Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Ba - Thiên Uẩn - Chương Một - Tương ưng Uẩn - Năm Mươi Kinh Căn Bản - Phẩm Nakunlapita - Phần Một - Nakulapità
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH TƯƠNG ƯNG BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP BA
THIÊN UẨN
CHƯƠNG MỘT
TƯƠNG ƯNG UẨN
NĂM MƯƠI KINH CĂN BẢN
PHẨM NAKULAPITÀ
PHẦN MỘT
NAKULAPITÀ
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhayga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesaka, vườn Nai. Rồi gia chủ Nakulapità đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, gia chủ Nakulapità bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, trưởng lão, cao niên, đã đạt đến tuổi thọ, thân bệnh hoạn, luôn luôn ốm đau.
Bạch Thế Tôn, con không được thường thấy Thế Tôn và các vị Tỳ Kheo đáng kính.
Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giáo giới cho con!
Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giảng dạy cho con!
Nhờ vậy, con được hạnh phúc, an lạc lâu dài. Thật sự là vậy, này gia chủ. Thật sự là vậy, này gia chủ. Thân của gia chủ, này gia chủ, là bệnh hoạn, ốm đau, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, này gia chủ, lại tự cho là không bệnh, dầu chỉ trong một giây phút.
Người ấy phải là người ngu!
Do vậy, này gia chủ, gia chủ cần phải học tập như sau: Dầu cho thân tôi có bệnh, tâm sẽ không bị bệnh. Như vậy, này gia chủ, gia chủ cần phải học tập. Rồi gia chủ Nakulapità sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, đi đến Tôn Giả Sàriputta. Sau khi đến, đảnh lễ Tôn Giả Sàriputta rồi ngồi xuống một bên.
Tôn Giả Sàriputta nói với gia chủ Nakulapità đang ngồi một bên: Này gia chủ, tịch tịnh là các căn của gia chủ. Thanh tịnh và trong sáng là sắc diện của gia chủ.
Có phải hôm nay gia chủ đối diện với Thế Tôn, được nghe pháp thoại?
Làm sao không thể như vậy được, thưa Tôn Giả?
Hôm nay, thưa Tôn Giả, con được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn Giảng cho pháp thoại!
Như thế nào, này gia chủ, gia chủ được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn Giảng cho pháp thoại?
Ở đây, thưa Tôn Giả, con đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, thưa Tôn Giả, con bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, trưởng lão, cao niên, đã đạt đến tuổi thọ, thân bệnh hoạn, luôn luôn ốm đau.
Bạch Thế Tôn, con không được thường thấy Thế Tôn và các Tỳ Kheo đáng kính.
Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn Giáo giới cho con!
Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn Giảng dạy cho con!
Nhờ vậy con được hạnh phúc, an lạc lâu dài!
Ðược nghe nói vậy, thưa Tôn Giả, Thế Tôn nói với con: Thật sự là vậy, này gia chủ. Thật sự là vậy, này gia chủ.
Thân của gia chủ, này gia chủ, là bệnh hoạn, ốm yếu, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, này gia chủ, lại tự cho là không bệnh, dầu chỉ trong một giây phút.
Người ấy phải là người ngu!
Do vậy, này gia chủ, gia chủ cần phải học tập như sau: Dầu thân tôi có bệnh, tâm sẽ không bị bệnh!
Như vậy, thưa Tôn Giả, con được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn Giảng cho pháp thoại.
Nhưng này gia chủ, gia chủ có hỏi thêm Thế Tôn như sau: Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là thân bị bệnh và tâm cũng bị bệnh?
Cho đến như thế nào là thân bị bệnh, nhưng tâm không bị bệnh không?
Thưa Tôn Giả, con có thể đi đến thật xa để nghe tận mặt Tôn Giả Sàriputta ý nghĩa của lời nói này.
Lành thay, nếu được Tôn Giả Sàriputta giải thích ý nghĩa của lời nói này!
Vậy này gia chủ, hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, ta sẽ nói.
Thưa vâng, Tôn Giả.
Gia chủ Nakulapità vâng đáp Tôn Giả Sàriputta.
Tôn Giả Sàriputta nói như sau: Thế nào, này gia chủ, là thân bệnh và tâm bệnh?
Ở đây, này gia chủ, có kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các Bậc Thánh, không thuần thục pháp các Bậc Thánh, không tu tập pháp các Bậc Thánh, không thấy rõ các bậc chân nhân, không thuần thục pháp các bậc chân nhân, không tu tập pháp các bậc chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc.
Vị ấy bị ám ảnh: Sắc là ta, sắc là của ta.
Do bị ám ảnh: Sắc là ta, sắc là của ta.
Khi sắc biến hoại, đổi khác. Do sắc biến hoại, đổi khác, nên vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
Vị ấy quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ.
Vị ấy bị ám ảnh: Thọ là ta, thọ là của ta.
Do bị ám ảnh: Thọ là ta, thọ là của ta khi thọ biến hoại, đổi khác. Nên do thọ biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Vị ấy quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng.
Vị ấy bị ám ảnh: Tưởng là ta, tưởng là của ta.
Do bị ám ảnh: Tưởng là ta, tưởng là của ta khi tưởng biến hoại, đổi khác. Nên do tưởng biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
Vị ấy quán các hành như là tự ngã hay tự ngã như là có các hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành.
Vị ấy bị ám ảnh: Các hành là ta, các hành là của ta.
Do bị ám ảnh: Các hành là ta, các hành là của ta khi các hành biến hoại, đổi khác.
Do các hành biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
Vị ấy quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.
Vị ấy bị ám ảnh: Thức là ta, thức là của ta khi thức biến hoại, đổi khác.
Nên do thức biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
Như vậy, này gia chủ, là thân có bệnh và tâm có bệnh.
Thế nào, này gia chủ, là thân có bệnh nhưng tâm không có bệnh?
Ở đây, này gia chủ, vị đa văn Thánh đệ tử hiểu rõ các Bậc Thánh, thuần thục pháp các Bậc Thánh, tu tập pháp các Bậc Thánh, hiểu rõ các bậc chân nhân, thuần thục pháp các bậc chân nhân, tu tập pháp các bậc chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc.
Vị ấy không bị ám ảnh: Sắc là ta, sắc là của ta.
Do vị ấy không bị ám ảnh: Sắc là ta, sắc là của ta khi sắc biến hoại, đổi khác.
Nên không do sắc biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Không quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ.
Vị ấy không bị ám ảnh: Thọ là ta, thọ là của ta.
Do vị ấy không bị ám ảnh: Thọ là ta, thọ là của ta khi thọ biến hoại, đổi khác.
Nên không do thọ biến hoại, đổi khác, mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Không quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng.
Vị ấy không bị ám ảnh: Tưởng là ta, tưởng là của ta.
Do vị ấy không bị ám ảnh: Tưởng là ta, tưởng là của ta khi tưởng biến hoại, đổi khác. Nên không do tưởng biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Không quán các hành như là tự ngã, hay tự ngã như là có hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành.
Vị ấy không bị ám ảnh: Các hành là ta, các hành là của ta.
Do vị ấy không bị ám ảnh: Các hành là ta, các hành là của ta khi các hành biến hoại, đổi khác.
Nên không do các hành biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.
Vị ấy không bị ám ảnh: Thức là ta, thức là của ta.
Do vị ấy không bị ám ảnh: Thức là ta, thức là của ta khi thức biến hoại, đổi khác. Nên không do thức biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
Như vậy, này gia chủ, là thân có bệnh, nhưng tâm không có bệnh. Tôn Giả Sàriputta thuyết như vậy, gia chủ Nakulapità hoan hỷ, tín thọ lời Tôn Giả Sàriputta thuyết.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Kinh Tạp Tán
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Ba - Kinh để đánh Vỡ đầu
Phật Thuyết Kinh Trung ấm - Phẩm Sáu - Phẩm Thần Túc
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Tám - Phẩm Lời Nói
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Giải Thoát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Mười Chín - Phẩm Hỏi Về đại Thừa
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Sáu Mươi Sáu - Phẩm Bà Thế Chất