ba đời

Như mặt trời soi.

Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát có bốn việc thực hành để hội nhập vào các biện tài dũng mãnh, không còn sợ hãi.

Những gì là bốn?

1. Đạt được Đà La Ni, ghi nhớ không quên.

2. Có khả năng giải đáp những điều thưa hỏi, để dứt trừ sự nghi ngờ của họ.

3. Dùng đại bi giáo hóa tất cả chúng sinh hội nhập vào pháp không.

4. Mọi hành động đều xa lìa việc làm của ma, nên có được trí của thần thông.

Đó là bốn việc Bồ Tát cần thực hành để hội nhập vào các biện tài dũng mãnh, không còn sợ hãi.

Đức Phật nói kệ:

Đã được pháp tổng trì

Nghe rồi thì không quên

Giải đáp các câu hỏi

Đoạn trừ mọi nghi ngờ.

Đại bi giáo hóa khắp

Ở tất cả mọi nơi

Thần thông đã đạt được

Ma không thể quấy nhiễu.

Bốn sự việc như thế

Bồ Tát nên thực hành

Như vậy ở trong chúng

Dứt bặt mọi khiếp sợ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần