Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Ba - Thiên Uẩn - Chương Một - Tương ưng Uẩn - Năm Mươi Kinh Căn Bản - Phẩm Nakunlapita - Phần Ba - Hàliddikàni

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TƯƠNG ƯNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán

 

TẬP BA

THIÊN UẨN  

CHƯƠNG MỘT

TƯƠNG ƯNG UẨN  

NĂM MƯƠI KINH CĂN BẢN  

PHẨM NAKULAPITÀ  

PHẦN BA

HÀLIDDIKÀNI

 

Như vậy tôi nghe!

Một thời Tôn Giả Mahà Kaccàna Ma Ha Ca Chiên Diên sống giữa các dân chúng Avanti, tại Kulaghara bên bờ một vực núi. Rồi Gia Chủ Hàliddikàni đi đến Tôn Giả Mahà Kaccàna. Sau khi đi đến, đảnh lễ Tôn Giả Mahà Kaccàna rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Gia Chủ Hàliddikàni nói với Tôn Giả Mahà Kaccàna:

Thưa Tôn Giả, Thế Tôn đã nói trong phẩm thứ tám, trong tập:

Các câu hỏi của Màgandiya như sau:

Bậc Thánh bỏ gia đình,

Du hành không trú xứ,

Ðối với dân trong làng,

Không tác thành hệ lụy.

Tuyệt không các dục vọng,

Không ước vọng hão huyền,

Chấm dứt mọi tranh luận,

Bất cứ với một ai.

Với lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, thưa Tôn Giả, ý nghĩa cần phải hiểu một cách rộng rãi như thế nào?

Sắc giới, này gia chủ, là nhà của thức. Thức bị lòng tham sắc giới trói buộc, này gia chủ, được gọi là du hành có gia đình.

Thọ giới, này gia chủ, là nhà của thức. Thức bị lòng tham thọ giới trói buộc, này gia chủ, được gọi là du hành có gia đình.

Tưởng giới, này gia chủ, là nhà của thức. Thức bị lòng tham tưởng giới trói buộc, này gia chủ, được gọi là du hành có gia đình.

Hành giới, này gia chủ, là nhà của thức. Thức bị lòng tham hành giới trói buộc, này gia chủ, được gọi là du hành có gia đình.

Thức giới, này gia chủ, là nhà của thức. Thức bị lòng tham thức giới trói buộc, này gia chủ, được gọi là du hành có gia đình. Như vậy, này gia chủ, là du hành có gia đình.

Và này gia chủ, thế nào là du hành không gia đình?

Ðối với sắc giới, này gia chủ, cái gọi là dục, là tham, là hỷ, là khát ái, những gì thuộc chấp thủ, tâm trú trước, thiên chấp tùy miên. Như Lai đoạn tận chúng, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây Ta La, làm cho không tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy, Như Lai được gọi là du hành không gia đình.

Ðối với thọ giới, này gia chủ.

Ðối với tưởng giới, này gia chủ.

Ðối với hành giới, này gia chủ.

Ðối với thức giới, này gia chủ, cái gọi là dục, là tham, là hỷ, là khát ái, những gì thuộc chấp thủ, tâm trú trước, thiên chấp tùy miên. Như Lai đoạn tận chúng, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây Ta La, làm cho không tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.

Do vậy, Như Lai được gọi là du hành không gia đình. Như vậy, này gia chủ, là du hành không gia đình.

Như thế nào, này gia chủ, là du hành có trú xứ?

Bị trói buộc bởi an trú chấp trước niketa visàra vào sắc tướng, này gia chủ, gọi là du hành có trú xứ, vào thanh tướng, vào hương tướng, vào vị tướng, vào xúc tướng.

Bị trói buộc bởi an trú chấp trước vào pháp tướng, này gia chủ, gọi là du hành có trú xứ. Như vậy, này gia chủ, là du hành có trú xứ.

Như thế nào là du hành không trú xứ?

Sự trói buộc bởi an trú chấp trước vào sắc tướng, này gia chủ, đối với Như Lai đã được đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta la, làm cho không tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy, Như Lai được gọi là du hành không trú xứ.

Sự trói buộc bởi an trú chấp trước vào thanh tướng, vào hương tướng, vào vị tướng, vào xúc tướng, vào pháp tướng, này gia chủ, đối với Như Lai đã được đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta la, làm cho không tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.

Do vậy, Như Lai được gọi là du hành không trú xứ. Như vậy, này gia chủ, là du hành không trú xứ.

Như thế nào, này gia chủ, là tác thành hệ lụy trong làng?

Ở đây, này gia chủ, có người sống thân mật với gia chủ, cùng vui, cùng buồn. Giữa những người sung sướng, vị ấy sung sướng. Giữa những người buồn khổ, vị ấy buồn khổ.

Khi có công việc phải làm khởi lên, tự liên hệ mình vào các công việc ấy. Như vậy, này gia chủ, là tác thành hệ lụy trong làng.

Và như thế nào, này gia chủ, là không tác thành hệ lụy trong làng?

Ở đây, này gia chủ, vị Tỳ Kheo không sống quá thân mật với gia chủ, không cùng vui, không cùng buồn, không vui sướng giữa những người sung sướng, không buồn khổ giữa những người buồn khổ. Khi có công việc phải làm khởi lên, không tự mình liên hệ vào các công việc ấy. Như vậy, này gia chủ, là không tác thành hệ lụy trong làng.

Như thế nào, này gia chủ, là không tuyệt không các dục vọng?

Ở đây, này gia chủ, có người không ly tham đối với các dục vọng, không ly dục, không ly ái, không ly khát, không ly nhiệt não, không ly khát ái. Như vậy, này gia chủ, là không tuyệt không đối với các dục.

Như thế nào, này gia chủ, là tuyệt không các dục vọng?

Ở đây, này gia chủ, có người ly tham đối với các dục, ly dục, ly ái, ly khát, ly nhiệt não, ly khát ái. Như vậy, này gia chủ, là tuyệt không các dục.

Như thế nào, này gia chủ, là hy vọng hão huyền?

Ở đây, này gia chủ, có người suy nghĩ như sau:

Mong rằng có sắc như vậy trong tương lai!

Mong rằng có thọ như vậy trong tương lai!

Mong rằng có tưởng như vậy trong tương lai!

Mong rằng có các hành như vậy trong tương lai!

Mong rằng có thức như vậy trong tương lai!

Như vậy, này gia chủ, là hư vọng hão huyền.

Như thế nào, này gia chủ, là không hy vọng hão huyền?

Ở đây, này gia chủ, có người không có suy nghĩ như sau:

Mong rằng có sắc như vậy trong tương lai!

Mong rằng có thọ như vậy trong tương lai!

Mong rằng có tưởng như vậy trong tương lai!

Mong rằng có các hành như vậy trong tương lai!

Mong rằng có thức như vậy trong tương lai!

Như vậy, này gia chủ, là không hy vọng hão huyền.

Như thế nào, này gia chủ, là tranh luận với người?

Ở đây, này gia chủ, có người nói như sau:

Ông không biết pháp và luật này. Ta biết pháp và luật này.

Sao ông có thể biết pháp và luật này?

Ông đã phạm vào tà kiến. Ta mới thật đúng chánh kiến.

Những điều đáng nói trước, ông lại nói sau.

Những điều đáng nói sau, ông lại nói trước.

Lời nói của ta mới tương ưng.

Lời nói của ông không tương ưng.

Chủ kiến của ông đã bị bài bác.

Câu nói của ông đã bị thách đố.

Hãy đến mà giải vây lời nói ấy.

Ông đã bị thuyết bại.

Nếu có thể được, hãy gắng thoát ra khỏi lối bí. Như vậy, này gia chủ, là tranh luận với người.

Như thế nào, này gia chủ, là không tranh luận với người?

Ở đây, này gia chủ, vị Tỳ Kheo không nói lời nói như sau: Ông không biết pháp và luật này... hãy thoát ra khỏi lối bí. Như vậy, này gia chủ, là không tranh luận với người.

Như vậy, này gia chủ, Thế Tôn đã nói trong phẩm thứ tám, trong tập:

Các câu hỏi của Màgandiya như sau:

Bậc Thánh bỏ gia đình,

Du hành không trú xứ,

Ðối với dân trong làng,

Không tác thành hệ lụy.

Tuyệt không các dục vọng.

Không ước vọng hão huyền,

Chấm dứt mọi tranh luận,

Bất cứ với một ai.

Với lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, này gia chủ, ý nghĩa cần phải hiểu một cách rộng rãi như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần