Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Một - Phẩm Asampadàna - Chuyện Thiên Nga Vàng Tiền Thân Suvannahamsa

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MỘT  

PHẨM ASAMPADÀNA  

CHUYỆN THIÊN NGA VÀNG

TIỀN THÂN SUVANNAHAMSA  

Ðược gì, hãy biết là đủ. Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, Bậc Ðạo Sư kể về Tỳ Kheo Ni Thhullanandà Nandà Mập.

Một nam Cư Sĩ ở Xá Vệ muốn cúng dường tỏi cho chúng Tỳ Kheo Ni bảo người giữ ruộng: Khi nào các Tỳ Kheo Ni đến, hãy cho mỗi Tỳ Kheo Ni hai hay ba nhánh tỏi. Từ khi ấy trở đi, các Tỳ Kheo Ni thường đi đến nhà người ấy, hay ra đồng ruộng để lấy tỏi, một hôm, vào một ngày lễ, trong nhà người ấy tỏi không còn nữa.

Tỳ Kheo Ni Thullanandà đến nhà người ấy với một số tùy tùng và hỏi: Thưa ông có tỏi không?

Thưa Ni Sư, tôi không có. Tỏi đem về đủ dùng hết rồi. Ni Sư hãy đi ra ngoài đồng. Nghe nói vậy, Thullanandà đi ra ngoài đồng, không chế ngự được lòng tham, đã mang tỏi về quá nhiều.

Ngưòi giữ ruộng tức giận: Vì sao các Tỳ Kheo Ni không biết vừa đủ, đem tỏi đi quá nhiều vậy?

Nghe nói vậy, các Tỳ Kheo Ni thiểu dục cũng bực bội phiền muộn. Và các Tỳ Kheo ở nhà nghe các Tỳ Kheo Ni ấy nói cũng bực bội và phiền muộn không kém. Sự phiền muộn của chư Ni được các Tỳ Kheo trình lên Thế Tôn rõ.

Thế Tôn phê bình Tỳ Kheo Ni Thullanandà và nói: Này các Tỳ Kheo, một người có lòng dục lớn xử sự không thân ái, không làm vừa ý ngay cả mẹ sanh ra mình, không gây được lòng tin đối với những người chưa tin, không thể làm tăng trưởng lòng tin của những người đã có lòng tin. Không tạo nên các lợi dưỡng chưa được tạo nên. Và đối với lợi dưỡng đã có rồi, cũng không thể duy trì được.

Còn người ít dục có thể làm khởi lên lòng tin ở người chưa có lòng tin, có thể làm tăng trưởng lòng tin với những người đã có lòng tin, tạo nên các lợi dưỡng chưa được tạo nên, và đối với lợi dưỡng đã có rồi vẫn có thể duy trì được.

Với phương pháp ấy, Bậc Ðạo Sư thuyết giáo thích hợp cho các Tỳ Kheo ấy và nói: Này các Tỳ Kheo không phải chỉ nay Thullanada mới có tham dục lớn, trong quá khứ Thullanandà cũng đã có lòng dục lớn như vậy rồi.

Nói vậy xong, Bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ. Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát sanh ra trong một gia đình Bà La Môn. Khi đến tuổi trưởng thành, họ cưới cho Bồ Tát một người vợ từ một gia đình ngang hàng.

Với người vợ ấy, Bồ Tát có được ba con gái đều tên là Nandà. Khi Bồ Tát mệnh chung, vợ và các con gái phải đi đến ở với các gia đình khác. Bồ Tát tái sanh làm con ngỗng Trời vàng có trí nhớ được các đời trước.

Khi con ngỗng Trời vàng đến tuổi trưởng thành, thấy thân thể to lớn của mình, với lông vàng che thân, với sắc đẹp tuyệt trần, nó hướng tâm tìm hiểu: Ta từ đâu mạng chung mà đến đây?

Biết được mình từ loài người đến, Bồ Tát hiểu: Nay nữ Bà La Môn và các con gái ta ở đâu?

ược biết họ đang làm thuê cho người khác và sống một cách khó khăn, Bồ Tát suy nghĩ: Trong các lông bằng vàng trên thân ta hiện nay, nếu ta cho họ một cái lông bằng vàng của ta, thì với lông vàng ấy, vợ và các con gái ta sẽ sống hạnh phúc. Vì vậy, Bồ Tát đi đến chỗ họ ở và đậu trên cây xà ngang chính.

Nữ Bà La Môn và các con gái thấy Bồ Tát, liền hỏi: Thưa Ngài, Ngài từ đâu đến?

Bồ Tát trả lời: Ta là cha các con. Ta mệnh chung được sanh làm con ngỗng Trời vàng. Ta đến để thăm các con. Bắt đầu từ nay các con không còn phải làm thuê cho người khác và sống một cách khổ sở như vậy nữa. Ta sẽ cho các con mỗi lần một cái lông vàng của ta. Các con bán lông ấy và sống hạnh phúc.

Nói xong, Bồ Tát cho họ một cái lông vàng và bay đi. Từ đó với cách thức này, Bồ Tát tiếp tục đi đến và mỗi lần cho họ một cái lông vàng. Và các nữ Bà La Môn được sống sung túc và hạnh phúc.

Một hôm, nữ Bà La Môn nói với các con gái: Này các con, tâm của loài súc sanh khó mà tin được. Một ngày nào đó, cha các con có thể không đến đây, vậy khi nào cha các con đến, chúng ta hãy nhổ tất cả lông vàng và lấy các lông ấy để dành.

Các cô gái không chịu, liền nói: Làm như vậy cha chúng con sẽ đau đớn. Tuy vậy nữ Bà La Môn, vì lòng ham muốn quá lớn, một hôm, thấy con ngỗng Trời vàng đến, bà kêu con ngỗng đến gần bà, với hai tay bắt giữ ngỗng và nhổ tất cả lông.

Nhưng các lông của Bồ Tát có đặc điểm là nếu bị nhổ lên bằng sức mạnh ngoài ý muốn của mình, thì chúng trở thành như lông con cò thường. Bấy giờ Bồ Tát xòe hai cánh ra, nhưng không có thể bay được.

Nữ Bà La Môn quăng Bồ Tát vào một cái thùng lớn và cho Bồ Tát ăn ở đấy. Theo thời gian, các lông của Bồ Tát được mọc lên, nhưng chúng toàn màu trắng. Với cánh được mọc lại, Bồ Tát về chỗ ở của mình, và không bao giờ trở lại nữa.

Sau khi kể câu chuyện quá khứ này, Bậc Ðạo Sư lại nói: Này các Tỳ Kheo, Thullanandà không phải nay mới có ham muốn lớn. Thuở trước nàng cũng có ham muốn lớn rồi. Lòng ham muốn lớn của nàng lúc ấy làm cho nàng mất vàng, cũng như lòng ham muốn lớn của nàng hôm nay làm cho nàng mất tỏi.

Cũng như Thullanandà, chính vì nàng, chúng Tỳ Kheo còn lại không được tỏi. Do vậy, nếu được nhiều, phải biết lượng vừa đủ. Nếu được ít, phải bằng lòng với đồ nhận được. Chớ mong mỏi nhiều hơn.

Rồi Bậc Ðạo Sư đọc bài kệ:

Ðược gì, hãy biết đủ,

Quá tham là ác pháp,

Do bắt chúa ngỗng Trời,

Bao nhiêu vàng tiêu hết.

Nói xong, Bậc Ðạo Sư dùng nhiều phương tiện chỉ trích rồi đặt ra học giới: Tỳ Kheo Ni nào ăn tỏi, phải bị tội đọa địa ngục.

Nói xong pháp thoại, Bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Lúc bấy giờ, nữ Bà La Môn là Thullanandà, ba người con gái ấy là ba chị em của nàng, và con ngỗng Trời vàng là ta vậy. Câu chuyện này được nói đến trong Luật tạng, tập IV.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần