Phật Thuyết Kinh Viên Giác - Chương Mười Một - Chương Viên Giác
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Đà Đa La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH VIÊN GIÁC
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Đà Đa La, Đời Tống
CHƯƠNG MƯỜI MỘT
CHƯƠNG VIÊN GIÁC
Lúc ấy Bồ Tát Viên Giác ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy ngang chân Đức Thế Tôn, theo chiều bên phải của Ngài đi quanh Ngài ba vòng, rồi quì thẳng, chắp tay mà tác bạch: Thưa Đức Thế Tôn lòng thương cao cả! Ngài đã dạy cho chúng con một cách rộng rãi về những phương tiện của Viên Giác trong sáng, làm cho những người thời kỳ cuối cùng cũng được lợi ích tăng thêm một cách lớn lao.
Thưa Đức Thế Tôn! Hiện tại chúng con đã được tỏ ngộ, nhưng Ngài diệt độ rồi, thời kỳ cuối cùng, những người chưa được tỏ ngộ thì họ nên thiết lập Đạo Tràng an cư như thế nào để tu tập Viên Giác?
Cách đầu tiên tu ba mặt Thiền Quán trong sáng của Viên Giác là gì?
Con thỉnh cầu Đức Thế Tôn, với lòng thương cao cả, chỉ dạy những điều ấy, ban cho đại chúng này, và người sau này, sự ích lợi lớn lao.
Tác bạch rồi, Bồ Tát Viên Giác gieo xuống sát đất tất cả năm bộ phận của thân thể mà kính lạy Đức Thế Tôn. Bồ Tát thỉnh cầu như vậy đến ba lần, mỗi lần thỉnh cầu xong lại làm lại từ đầu.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dạy Bồ Tát Viên Giác: Tốt lắm! Thiện nam tử! Ông có thể hỏi Như Lai về phương tiện như vậy của Viên Giác, cống hiến ích lợi lớn lao cho bao chúng sinh. Ông hãy nghe kỹ Như Lai sẽ nói cho. Bồ Tát Viên Giác vâng lời, hoan hỷ, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.
Đức Thế Tôn dạy: Thiện nam tử! Hoặc thời kỳ Như Lai đang còn ở đời, hoặc thời kỳ Như Lai đã diệt độ, hoặc thời kỳ cuối cùng của Phật Pháp, tất cả mọi người ai có chủng tánh đại thừa, tin và muốn tu Viên Giác vĩ đại của Như Lai chứng ngộ, mà ở nơi Tự Viện, nếu có việc phải lo cho Tăng Chúng và tín đồ, thì tùy khả năng của mình, hãy tư duy Thiền Quán theo những cách thức Như Lai đã chỉ ở trước.
Nếu không có việc gì, thì thiết lập Đạo Tràng mà an cư, với ba kỳ hạn: Kỳ hạn dài một trăm hai mươi ngày, kỳ hạn vừa một trăm ngày, kỳ hạn ngắn tám mươi ngày. Bằng cách nếu Như Lai đang ở đời thì hãy suy nghĩ chính xác đến Như Lai.
Nếu Như Lai đã diệt độ thì treo phan, chưng hoa, thiết trí hình tượng của Như Lai, lòng dồn lại nơi hình tượng ấy, mắt nhìn cho rõ rồi nhắm lại tưởng tượng hình tượng ấy, tâm trí nghĩ nhớ chính xác đến Như Lai, như thế thì cũng như ngày Như Lai còn ở đời.
Trải qua Ba Tuần bảy ngày, kính lạy hồng danh Phật Đà mười phương, tha thiết sám hối, cảm được hiện tượng tốt thì tâm trí thư thái. Qua Ba Tuần bảy ngày này rồi, vẫn một mạch tập trung tư duy để tu tập những cách đầu tiên của ba Thiền Quán.
Nếu kỳ hạn như trên mà gặp đầu hạ ba tháng an cư, thì phải làm theo sự an cư trong sáng của Bồ Tát, bằng cách trong tâm tách rời Thanh Văn, không dựa đồng chúng.
Đến ngày an cư thì đối trước hình tượng Như Lai mà tác bạch như vậy: Nay con là Tỷ Kheo, hay Tỷ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, có tên như vậy, nguyện nương Bồ Tát Thừa mà tu tịch diệt hạnh, để được đồng nhập thật tướng trong sáng. Vì bản thể Niết Bàn không tùy thuộc đâu cả, nên con nguyện lấy Viên Giác vĩ đại làm chốn Tự Viện, cả thân thể lẫn tâm trí đều an cư trong Viên Giác bình đẳng ấy.
Con kính xin không nương tựa các vị Thanh Văn, chỉ nương tựa chư vị Thế Tôn và Đại Sĩ để an cư ba tháng, và vì lý do to lớn là tu tập Viên Giác Vô Thượng như các vị Bồ Tát đang tu, nên con không tùy thuộc đồng chúng.
Thiện nam tử! Như thế đó là thiết lập Đạo Tràng mà an cư, và mỗi năm hết một trong ba kỳ hạn rồi, đi lại tùy ý.
Thiện nam tử! Những người thời kỳ cuối cùng đi theo đường đi của Bồ Tát, bước vào một trong ba kỳ hạn an cư, thì hiện tượng nào không phải cái họ đã nghe, họ tuyệt đối không nên chấp nhận.
Thiện nam tử! Ai tu cực tĩnh xa ma tha, trước hết nắm sự tĩnh lặng, bằng cách không nổi dậy mọi sự nghĩ nhớ, thì tĩnh cực là giác phát. Trạng thái tĩnh đầu tiên này phát triển từ một bản thân đến một Thế Giới, thì trạng thái giác cũng phát triển như vậy.
Trạng thái giác cùng khắp một Thế Giới, thì trong Thế Giới ấy một chúng sinh nào nổi lên một ý niệm gì cũng biết được cả. Trạng thái tĩnh và giác cùng khắp trăm hay ngàn Thế Giới thì cũng y như vậy. Thế nhưng hiện tượng nào không phải cái họ đã nghe, họ tuyệt đối không nên chấp nhận.
Thiện nam tử! Ai tu cực động Tam Ma Bát Đề, trước hết tưởng nhớ mười phương Như Lai và Đại Sĩ, y theo những tổng trì môn các Ngài đã tuần tự tu tập về tinh tiến, khổ hạnh và Thiền Quán, mà phát nguyện cao cả, thì tự huân tập thành cá tính của mình… thế nhưng hiện tượng nào không phải cái họ đã nghe, họ tuyệt đối không nên chấp nhận.
Thiện nam tử! Ai tu cực thuần Thiền Na, trước hết nắm lấy sự đếm kể, bằng cách trong tâm tự biết rõ số lượng của ý nghĩ phát sinh, tồn tại và diệt mất. Cứ như vậy, mọi cử động đi đứng nằm ngồi đều biết rành rẽ số lượng của ý nghĩ, không một ý nghĩ nào không biết.
Rồi tuần tự bước tới, cho đến lúc biết được cả một giọt mưa trong trăm ngàn Thế Giới mà y như nhìn thấy đồ dùng trước mắt. Thế nhưng hiện tượng nào không phải cái họ đã nghe, họ tuyệt đối không nên chấp nhận.
Như thế đó là những cách đầu tiên của ba Thiền Quán. Ai tu khắp cả ba Thiền Quán ấy một cách siêng năng tinh tiến, thì đối với người ấy Như Lai xuất thế.
Trong thời kỳ cuối cùng, những người trình độ chậm chạp, muốn cầu Tuệ Giác mà không thành đạt, ấy là vì nghiệp cũ gây ra chướng ngại.
Họ phải siêng năng sám hối, phải luôn luôn hy vọng, và trước đó phải đoạn tuyệt những sự ghét bỏ, yêu thích, ganh ghét, dua nịnh, và luyện tập tâm lý thắng thượng. Rồi trong ba Thiền Quán, tùy khả năng mà tu lấy một. Một Thiền Quán ấy không thành thì tu Thiền Quán khác. Quyết ý không buông không bỏ, tuần tự mà cầu chứng ngộ.
Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây:
Viên Giác nên biết,
Chúng sinh muốn cầu
Tuệ Giác Vô Thượng,
Trước hết họ phải
Ấn định lấy một
Trong ba kỳ hạn.
Rồi trong ba tuần
Đầu mỗi kỳ hạn,
Họ phải sám hối
Nghiệp chướng lâu đời.
Sau đó tư duy
Thiền Quán chính xác
Mà hiện tượng nào
Không phải đã nghe,
Thì họ tuyệt đối
Không nên chấp nhận
Thiền Quán cực tĩnh
Tĩnh lặng hết mức,
Thiền Quán cực động
Tưởng nhớ chính xác,
Thiền Quán cực thuần
Đếm kể rõ ràng.
Đó, cách đầu tiên
Của ba Thiền Quán,
Siêng tu tập cả
Như Phật xuất hiện.
Trình độ chậm chạp
Tu tập không thành,
Thì phải siêng khó
Sám hối tội chướng,
Tội chướng tan biến
Cảnh Phật hiện ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đà Ma Ni
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Mười Tám - Phẩm Bạn Lành
Phật Thuyết Kinh Thuần đà Chân đà La Sở Vấn Như Lai Tam Muội - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Ba - Quán Tướng - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh Nguyệt Thượng Nữ - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Phạm Hạnh - Phần Năm