Phật Thuyết Kinh Tu Hành Bản Khởi - Phẩm Sáu - Phẩm Sáu Năm Tinh Cần Khổ Hạnh
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH TU HÀNH BẢN KHỞI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán
PHẨM SÁU
PHẨM SÁU NĂM TINH CẦN KHỔ HẠNH
Bồ Tát khởi tâm từ bi nghĩ khắp chúng sinh già suy lú lẫn, không thoát khỏi nỗi đau về bệnh tật, tử vong.
Ngài muốn khiến cho chúng sinh được giải thoát nên chuyên nhất tâm ý mà khởi tâm bi, thương xót chúng sinh bị tai họa gian nan đói khát, nóng lạnh, được mất và tội lỗi.
Ngài muốn khiến cho chúng sinh được an ổn nên chuyên nhất tâm ý mà khởi tâm Hỷ. Ngài quán thấy khắp thế gian đều phải gặp tai họa lo âu, khủng bố. Ngài muốn cho họ được nhẹ nhàng nên chuyên nhất tâm ý mà khởi tâm hộ. Ngài muốn độ chúng sinh thoát khỏi tám nạn trong năm đường, bị ngu si che lấp mê mờ không thấy đạo chân chánh.
Ngài quán niệm muốn cứu giúp cho họ được giải thoát, chuyên tâm nhất ý, được thiện không mừng, gặp ác không lo, xả bỏ tám việc ở thế gian như: Lợi dưỡng, suy hao, chê bai, khen ngợi, tôn xưng, quở trách, khổ đau, vui sướng, tám việc đó không làm lay động. Lúc ấy Bồ Tát thành tựu tầng thiền thứ hai.
Thái Tử tiếp tục đi đến dòng sông Tư Na, dòng sông nước chảy êm đềm có nhiều cây trái. Nơi nào cũng có suối chảy, ao tắm, nước lại trong mát không có sâu bọ, muỗi mòng, ruồi nhặng…
Vị đạo sĩ ở sông ấy tên là Tư Na, ông giảng dạy cho năm trăm người đệ tử tu theo phương pháp của ông. Lúc ấy Bồ Tát ngồi dưới gốc cây Ba La, dốc chí cầu đạo Vô Thượng Chánh Chân. Chư Thiên dâng Cam Lộ, Bồ Tát dứt khoát không nhận, tự thệ mỗi ngày chỉ ăn một hạt gạo, hạt mè để duy trì khí lực.
Ngồi tu như thế sáu năm, hình thể hao gầy chỉ còn da bọc xương nhưng tinh thần lại lắng sâu tĩnh mịch, nhất tâm tịch mặc, quán pháp an ban:
Một là sổ.
Hai là tùy.
Ba là chỉ.
Bốn là quán.
Năm là hoàn.
Sáu là tịnh.
Thái Tử quán pháp môn này đến mười hai lần như vậy, ý vẫn không bị tán loạn, đạt đến thần thông vi diệu, xả bỏ các pháp ác, không còn năm triền cái, không thọ năm dục, các việc ác tự tiêu diệt, nhớ nghĩ phân minh quán pháp vô vi. Thí như người dũng kiện thắng được oan gia, ý được thanh tịnh. Bồ Tát thành tựu tầng thiền thứ ba.
Trời Đế Thích suy nghĩ: Bồ Tát ngồi dưới gốc cây đã tròn sáu năm, hình thể gầy gò, ta phải làm cho người thế gian cúng thức ăn cho Bậc Chuyển Luân Vương để bù đắp lại sáu năm khổ hạnh.
Trời Đế Thích tác động tư tưởng hai cô gái tư na khiến trong giấc mộng hai cô thấy: Tất cả thiên hạ trở thành nước, trong nước ấy có một đóa hoa bảy báu chói sáng, trong chốc lát đóa hoa ấy bị héo úa, mất đi màu sắc tươi đẹp, rồi có người dùng nước rưới lên, đóa hoa sống lại. Các đóa hoa trong nước, lúc mới nẩy mầm che nước mà mọc ra.
Hai cô gái tỉnh mộng, lấy làm kinh ngạc cho là việc chưa từng có, đem trình với thân phụ, thân phụ của họ cũng không giải thích được. Họ đi hỏi khắp các người lớn tuổi, nhưng không ai trả lời được.
Trời Đế Thích lại hóa làm Phạm Chí để giải thích giấc mộng ấy cho cô gái nghe: Ngươi thấy thiên hạ trở thành nước và trong nước lại sinh một đóa hoa, đó là Thái Tử con Vua Bạch Tịnh khi mới ra đời, hiện đang ngồi dưới gốc cây đã sáu năm, thân hình gầy yếu, thể hiện lúc hoa héo úa.
Thấy một người lấy nước rưới lên, hoa tươi lại, đó là người dâng cúng thực phẩm. Hoa nhỏ nẩy mầm muốn mọc ra, đó là người sinh tử trong năm đường.
Lúc đó, Trời Đế Thích nói:
Sáu năm lòng vẫn vững
Đói lạnh cũng chẳng màng
Tinh tấn, không tham đắm
Hình gầy da bọc xương.
Các người nên cung kính
Dâng cúng cho Bồ Tát
Hiện đời được phước lớn
Đời sau hưởng quả lành.
Cô gái hỏi: Cách cúng thức ăn như thế nào?
Phạm Chí đáp: Nên lấy sữa của năm trăm con bò, lần lượt cho bò uống, giảm dần cho đến một con bò cuối cùng đã uống các dòng sữa kia, lấy nước sữa ấy nấu thành cháo, cho cháo sữa sôi bọt lên cao bảy nhẫn, rồi tay trái bưng ở trên, tay phải ở dưới, hoặc ngược lại mới rót cháo vào bát. Bát đựng cháo và muỗng phải sạch sẽ. Hai cô gái cung kính dâng bát cháo sữa lên Bồ Tát.
Bồ Tát suy nghĩ: Trước hết ta phải tắm gội sạch sẽ. Rồi mới dùng cháo. Ngài đến bên dòng sông tắm gội sạch sẽ. Khi tắm xong, Ngài muôn lên bờ thì được Thiên Thần đè cành cây che phủ.
Khi dùng xong bát cháo của hai cô gái dâng cúng, khí lực Thái Tử trở lại bình thường. Ngài chú nguyện cho hai cô gái được phước vô lượng và dạy cho họ biết quy kính Tam Tôn.
Thái Tử dùng cháo xong súc miệng, rửa tay, Ngài rửa bát rồi thả xuống sông, bát trôi ngược dòng chưa đến bảy dặm thì Trời hóa làm chim cánh vàng bay đến tha chiếc bát đi, đem đến để chung một chỗ với búi tóc của Thái Tử, rồi xây Tháp cúng dường. Khi ấy, Thái Tử vượt qua sông Ni Liên Thiền.
Ngài nói kệ:
Vượt sông Ni Liên Thiền
Từ Bi thương chúng sinh
Ba độc trong năm đường
Đoạn trừ như nước sạch.
Bồ Tát lại suy nghĩ:
Chúng sinh đọa si ám
Phải dùng tám thứ nước
Rửa sạch ba độc nhơ.
Như thế mới lên bờ
Có năm trăm Thanh Tước
Bay lượn quanh Bồ Tát
Hót vang nhiễu ba vòng.
Rồi Bồ Tát tiếp tục đi qua ao của con Rồng mù.
Rồng rất vui mừng vọt lên gặp Bồ Tát, nói kệ:
Lành thay gặp Tất Đạt
Đến cứu sao chậm thế
Phụng thỉnh tất cả chúng
Nước cam lộ vô thượng.
Ngài đi đất chấn động
Âm nhạc tự nhiên trổi
Chính Chư Phật quá khứ
Đối con không có nghi.
Ngài đem tuệ vô thượng
Hàng phục các ma oán
Mặt trời Phật chiếu soi
Thức tỉnh khắp muôn loài.
Thái Tử lại tiếp tục đi, Ngài trông thấy núi rừng rậm rạp, đất đai bằng phẳng, khắp nơi thanh tịnh, cỏ xanh mềm mại, suối ngọt chảy đầy, hoa hương tinh khiết tốt tươi.
Trong khu rừng này có một cây cao lớn đặc biệt, các cành cây mọc theo tầng lớp, cành lá sum suê, màu hoa xinh đẹp rực rỡ như Trời trang sức, ngọn cây như chiếc phướn Trời. Đó là biểu tượng tốt đẹp nhất, là Vua trong rừng cây. Lúc ấy Bồ Tát đi mấy bước nữa thì thấy có một người đang cắt cỏ.
Ngài hỏi: Bạn tên là gì?
Tôi tên là Cát Tường. Vậy cỏ bạn cắt là cỏ Cát Tường!
Bạn cho tôi một ít cỏ thì mười phương đều cát tường.
Khi ấy Cát Tường nói kệ:
Từ bỏ ngôi Thánh Vương
Bảy báu và Ngọc Nữ
Giường tòa bằng vàng bạc
Nệm, thảm dệt gấm lụa
Tiếng chim vui cát tường
Âm hưởng đến bát độ
Siêu việt hơn Phạm Thiên
Ngài dùng cỏ làm gì?
Bồ Tát đáp:
Ta nguyện A tăng kỳ
Muốn độ khắp quần sinh
Nay đến hoàn bản nguyện
Vì thế ta xin cỏ.
Nếu ngươi có cỏ rối
Đem đến gốc cây to
Thế gian lòng đều rối
Ta sẽ khiến cho ngay.
Hãy đem cỏ trải đất
Bằng phẳng như ta nói
Bồ Tát sẽ ngồi lên
Tất cả nhờ ân này.
Bồ Tát nguyện ba điều
Ngồi ở cội cây này
Nếu ta không đắc đạo
Trọn không bỏ lời thề:
Dầu thân ta khô héo
Chưa thành, không đứng lên
Khi xưa Phật đắc đạo
Đều phát từ nhất tâm.
Khi ấy Bồ Tát ngồi yên nhập định, bỏ tâm khổ, lạc, không tưởng ưu, hỷ, tâm không vin thiện, cũng không dựa ác, ở ngay trung đạo.
Ví người tắm gội sạch sẽ, phủ lên mình tấm áo choàng trắng, trong ngoài đều sạch, hoàn toàn không có bụi nhơ, hơi thở tự diệt, trong vắng lặng an tịnh, Ngài đạt được tầng thiền thứ tư.
Đã thành tựu thiền định, Bồ Tát không rời xa tâm đại bi, dùng phương tiện trí tuệ thấu suốt những điều sâu xa vi diệu, thông rõ ba mươi bảy phẩm đạo.
Những gì là ba mươi bảy phẩm?
Đó là:
1. Tứ ý chỉ.
2. Tứ ý đoạn.
3. Tứ thần túc.
4. Ngũ căn.
5. Ngũ Lực.
6. Thất giác ý.
7. Bát trực hành.
Bồ Tát quán trở lại từ đầu: Khổ, không, vô thường, vô tưởng, vô nguyện, nghĩ đến thế gian do tham ái, tham dục phải đọa trong khổ tử sinh, ít có người có thể tự giác, vốn bắt nguồn từ mười hai nhân duyên.
Những gì là mười hai nhân duyên?
Đó là: Duyên si hành có thức, duyên thức hành có danh tự, duyên danh tự hành có lục nhập, duyên lục nhập hành có lạc, duyên lạc hành có thống thọ, duyên thống thọ hành có ái, duyên ái hành có thủ, duyên thủ hành có hữu, duyên hữu hành có sinh, duyên sinh hành có lão, tử, ưu, bi, khổ thống, phiền não, đại hoạn, đầy đủ cả một khối đau khổ, từ đó chuyển đọa trong sinh tử.
Người muốn đắc đạo phải đoạn trừ tham ái, trừ diệt dục tình, hoàn toàn vắng lặng vô vi. Lúc ấy si mới diệt, si diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh tự diệt, danh tự diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì lạc diệt, lạc diệt thì thống thọ diệt.
Thống thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt. Thủ diệt thì hữu diệt. Hữu diệt thì sinh diệt. Sinh diệt thì lão, tử, ưu, bi, khổ thống tâm, phiền não đều đoạn tận. Lúc đó gọi là đắc đạo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phạm Thiên Thưa Hỏi - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cho Gì được Sức Lớn
Phật Thuyết Kinh ánh Sáng Hoàng Kim - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Thọ Ký Thành Phật
GHI DẤU TRÊN THUYỀN ĐỂ TÌM ĐỒ RƠI XUỐNG BỂ
Phật Thuyết Kinh đại Phổ Hiền đà La Ni
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh Thập Thượng - Phần Hai - Một Pháp
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Chín - Phẩm Sa Môn - Phần Mười - Pankadhà