Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Năm - Thiên đại Phẩm - Chương Mười Một - Tương ưng Dự Lưu - Phẩm Veludvara - Phần Bảy - Những Người ở Veludvàra

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

  PHẬT THUYẾT

KINH TƯƠNG ƯNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP NĂM

THIÊN ĐẠI PHẨM  

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

TƯƠNG ƯNG DỰ LƯU  

PHẨM VELUDVÀRA  

PHẦN BẢY

NHỮNG NGƯỜI Ở VELUDVÀRA  

Như vậy tôi nghe!

Một thời, Thế Tôn đang đi du hành giữa Kosala cùng với đại chúng Tỳ Kheo và đi đến một làng Bà La Môn của dân chúng Kosala tên là Veludvàra.

Các Bà La Môn gia chủ ở Veludvàra được nghe: Sa Môn Gotama là Thích Tử, đã xuất gia từ gia tộc họ Thích, đang đi du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỳ Kheo và đã đến Veludvàra.

Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Thế Tôn Gotama: Ðây là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ Thế Giới này cùng với Thiên Giới, Ma Giới, Phạm Thiên Giới, cùng với chúng Sa Môn, Bà La Môn, Chư Thiên và loài người. Sau khi chứng ngộ, Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện có nghĩa, có văn. Ngài truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn, đầy đủ, trong sạch.

Tốt lành thay, sự chiêm ngưỡng một vị A La Hán như vậy!

Rồi các Bà La Môn gia chủ ở Veludvàra đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, một số đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Một số nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Một số chấp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Một số nói lên với Thế Tôn tên và dòng họ rồi ngồi xuống một bên. Một số im lặng ngồi xuống một bên.

Ngồi một bên, các Bà La Môn gia chủ ở Veludvàra bạch Thế Tôn:

Thưa Tôn Giả Gotama, chúng tôi có ước vọng như thế này, có ước muốn như thế này, có chú tâm adhippàya như thế này:

Mong rằng chúng tôi được sống trong một nhà chật đầy trẻ con!

Mong chúng tôi được sử dụng các hương chiên đàn từ Kàsi!

Mong rằng chúng tôi được trang sức bằng vòng hoa và phấn sáp!

Mong rằng chúng tôi được sử dụng vàng và bạc!

Sau khi thân hoại mạng chung, mong rằng chúng tôi được sanh thiện thú, Thiên Giới, cõi đời này!

Mong rằng Tôn Giả Gotama hãy thuyết pháp cho chúng tôi, những người có ước vọng như vậy, có ước muốn như vậy, có chú tâm như vậy.

Hãy thuyết pháp như thế nào để chúng tôi được sống trong một nhà chật đầy trẻ con, để chúng tôi được sử dụng các hương Chiên Đàn từ Kàsi, để chúng tôi, khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, Thiên Giới, cõi đời này. Vậy này các gia chủ, ta sẽ thuyết cho các ông một Pháp Môn đưa đến lợi ích tự lợi cho tự ngã attuupanàyikam.

Hãy nghe và khéo tác ý, ta sẽ giảng.

Thưa vâng, Tôn Giả.

Các Bà La Môn ở Veludvàra vâng đáp Thế Tôn.

Thế Tôn nói như sau: Này các gia chủ, thế nào là Pháp Môn đưa đến lợi ích cho tự ngã?

Ở đây, này các gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: Ta muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ. Nếu có ai đến đoạt mạng sống của ta, một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với ta.

Nhưng nếu ta đoạt mạng sống một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác.

Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?

Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ sát sanh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh, nói lời tán thán từ bỏ sát sanh. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh kotiparisuddham.

Lại nữa, này các gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: Nếu có ai lấy của không cho của ta, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta lấy của không cho của người khác, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác.

Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao lại đem cột pháp ấy cho người khác?

Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ lấy của không cho, khuyến khích người khác từ bỏ lấy của không cho, nói lời tán thán từ bỏ lấy của không cho. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: Nếu ai có tà hạnh với vợ của ta, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta có tà hạnh với vợ của người khác, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác.

Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?

Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục, khuyến khích người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục, nói lời tán thán từ bỏ tà hạnh trong các dục. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: Nếu có ai làm tổn hại lợi ích ta với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng làm tổn hại lợi ích người khác với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác.

Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?

Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ nói láo, khuyến khích người khác từ bỏ nói láo, nói lời tán thán từ bỏ nói láo. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: Nếu có ai chia rẽ bạn bè ta bằng lời nói hai lưỡi,như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta chia rẽ bạn bè người khác bằng lời nói hai lưỡi, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác.

Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?

Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ nói hai lưỡi, khuyến khích người khác từ bỏ nói lời hai lưỡi, nói lời tán thán từ bỏ nói lời hai lưỡi. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: Nếu có ai đối xử với ta bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng đối xử với người khác bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác.

Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?

Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ thô ác ngữ, khuyến khích người khác từ bỏ thô ác ngữ, nói lời tán thán từ bỏ thô ác ngữ. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: Nếu có ai đối xử với ta với lời tạp ngữ, với lời phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng đối xử với người khác với lời tạp ngữ, với lời phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác.

Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?

Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ lời nói phù phiếm, khuyến khích người khác từ bỏ nói lời phù phiếm, tán thán từ bỏ nói lời phù phiếm. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với Đức Phật: Ðây là bậc A La Hán, Phật, Thế Tôn. Đối với pháp, đối với Chúng Tăng. Vị ấy thành tựu các giới được các Bậc Thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị điểm ố, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến thiền định.

Này các gia chủ, khi nào vị Thánh đệ tử thành tựu bảy pháp này và bốn lời nguyện xứ này, nếu vị ấy muốn, vị ấy có thể tuyên bố về mình: Ta đã đoạn tận địa ngục, đoạn tận khỏi sanh vào loại bàng sanh, đoạn tận cõi ngạ quỷ, đoạn tận ác sanh, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự Lưu, không có bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

Ðược nói vậy, các Bà La Môn gia chủ ở Veludvàra bạch Thế Tôn: Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

***  

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần