Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Năm - Thiên đại Phẩm - Chương Ba - Tương ưng Niệm Xứ - Phẩm Nalanda - Phần Ba - Cunda

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TƯƠNG ƯNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP NĂM

THIÊN ĐẠI PHẨM  

CHƯƠNG BA

TƯƠNG ƯNG NIỆM XỨ  

PHẨM NÀLANDA  

PHẦN BA

CUNDA  

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Thắng Lâm, khu vườn của ông Cấp Cô Ðộc. Lúc bấy giờ, Tôn Giả Sàriputta trú ở Magadha, tại làng Nàla, bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. Và Sa Di Cunda là thị giả của Tôn Giả Sàriputta.

Tôn Giả nhập Niết Bàn vì bệnh ấy. Rồi Sa Di Cunda cầm lấy y bát của Tôn Giả Sàriputta đi đến Sàvatthi, Thắng Lâm, tại khu vườn của ông Cấp Cô Ðộc, đi đến Tôn Giả Ananda. Sau khi đến, đảnh lễ Tôn Giả Ananda, rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi một bên, Sa Di Cunda nói với Tôn Giả Ananda: Bạch Thượng Tọa, Tôn Giả Sàriputta đã mệnh chung. Ðây là y bát của vị ấy.

Này Hiền Giả Cunda, đây là lý do để đến yết kiến Thế Tôn. Này Hiền Giả Cunda, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, chúng ta hãy báo tin này cho Thế Tôn.

Thưa vâng, Thượng Tọa.

Sa Di Cunda vâng đáp Tôn Giả Ananda. Rồi Tôn Giả Ananda và Sa Di Cunda đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi một bên, Tôn Giả Ananda bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, Sa Di Cunda này thưa như sau: 

Bạch Thượng Tọa, Tôn Giả Sàriputta đã mệnh chung. Ðây là y và bát của vị ấy.

Bạch Thế Tôn, thân con cảm thấy yếu ớt như lau sậy bàng hoàng madhurakajato.

Các phương hướng không hiện ra rõ ràng đối với con. Pháp sẽ không được giảng cho con, khi con nghe tin Tôn Giả Sàriputta đã mệnh chung.

Này Ananda, Sàriputta có đem theo giới uẩn khi mệnh chung?

Có đem theo định uẩn khi mệnh chung?

Có đem theo tuệ uẩn khi mệnh chung?

Có đem theo giải thoát uẩn khi mệnh chung?

Có đem theo giải thoát tri kiến khi mệnh chung không?

Bạch Thế Tôn, Tôn Giả Sàriputta không đem theo giới uẩn khi mệnh chung, không đem theo định uẩn khi mệnh chung, không đem theo tuệ uẩn khi mệnh chung, không đem theo giải thoát uẩn khi mệnh chung, không đem theo giải thoát tri kiến khi mệnh chung.

Nhưng bạch Thế Tôn, Tôn Giả Sàriputta là vị giáo giới cho con, là vị đã vượt qua bộc lưu, là bậc giáo thọ, là vị khai thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, là vị thuyết pháp không biết mệt mỏi, là vị hộ trì cho các đồng phạm hạnh.

Chúng con đều ức niệm rằng Tôn Giả Sàriputta là tinh ba của pháp dhammojam, là tài sản của pháp dhammabhogam, là hộ trì của pháp.

Này Ananda, có phải trước đây ta đã từng tuyên bố với ông rằng mọi pháp khả ái, khả ý đều có tánh chất khác biệt, có tánh chất ly tán, có tánh chất đổi khác?

Làm sao, này Ananda, ở đây, lời ước nguyền này có thể thành tựu được: Mong rằng cái gì được sanh, được thành, là pháp hữu vi, là pháp bị diệt hoại, lại có thể không bị diệt hoại!?

Sự kiện như vậy không xảy ra. Ví như, này Ananda, từ một cây lớn mọc thẳng, có lõi cây, một cành cây lớn bị gãy đổ. Cũng vậy, này Ananda, từ nơi chúng Tỳ Kheo đứng thẳng, có lõi cây, Sàriputta bị mệnh chung.

Làm sao, này Ananda, ở đây, lời ước nguyền này có thể thành tựu được: Mong sao cái gì được sanh, được thành, là pháp hữu vi, là pháp bị diệt hoại, lại có thể không bị diệt hoại!?

Sự kiện như vậy không xảy ra. Do vậy, này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một điều gì khác.

Này Ananda, thế nào là Tỳ Kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác?

Ở đây, này Ananda, Tỳ Kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời trú, quán thọ trên các thọ trú, quán tâm trên tâm trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

Như vậy, này Ananda, Tỳ Kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác.

Này Ananda, những ai hiện nay, hay sau khi ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác. Những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỳ Kheo của ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần