Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Hai - Phát Tâm Bồ đề
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ƯU BÀ TẮC GIỚI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẨM HAI
PHÁT TÂM BỒ ĐỀ
Thiện Sinh bạch Phật: Kính bạch Đức Thế Tôn!
Chúng sinh vì sao phát tâm bồ đề?
Thiện nam tử! Vì hai việc nên phát tâm bồ đề:
Một là tăng tuổi thọ.
Hai là thêm tài sản.
Lại có hai việc:
Một là vì không muốn chủng tính bồ đề đoạn tuyệt.
Hai là vì muốn đoạn trừ phiền não tội khổ của chúng sinh.
Lại có hai việc:
Một là tự quán sát mình trong vô lượng đời chịu bao nhiêu là khổ não mà vẫn không được lợi ích.
Hai là tuy có Chư Phật xuất hiện nhiều như số cát Sông Hằng, các Ngài cũng không thể độ thoát mình, mà chính mình phải tự độ.
Lại có hai việc:
Một là tu các nghiệp lành.
Hai là những nghiệp lành đã tu sẽ không mất.
Lại có hai việc:
Một là vì muốn vượt hơn tất cả quả báo của Trời Người.
Hai là vì muốn vượt hơn tất cả quả báo của Nhị Thừa.
Lại có hai việc:
Một là vì cầu đạo Giác Ngộ nên nhận chịu nhiều khổ não.
Hai là vì muốn được vô lượng sự lợi ích rộng lớn.
Lại có hai việc:
Một là quán sát Chư Phật nhiều như số cát Sông Hằng ở quá khứ, vị lai, đều giống như mình.
Hai là quán sát thâm sâu rằng bồ đề là pháp có thể chứng được, vì thế phát tâm tu tập.
Lại có hai việc:
Một là quán sát Bồ Tát lục trụ, tuy có tâm thoái chuyển, vẫn còn thù thắng hơn tất cả Thanh Văn, Duyên Giác.
Hai là siêng năng truy cầu quả vị Vô Thượng Chánh Giác.
Lại có hai việc:
Một là mong tất cả chúng sinh đều được giải thoát.
Hai là mong quả báo giải thoát của chúng sinh vượt hơn quả báo của ngoại đạo.
Lại có hai việc:
Một là không xả bỏ tất cả chúng sinh.
Hai là xa lìa tất cả phiền não.
Lại có hai việc:
Một là vì đoạn trừ khổ não của chúng sinh trong đời này.
Hai là vì ngăn chận khổ đau của chúng sinh trong đời sau.
Lại có hai việc:
Một là vì muốn đoạn trừ sự chướng ngại của trí tuệ.
Hai là vì muốn đoạn trừ thân chướng của chúng sinh.
Thiện nam tử! Do năm việc mà phát tâm bồ đề:
Một là gần gũi bạn lành.
Hai là trừ tâm nóng giận.
Ba là tuân lời thầy dạy.
Bốn là sinh lòng thương xót.
Năm là tu hành tinh tấn.
Lại có năm việc phát tâm bồ đề:
Một là không thấy lỗi người.
Hai là tuy thấy lỗi người, nhưng tâm không nghĩ nhớ đến.
Ba là tuy làm việc lành, vẫn không sinh lòng kiêu mạn.
Bốn là thấy người làm lành, không sinh lòng ghen ghét.
Năm là quán sát tất cả chúng sinh, tưởng như con một của mình.
Thiện nam tử! Người trí sau khi phát tâm bồ đề, có thể hủy diệt nghiệp ác to như núi Tu Di.
Người trí vì ba việc mà phát tâm bồ đề:
Một là vì thấy chúng sinh thọ khổ trong đời ác năm trược.
Hai là vì thấy Đức Như Lai có đạo lực thần thông không thể nghĩ bàn.
Ba là vì nghe tám thứ âm thanh vi diệu của Đức Như Lai.
Lại do hai việc:
Một là biết rõ sự khổ đau của thân mình.
Hai là hiểu rõ chúng sinh khổ như mình khổ, vì muốn đoạn trừ sự khổ cho họ, cũng như trừ sự khổ cho chính mình.
Thiện nam tử! Nếu có người phát tâm bồ đề, phải biết người đó có thể lễ lạy sáu phương, và sẽ được sống lâu, giàu có. Điều này không giống như bọn ngoại đạo đã nói.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Mười Năm - Phẩm Ngu ám - Thí Dụ Ba Mươi
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh ðoạn Giảm - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Mười Hai - Phẩm A Tu La Yến Cư được Thọ Ký
Phật Thuyết Kinh đà La Ni Tập - Phần Tám - Thập Nhất Diện Quán Thế âm Thần Chú Kinh - Tập Tám
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Mười