Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Hai - Thiên Nhân Duyên - Chương Một - Tương ưng Nhân Duyên - đại Phẩm Thứ Bảy - Phần Một - Hạng Người ít Nghe

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

  PHẬT THUYẾT

KINH TƯƠNG ƯNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP HAI

THIÊN NHÂN DUYÊN  

CHƯƠNG MỘT

TƯƠNG ƯNG NHÂN DUYÊN  

ÐẠI PHẨM THỨ BẢY  

PHẦN MỘT

HẠNG NGƯỜI ÍT NGHE  

Như vậy tôi nghe!

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

Này các Tỳ Kheo, kẻ vô văn phàm phu có thể nhàm chán, viễn ly, giải thoát thân do bốn đại tạo thành này.

Vì cớ sao?

Này các Tỳ Kheo, vì họ thấy được cái thân do bốn đại tạo thành này được tăng, được giảm, được thủ, được xả. Do vậy, ở đây kẻ vô văn phàm phu có thể nhàm chán, viễn ly, giải thoát.

Và này các Tỳ Kheo, cái gọi là tâm, là ý, là thức, ở đây, kẻ vô văn phàm phu không đủ để có thể nhàm chán, không đủ để có thể viễn ly, không đủ để có thể giải thoát.

Vì sao?

Ðã lâu ngày, này các Tỳ Kheo, kẻ vô văn phàm phu đắm trước, xem là của tôi, chấp thủ: Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi. Do vậy, ở đây, kẻ vô văn phàm phu không đủ để có thể nhàm chán, không đủ để có thể viễn ly, không đủ để có thể giải thoát.

Này các Tỳ Kheo, thật tốt hơn cho kẻ vô văn phàm phu đi đến với thân do bốn đại tạo thành này xem như là tự ngã, hơn là đối với tâm.

Vì sao?

Này các Tỳ Kheo, thân do bốn đại tạo thành này được thấy đứng vững một năm, đứng vững hai năm, đứng vững ba năm, đứng vững bốn năm, đứng vững năm năm, đứng vững mười năm, đứng vững hai mươi năm, đứng vững ba mươi năm, đứng vững bốn mươi năm, đứng vững năm mươi năm, đứng vững một trăm năm, đứng vững nhiều hơn nữa. Còn cái gọi là tâm này, là ý này, là thức này, này các Tỳ Kheo, cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác.

Này các Tỳ Kheo, ví như một con khỉ trong khi đi lại trong rừng núi, nắm lấy một nhành cây, bỏ nhành cây ấy xuống, nó nắm giữ một nhành khác.

Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, cái gọi là tâm, là ý, là thức này cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác.

Ở đây, này các Tỳ Kheo, vị đa văn Thánh đệ tử khéo chơn chánh tư duy định lý duyên khởi: Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt.

Ví như do duyên vô minh, các hành sanh khởi. Do duyên hành, thức sanh khởi. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Do đoạn diệt, ly tham vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt, như trên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

Thấy vậy, này các Tỳ Kheo, vị đa văn Thánh đệ tử, nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên viễn ly. Do viễn ly nên giải thoát.

Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết được: Ta giải thoát, vị ấy biết rõ: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.  

HẠNG NGƯỜI ÍT NGHE

Trú ở Sàvatthi!

Này các Tỳ Kheo, kẻ vô văn phàm phu có thể nhàm chán, có thể viễn ly, có thể giải thoát đối với cái thân do bốn đại tạo thành này.

Vì sao?

Này các Tỳ Kheo, vì họ thấy thân do bốn đại tạo thành này được tăng, được giảm, được thủ, được xả. Do vậy, ở đây, kể vô văn phàm phu có thể nhàm chán, viễn ly, giải thoát.

Và này các Tỳ Kheo, cái gọi là tâm, là ý, là thức, ở đây, kẻ vô văn phàm phu không đủ để có thể nhàm chán, không đủ để có thể viễn ly, không đủ để có thể giải thoát.

Vì sao?

Ðã lâu ngày, này các Tỳ Kheo, kẻ vô văn phàm phu đắm trước, xem là của tôi, chấp thủ: Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi. Do vậy, ở đây, này các Tỳ Kheo, kẻ vô văn phàm phu không đủ để có thể nhàm chán, không đủ để có thể viễn ly, không đủ để có thể giải thoát.

Này các Tỳ Kheo, thật tốt hơn cho kẻ vô văn phàm phu đi đến với thân do bốn đại tạo thành này, xem như là tự ngã, hơn là đối với tâm.

Vì sao?

Này các Tỳ Kheo, thân do bốn đại tạo thành này được thấy đứng vững một năm, đứng vững hai năm, đứng vững ba năm, đứng vững bốn năm, đứng vững năm năm, đứng vững mười năm, đứng vững hai mươi năm, đứng vững ba mươi năm, đứng vững bốn mươi năm, đứng vững năm mươi năm, đứng vững một trăm năm, đứng vững nhiều hơn nữa.

Còn cái gọi là tâm này, là ý này, là thức này, này các Tỳ Kheo, cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác.

Ở đây, này các Tỳ Kheo, vị Ða Văn Thánh Đệ Tử khéo chơn chánh tư duy lý duyên khởi: Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt.

Này các Tỳ Kheo, do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ, nên lạc thọ sanh khởi. Do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, nên lạc thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, lạc thọ ấy được chấm dứt.

Này các Tỳ Kheo do duyên xúc đưa đến cảm giác khổ thọ, nên khổ thọ sanh khởi. Do duyên xúc đưa đến cảm giác khổ thọ ấy diệt, nên khổ thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến khổ thọ ấy diệt, khổ thọ ấy chấm dứt.

Này các Tỳ Kheo, do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ, nên bất khổ bất lạc thọ sanh khởi. Do xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ ấy diệt, nên bất khổ bất lạc thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc ấy diệt, bất khổ bất lạc thọ ấy chấm dứt.

Ví như, này các Tỳ Kheo, do hai khúc cây cọ xát hòa hợp nên sức nóng được sanh, lửa được khởi lên. Do hai khúc cây ấy xa lìa tách biệt, nên sức nóng ấy đoạn diệt, sức nóng ấy chấm dứt.

Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ nên lạc thọ sanh khởi. Do xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, nên lạc thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, lạc thọ ấy chấm dứt.

Do duyên xúc đưa đến cảm giác khổ thọ.

Do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ, nên bất khổ bất lạc thọ sanh khởi.

Do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ ấy diệt, nên bất khổ bất lạc thọ ấy được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ ấy diệt, bất khổ bất lạc thọ ấy chấm dứt.

Thấy vậy, này các Tỳ Kheo, vị đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với xúc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên viễn ly. Do viễn ly nên giải thoát.

Trong sự giải thoát trí khởi lên, biết rằng: Ta đã giải thoát, vị ấy biết rõ: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa.

***  

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần