Phật Thuyết Kinh Vô Sở Hữu Bồ Tát - Phần Mười Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT
KINH VÔ SỞ HỮU BỒ TÁT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẦN MƯỜI BA
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan: Này A Nan! Ông nay nên thọ trì các pháp mà Bồ Tát Vô Sở Hữu đã thưa hỏi, Như Lai nay đã giảng nói rộng vì tất cả chúng sinh mà nêu bày, làm sáng tỏ ý nghĩa nơi pháp ấy.
A Nan! Ông nên vì hết thảy chúng sinh khiến họ được nghe chánh pháp gốc này, nghe rồi mà có thể hiểu rộng về ý nghĩa nơi các câu văn hoàn chỉnh thì họ đều nhất định sẽ chứng đắc đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Nếu tuy được nghe mà không thể hiểu rõ về ý nghĩa thì dần dần về sau cũng sẽ hiểu được nghĩa lý sâu xa nơi pháp ấy để tu tập, tự chứng đắc, tức những người ấy đã ở chỗ trăm ngàn ức Đức Phật gieo trồng các căn lành.
Vì sao?
Vì đây là hạnh nguyện của Bồ Tát Vô Sở Hữu.
Lúc này, trong chúng tôi có các người nữ trụ nơi pháp đại thừa, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do đâu mà Đức Thế Tôn đã khuyên bảo Tôn Giả A Nan thọ trì pháp này.
Vì sao?
Vì nay chúng con đã thọ nhận pháp gốc ấy, thực hành đọc tụng thông suốt.
Bạch Thế Tôn! Chúng con nay đã lãnh hội pháp căn bản ấy, về đời vị lai sẽ giảng nói rộng cho những người khác, trong vô lượng trăm ngàn ức kiếp chúng con sẽ gắng sức làm cho pháp này luôn được tỏ rạng.
Khi đó, trong chúng hội có trăm Tỳ Kheo, sáu trăm Tỳ Kheo Ni, hai trăm Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, lại có hàng ức các Thiên Tử dùng vô số những loại hoa tung rải lên chỗ Đức Phật xong, rồi thưa: Bạch Thế Tôn! Kinh này nếu có thể chiếu tỏa thì sẽ hiển bày chỗ như thật của tất cả các pháp.
Bạch Thế Tôn! Chúng con nay đã được nghe pháp căn bản này rồi tức có thể thọ trì, đọc tụng một cách thông suốt giống như gương sáng thấy được hình tướng.
Chúng con dốc sức thọ trì pháp này rồi, do vậy, bạch Thế Tôn! Chúng con ở đời này và đời vị lai, đúng như pháp gốc ấy, trải qua A tăng kỳ ức kiếp giảng nói rộng cho mọi người lãnh hội thực hành để được chứng ngộ, khiến họ nhận chúng con đã tạo được lợi ích như thế, chúng con đã an trụ nơi Bồ Đề, đã vì các chúng sinh tạo đầy đủ mọi lợi ích nơi pháp Phật.
Bạch Thế Tôn! Chúng con không tham cầu lợi dưỡng, không thích tiếng tăm, thọ lãnh pháp này là để giảng nói cho chúng sinh, lại cũng không vì bản thân mình, chỉ vì tất cả muôn loài, muốn đem lại cho họ đầy đủ sự an vui, gần gũi với Pháp Phật, diệt trừ mọi thứ phiền não, ái nhiễm.
Phật nói: Lành thay! Lành thay! Nay các thiện nam! Các ông nay đã khéo nêu bày rõ về pháp ấy.
Lúc này đông đảo các người nữ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Vô Sở Hữu không phát khởi, cũng không thuyết giảng pháp như vậy. Các Thiện Nam, Thiện Nữ nên thuyết giảng pháp này nhằm làm cho sáng tỏ.
Bạch Thế Tôn! Các vị ấy nên thọ trì chánh pháp, cũng vì pháp hành của Chư Phật đời quá khứ, hiện tại và vị lai mà thọ trì, đọc tụng, thông suốt, giáo hóa những người khác cũng đọc tụng thông suốt, phải chỉ dạy cho mọi người nhận biết rõ.
Bấy giờ, Đại Bồ Tát Vô Sở Hữu nói với đông đảo các người nữ: Cách đây A tăng kỳ trăm ngàn kiếp, lúc ấy có kiếp tên là Pháp bảo khai phu, có đầy đủ năm trăm Đức Phật xuất hiện ở đời.
Đức Phật xuất hiện đầu tiên tên là Nan Giáng Tràng, gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Bấy giờ, cũng lại có rất nhiều chúng sinh sống trong phiền não, bị nghiệp chướng che lấp nên phiền não càng tăng trưởng, các thứ tham dục, giận dữ, ngu si cũng tăng thêm, nên cang bị ba độc não hại.
Đối với Phật Nan Giáng Tràng Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri thời ấy, ta cũng thỉnh vấn như vậy và Đức Phật đó đã giải thích cũng giống như nay Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng, Chánh Bien Tri đã giải thích.
Này các thiện nữ! Như vậy, tuần tự nơi năm trăm Chư Phật, ta cũng thưa hỏi pháp căn bản như thế và đều được các Đức Thế Tôn Giảng giải cho ta cũng như nay Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni, Vua trong dòng họ Thích đã vì ta mà giảng giải.
Này các vị! Các vị nên yên tâm. Ta từ nay cho đến đời vị lai, sẽ ở nơi vô lượng A tăng kỳ các Đức Phật, Thế Tôn cũng sẽ thưa hỏi pháp căn bản ấy. Trong các cõi của Chư Phật như vậy cũng có các chúng sinh chịu các thứ phiền não hoặc nhiều hoặc ít.
Cùng lúc với Đại Bồ Tát Vô Sở Hữu giảng nói như thế, thì chỉ trong chốc lát, Vua Tần Bà Sa La nước Ma Già Đà, Vua có uy lực lớn, có đủ bốn thứ binh lính vây quanh, lần lượt đi tìm công chúa và đám thể nữ, cả đoàn cùng đi đến chỗ Phật, đảnh lễ nơi chân rồi đứng qua một bên. Phật an ủi Nhà Vua và đám tùy tùng, rồi mỗi vị tùy nghi trải tọa cụ ngồi, đại chúng ở đây cũng trai tọa cụ ngồi.
Khi ấy, Vua Tần Bà Sa La bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con có một công chúa cùng đám thị nữ ra thành dạo chơi đã lâu, nay vẫn chưa về, con cho tìm khắp nơi mà không thấy, lại nghe có người nói chúng nó đi đến chỗ Đức Thế Tôn, nhưng hôm nay con đến đây, cũng lại không thấy.
Phật bảo: Nay Nhà Vua vào trong chúng hội này thì sẽ gặp.
Nhà Vua thưa: Bạch Thế Tôn! Con nay đã vào trong chúng hội nhưng cũng không thấy.
Phật bảo: Này Đại Vương! Đại Vương nên đến hỏi Bồ Tát Vô Sở Hữu, Bồ Tát sẽ chỉ cho.
Vua thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Vô Sở Hữu ấy là ai?
Phật bảo Bồ Tát Vô Sở Hữu: Này Bồ Tát Vô Sở Hữu! Ông nay nên trả lời cho Vua Tần Bà Sa La về nơi chốn của vị công chúa cùng đám thị nữ khiến cả chúng hội này được biết.
Bấy giờ, Bồ Tát Vô Sở Hữu không hiện thân, nói với Vua Tần Bà Sa La và đại chúng: Thưa Đại Vương! Các người nữ ấy đang ở trong chúng hội này.
Nhà Vua thưa: Thưa Đại Sĩ! Tôi chỉ nghe tiếng mà không thấy thân tướng của Đại Sĩ.
Bồ Tát Vô Sở Hữu nói: Đại Vương nên biết! Các người nữ kia sau khi nghe danh hiệu của tôi thì mỗi vị đều đạt được mọi sự an lạc, sau đó đều bỏ thân nữ nhận lấy thân nam. Các người ấy đã chọn thân tôi mà chuyển thành thân nam, nhưng tôi không có thân, nên gọi là Vô Sở Hữu.
Bồ Tát lại nói với các người nữ đã chuyển thành thân nam: Này các thiện nam! Các vị nên hiện rõ sắc thân phước đức của mình.
Khi ấy, các người nữ đã chuyển thân thành nam, tập trung tại một nơi, hiện rõ sắc thân đầy đủ tướng tốt của một nam nhi, ai nhìn cũng yêu mến va nói: Chúng tôi nay đã xả bỏ thân nữ, chuyển làm thân nam.
Lúc này Vua Tần Bà Sa La và đại chúng đều nghi ngờ, không tin.
Bồ Tát Vô Sở Hữu lại nói: Vì cớ gì mà Đại Vương và mọi người đều còn nghi hoặc không tin?
Nay Vua đối với Phật mà còn không tin sao?
Nếu có thể tin thì nên đến trước Đức Như Lai thưa hỏi.
Các Thiện Nam ấy nói những lời như vậy thì có gì sai khác chăng?
Vua Tần Bà Sa La bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Đúng vậy! Như tiếng nói trên hư không mà chẳng thấy thân tướng!
Phật bảo: Này Đại Vương! Thảy đều đúng như lời Bồ Tát Vô Sở Hữu đã nói. Ông nay nên tin lời ấy, chớ nên nghi ngờ.
Vua nghe như vậy liền chắp tay, đứng dậy, nói ba lần.
Lành thay rồi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đây là thần lực của ai, có phải là thần lực của Bồ Tát Vô Sở Hữu hay là thần lực của Phật?
Phật bảo: Này Đại Vương! Nên biết đây là nguyện lực từ thời xa xưa của các người nữ đó. Vị Bồ Tát kia, vào thời quá khứ, ở nơi hàng ngàn Đức Phật đã dạy những người nữ ấy gieo trồng các căn lành, phát tâm bồ đề, ở trong pháp của Chư Phật đã được thành tựu, nên nay đã được mãn nguyện.
Này Đại Vương! Vào đời vị lai, vị Bồ Tát này cũng giáo hóa vô lượng người nữ chuyển thành thân nam.
Bấy giờ, Phật lại bảo Bồ Tát Vô Sở Hữu: Này thiện nam! Ông nay nên vì mọi người ở đây, khiến cho các người nữ ấy trở lại thân nữ như trước.
Bồ Tát Vô Sở Hữu thưa: Như lời con đã nêu bày, sự thật con đã giáo hóa vô lượng, vô biên người nữ chuyển thành thân nam, tất cả đều đúng như vậy, nên sẽ khiến cho những người nữ ấy trở lại thân nữ như trước.
Khi Bồ Tát nói xong, thì các người nữ chuyển thành thân nam đều trở lại thân nữ như cũ, đủ mọi hình sắc, đủ mọi hành vi, đi đứng đều giống như trước, không khác.
Khi ấy, các người nữ và Vua Tần Bà Sa La đều nghĩ: Đây là việc ít có.
Vì sao các người nữ đã chuyển đổi thành thân nam, nay trở lại thân nữ?
Các người nữ này là thân thật hay chỉ là do biến hóa?
Phật bảo: Này Đại Vương! Các người nữ này không phải là thật, cũng không phải là biến hóa.
Vì sao?
Này Đại Vương! Bồ Tát Vô Sở Hữu ấy từ xưa đã có nguyện như vậy: Nếu các người nữ thấy được thân ta thì liền phát nguyện chuyển đổi thân nữ thành thân nam. Các người nữ ấy nếu đã có chồng, thì chồng họ sẽ chọn lấy người nữ khác, không tăng không giảm, giống như thân người vợ trước, đẹp đẽ, dễ mến, không cùng xa lìa.
Bấy giờ, Vua Tần Bà Sa La bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu! Các bậc Đại Bồ Tát đã gieo trồng căn lành nên có được thần thông diệu dụng như thế.
Bạch Thế Tôn! Tất cả các pháp là không thể nghĩ bàn, quả báo của chúng sinh cũng không thể nghĩ bàn, người chứng đắc thiền định thì cảnh giới ấy cũng không thể nghĩ bàn.
Phật nói: Đúng vậy, đúng vậy! Này Đại Vương! Có ba điều không thể nghĩ bàn.
Những gì là ba?
Đó là nghiệp huyễn, lượng huyễn bản tiếng Phạm thiếu một câu. Bồ Tát này đã giác ngộ về các huyễn, tự thân chứng đạt. Bồ Tát này là nhà huyễn thuật nên không thể định lượng được.
Khi ấy, Đức Thế Tôn dùng diệu nghĩa nơi pháp hòa hợp với chỗ không thật có, rồi dùng ngôn thuyết để giáo hóa cho đại chúng, khiến họ được vui mừng, được oai thần, tăng trưởng sự giáo hóa.
Họ được vui mừng rồi Ngài khuyên: Này các vị! Mỗi người hãy tự biết đã đến lúc nên trở về nơi chốn của mình.
Mọi người đều vâng lời, họ ra đi chưa được bao lâu, có một Bồ Tát tên là Sinh Nghi, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Vô Sở Hữu kia có thể vì các chúng sinh mà dùng thần thông biến hóa khiến họ chuyển đổi thân hoặc trở lại như cũ, sao không khiến cho các chúng sinh xa lìa hữu ái?
Bạch Thế Tôn! Các vị ấy sẽ tạo được những lợi ích gì?
Phật bảo Bồ Tát Sinh Nghi: Này thiện nam! Các người ấy và các người nữ từng chuyển đổi thành thân nam, với mọi thứ nói năng, ăn uống, đi đây đó, vui chơi… Bồ Tát Vô Sở Hữu đã dùng vô số sự việc, vô số phương tiện, trong mọi lúc mọi nơi, đều khiến cho hết thảy đến vơi đạo bồ đề, phát tâm gần gũi nơi pháp giải thoát của Đức Phật.
Vì sao?
Này thiện nam! Bồ Tát Vô Sở Hữu ấy trong thời quá khứ đã ở chỗ của các Đức Như Lai, dùng tất cả mọi vật dụng để cúng dường, tôn trọng, vun trong đầy đủ các căn lành, phát nguyện như vậy, nên đã được mãn nguyện, viên mãn ý phân biệt.
Bồ Tát ấy đã giáo hóa chúng sinh thành thục như vậy, đã chỉ dạy cho họ hội nhập nơi diệu nghĩa của văn tự, hiểu rõ thể của pháp là không có chốn sinh, không có nơi chốn thành tựu, khiến họ không được, không mất, thành tựu đầy đủ pháp Phật, đạt đến giác ngộ.
Này thiện nam! Bồ Tát Vô Sở Hữu ấy giáo hóa các chúng sinh như thế, không có một ai rơi vào đường ác, không có một ai đã được Bồ Tát chỉ dạy mà không sinh vào Cõi Phật.
Này thiện nam! Các chúng sinh ấy cũng sẽ thành tựu đạo quả bồ đề, giống như sự thành tựu của Bồ Tát Vô Sở Hữu.
Bồ Tát Sinh Nghi nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng xong, liền dứt trừ được mọi nghi ngờ bèn nói kệ:
Chúng sinh đã được nghe
Ở trong phương tiện học
Theo đó vững tu tập
Gọi là Vô Sở Hữu.
Tâm thuần trực, nhu hòa
Ý dịu dàng không ganh
Không có sự lo sợ
Gọi là Vô Sở Hữu.
Nhiều văn tự hòa hợp
Lại giảng nghĩa như vậy
Sở hữu không thể thấy
Cũng không chốn tiếp xúc.
Không hai, không thể chấp
Rốt ráo, không thể thấy
Không thể nói mà nói
Giáo pháp không gì bằng.
Bấy giờ, nàng Xà na na tu đa thưa Bồ Tát Sinh Nghi: Thưa Bồ Tát! Bồ Tát vâng theo uy lực của vị nào để có thể nêu bày bài kệ ấy?
Bồ Tát Sinh Nghi đáp: Tôi biết bài kệ ấy là từ nơi Bồ Tát Vô Sở Hữu giảng nói. Các vị nên biết, bài kệ này không phải từ nơi tôi nói ra.
Nàng Xà na na tu đa bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu! Bồ Tát Vô Sở Hữu ấy đã có thể đắc pháp không thể nghĩ bàn, có thể dùng đủ mọi phương tiện để thuyết pháp mở bày chỉ dẫn cho chúng sinh.
Phật bảo: Đúng vậy, đúng vậy! Này thiện nữ! Đúng như lời nàng nói.
Khi ấy, Bồ Tát Lưỡng Thời Vô Hữu Xuất Sinh bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con có thể biện thuyết về Kinh của Bồ Tát Vô Sở Hữu đã thưa hỏi.
Phật nói: Này Bồ Tát Lưỡng Thời Vô Hữu Xuất Sinh! Ông nay nên vì các Đại Bồ Tát, biện thuyết về các cảnh giới như cảnh giới rộng lớn, không có chướng ngại, không thể thủ đắc, không có giới hạn, không bờ cõi, phát khởi sự hiểu biết, cùng tạo tác mọi lợi ích, hãy dùng trí tuệ thiện xảo như các Đại Bồ Tát để làm tăng trưởng cảnh giới của mình.
Không tham đắm, không thủ đắc về nơi chốn, không có biên vực, không có hạn lượng, tạo lợi ích cho sự hiểu biết, ở trong pháp phương tiện thiện xảo nhằm giáo hóa chúng sinh khiến họ kiến lập, mở bày mau thành tựu đạo quả bồ đề.
Bấy giờ, Đại Bồ Tát Lưỡng Thời Vô Hữu Xuất Sinh nói kệ:
Khéo nói Kinh này rồi
Chánh niệm vào thiền định
Nên hiểu tất cả pháp
Hiển bày Kinh Điển ấy.
Khiến rõ tất cả nghĩa
Cùng với các văn tự
Các Kinh Điển hiện có
Chư Phật đã giảng nói.
Tất cả nghĩa hiện rõ
Đây kia đều được thấy
Vô lượng không nghĩ bàn
Khéo nói rõ các Kinh.
Hiểu biết Kinh này rồi
Văn tự, nghĩa trang nghiêm
Các pháp không thể thiếu
Tất cả không nghĩ bàn.
Các thứ ấm, giới, nhập
Sẽ được trí phương tiện
Tùy thuận mười hai duyên
Tất cả tiếng, một tiếng.
Một tiếng, tất cả tiếng
Các tiếng hòa hợp nhau
Giác ngộ nơi Kinh này
Với các tâm hiện có.
Chỗ suy biết chúng sinh
Chỗ suy xét chấp ngã
Tất cả tâm tạo nhân
Hết thảy đều biết được.
Nhận xét biết như thế
Không có chỗ nghĩ bàn
Giác ngộ nơi Kinh này
Cũng không có suy xét.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một