Phật Thuyết Kinh Tượng Dịch - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Ma Mật Đa, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT KINH TƯỢNG DỊCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đàm Ma Mật Đa, Đời Lưu Tống
PHẦN HAI
Này Văn Thù Sư Lợi! Như vậy là Bồ Tát sinh trong nhà nghèo hèn nhưng vẫn thọ niềm vui của Vua Chuyển Luân.
Văn Thù Sư Lợi bạch: Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ Tát thị hiện vào trong các đường mà vẫn cảm thọ niềm vui của Thánh Đạo thù thắng?
Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Khi Bồ Tát đã nhập vào tam muội có tên là Kiến nhất thiết hạnh vô tác quang minh. Bồ Tát ở trong tam muội này thị hiện vào trong các nẻo đường mà vẫn cảm thọ niềm vui của Thánh Đạo thù thắng.
Này Văn Thù Sư Lợi! Như vậy là Bồ Tát hiện vào trong các đường mà vẫn thọ niềm vui Thánh Đạo thù thắng.
Khi ấy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như thế nào là Bồ Tát khéo biết dạo chơi, qua lại, trong tất cả Cõi Phật, mà vẫn bất động tại chỗ, cũng không qua lại, vẫn hiển hiện nơi các Cõi Phật, như bóng trăng hiển hiện trong nước?
Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Khi Bồ Tát đã nhập vào tam muội, có tên là Quá ư nhất thiết ngôn thuyết vượt ngoài nói năng. Bồ Tát trụ trong tam muội này thì Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phía, trên dưới, trong tất cả mười phương Thế Giới, Ngài sẽ thị hiện thân hình mà vẫn bất động ở một chỗ, chẳng có qua lại. Ở trong tam muội này được thấy Chư Phật, cũng được nghe pháp.
Này Văn Thù Sư Lợi! Như vậy, Bồ Tát khéo biết qua lại, dạo chơi, tất cả Cõi Phật mà vẫn bất động ở một chỗ, không có qua lại, hiện ra ở các Cõi Phật như trăng trong nước.
Lúc bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch: Bạch Thế Tôn! Như thế nào là Bồ Tát nói ra tất cả ngôn ngữ, mà không có lời nào, không được người nghe ưa thân cận?
Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu Bồ Tát, mà được là Đà La Ni tên là Vô Lượng. Được rồi lại luôn thọ trì, nhập vào vô lượng tâm, biết được vô lượng ngôn ngữ. Bồ Tát này được năng lực của Đà La Ni, nên khi nói ra các thứ ngôn ngữ, ai nghe cũng muốn thân cận.
Này Văn Thù Sư Lợi! Như vậy là Bồ Tát nói ra điều gì không lời nào là không được người nghe muốn thân gần.
Lúc bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đúng là Bồ Tát thực hành pháp phương tiện rất khó.
Bạch Thế Tôn! Bồ Tát nào khi nhập vào trong Kinh này, thì nên dùng những pháp gì để được vào?
Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát, muốn nhập vào Kinh này giống như hiểu rõ được tính chất của hư không.
Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Hư không là như thế nào?
Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Hư không thì không nhiễm dục, cũng không sân, không si.
Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp, cũng lại như vậy, không nhiễm sân, si.
Này Văn Thù Sư Lợi! Đúng là hư không, thì chẳng phải do ban cho mà thành tựu. Chẳng phải do điều răn dạy mà thành tựu. Chẳng phải do nhường nhịn mà thành tựu. Chẳng phải do siêng năng mà thành tựu. Chẳng phải do thiền định mà thành tựu. Cũng chẳng phải do trí tuệ mà thành tựu.
Như vậy, này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp, cũng lại như vậy. Chẳng phải do ban cho mà thành tựu, cũng chẳng phải do răn dạy, nhường nhịn, siêng năng, thiền định, trí tuệ mà được thành tựu.
Này Văn Thù Sư Lợi! Cũng như hư không, chẳng phải trí, chẳng phải đoạn.
Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp, cũng lại như vậy, chẳng phải trí, chẳng phải đoạn.
Này Văn Thù Sư Lợi! Cũng như hư không, chẳng phải tu, chẳng phải chứng.
Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp, cũng lại như vậy, chẳng phải cần tu chứng.
Này Văn Thù Sư Lợi! Cũng giống như hư không, chẳng phải tối, chẳng phải sáng.
Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp, cũng lại như vậy, chẳng phải tối, sáng.
Này Văn Thù Sư Lợi! Cũng như hư không, cùng khắp tất cả, mà chúng ta không thể cầm, nắm.
Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp cũng lại như vậy, cùng khắp tất cả mà ta không thể cầm nắm.
Này Văn Thù Sư Lợi! Cũng như hư không, chẳng phải tiến đến chánh đạo, cũng chẳng phải tiến đến tà đạo.
Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp cũng lại như vậy, không phải tiến đến, dù chánh hay tà đạo.
Này Văn Thù Sư Lợi! Cũng như hư không, chẳng phải Thanh Văn thừa, chẳng phải Duyên Giác thừa, cũng chẳng phải Phật thừa.
Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp, cũng lại như vậy, chẳng phải Thanh Văn, Duyên Giác, kể cả Phật thừa.
Này Văn Thù Sư Lợi! Cũng như hư không, chẳng phải suy nghĩ, chẳng phải trí tuệ.
Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp cũng lại như vậy, chẳng phải suy nghĩ, chẳng phải trí tuệ.
Này Văn Thù Sư Lợi! Cũng như hư không, chẳng phải động, chẳng phải phát. Chẳng phải không động, phát.
Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp, cũng lại như vậy, chẳng phải động, phát, chẳng phải không động, phát.
Này Văn Thù Sư Lợi! Cũng như hư không, chẳng phải động, phát, chẳng phải không động, phát.
Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát cũng vậy, đối với hết thảy các pháp, chẳng phải động, phát, chẳng phải không động, phát.
Này Văn Thù Sư Lợi! Cũng như hư không, không có chúng sinh hay nhiễm ô.
Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp, cũng lại như vậy, đó là rốt ráo Niết Bàn, không nhiễm, chẳng phải vắng lặng, chẳng phải không vắng lặng.
Này Văn Thù Sư Lợi! Cũng như hư không, trụ không có chỗ trụ, không lay không động, không chỗ trụ.
Văn Thù Sư Lợi! Các hàng Bồ Tát cũng lại như vậy. Thấy các chúng sinh trụ không chỗ trụ, được thật sự không động, không lay, không trụ.
Văn Thù Sư Lợi! Đúng với thật tướng của các pháp. Nếu muốn thấy Như Lai thì chính là tà kiến. Chính tà kiến này cũng là chánh hạnh. Nếu là chánh hạnh, thì trong việc ban cho không có quả lớn, cũng không có quả báo lớn.
Nếu kẻ kia, trong khi ban cho, không thấy có quả báo lớn, thì đúng là ruộng phước ở đời. Nếu là ruộng phước ở đời, thì trong chỗ ban cho không có quả báo. Nếu thí mà không có quả báo, ấy là đầy đủ trí không thật. Người nào đầy đủ trí không thật thì những vị ấy mau được vô sinh pháp nhẫn.
Khi ấy, trong chúng có sáu mươi Thầy Tỳ Kheo Tăng thượng mạn, nghe Đức Phật nói pháp như vậy, họ liền suy nghĩ: Thật là một con đường tối tăm. Nếu Như Lai giảng nói như thế, chẳng khác gì ngoại đạo nói.
Những ngoại đạo: Phú Lan Na Ca Diếp, Mạt Già Lê Kiều Xá Da, A Kỳ Đa Xí Xá, Khâm Bà La San Xà Da, Tỳ La Đê Tử, Ba Phục Đa Ca Chiên Diên, Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử… cũng đều nói như vậy. Đức Phật nay cũng nói như vậy!
Lúc bấy giờ, Thế Tôn biết ý nghĩ của sáu mươi Tỳ Kheo Tăng thượng mạn như vậy, liền bảo Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Này Văn Thù Sư Lợi! Đúng như vậy, đúng như vậy! Đức Như Lai, vừa rồi nói pháp, có kẻ hiểu lầm, cho là giống như ngoại đạo.
Nhưng ngoại đạo thật, thì không làm sao, hiểu được lời Đức Phật nói pháp! Khi ấy, sáu mươi Tỳ Kheo tăng thượng mạn, nghe Đức Phật nói như vậy, họ càng tăng thêm sầu khổ, lo lắng, không vui, tâm không an ổn. Nhưng không sao hiểu được lời pháp của Đức Phật vừa nói.
Họ từ chỗ đứng dậy, muốn đi.
Lúc ấy, Đại Đức Xá Lợi Phất hỏi các Tỳ Kheo: Các Đại Đức! Nay muốn đi đâu?
Nên hiểu lời dạy như vậy của Đức Như Lai.
Do nhân duyên gì Đức Như Lai mới nói như vậy?
Các Đại Đức khoan đi, tôi sẽ hỏi Đức Như Lai, do nhân duyên gì mà Đức Như Lai dạy như vậy.
Các Tỳ Kheo nghe Đại Đức Xá Lợi Phất nói như thế, họ liền trở lại, ngồi vào chỗ của mình.
Lúc ấy, Đại Đức Xá Lợi Phất mới bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì, Như Lai vừa rồi, giảng dạy như vậy?
Mong Thế Tôn Giảng nói rộng ý nghĩa trên, để trừ nghi cho các Tỳ Kheo.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Ý ông nghĩ thế nào?
Nếu có vị Tỳ Kheo, các lậu đã hết, tâm được giải thoát, thì những Tỳ Kheo ấy nghe lời nói vừa rồi, có sinh tâm sợ hãi không?
Xá Lợi Phất nói: Bạch Thế Tôn! Không. Nếu có Tỳ Kheo chỉ mới thấy được chân lý của Bậc Thánh, nghe tất cả âm thanh giảng nói, còn không kinh sợ.
Huống gì người mà các lậu đã hết, tâm được giải thoát!
Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Chỉ có người còn si mê, chạy theo vọng tưởng, phân biệt, đối với pháp không chân thật, được hạnh trống rỗng, nhưng thật sự chỉ là luống không vô ích.
Xá Lợi Phất thưa: Nguyện Đức Thế Tôn Giảng dạy ý nghĩa, lời pháp, mà Đức Thế Tôn vừa nói, để các vị hết nghi ngờ.
Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Nếu thấy Đức Như Lai là như mộng, như huyễn, ấy là chánh kiến. Nếu người chánh kiến, ở chỗ Như Lai, không sinh khởi tư tưởng chân thật, không khởi tư tưởng vững chắc, không khởi tư tưởng là vật chất, không khởi tư tưởng là danh xưng, không khởi tư tưởng là nhóm họp.
Nếu với Đức Như Lai, không sinh khởi tư tưởng chân thật, không tưởng vững chắc, không tưởng vật chất, không tưởng danh xưng, không tưởng nhóm họp. Những hành động khởi tưởng như vậy và tất cả các hành động khởi tưởng khác, đều là do hư vọng mà thấy.
Nếu tất cả từ hành động tạo ra, đều là do hư vọng mà thấy. Vì vậy cho nên biết tất cả các pháp đều là tà kiến. Nếu biết tất cả các pháp là tà kiến, thì những lời Đức Phật nói ra, cũng là tà kiến. Lại nên biết, tất cả các pháp được thấy đều là tà, thì nhận định ấy cũng là tà kiến.
Như vậy, này Xá Lợi Phất! Do nhân duyên như thế, cho nên muốn thấy Đức Như Lai, gọi đó là tà kiến.
Này Xá Lợi Phất! Vì những người này, không thấy thân bí mật của Như Lai, chỉ biết ôm giữ phân biệt.
Đối với thân Như Lai, họ tưởng là Xá Lợi của Như Lai!
Này Xá Lợi Phất! Nếu đối với Như Lai mà thấy như vậy, gọi là tà trí.
Liền khi ấy, Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao tà kiến cũng gọi là chánh hạnh?
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Tất cả phàm phu sinh khởi các giác quán vọng tưởng phân biệt, sự sinh khởi đó, đều nương nơi việc có phát động hoặc không phát động mà khởi ra ngã kiến, chúng sinh kiến, mạng kiến, nhân kiến, rồi dính mắc cho là ta hơn người và các vật thuộc của ta cũng hơn người.
Biết sự việc như vậy, kẻ tiểu căn phàm phu bị các việc này lay động, nên mới sinh việc hý luận. Cái biết như vậy đều là không thật.
Này Xá Lợi Phất! Vì vốn không, cho nên nói là không thật. Vì không thật, nên gọi là nói dối. Vì nói dối nên gọi là tà.
Xá Lợi Phất! Các việc như vậy, đều thuộc về không thật. Những tà kiến này, gọi là chánh hạnh.
Này Xá Lợi Phất! Do nhân duyên như vậy, nên tà kiến cũng gọi là chánh hạnh.
Khi ấy, Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có chánh hạnh ấy thì sự ban cho sẽ không có quả báo lớn, quả báo nhỏ?
Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Nếu những người đã được thành tựu được chánh hạnh như vậy, nếu có sự ban cho cùng hướng đến Niết Bàn, thì sẽ nhận ở Niết Bàn từng phần Niết Bàn.
Xá Lợi Phất! Niết Bàn này chẳng phải do quả báo nhỏ, lớn, hoặc có chút ít công đức mà được.
Vì sao?
Vì Niết Bàn là lìa hết thảy quả báo, không có tính từng phần, cũng không thể phân cho bằng từng phần.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu Niết Bàn kia đã không có gì so bằng.
Sao Như Lai nói công đức tăng trưởng vô lượng, vô biên?
Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Hàng phàm phu tạo đủ các phiền não, còn đang tu hành, nên mới luận bàn về ngã, luận bàn về chúng sinh, luận bàn về mạng sống, luận bàn về trượng phu. Vì những chúng sinh như vậy, nên nói cảnh giới Niết Bàn, không có sự phân chia so bằng. Niết Bàn này tăng trưởng lợi ích, công đức vô lượng cho đến việc khiến được họ sinh tâm ưa thích.
Này Xá Lợi Phất! Chẳng phải là Thánh phước điền thì không có thể vào Niết Bàn.
Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bậc Thánh Nhân, lìa tham dục, mới thấy biết ruộng phước.
Này Xá Lợi Phất! Ví như người làm ruộng, gieo giống lúa xuống ruộng, lại mọc lên cỏ giống như lúa và cũng mọc các loại cỏ khác.
Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?
Người làm ruộng này được loại cỏ giống như lúa, gọi đó là lúa chăng?
Bạch Thế Tôn! Chẳng phải vậy.
Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Ví như người làm ruộng gieo lúa mà lại sinh các loại cỏ khác, cùng với loại cỏ tương tợ như lúa.
Như vậy, Xá Lợi Phất! Ruộng phước từ sự ban cho của Bậc Thánh, tự nhiên sẽ có quả báo lớn, về sau sẽ đoạn các nghiệp hữu lậu, làm khô quả ái dục.
Này Xá Lợi Phất! Những người nông dân này, vốn mong được lúa, nhưng chỉ thấy cỏ giống như lúa, nên tâm không vui vẻ, như vậy chẳng được kết quả và lợi ích.
Này Xá Lợi Phất! Chẳng phải hễ có ruộng là có được quả báo.
Này Xá Lợi Phất! Do nhân duyên như vậy, người dùng việc ban cho làm chánh hạnh, thì không có quả, không có báo lớn.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu chúng sinh kia ban cho mà không được quả báo lớn thì lấy gì để làm ruộng phước cho đời?
Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Chẳng phải tưởng đến quả nhỏ, chẳng phải tưởng đến quả lớn mới là ban cho không sinh tâm. Nếu ban cho không sinh tâm, thì mới có thể, đối với Trời, Người, A Tu La trong thế gian mà thọ nhận sự cúng dường.
Này Xá Lợi Phất! Đối với ruộng phước vô tận, thì không giữ lấy quả báo, không chạy theo quả báo.
Vì vậy, này Xá Lợi Phất! Chẳng nên chấp quả báo lớn hay nhỏ, khi làm ruộng phước cho đời.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là ruộng phước ở đời mà không cần được quả báo?
Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?
Nếu là Niết Bàn, có quả báo không?
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Không có. Nếu sự ban cho được quả báo làm nên Niết Bàn, thì các Bậc Thánh Nhân không gọi là Đấng vô vi.
Đức Phật khen ngợi: Hay thay, hay thay! Này Xá Lợi Phất! Do sự việc như vậy, nên việc ban cho mà chấp là ruộng phước ở đời, là không thật có quả báo.
Lúc này, Xá Lợi Phất lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu sự ban cho không có quả báo, làm sao đủ thỏa mãn với tâm trí vọng tưởng của chúng sinh?
Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ thế nào?
Nếu biết hết thảy tánh của các pháp là có thật không?
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Nên biết tất cả các pháp tánh là như huyễn.
Bạch Thế Tôn! Nếu biết là như huyễn, thì cũng biết nó là không thật.
Vì sao?
Vì Như Lai thường giảng nói, tất cả các pháp, tánh vốn như huyễn, tánh đã như huyễn, tức là không thật.
Bạch Thế Tôn! Nếu người biết được tất cả các pháp tánh là không thật, thì trí biết của người này cũng không thật.
Vì sao?
Vì không có một pháp nào, mà có thể, cho là thật cả!
Đức Phật khen Xá Lợi Phất: Hay thay, hay thay! Này Xá Lợi Phất! Đúng như vậy, đúng như vậy.
Xá Lợi Phất! Nếu các pháp mà có sự thật, có sự vật, có chân thật, thì sẽ không có chúng sinh nào, có thể vào cảnh giới Niết Bàn.
Này Xá Lợi Phất! Tất cả các pháp, cũng chẳng phải là thật, chẳng phải là vật, chẳng phải là chân thật.
Cho nên, này Xá Lợi Phất! Vì vậy mới có hằng hà sa chúng sinh được vào Niết Bàn, vĩnh viễn không trở lại sinh tử, cũng không cần biết là đã hết sinh tử. Chúng sinh cũng không thật.
Này Xá Lợi Phất! Nếu tất cả chúng sinh không có tư tưởng ôm lấy cái cho là thật đó, thì mới gọi là đầy đủ trí không thật.
Vì vậy, này Xá Lợi Phất! Sự ban cho mà không có quả báo, thì mới có thể thỏa mãn cho trí không thật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba