Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phật độ Nghiêm Tịnh - Phần Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH VĂN THÙ SƯ LỢI
PHẬT ĐỘ NGHIÊM TỊNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN SÁU
Khi ấy, Bồ Tát Sư Tử Bộ Lôi Âm bạch trước Phật: Bạch Thế Tôn! Lúc đó cõi ấy không có danh hiệu ư?
Đức Phật dạy: Y như thệ nguyện ý được đầy đủ, Thế Giới tên là Ly trần cấu tâm.
Sư Tử Bộ Lôi Âm lại thưa: Ở tại phương nào?
Đức Phật dạy: Tại phương Nam, ở tận biên Thế Giới Kham nhẫn này. Cõi Phật làm bằng các báu vi diệu ma ni minh châu, mười phương chưa từng thấy nghe, các trân báu kỳ lạ được trải bày ra cả, không bao giờ mục nát hoặc có giảm tổn.
Ý của Bồ Tát muốn khiến cho đất ấy hóa thành các châu báu, như ý nghĩ liền thành. Các trân báu, các hương hoa vi diệu y như ý muốn liền được đầy đủ. Không có ánh sáng Mặt Trời, Mặt Trăng, không biết ngày đem, sống trong ánh sáng của thân Bồ Tát phát ra, phân biệt được ngày đêm là dựa vào hoa nở búp.
Không có lạnh, nóng, già, bệnh, chết, thực hành hạnh Bồ Tát liền thành Chánh Giác. Nếu đến phương khác cũng không có sự nghiệp nào khác, Thiên thượng nhân gian đều thực hành hạnh Bồ Tát, đến khi sắp lâm chung đều thành Chánh Giác, không có chết cũng không diệt độ.
Trong hư không không có phát ra những tiếng âm nhạc bi ai, không phát ra tiếng ái dục mà chỉ phát ra tiếng Phật Pháp, sáu Độ vô cực tiếp tạng Kinh Pháp Bồ Tát, tùy theo ý muốn mà nghe được pháp âm của kinh tạng như ý nghĩ, liền được hiểu cho đến chứng Chánh Giác. Mỗi khi diện kiến Phật thì mọi nghi ngờ liền diệt, nghe Kinh thông đạt một cách cùng tận.
Lúc đó, trong hội có vô số chúng Bồ Tát đồng tán thán lớn. Đức Phật nghe tiếng ấy, thích nghi với họ, gọi là Phổ Hiện không trái với Đạo Giáo. Nếu có chúng sinh nghe danh hiệu Phổ Hiện thì sẽ được vui thích lợi ích vô cùng, huống nữa là sinh vào nước ấy, được thấy Phổ hiện, được gặp Phật thuyết pháp giáo hóa liền thực hành theo pháp ấy.
Nếu có nghe thuyết pháp thì là thấy Phật, nghe Kinh thâm nhập vào tâm không bao giờ quên mất. Chỉ nghe đến danh hiệu đức Văn Thù Sư Lợi thành Phật mà vời vợi như thế, huống nữa là chính mắt thấy.
Lúc đó, Đức Phật bảo Bồ Tát rằng: Nếu có nghe danh hiệu công đức của trăm ngàn ức Phật, lợi ích chúng sinh khai hóa mọi người, nhưng không bằng Văn Thù Sư Lợi trong mỗi mỗi kiếp dắt dẫn chúng sinh an lạc vĩnh viễn không còn hoạn nạn, huống nữa là được gặp Phổ Hiện Như Lai, thì cái vui mừng ấy không thể thí dụ, thật đúng như đã nói.
Lúc đó, chúng hội nghe Phật khen như thế, các chúng Bồ Tát cùng với Chư Thiên, Thần Vương, người thế gian vạn ức triệu cùng đảnh lễ Văn Thù Sư Lợi, đồng nói lên rằng: Này chúng tôi quy mạng Phổ Hiện Như Lai.
Vừa mới quy mạng xong, lại có tám vạn bốn ngàn ức chúng phát đạo tâm Vô Thượng Chánh Chân. Ngoài ra còn có vô lượng người tích tập các đức căn bản được không thoái chuyển.
Khi ấy, Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Nay con nguyện đem vô lượng Cõi Phật công huân trang nghiêm thanh tịnh không thể tính hết, mắt có thể nhìn thấy. Từ nguyện đó hiện ra điềm tốt, vô lượng Cõi Phật đó lại hợp thành một Cõi Phật, không tính Thanh Văn, Duyên Giác.
Vừa phát nguyện xong, cõi ngũ trược ác thế liền được trang nghiêm thanh tịnh.
Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Giả sử thân con trải qua hằng hà sa kiếp xưng tán công huân trang nghiêm của các Cõi Phật không có hạn lượng cũng không thể hết được. Thệ nguyện của con lại còn quá hơn đó nữa, không thể rốt ráo, chỉ có trí tuệ Phật mới biết được con mà thôi.
Đức Phật khen: Hay thay! Thật đúng như lời ông nói. Như Lai thông tuệ ba đạt vô ngại. Đúng vậy, đúng vậy, không có sai khác.
Khi ấy, các chúng Bồ Tát trong hội suy nghĩ: Như Đức Phật khen ngợi Cõi Phật công huân trang nghiêm thanh tịnh của Văn Thù Sư Lợi.
Sao bằng sự trang nghiêm thanh tịnh của Tây Phương an dưỡng của Phật Vô Lượng Thọ?
Đức Phật biết được tâm niệm của các Bồ Tát, liền bảo Bồ Tát Sư Tử Bộ Lôi Âm: Muốn biết công huân trang nghiêm thanh tịnh ở Tây Phương an dưỡng của Phật Vô Lượng Thọ so với cõi của Văn Thù Sư Lợi thật khó ví dụ thay. Ví như chẻ sợi lông ra làm trăm phần, rồi lấy một phần để lấy một giọt nước biển.
Cõi Phật Vô Lượng Thọ cũng như một giọt nước biển đó, còn Văn Thù Sư Lợi thành Phật mênh mông như biển cả, thênh thang lai láng chẳng thể nghĩ bàn.
Khi ấy, Bồ Tát Sư Tử Bộ Lôi Âm bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có Cõi Phật nào trang nghiêm thanh tịnh như vậy nữa không?
Đức Phật dạy: Có phương Đông cách đây trăm ức hằng hà sa Thế Giới, có một Thế Giới tên là Siêu lập nguyện, Đức Phật cõi ấy hiệu là Phổ Chiếu Thường Minh Đức Hải Vương Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, cùng các quyến thuộc vây quanh nói Kinh Pháp, diễn nói cho đến nay đã trải qua hằng hà sa kiếp.
Thọ mạng của Đức Phật ấy cũng không có hạn lượng, ngang bằng với sự trang nghiêm thanh tịnh của Phổ Hiện. Có bốn Bồ Tát mặc giáp thệ nguyện được chẳng thể nghĩ bàn.
Sư Tử Bộ Lôi Âm lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con chưa từng nghe, cúi xin Thế Tôn thương xót nói đầy đủ về sự trang nghiêm thanh tịnh của Cõi Phật Phổ Chiếu Thường Minh Đức Hải Vương Như Lai và bốn Bồ Tát danh hiệu là gì, đang ở đâu và du hóa ở Cõi Phật nào?
Tịnh đức đầy đủ có thể đầy đủ, được sự trang nghiêm ở cõi ấy?
Đức Phật dạy:
Bồ Tát thứ nhất tên là Quang Anh đang du hóa tại phương Đông Cõi Phật Vô Ưu Thủ Như Lai.
Bồ Tát thứ hai tên là Tuệ Thượng ở tại phương Nam, Cõi Phật Tuệ Vương Như Lai.
Bồ Tát thứ ba tên là Tịch Căn, ở tại phương Tây, Cõi Phật Trí Tích Như Lai.
Bồ Tát thứ tư tên là Ý Nguyện ở tại phương Bắc, Cõi Phật Câu Tỏa Như Lai.
Lúc đó, Đức Phật nhập vào tam muội chánh thọ, tam muội ấy tên là Tất hiện nghiêm tịnh. Khi ấy liền thấy phương Đông Cõi Phật Phổ Chiếu Thường Minh Đức Hải Vương Như Lai, cùng với các Bồ Tát công huân trang nghiêm thanh tịnh, từ xưa đến nay mong được thấy nghe, nhưng nay mới được thấy nghe một cách rõ ràng.
Thí như xem báu trong lòng bàn tay, cũng như Cõi Phật Phổ Hiện không khác. Chúng hội thấy rồi ai nấy cũng vui thích. Thật đúng như lời Thế Tôn dạy không có sai khác.
Đức Thế Tôn liền bảo các Bồ Tát: Các ông nên hành pháp như Văn Thù Sư Lợi.
Các chúng Bồ Tát đồng thanh thưa: Dạ vâng, chúng con xin y giáo và sẽ học theo phát tâm hạnh của Văn Thù Sư Lợi, thành tựu trang nghiêm thanh tịnh không dám biếng nhác.
Khi ấy, Đức Thế Tôn mỉm cười, ánh sáng từ trong miệng phóng ra năm sắc rạng ngời, chiếu khắp mười phương, che cả ánh sáng mặt trời, mặt trăng, rồi quay trở lại nhiễu Phật ba vòng rồi nhập vào đỉnh Phật.
Bồ Tát Di Lặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy quỳ gối chắp tay bạch Phật: Đức Thế Tôn ít khi cười nhưng nay cười chắc là có ý, cúi xin Thế Tôn nói lý do đó?
Đức Phật dạy: Này Di Lặc! Vừa rồi Phật thuyết pháp hiện sức tam muội, làm cho tất cả đều thấy Cõi Phật Phổ Hiện ở phương Đông, đầy đủ công đức trang nghiêm thanh tịnh, chúng hội vui vẻ, thệ nguyện chí học.
Hiện nay tám vạn Bồ Tát đều cùng phát tâm thành Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh. Lại có tám vạn bốn ngàn Bồ Tát, cũng phát tâm thành Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh. Trong số đó, có mười sáu Chánh sĩ phát lòng nhân từ, tánh tình hòa nhã, đầy đủ sở nguyện.
Các vị ấy có thể như Văn Thù Sư Lợi, còn các Bồ Tát khác không thể được như vậy. Tuy có công đức mau thành đạo Vô Thượng Chánh Chân, được tối Chánh Giác, nhưng thành tựu Quốc Độ không bằng công đức trang nghiêm thanh tịnh của Văn Thù Sư Lợi.
Đức Phật bảo Di Lặc: Nếu có Bồ Tát tâm tánh chí chân, khẩu tuyên thệ nguyện, không trái bản tâm rồi cũng sẽ đầy đủ như thân Văn Thù Sư Lợi. Tâm ấy tuy khiếp nhược nhưng lại có lòng tin ham thích, nương vào khẩu dũng mãnh này mà tuyên nói thệ nguyện, vượt khỏi nạn sáu mươi vạn ức triệu kiếp, đầy đủ sáu Độ vô cực.
Khi ấy, bốn Bồ Tát đều từ các phương hóa thành lầu các, treo các lụa báu, Chư Thiên vô số trăm ngàn, mưa các Thiên hoa, trổi các âm nhạc, thần túc oai biến, đại địa chấn động. Các vị ấy đều từ bốn phương đến chỗ Thế Tôn, ánh sáng chiếu chúng hội, ai nấy thấy cũng đều vui thích.
Di Lặc quỳ gối bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hôm nay đại địa chấn động, hoa Trời rơi lả tả, lầu gác ánh sáng rực rỡ, bốn phương đều đến, trống nhạc, đàn, ca, hoa Trời thơm ngát, oai thần biến hóa này là của ai?
Đức Phật bảo Di Lặc: Đó là bốn vị Bồ Tát đến diện kiến Thế Tôn, tự dùng thần lực cảm động chúng hội, cho nên hiện điềm tốt này đem pháp khuyến hóa.
Lúc đó, bốn Bồ Tát đến chỗ Phật đảnh lễ sát chân, nhiễu Phật ba vòng. Đức Phật cho phép ngồi, các vị ấy liền lui ngồi vào ghế.
Đức Phật bảo với chúng hội Bồ Tát: Bốn Bồ Tát này đã từng khuyến hóa phát khởi thệ nguyện không thể tính hết.
Này các thiện nam! Các ông hãy khiêm cung khát ngưỡng đối với bốn Bồ Tát này, nếu các ông theo học pháp nghĩa thì sẽ vĩnh viễn chấm dứt nghi ngờ, thực hành hạnh Bồ Tát, diệt trừ sinh tử, chóng được đạo Vô Thượng Chánh Chân, vượt khỏi vòng phiền não trong hai mươi ức kiếp, các pháp đầy đủ sáu Độ vô cực. Nếu có người nữ nào nghe đến danh hiệu của bốn Bồ Tát này thì sẽ lìa được thân nữ, chóng thành Chánh Giác.
Lúc đó, Đức Thế Tôn thâu nhiếp oai thần, tất cả chúng hội đều trở về chỗ cũ, Cõi Phật kia bỗng nhiên không hiện.
Khi ấy, Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tất cả các pháp cũng như huyễn hóa, như các nhà ảo thuật vừa làm ra liền mất, các pháp triển chuyển cũng lại như vậy. Cái mà không khởi diệt ấy mới gọi là bình đẳng, người nào học bình đẳng chóng được Chánh Giác, được Chánh Giác rồi độ thoát tất cả.
Bồ Tát Tuệ Thượng hỏi Văn Thù Sư Lợi: Bồ Tát hành pháp nào để thành Chánh Giác?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Không được, không mất mới là Chánh Giác.
Tuệ thượng lại hỏi: Có thể được, có thể không được ư?
Cũng lại không ư?
Nếu không được tức là không có chúng, không thể được chúng?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Cũng không thể được, cũng lại không thể không được. Nếu không được thì các pháp quá khứ ắt không sinh, từ đầu nó đã không có, chẳng phải sẽ có, không giữ lấy cái không được.
Văn Thù Sư Lợi hỏi lại Tuệ Thượng: Làm một việc gì gọi là tuyên nói Kinh Pháp?
Tuệ thượng đáp: Vì không sinh cũng không hoại, không tạo sở trụ khác, cho nên gọi là một việc phu diễn Kinh Pháp.
Bồ Tát Quang Anh nói: Vì không đến không đi, cho nên gọi là một đời phu diễn Kinh Pháp.
Bồ Tát Tịch Căn nói: Vì không sở đắc cũng không sở đẳng, cũng không tạo chứng, cũng không tịch nhiên, không hoảng sợ, không quá khứ, không vị lai, không hiện tại. Đó gọi là một việc phô diễn Kinh Pháp.
Bồ Tát Ý Nguyện nói: Không vọng tưởng Phật, Pháp, Thánh Chúng. Không niệm Bồ Tát, không tưởng Quốc Độ, không nghĩ địa ngục, không đoạn chương cú, không dựa vào có thường. Đó gọi là một việc phô diễn Kinh Pháp.
Bồ Tát Di Lặc nói: Không thấy năm ấm suy nhập các chủng, không sáng, không mù, không pháp vọng tưởng, không pháp xướng nhập, không tích tập, không xả bỏ. Đó gọi là một việc phô diễn Kinh Pháp.
Bồ Tát Sư Tử Bộ Lôi Âm nói: Đối với pháp loạn mà không bị loạn, không tạo pháp phàm phu, học tập pháp này, còn các pháp Phật không hoại vọng tưởng, không thọ một pháp, nghiệp đó vắng lặng. Đó gọi là một việc phô diễn Kinh Pháp.
Bồ Tát Ái Kiến nói: Vì là vốn không, không tưởng, vốn không, pháp thậm thâm vi diệu này không vọng tưởng. Đó gọi là một việc phô diễn Kinh Pháp.
Bồ Tát Vô Ngại Biện nói: Các pháp đều tận rốt ráo tận thì mới gọi là vô tận, nói tất cả pháp không thể tận. Đó gọi là một việc phô diễn Kinh Pháp.
Bồ Tát Thiện Tâm Niệm nói: Đối với các niệm mà không suy nghĩ. Nếu có sở nhập thì cũng không có tâm, không được không mất. Đó gọi là một việc phô diễn Kinh Pháp.
Bồ Tát Giác Ly Trần nói: Đối với các pháp trần mà không bị nhiễm cũng không thể không nhiễm, không đắm trước, không quên, không suy nghĩ, không tạo tác, không thể không tạo tác, không thủ, không xả. Đó gọi là một việc phô diễn Kinh Pháp.
Bồ Tát Hải Để nói: Ý chí như nước biển khó lường được đáy, thâm nhập pháp yếu không bị vọng tưởng, những gì đã thực hành tuyên nói Chánh Pháp không ta, không người. Đó gọi là một việc phô diễn Kinh Pháp.
Đồng chân Bồ Tát Thập Thượng Nguyệt nói: Bình đẳng đối với tất cả chúng sinh cũng như trăng tròn, tâm không thấy bình đẳng, không có cái để bình đẳng. Đó gọi là một việc phô diễn Kinh Pháp.
Bồ Tát Tiêu Chư Ưu Minh nói: Chấm dứt tất cả lo lắng, không lo, không buồn, có khả năng đoạn trừ sự ồn ào căn bản.
Cái gì là căn bản?
Ngã là căn bản, nó bình đẳng cùng với ngã hành mà nói pháp. Đó gọi là một việc phô diễn Kinh Pháp.
Bồ Tát Câu Tỏa nói: Nếu nói pháp mà không đắm trước vào Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới, không đắm trước vào pháp Thanh Văn, Duyên Giác, không thích Phật Đạo, thì đó gọi là một việc phô diễn Kinh Pháp.
Bồ Tát Phổ Hiện nói: Bình đẳng nói các pháp, bình đẳng với không không, không nghĩ đến không, không được bình đẳng, điều nói ra cũng như vậy. Đó gọi là một việc phô diễn Kinh Pháp.
Bồ Tát Tam Phẩm Tịnh nói: Nếu giảng pháp tịnh ba phẩm tràng.
Sao gọi là ba tràng?
Không chấp ngã, không tưởng pháp hội, không trước các pháp. Đó gọi là ba tràng thanh tịnh tuyên nói pháp huấn. Người nói như vậy tức là một việc phô diễn Kinh Pháp.
Bồ Tát Tại Sở Cát nói: Biết tất cả pháp đều quy về bình đẳng. Nếu hiểu rõ như vậy vì phân biệt, không tuyên nói văn tự, do không tuyên nói tất cả các pháp nên gọi là một việc phô diễn Kinh Pháp.
Bồ Tát Thâm Hành nói: Nếu có thấy tất cả các pháp, cũng không có cái để thấy. Nếu giảng lời như vậy tức là một việc phô diễn Kinh Pháp.
Nói tóm lại, tất cả Bồ Tát đều nói lên cái chí của mình. Khi nói một việc phô diễn Kinh Pháp này, bảy ngàn ức Bồ Tát được pháp nhẫn không từ đâu sinh, tám mươi vạn bốn ngàn triệu người đều phát đạo tâm Vô Thượng Chánh Chân. Bảy ngàn Tỳ Kheo lậu tận ý giải, chín mươi sáu ngàn Trời người xa lìa trần cấu, sinh các pháp nhãn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Chánh Tri Kiến - Phần Mười Năm - Hành
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Một - Phẩm Con Rắn - Chuyện Con Rắn
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Chín - Phẩm Khen Ngợi Thanh Tịnh - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Khai Giác Tự Tánh Bát Nhã Ba La Mật đa - Phần Bốn