Phật Thuyết Kinh Tuệ Thượng Bồ Tát Vấn đại Thiện Quyền - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TUỆ THƯỢNG BỒ TÁT

VẤN ĐẠI THIỆN QUYỀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN BA  

Bồ Tát Ái Kính nguyện như vậy:

Giả sử người nữ ái kính ta

Tức thường khiến chuyển thân tướng nữ

Chóng làm nam tử hơn hẳn người.

A Nan lại xét công đức ấy

Người khác do đấy đọa địa ngục

Do tâm buông lung tham đắm sắc

Nhân ái dục chuyển làm thân nam.

Tâm ấy Thiên Tử cúng dường ta

Thường do cung kính đạt an lạc

Chỗ cúng dường kia, khó tính kiếp

Sẽ được thành Phật Hiệu Thiện Kiến.

Năm trăm người này phát tâm đạo

Cũng sẽ tự đạt Nhân Trung Tôn

Người nghe điều ấy chẳng cúng Phật

Tâm vui thích kia luôn an lạc.

Xét nơi Bồ Tát ái kính này

Giáo hóa người nữ chẳng một, hai

Vô lượng trăm ngàn ức na thuật

Đem tâm ái dục đứng nơi đạo.

Tức là Dược Vương danh đức lớn

Nhân đâu Bồ Tát bị cấu uế

Phiền não nhân duyên thí an ổn

Huống nữa cúng dường, làm Phật sự.

Hiền Giả A Nan bạch Phật: Cũng như có người ở gần núi Tu Di đều tùy theo ánh sáng rực rỡ của ngọn núi mà có màu vàng ròng. Nếu như có tâm hoan hỷ, muốn hiểu rõ về ý nghĩa, có tâm phụng hành đạo pháp, có thể gần gũi nơi Bồ Tát thì đều đạt được toàn bộ, hướng tới các trí tuệ thông tỏ, tâm tánh như nhiên.

Con từ nay xin bắt đầu phụng trì Bồ Tát, như núi Tu Di. Cũng như Dược Vương tên là Kiến Dũ, người có thanh tịnh hoặc giận dữ, trông thấy vị thuốc ấy thì các thứ bệnh đều diệt trừ. Bồ Tát cũng như vậy. Người có tâm thanh tịnh, bất tịnh, tâm dâm, nộ, si, được hầu cận Bồ Tát, thì đều dứt trừ.

Đức Phật khen ngợi Hiền Giả A Nan: Lành thay! Này Hiền Giả A Nan! Đúng như lời Hiền Giả đã nói.

Hiền Giả Đại Ca Diếp bạch Phật: Thưa đấng Thiên Trung Thiên! Thật khó sánh kịp. Bồ Tát Đại Sĩ là chẳng thể nghĩ bàn. Ở nơi chốn hành hóa, vì các chúng sinh hiện bày sự vô úy. Đối với các pháp không, vô tướng, vô nguyện, hàng Thanh Văn, Duyên Giác chỉ thực hành pháp ấy.

Còn Bồ Tát thì cứu giúp khắp, tạo sự chuyển biến, khiến hội nhập nơi dấu vết của các trí tuệ thông đạt, dùng phương tiện thiện xảo để thuận hợp nơi tâm chúng sinh, trọn không chán bỏ chỗ uế nhiễm nơi sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Hiền Giả Đại Ca Diếp lại bạch Phật: Con có thể đưa ra ví dụ để tán thán về chỗ hành hóa của Bồ Tát chăng?

Phật bảo: Có thể tán thán.

Hiền Giả Đại Ca Diếp nói: Ví như nơi đồng hoang mênh mông vắng vẻ, hoàn toàn không có người, tự nhiên có bức tường, trên lên tới Cõi Trời Ba Mươi Ba, chỉ có một cửa. Vô số người đều đi vào vùng đồng hoang kia. Cách đấy không xa có một thành lớn, là vùng đất giàu có, lúa gạo dồi dào, người hèn kém cũng được sung sướng, an lạc, dân chúng đông đảo không thể tính kể.

Ở tại thành đó tức như thành kim cương, bên cạnh có sông, bên sông có đường đi rộng, trong đường đi ấy có những người thông tuệ, sáng suốt, luôn nhận biết, suy niệm về ý nghĩa, mang tâm thương xót, muốn cứu độ những người đi vào chốn đồng hoang vắng kia, cất tiếng gọi vang: Cách chốn đồng hoang vắng ấy không xa, là ngôi thành lớn, an lành, vĩnh viễn không sợ chết. Ta là vị Đạo Sư dẫn dắt các người tới chốn an lạc.

Những người kia đáp: Chúng tôi không đi đến nơi quá vắng lặng, chỉ muốn trông thấy hình dáng ngôi thành, thành tự nhiên hiện ra, khi ấy mới đi tới.

Lúc này, có người hiểu được chỗ vi diệu, nên nói: Thường đi đến là tùy theo chỗ nhân đức được tích tụ. Chúng tôi như thế chỉ là những người phước mỏng. Số đông kia nghe âm thanh ấy rồi, chẳng tin, chẳng vui thích, chẳng theo sự giáo hóa đó, nên không vượt qua được vùng đồng hoang vắng.

Những người hiểu được chỗ vi diệu này thì vượt qua được vùng đồng hoang vắng đó, xem xét đường đi do con sông, nên nhân theo đấy mà tiến lên. Hai bên có những khe suối lớn, sâu đến hàng trăm ngàn trượng, giăng bày các thứ cây cỏ, bốn phía làm cầu để cứu giúp chỗ nguy hiểm theo bốn nẻo ra khỏi, không bị ngăn ngại. Nếu có lũ giặc đông đảo từ phía sau đuổi theo cũng không sợ hãi. Giặc tự nhiên thoái lui, hoàn toàn không còn quay trở lại.

Cứ dần dần đi về phía, cũng không còn lo sợ. Không nhìn, ngó hai bên tức thấy được thành lớn. Càng gần tới thành ấp thì tâm không còn hồ nghi. Vào được thành rồi, vì vô lượng người, hiện rõ về nghi thức, làm tăng trưởng phước đức.

Hiền Giả Ca Diếp nêu bày rồi tán thán. Vùng đồng hoang vắng rộng lớn là dụ cho chốn khổ nạn của sinh tử. Bức tường cao đến Cõi Trời Ba Mươi Ba là dụ cho chỗ tham đắm nơi ái dục, không có trí tuệ. Chỉ có một cửa là dụ cho Đại Thừa.

Vô số người đi vào vùng đồng hoang vắng là dụ cho chúng phàm phu ngu tối. Người có trí tuệ, phát nguyện kêu gọi những kẻ kia là dụ cho hàng Bồ Tát, Đại Sĩ, luôn yêu thích các pháp Ba La Mật. Những người tâm chí thấp kém, không đi đến, chỉ muốn trông thấy thành là dụ cho hàng Thanh Văn, Duyên Giác.

Nên nói: Thường đi đến là tùy theo chỗ nhân đức tích tụ tức là Bồ Tát. Người nghe tiếng gọi mà không tin là dụ cho hàng ngoại đạo dị học theo các nẻo tà. Vượt qua vùng đồng hoang vắng là dụ cho việc phụng hành tinh tấn, đạt đến các trí tuệ thông tỏ, tu tập các pháp Tam Muội. Con đường do nơi dòng sông là dụ cho Pháp Môn.

Hai bên có những khe, suối lớn sâu trăm ngàn trượng là dụ cho quả vị Thanh Văn và thừa Duyên Giác. Giăng bày các cây cỏ để làm cầu cho bốn bên là dụ cho phương tiện thiện xảo với trí tuệ Ba La Mật. Bốn con đường đi ra không bị ngăn ngại là dụ cho Bồ Tát thực hành bốn ân bốn nhiếp pháp, thâu giữ vô lượng chúng sinh.

Lũ giặc đuổi theo chẳng sợ, tự nhiên thoái lui là dụ cho quyến thuộc của ma, cùng những kẻ dựa nhờ. Trọn không quay trở lại là dụ cho nhẫn nhục Ba La Mật. Dần dần tiến lên phía trước là dụ cho chỗ mở bày, giáo hóa của Bồ Tát theo tinh tấn Ba La Mật. Cũng chẳng lo sợ là dụ cho, do tâm thanh tịnh mà phát khởi chí bình đẳng giac ngộ cho tất cả chúng sinh.

Không nhìn ngó hai bên là dụ cho tâm chí không ưa thích chỗ lợi lạc của hàng Nhị Thừa. Tức thấy thành lớn là dụ cho việc đạt đến các trí tuệ thông tỏ Nhất thiết trí. Càng gần tới thành là dụ cho công đức của bậc kiến đạo tu tập trí tuệ Phật.

Tâm không hồ nghi là dụ cho phương tiện thiện xảo vận dụng các pháp Ba lamật để có được trí tuệ sáng tỏ, có thể nhận thấy khắp hết thảy chúng sinh không con sợ hãi, ghét bỏ. Vào thành rồi, vì vô lượng người, hiện bày nghi thức, làm tăng trưởng phước đức là dụ cho Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Phật, đấng Thiên Trung Thiên vừa xuất hiện ở đời, liền vì các Bồ Tát an lập nơi danh hiệu, kiến tạo nghĩa lợi rộng lớn!

Đức Thế Tôn khen ngợi Hiền Giả Đại Ca Diếp: Lành thay! Lành thay! Đấy mới thật là tán thán với các dụ.

Khi nêu bày sự việc này, có một vạn hai ngàn Chư Thiên và người phát tâm Bồ Đề cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Đức Phật bảo Hiền Giả Ca Diếp: Đức hạnh của Bồ Tát là không thể tính kể. Tu học đúng đắn, sử dụng phương tiện thiện xảo vi diệu, nẻo hành hóa của bậc Đại Sĩ chẳng vì đề cao mình mà không hành thí cho người. Không nói có ta, cũng không nói có người.

Bồ Tát Tuệ Thượng bạch Phật: Thế nào gọi là Nhất sinh bổ xứ, vào thời Phật Ca Diếp đã nói lời ấy, cho là được hầu cận vị Sa Môn cạo tóc đó, sao có thể có đạo, vì Phật Đạo khó đạt được?

Thưa Thế Tôn! Bấy giờ, do duyên gì mà nói như vậy?

Phật bảo Bồ Tát Tuệ Thượng: Này Thiện Nam! Nên dừng lại! Không thể hạn chế khi xét về chỗ hành hóa của Như Lai cùng các Đại Sĩ.

Vì sao?

Vì phương tiện thiện xảo của hàng Bồ Tát, Đại Sĩ là không thể nghĩ bàn. Như có hàng chánh sĩ nên hành theo pháp quán ấy, duyên vào đấy để hóa độ mọi người.

Này Thiện Nam! Hãy lắng nghe, khéo suy niệm. Có Pháp Môn gọi là phương tiện thiện xảo.

Bồ Tát, từ thời Phật Định Quang đến nay, chỗ trí tuệ hưng khởi là bất khả tư nghì, tùy hoàn cảnh thích hợp mới có thể phát khởi, giảng giải pháp Bồ Tát. Từ khi gặp Đức Thế Tôn Định Quang trở đi, Ta đã đạt được pháp nhẫn vô sinh, không một chút thiếu sót, tỳ vết hay quên mất, tâm cũng không tạp loạn, trí tuệ không tổn giảm.

Đã chứng đắc pháp nhẫn rồi, thì nẻo hành trì của Bồ Tát, bảy ngày thiền định, chỉ trong khoảng một niệm là thành Phật. Có Bồ Tát dốc chí phát tâm, trong thời gian phát tâm ấy dụ cho một kiếp, vì tất cả mọi người ở nơi đó, thị hiện để giáo hóa chúng sinh. Do diệu lưc của trí tuệ, muốn được thành Phật với sự giác ngộ đại bình đẳng, nên trong vô lượng ức kiếp đã có nhiều chỗ phát khởi xưng tán tà kiến. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Lại nữa, này Thiện Nam! Hàng Thanh Văn giả sử đạt được tự tại, thì đối với các pháp Tam Muội rõ là chưa từng có, chẳng đạt tới pháp định nơi Tam Muội của Bồ Tát: Thân cũng chẳng động, tâm không niệm tưởng, cũng không phải là chỗ thân tâm của chúng nhân đạt được.

Lại như Bồ Tát thực hành chánh thọ Tam Muội, chẳng tiến chẳng thoái, thường dùng bốn ân bốn nhiếp pháp để cứu giúp, thâu giữ muôn loài, không làm mất tinh tấn, không bị rơi vào biếng trễ, mà luôn vì mọi người nêu giảng sáu pháp Ba La Mật. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Lại nữa, này Thiện Nam! Bồ Tát trong khoảnh khắc phát tâm, ở nơi Cõi Trời Đâu Suất đạt đến Chánh Đẳng Chánh Giác, chuyển pháp luân, người nơi cõi Diêm Phù Đề không thể tự đạt được: Bay lên Cõi Trời Đâu Suất để nghe, nhận Kinh Pháp.

Bồ Tát tâm niệm: Chư Thiên nơi Cõi Trời có thể đi xuống tới cõi này. Do đó, Bậc Chánh Sĩ, ở nơi cõi Diêm Phù Đề thị hiện thành Phật. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Lại nữa, này Thiện Nam! Bồ Tát phát tâm, có thể từ Cõi Trời Đâu Suất hốt nhiên biến mất, chẳng do bào thai, trong khoảnh khắc một thời, thành tựu bậc Tối Chánh Giác.

Người thân có hồ nghi về chỗ từ đâu đến là Cõi Trời chăng, hay là từ cõi Kiền đà la biến hóa tạo nên?

Nếu có hồ nghi nên không nghe nhận pháp?

Do đấy Bồ Tát thị hiện việc vào nơi bào thai. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Lại nữa, này Thiện Nam! Không được dấy khởi niệm cho Bồ Tát ở nơi bào thai, chớ mang ý nghĩ như thế. Bồ Tát, Đại Sĩ không sinh từ tinh cha huyết mẹ.

Vì sao?

Có pháp Tam Muội tên là Vô Cấu. Bồ Tát Đại Sĩ, dùng pháp chánh thọ ấy để tự trang nghiêm. Người nơi cõi Đâu suất cho Bồ Tát mất đi mà không dao động, không thấy Bồ Tát du hóa nơi bào thai, thị hiện ở trong bụng mẹ, từ nơi hông sinh ra, bỏ ngôi vị Quốc Vương và chốn hoàng gia, tìm tới ngồi ở cội Bồ Đề, thị hiện hạnh siêng năng chịu khổ cực, hiện bày cùng khắp, không nơi chốn nào là không biến hóa, nhưng không mệt nhọc, bị quấy nhiễu, cũng không bị cấu nhiễm.

Vì sao?

Vì điềm lành của Bồ Tát về chỗ hóa hiện đều thanh tịnh. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Tuệ Thượng: Do đâu Bồ Tát tự hóa thân tướng với màu sắc vàng ánh, thị hiện vào thai mẹ?

Bồ Tát Tuệ Thượng đáp: Đó là phẩm loại vắng lặng, thanh tịnh, sáng rõ.

Đức Thế Tôn nói: Đúng vậy! Nơi sinh của Bồ Tát, đối với chúng sinh là tôn quý bậc nhất, tức là do hóa sinh mà đến. Chư Thiên, loài người không thể sánh kịp. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Thế nào là Bồ Tát ở trong thai mẹ gồm đủ mười tháng?

Đáp: Vì nếu không đủ mười tháng mà sinh, thì mọi người sẽ dấy khởi niệm cho là ở nơi thai mẹ, ngày tháng không đủ, các căn cũng không đủ nên thị hiện đủ mười tháng. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Do đâu Bồ Tát sinh nơi vườn cây, không ở trong hoàng cung?

Bồ Tát ở trong cõi sinh tử, thường tu tập nơi vắng vẻ, chí ưa thích chốn tịch tĩnh, hành thanh tịnh bình đẳng. Lại nhằm khiến cho các chúng Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Càn Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hầu La Già, người và phi nhân đều xả bỏ nhà cửa, cúng dường nơi vắng lặng.

Các thứ hoa hương ay sẽ lan tỏa khắp thiên hạ, khiến cho dân chúng trong nước Ca Duy La Vệ đều hoan hỷ, thích thú, không còn phóng dật. Do đấy, Bồ Tát đã sinh ra bên dưới tàng cây, ở nơi chốn vắng lặng, không sinh nơi hoàng cung. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Do đâu Bồ Tát từ nơi nách bên phải sinh ra?

Nếu không như thế thì mọi người có sự hồ nghi, tức cho là Bồ Tát do nơi tinh cha huyết mẹ tạo thành, nên ở trong thai tạng, chứ không phải là hóa sinh. Mọi người tất sẽ nhân đấy mà nghi ngờ, do dự, không quyết đoán.

Do đấy mà thị hiện khiến mọi người thông tỏ. Bồ Tát tuy từ nơi nách bên phải sinh ra nhưng người mẹ không bị thương tật gì, ra vào an ổn. Từ xa xưa, các bậc Tôn Thánh dựa nơi thời gian đều như thế, nẻo hành không trái. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Do đâu mẹ của Bồ Tát vin nơi cành cây, sau đấy Bồ Tát mới sinh ra?

Nếu không như vậy thì mọi người sẽ cho, hoàng hậu tuy sinh Bồ Tát tất có lo buồn. Nếu như hàng phàm phu thì không có gì đặc biệt, ở đây nhằm vì mọi người thị hiện sự an ổn. Người mẹ vừa vin vào cành cây, tâm tánh hòa nhã, dịu dàng, thì Bồ Tát đản sinh. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Thế nào là Bồ Tát an nhiên, tịch tĩnh, hốt nhiên sinh ra thân tướng thanh tịnh không có cấu uế. Bồ Tát là bậc chí tôn, tối thượng trong ba cõi, tuy ở nơi thai mẹ, nhưng như ánh sáng mặt trời tỏa chiếu nơi làn nước trong lành, không chỗ vướng mắc, chẳng tăng chẳng giảm. Do đấy đã thị hiện sinh từ nơi hông bên phải, không giống với hàng phàm phu. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Vì sao Bồ Tát vừa sinh ra, chỉ trong chốc lát, Trời Đế Thích liền hiện ra trước mặt, cung kính đảnh lễ, phụng hành, mà không sai khiến vị trời khác?

Vì trời Đế thích từ vô thỉ đã lập bản nguyện: Nếu Bồ Tát đản sinh thì sẽ đem tâm thanh tịnh mà phụng trì, thọ nhận, cũng là nhằm nêu rõ chỗ công đức gốc của Bồ Tát. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Do đâu Bồ Tát, vừa nhìn thấy, cảm thọ, thì bước đi bảy bước trên đất, không là tám bước?

Đấy là chỗ ứng hiện sự an lành của Bậc Chánh Sĩ, ứng hợp với bảy giác ý, giác ngộ cho những người chưa giác ngộ. Từ xưa đến nay, chưa từng có ai mới sinh đã thị hiện đi bảy bước. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Do đâu Bo tát đi bảy bước, đưa tay lên, nói: Trên trời, dưới trời, ta là bậc Thế Tôn, tối thượng bậc nhất, sẽ diệt trừ hoàn toàn nguồn gốc của sinh, lão, bệnh, tử.

Các vị Đế Thích, Phạm Thiên, Phạm Chí cùng các Thiên Tử, lúc ấy nơi chúng hội không đâu là không vân tập, đông đủ, nếu không thị hiện tướng ấy thì họ đều tự tôn, mang tâm kiêu mạn, không đến đảnh lễ, hầu cận Bồ Tát. Bồ Tát nhớ nghĩ, thương xót đến các chúng Chư Thiên, Phạm chí, ngoại đạo, trong đêm dài sinh tử, không được an lạc, tất bị đọa nơi cõi ác, chịu mọi thống khổ.

Do đấy Bồ Tát cất tiếng tự tán thán: Trên Trời dưới Trời, ta là bậc Thế Tôn, tối thượng bậc nhất. Trí tuệ, phương tiện siêu vượt, khác lạ, một mình bước đi, không có bè bạn. Sẽ diệt trừ hoàn toàn cội rễ của sinh, lão, bệnh, tử!

Do âm thanh ấy vang khắp tam thiên Đại Thiên Thế Giới. Các vị Thiên Tử chưa có mặt thì nhờ âm thanh này mà đi đến. Bấy giờ, các Phạm Chí dị học, cùng các Thiên Tử đều đều cung kính đảnh lễ, chấp tay hướng về chỗ Bồ Tát. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Thế nào là Bồ Tát hết sức hoan hỷ mà cười, không cười vì đùa cợt, không cười vì dua nịnh?

Bồ Tát suy niệm: Hết thảy các loài vốn cùng với ta kết hợp, nên đều có thể phát tâm Bồ Đề, cầu đạt đạo quả Vô Thượng Chánh Giác. Do vì sợ hãi, biếng nhác, buông lung, tùy tiện nên trở thành thấp kém, ngu tối, cao ngạo.

Nhờ nghe âm thanh ấy mà hiểu rõ về tất cả các pháp, cho đến những trí tuệ thông tỏ, cần tinh tấn thấu đạt, khiến quy mạng nơi Phật, đạt được các nguyện, quả phước cũng gồm đủ khắp. Vì thế, bậc Chánh sĩ thị hiện sự hoan hỷ lớn và cười. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Vì sao Bồ Tát vốn thanh tịnh, không cấu nhiễm mà lại phải tắm rửa?

Các vị Đế thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương đều nhận thấy cần cung kính, hầu cận Bồ Tát. Phàm là người mới sinh, đều phải tắm rửa. Bồ Tát thanh tịnh, nhưng thuận theo thế gian, giống như người đời phải tắm rửa, vì vậy nên thị hiện ý nghĩa ấy. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

Do đâu Bồ Tát thời gian sau khi sinh, đi đến ngồi nơi cội cây, ở chỗ vắng vẻ, sau đấy mới vào thành?

Vì nhằm có đầy đủ gốc của các căn, thị hiện nơi hoàng cung đàn ca, kỹ nhạc, vui chơi, do đấy mà hiện rõ duyên, khiến mọi người học hỏi giáo pháp, lìa bỏ tài sản, vật báu, ưa thích nơi pháp giải thoát. Vào nhà, lại ra, không dấy khởi hạnh khác. Bỏ nhà, xuất gia học đạo tức an tọa nơi cội Bồ Đề. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần