Phật Thuyết Kinh Vô Minh La Sát Tập - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH VÔ MINH LA SÁT TẬP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống  

PHẦN BA  

Bồ Tát bèn thả bốn thủ rồi bắt ái.

Ái nói với Bồ Tát: Con Vua Tịnh Phạn! Xin hãy đến đây! Trong vô lượng kiếp ông đã tạo nhiều công đức, tu tập các hạnh lành. Oai lực của ông hơn hẳn Phạm Thiên, Đế Thích. Ông nên định tâm lại để nhận chút cúng dường của tôi.

Bồ Tát hỏi: Ông lấy gì cúng dường?

Ái trả lời: Tôi cúng dường bằng thú vui nơi năm căn thọ nhận năm dục.

Bồ Tát hỏi: Năm căn này có gì mà mời ta?

Ái trả lời: Tôi lấy sắc, hương, vị, xúc để mời ông.

Bồ Tát hỏi: Ngươi lấy sự thơm ngon của quả độc để mời ta sao?

Ái nói: Vì sao nói độc?

Bồ Tát: Năm dục này ví như bắt con dê quăng trong lửa, như người mù rớt xuống hang sâu. Nó xa lìa đường giải thoát, lấp bít cửa Niết Bàn. Người có trí thậm chí trong mộng còn xa lìa năm dục huống chi là khi thức.

Ái nói: Năm dục của Chư Thiên không vượt trội sao?

Bồ Tát nói: Nó như huyễn như mộng. Dù Thiên nữ Tôn đà la đẹp đẽ như Mặt Trời, ở trên Cõi Trời ca hát vui chơi nơi cung điện, khi phước hết, qua đời rồi trở lại trong địa ngục, đâu phải chuyện để lừa gạt.

Ái nói: Ông chê Cõi Dục, còn Chư Thiên ở Cõi Sắc chẳng lẽ không vui sao?

Trong Cõi Sắc ấy chú tâm thiền định, ít bị hoạn nạn.

Bồ Tát: Ta biết rõ những khổ hoạn trong Cõi Sắc ấy.

Ái hỏi: Ông quán sát thế nào mà biết được?

Bồ Tát trả lời: Mặc dù thiền định sinh vào cõi Phạm Thế, nhưng khi phước hết thì qua đời cũng có thể bị đọa vào ba đường ác. Ví như bị đốt nóng lại lấy nước lạnh tưới vào. Chúng sinh vì phước mỏng nên chịu khổ não trong luân hồi.

Ái nói: Như chỗ ông hiểu thì cõi Hữu Đảnh là tối thượng, nhưng tâm ông quê mùa như cỏ lau.

Bồ Tát hỏi: Sao gọi là Hữu Đảnh?

Ái thưa: Bốn cõi nơi Cõi Vô Sắc tên là Hữu Đảnh.

Bồ Tát hỏi: Bốn cõi nơi Cõi Vô Sắc có thể là tướng ra sao?

Ái đáp: Tất cả Chư Thiên trong Cõi Vô Sắc ấy định tuổi thọ là tám vạn đại kiếp.

Bồ Tát hỏi: Đại kiếp ấy khi hết thì được những gì?

Ái trả lời: Tám vạn kiếp hết gọi là chấm dứt.

Bồ Tát nói: Ô hô! Lạ thay! Quán Cõi Dục thì khổ não vô lượng. Quán Cõi Sắc thì thể tánh tất bị hư hoại, đến bốn cõi nơi Cõi Vô Sắc thì cũng không thoát khỏi cái chết. Trong thế gian vui ít khổ nhiều, thật đáng thương thay.

Ái nói: Nếu ông muốn ra khỏi cảnh giới của tôi thì tìm cầu hoan lạc ở đâu?

Bồ Tát hỏi: Cảnh giới của ngươi hiện hữu ở nơi chốn nào?

Ái trả lời: Tất cả các pháp hữu vi là cảnh giới của tôi.

Bồ Tát nói: Tất cả các pháp hữu vi luôn thao túng cái chết là cảnh giới của ngươi. Còn ta nay dốc vượt khỏi cảnh giới hữu vi, nơi mà chết không đến được, vĩnh viễn xa lìa chỗ chết, không còn chỗ yêu thương mà phải xa lìa, oán ghét mà phải gặp nhau, không có chỗ cho sinh, già, bệnh, ưu, bi, khổ não, chỗ tận cùng của năm ấm, chỗ diệt bỏ năm căn, chỗ các căn không được tác dụng, chỗ bình Nhất thiết trí phát cam lộ.

Những chỗ như vậy lẽ nào chẳng phải là ra khỏi cảnh giới của ngươi sao?

Nghe vậy, ái cười to nói: Vô lượng bậc Đại Tiên như Tỳ Du Mật Đa La, Bà Sất… đều nói như vậy nhưng chưa có ai đạt được.

Bồ Tát nói: Mặc dù họ mong cầu nhưng vì họ không biết cách.

Ái hỏi: Còn ông có cách gì?

Bồ Tát nói: Ngươi hãy bỏ thói làm mê hoặc chúng sinh và sự kiêu mạn to lớn. Ta sẽ tiêu diệt ngươi giống như voi lớn nhổ cỏ con.

Ái nói: Lành thay! Ông có lòng Từ bi lớn với chúng sinh. Tôi chỉ nương vào thọ nên trước hết ông hãy nắm bắt lấy thọ.

Bồ Tát nói: Ta nay quán xét tất cả hữu, sinh rất kỹ. Ai cũng đều sợ hãi thể tướng của khổ. Các căn giong ruổi lay động mong cầu nơi lạc, lạc không tự tại, chỉ do người khác mà có lạc, nó là pháp dối trá, hư vọng, tạm có. Kẻ ngu si mặc dù luôn bị lạc tạo tình mà không biết nhàm chán.

Lạc tạo mọi buông lung, có thể cướp mất các căn, mê hoặc lòng người, rơi vào hang sâu phàm phu. Như ruồi rớt trong mật, được vị ngọt rất ít mà tổn thất rất nhiều. Không phân biệt được tốt xấu, hễ thấy thì sinh ái. Như lấy dầu rót vào lửa lớn thì lửa cháy càng dữ dội hơn. Ái hãy đứng đây, đợi ta bắt thọ về rồi sau sẽ trị ngươi.

Tội lỗi của ngươi và thọ như nhau nên cần phải trị tội ngươi.

Ái nói: Con Vua Tịnh Phạn! Mặc dù ông mạnh mẽ, có ý muốn như vậy nhưng e rằng cũng không thể ngăn chặn được tôi.

Vì sao?

Vì thuở xưa, có đại Tiên Nhân đầu vàng ra đời vào thời kỳ an lành, sống tám vạn tuổi, đạo đức sâu dày vậy mà không thể làm tổn hại được tôi, huống chi là ông ở vào đời sau cùng, xấu ác, tuổi thọ ngắn ngủi không đầy một trăm.

Bồ Tát hỏi: Ta xuất hiện vào đời ác sao?

Ái nói: Đúng là xuất hiện vào đời ác.

Bồ Tát: Hôm nay dẫu có bị phiền não quấy nhiễu, ra đời vào thời kiếp ô trược xấu ác nhưng nếu không phá trừ cửa vô minh của ngươi thì làm sao được gọi là đại trượng phu?

Ái nói: Xin hãy dừng lại, chớ tự đề cao mình.

Bồ Tát bảo: Ta khen ngợi đúng thời chứ chẳng phải là phi thời… đúng lúc đúng nơi là lời nói chân thật, lời nói có nghĩa. Ví như không thể che ánh sáng mặt trời mới mọc, cũng vậy, khó che được ánh sáng của bậc trí đại nhân.

Ái nói: Tôi quan sát chí của ông, mặc dù mạnh mẽ, tinh tấn, nhưng chưa thành tựu. Lại tự khen mình, giống như mây sấm giáng trận mưa lớn làm chim chóc vui mừng. Còn ông chỉ nổi mây sấm mà chẳng thấy nước mưa. Như vậy trời hạn hán mà sấm chớp thì có lợi ích gì.

Lấy ý này mà lường thì lời nói của ông là không thật.

Bồ Tát nói: Ta sẽ kể ngươi nghe việc không hư dối. Trong vô lượng kiếp, ta đã tô bồi những hạnh lành, nhất tâm định ý. Với kiếm bén trí tuệ, ta sẽ chém ngươi.

Ái nói: Làm sao chết được?

Bồ Tát nói: Ai quấy nhiễu ta bằng những tiếng ca hát này thì kẻ ấy bắt tay với nghiệp phiền não, sờ vào cây đàn ba cõi làm não loạn, mê hoặc tất cả chúng sinh dua nịnh.

Ái nói: Thật sự tôi muốn hướng dẫn như người ca hát này muốn đánh đàn. Vì đây là sở trường của tôi. Hiện nay tôi bị hắn bắt làm, bị hắn sai sử.

Bồ Tát hỏi: Đó là ái phải không?

Ái đáp: Đúng vậy!

Bồ Tát hỏi: Ái là ngọn lửa dữ thiêu cháy khắp mọi nơi. Ái ấy đắm vào lạc thì đều rơi trong ái. Kẻ ngu dại rơi vào đó giống như con thiêu thân đâm đầu vào lửa.

Ái nói: Ông quán sát rất tận tường.

Bồ Tát nói: Ta biết mọi sự ham thích các vui trong sinh tử chắn chắn đều do ái làm hại. Cũng như các loài chim thú vì ham mùi vị nên tất bị sập bẫy.

Ái nói: Ông thật sự biết rất rõ. Nhưng tôi có thể làm cho các kẻ phàm phu đắm vào thú vui của hữu, đời sau sẽ bị đau khổ. Chúng sinh ham thú vui của hữu đều do tôi tạo ra. Cho đến sinh lên Cõi Trời Hữu Đảnh còn phải trở lại bị đọa lạc.

Bồ Tát: Ngươi nói chẳng đúng sự thật. Trên thế gian khao khát nhất không gì hơn ái. Giống như khát mà uống nước muối thì càng khát gấp bội. Cũng vậy, uống nước hữu thì càng tăng thêm ái.

Ái nói: Ông đừng giết tôi.

Bồ Tát: Mặc dù ngươi nói điều tốt lành nhưng trong lòng đầy độc ác.

Nếu không trừ khử ngươi thì ta làm sao an ổn?

Dầu vậy nhưng ngươi hãy đợi đấy, ta sẽ đến bắt thọ.

Bồ Tát suy nghĩ: Do đâu có thọ?

Thế rồi Bồ Tát tận lực cố gắng, thân tâm dũng mãnh không chút khiếp sợ, từ bỏ sự ồn náo đạt được tịch định, vào quả vị nhất thiết trí liền thấy thọ và nói với nó: Từ lâu xa đến nay ngươi dối gạt chúng sinh, ta là người bạn không mời của chúng sinh. Từ nay trở về sau ngươi không được quấy nhiễu họ nữa.

Thọ nói: Tôi quấy nhiễu họ những gì?

Bồ Tát: Ai thọ thân thì thể tánh đều khổ, giả vờ hiện tướng vui vẻ để làm mê hoặc kẻ phàm ngu. Mặc dù hiện người thân thiện nhưng thật ra là kẻ thù lớn.

Thọ nói: Thât sự có lỗi ấy nhưng các chúng sinh vẫn tham đắm vào tôi, giống như ong lấy hoa chỉ ham mùi vị nhưng lại quấy nhiễu không dừng.

Bồ Tát nói: Ngươi nói rất đúng. Giống như vì thích vào biển mà người ta phải gặp đủ mọi tai nạn, vì thích xông vào trận chiến, cung tên như mưa tuyết, nào mâu giáo để tàn hại nhau, vì do ham muốn mà băng qua nơi xa xôi hiểm trở, đồng hoang đói khát nhiều gian nan.

Vì do ham muốn mà gây các hạnh khổ, nào đâm đầu xuống vực sâu, nhảy vào lửa, năm thứ nóng đốt thân, nằm trên gai góc bỏ ăn uống, ngồi trên gai cỏ, mặc bằng vỏ cây và cỏ, ăn rau trái, vì ham muốn mà làm các khí cụ cày ruộng, đào đất, trồng cây, xây nhà cửa, may y phục.

Những việc như vậy cho là vui nên gây vô lượng khổ.

Thọ nói: Đúng như vậy. Nhưng tôi có thể làm cho tất cả chúng sinh vì do ham muốn mà chịu vô lượng khổ. Tôi rất thô tháo, không khi nào đứng yên. Những chúng sinh đắm chìm vào lạc thọ nói rằng tôi luôn như vậy.

Bồ Tát nói: Tất cả chúng sinh thật đáng thương. Lúc nào cũng bị ngươi làm mê hoặc. Vì chúng sinh ngu ám nên bị ngươi quấy nhiễu.

Thọ nói: Tội lỗi của tôi không chỉ bằng chừng ấy mà còn nặng hơn thế nữa. Nó vận động lưu chuyển từ vô thủy đến giờ. Tất cả chúng sinh luôn thọ nhận tôi mà không biết nhàm chán. Giống như đem dầu quăng vào lửa thì lửa vẫn không biết đủ. Tất cả đều tham đắm vào lạc. Tôi không có lỗi gì cả.

Bồ Tát nói: Hôm nay, ta đến gần bên oán tặc ái Bồ Tát lớn tiếng hô to và rút kiếm trí tuệ muốn đến chém ngay.

Ái nói: Nhưng do thọ chứ đâu phải lỗi của tôi. Xét theo lời ông thì hãy chém thọ. Vì nếu không có thọ thì không có ái.

Thọ nói: Tôi không có quyền gì cả vì bị xúc sai khiến. Dù ông có hại tôi thì ông cũng không có lợi gì cả.

Bấy giờ, Bồ Tát đã hiểu về thứ lớp, dùng tay trí tuệ rờ và o xúc, nói: Ngươi tên là gì mà gây khổ đau cho chúng sinh đến thế?

Do ngươi mà có thọ, làm cho hai chân sinh tử càng tăng trưởng, bít lấp cửa Niết Bàn?

Xúc nói:Vấn đề sinh ra thọ thì thật đúng như vậy nhưng nhờ ba nhân duyên mà xúc mới được sinh. Giống như phải có dùi, lửa và công của người hợp lại mới phát ra lửa. Tôi cũng vậy, có đủ ba việc nhãn, thức, duyên hòa hợp lại mới sinh ra xúc, do xúc làm duyên mà sinh ra thọ.

Nếu không có lục nhập thì làm sao có tôi?

Bồ Tát nói: Ngươi nói đúng. Nếu lìa ba nhân duyên thì không có xúc. Nguồn gốc sinh ra xúc thì gần với sáu căn.

Xúc! Ngươi hãy đợi đây, ta phải đi bắt sáu căn, kẻ đồng tội với ngươi.

Khi đã rõ tướng của xúc rồi, Bồ Tát lại tìm sáu căn, nói: Sáu căn này là tổ yến, như bọt nước, như mụt nhọt mới mọc, không bao lâu sẽ bị vỡ tan, có sức mạnh gì mà tự cao như vậy?

Sáu căn nói: Vì sao ông nói như vậy?

Bồ Tát nói: Vì có ngươi nên làm xúc thêm năng lực. Đã từ mình sống tung hoành còn làm duyên sinh ra các khổ. Ta đã dẹp bỏ sự tranh cãi, đâu thèm tranh cãi với ngươi.

Sáu nhập nói: Dù tôi nhỏ bé nhưng có thể sinh ra xúc.

Bồ Tát nói: Ta quán nguồn gốc của xúc là do ngươi. Sáu nhập là ngôi nhà lớn chứa vô lượng khổ não. Ngươi luôn buông lung, điên cuồng tâm không bao giờ tịch tĩnh, luôn thô tháo không hòa thuận, cứ chạy theo duyên không biết nhàm chán. Sáu căn ngu dại tham lam sáu xúc để tìm kiếm sáu trần.

Sáu nhập nói: Tâm chúng sinh rộng lớn, ông muốn điều phục tôi thì phải chiến thắng danh sắc trước. Nếu ông cố sức khổ nhọc để ngăn cản tôi thì trước hết nên thu phục danh sắc.

Sau khi thu phục sáu nhập, Bồ Tát lại quán sát danh sắc. Biết được thể tướng của nó, Bồ Tát nói: Do ngươi mà sinh ra bao thứ khổ lớn cho chúng sinh. Ngươi hãy mau quay trở lại nghiệp của chính mình.

Danh sắc nói: Tôi thấy mình không có lỗi.

Bồ Tát: Vì sao ngươi không thấy có lỗi. Ngươi là kẻ dối trá, bản thể rất ác. Do ngươi mà sinh sáu tình của tất cả chúng sinh nơi thế gian.

Danh sắc nói: Việc này đúng như vậy. Tôi giống như cây có thể sinh ra cành lá. Vì đã có tôi thì có cành lá sáu tình.

Bồ Tát nói: Ta sẽ dùng búa bén trí tuệ chặt đứt cội gốc của ngươi thì cành lá sáu tình kia tự nhiên rơi rụng.

Danh sắc nói: Ông không thể nào chặt giết được thức của tôi đâu. Với sức mạnh của cánh tay thức, nó sẽ bảo vệ tôi. Loại thức này nếu không rơi trong đất danh sắc thì sẽ không có các khổ.

Bồ Tát nói: Đúng vậy! Nếu thức không ở trong thai mẹ, sống trong Ca La La thì thân chúng sinh không bao giờ sinh trưởng. Nếu thức không ở trong Ca La La thì Ca La La này liền bị hư hoại, nếu hư hoại thì làm sao có thân chúng sinh?

Do đó, ta sẽ dùng lửa trí tuệ thiêu đốt hạt giống thức.

Xả bỏ danh sắc, Bồ Tát lại quán sát thức, rồi nói: Ngươi giống như huyễn hóa, thể tánh mê muội. Giống như khỉ vượn luôn thô tháo không đứng yên, như điện chớp không ngưng nghỉ, như ngựa không điều phục thì không đi vào đường chính, như voi say tung hoành khó cấm, chế.

Thức nói: Tôi lấy thân làm thành, sáu nhập làm cửa. Tôi chính là chủ của thành ấy. Tất cả các pháp đều phải tuân theo, đưa tôi lên hàng đầu.

Vậy chẳng phải là Vua sao?

Bồ Tát nói: Trong trăm ngàn kiếp, ta đã mài kiếm trí tuệ. Hôm nay ta phải tiêu diệt ngôi Vua của ngươi.

Thức nói: Kỳ kạ thay, tôi đã không có lỗi mà lại vô cớ oán ghét tôi.

Bồ Tát nói: Vì sao nói oán ghét vô cớ?

Ngươi đã tạo ra hoạn nạn danh sắc, chẳng lẽ không phải là đáng oán ghét sao?

Thức nói: Tôi và danh sắc thật sự cùng nương vào hữu. Nếu không có thức thì không có danh sắc, nếu không có danh sắc thì không có thức.

Bồ Tát nói: Lạ thay! Danh sắc và thức đúng là bạn thâm giao với nhau, là nguồn gốc luân hồi của tất cả chúng sinh.

Thức nói: Danh sắc đích thực là người bạn thâm giao của tôi. Vì bị hành sai sử nên bỏ tôi trong nghiệp không được tự do. Tôi theo nghiệp thiện ác thọ thân nơi năm đường.

Bồ Tát nói: Ngươi bị hành sai khiến mà còn đến như vậy, thật sự là ngươi có lỗi nhưng hãy đợi ta làm sáng tỏ. Ta sẽ dùng tuệ nhãn quán sát hành rồi sau đó hỏi tội ngươi.

Bấy giờ, Bồ Tát thả thức ra rồi đến chỗ hành.

Hành kinh sợ nói: Ông là ai mà mạnh mẽ nhanh nhẹn, mặc áo giáp không hư hoại, tay cầm kiếm Bồ Đề bén nặng?

Chúng sinh ngu si ở mãi trong đêm u ám mà chấp ngã, ngã sở, một mình đi trong tối tăm, buông lung thật đáng khiếp sợ.

Bồ Tát nói: Ngươi thọ thân đã lâu rồi, hôm nay ta quán sát thấu rõ rốt ráo về ngươi.

Hành sợ hãi nói: Làm thế nào để thấu đạt?

Bồ Tát nói: Từ xa xưa ta đã phát lời thề nguyện kiên cố, cúng dường cung kính Phật Đại Thích Ca Mâu Ni từ sự tắm rửa, ăn uống, đi ở, hết sức rất tinh tấn mãi đến ngày hôm nay. Từ đó ta luôn tô bồi công đức, chưa bao giờ biếng nhác.

Hành nói: Tôi thấy ông trang nghiêm công đức chưa được bao lâu!

Bồ Tát: Đừng nói như vậy. Ở A tăng kỳ kiếp đầu tiên ta chưa được thọ ký, đủ hai A tăng kỳ kiếp mới được thọ ký thành tựu đạo quả để cứu giúp chúng sinh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần