Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Ba - Kinh Phật Tự Thuyết - Chương Một - Phẩm Bồ đề

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP BA

KINH PHẬT TỰ THUYẾT  

CHƯƠNG MỘT

PHẨM BỒ ĐỀ  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Thế Tôn ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ Đề, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ, Thế Tôn trong bảy ngày ngồi trong một thế ngồi Kiết Già, thọ hưởng lạc giải thoát.

Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy, trong đêm canh thứ nhất, khéo thuận chiều tác ý lý duyên khởi: Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Tức là duyên vô minh, có các hành. Duyên các hành, có thức.

Duyên thức, có danh sắc. Duyên danh sắc, có sáu xứ. Duyên sáu xứ, có xúc. Duyên xúc, có thọ. Duyên thọ, có ái. Duyên ái, có thủ. Duyên thủ, có hữu. Duyên hữu, có sanh. Duyên sanh, có già, chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là sự tập khởi của khổ uẩn này.

Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:

Thật sự, khi các pháp,

Có mặt, hiện khởi lên,

Ðối vị Bà La Môn,

Nhiệt tâm hành thiền định,

Khi ấy, với vị ấy,

Các nghi hoặc tiêu trừ,

Vì quản tri hoàn toàn,

Pháp cùng với các nhân.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ Đề, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày, ngồi trong một thế ngồi kiết già thọ hưởng lạc giải thoát.

Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy, trong đêm canh giữa, khéo nghịch chiều tác ý lý duyên khởi: Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là, do vô minh diệt nên hành diệt. Do hành diệt, nên thức diêt. Do thức diệt, nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do thọ diệt, nên ái diệt.

Do ái diệt, nên thủ diệt. Do thủ diệt, nên hữu diệt. Do hữu diệt, nên sanh diệt. Do sanh diệt, nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não diệt. Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này.

Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này.

Thật sự khi các pháp,

Có mặt, hiện khởi lên,

Ðối với vị Bà La Môn,

Nhiệt tâm, hành thiền định,

Khi ấy, với vị ấy,

Các nghi hoặc tiêu trừ,

Vì đã biết hoàn toàn,

Sự tiêu diệt các duyên.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Thế Tôn ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ Đề, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày, ngồi trong một thế ngồi kiết già, thọ hưởng lạc giải thoát.

Rồi Thế Tôn, sau bảy ngày, ra khỏi định ấy, trong đêm canh cuối cùng, khéo thuận chiều và nghịch chiều tác ý lý duyên khởi: Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt.

Tức là duyên vô minh có các hành. Duyên các hành có thức duyên sanh, có già chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là tập khởi của khổ uẩn này.

Do đoạn diệt, ly tham, vô minh không có dư tàn, nên các hành diệt. Do các hành diệt, nên thức diệt như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này.

Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:

Thật sự khi các pháp

Có mặt, hiện khởi lên,

Ðối với vị Bà La Môn,

Nhiệt tâm hành thiền định,

Quét sạch các ma quân,

Vị ấy đứng, an trú,

Như ánh sáng mặt trời,

Chói sáng khắp hư không.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Thế Tôn trú ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây bàng Ajapala, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn trong bảy ngày ngồi trong một thế ngồi kiết già, thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy ra khỏi định. Có một Bà La Môn thuộc dòng họ Huhunka, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên lời chào hỏi, sau khi nói lời chào hỏi thân hữu, rồi đứng một bên.

Ðứng một bên, Bà La Môn ấy nói với Thế Tôn: Tôn Giả Gotama, cho đến như thế nào là Bà La Môn, và những pháp nào tác thành Bà La Môn?

Thế Tôn sau khi biết được ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:

Vị Bà La Môn nào,

Loại trừ các ác pháp,

Không kiêu, không uế nhiễm,

Tự ngã khéo chế ngự,

Vệ Đà được thông đạt,

Phạm hạnh được viên thành,

Vị Bà La Môn ấy,

Có thể nói lên được,

Lời Phạm ngữ đúng pháp,

Vị ấy ở đời này,

Không hề có mạn tâm

Bất cứ ở nơi nào.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Thế Tôn trú ở Xá Vệ tại Kỳ Đà Lâm, khu vườn ông Cấp Cô Ðộc.

Lúc bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất, Tôn Giả Ðại Mục Kiền Liên Tôn Giả Ðại Ca Diếp, Tôn Giả Ðại Ca Chiên Diên, Tôn Giả Ðại Câu Thi La, Tôn Giả Ðại Kiếp Tân Na, Tôn Giả Ðại Thuần Đà, Tôn Giả A Na Luật Đà, Tôn Giả Ly Bà Đà, Tôn Giả Ðề Bà Đạt Đa, Tôn Giả A Nan đi đến Thế Tôn.

Thế Tôn thấy các Tôn Giả ấy từ xa đi đến, thấy vậy liền nói với các Tỳ Kheo:

Này các Tỳ Kheo, các Bà La Môn này đang đi đến.

Này các Tỳ Kheo, các Bà La Môn này đang đi đến.

Khi được nói vậy, một Tỳ Kheo, thọ sanh là Bà La Môn, bạch Thế Tôn: Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là Bà La Môn, và có bao nhiêu pháp, tác thành Bà La Môn?

Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:

Sau khi loại ác pháp,

Ai thường hành chánh niệm,

Kiết sử đoạn, giác ngộ,

Những vị ấy ở đời,

Thật là Bà La Môn.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn Giả Mahakassapa trú ở hang Pipphali, đang bị bệnh rất khổ đau, bệnh trầm trọng.

Rồi Tôn Giả Mahàkassapa sau một thời gian thoát khỏi bệnh ấy, suy nghĩ như sau: Ta hãy đi vào Vương Xá để khất thực. Lúc bấy giờ, khoảng năm trăm Thiên Nhân, đang cố gắng sửa soạn để Tôn Giả Mahàkassapa nhận đựoc đồ ăn khất thực.

Nhưng Tôn Giả Mahàkassapa gạt bỏ năm trăm Thiên Nhân ấy, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Vương Xá để khất thực, đi ngang những con đường những con người nghèo, con đường những người ăn xin, con đường những người thợ dệt.

Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:

Ai sống không nhờ người,

Không được người biết đến,

Sống tự mình chế ngự,

An trú trên lõi cây,

Các lậu hoặc đã đoạn,

Sân hận được trừ diệt,

Vị ấy được Ta gọi,

Là vị Bà La Môn.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Thế Tôn trú ở Pàtali tại Ajakalàpaka, chỗ ở của Dạ Xoa Ajakalàpa.

Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, trong đêm tối đen, và trời mưa từng hột xuống.

Rồi Dạ Xoa Ajakalàpaka muốn làm cho Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, ba lần nói lên gần Thế Tôn tiếng gào thét của mình là: Này Sa Môn, có con quỷ cho ông.

Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:

Khi nào Bà La Môn

Ðối với pháp của mình,

Ðã đạt được bờ kia,

Vị ấy vượt qua được,

Ác quỷ yêu ma này.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Thế Tôn trú ở Xá Vệ, tại Kỳ Đà Lâm, khu vườn ông Cấp Cô Độc.

Lúc bấy giờ Tôn Giả Sangamàji đã đi đến Xá Vệ để yết kiến Thế Tôn. Người vợ trước kia của Tôn Giả Sangamàji nghe được tin Tôn Giả Sangamàji đã đến Xá Vệ. Nàng liền dắt người con đi đến Kỳ Đà Lâm.

Lúc bấy giờ Tôn Giả Sangamàji đang ngồi dưới gốc cây đề nghỉ ban ngày.

Rồi người vợ trước đây của Tôn Giả Sangamàji, đi đến Tôn Giả Sangamàji, sau khi đến, nói lên với Tôn Giả Sangamàji: 

Này Sa Môn, hãy nuôi dưỡng tôi và đứa con nhỏ!

Khi nghe nói vậy, Tôn Giả Sangamàji, giữ im lặng.

Lần thứ hai, người vợ trước kia của Tôn Giả Sangamàji nói với Tôn Giả Sangamàji: 

Này Sa Môn, hãy nuôi dưỡng tôi và đứa con nhỏ!

Lần thứ hai, Tôn Giả Sangamàji giữ im lặng.

Lần thứ ba người vợ trước kia của Tôn Giả Sangamàji nói với Tôn Giả Sangamàji: 

Này Sa Môn, hãy nuôi dưỡng tôi và đứa con nhỏ!

Lần thứ ba, Tôn Giả Sangamàji vẫn giữ im lặng.

Rồi người vợ trước kia của Tôn Giả Sangamàji đặt đứa nhỏ trước mặt Tôn Giả Sangamàji rồi bỏ đi, nói rằng: 

Này Sa Môn, đây là đứa con trai của Sa Môn.

Hãy nuôi dưỡng nó!

Tôn Giả Sangamàji không có ngó đến đứa nhỏ ấy, cũng không nói gì. Rồi người vợ trước kia của Tôn Giả Sangamàji sau khi đi không xa, ngó lui lại thấy Tôn Giả Sangamàji không ngó đứa con nhỏ ấy, cũng không nói.

Thấy vậy liền suy nghĩ: Sa Môn này không muốn ngó đến người con. Nàng liền trở lui lại, bồng lấy đứa con rồi ra đi.

Thế Tôn với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy cử chỉ thô bạo như vậy của người vợ trước kia của Tôn Giả Sangamàji.

Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết được ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:

Không hoan hỷ, nàng đến,

Không sầu muộn, nàng đi,

Giải thoát khỏi ái phược,

Là Sangamàji

Ta gọi người như vậy,

Là vị Bà La Môn.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Thế Tôn trú ở Gayà, tại Gayasisa.

Lúc bấy giờ, nhiều kẻ bện tóc, trong những đêm gió lạnh mùa đông, giữa những ngày mồng tám, trong thời tuyết rơi, đang lặn xuống và nổi lên trong nước, làm việc lặn xuống nổi lên, tưới nước và tế lửa, nghĩ rằng: Với hành động này, được thanh tịnh.

Thế Tôn thấy nhiều kẻ bện tóc ấy, trong những đêm gió lạnh mùa đông, giữa những ngày mồng tám, trong thời tuyết rơi, đang lặng xuống và nổi lên trong nước, làm việc lặn xuống nổi lên, tưới nước và tế lửa, nghĩ rằng: Với hành động này, được thanh tịnh.

Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:

Thanh tịnh không có nước,

Ở đây nhiều người tắm,

Trong ai có chân thật,

Lại thêm có chánh pháp,

Người ấy là Thanh tịnh,

Người ấy là Phạm Chí.

Tôi nghe như vậy! Một thời Thế Tôn trú ở Xá Vệ, tại Kỳ Đà Lâm, ngôi vườn ông Cấp Cô Độc. Lúc bấy giờ, Bàhiya Daruciriya trú ở Suppàraka, trên bờ biển, được cung kính, tôn trọng đảnh lễ, cúng dường và nhận được y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh.

Rồi Bàhiya Dàcuciriya khởi lên tư tưởng như sau: Với ai là bậc A La Hán hay đang đi trên con đường A La Hán, ta là một trong những vị ấy.

Rồi một Thiên Nhân, trước là bà con huyết thống với Bàhiya Dàruciriya, vì lòng từ mẫn, vì muốn lợi ích, với tâm của mình biết tâm tư của Bàhiya Dàruciriya, đi đến Bàhiya Dàruciriya và nói như sau: Này Bàhiya! Ông không phải là A La Hán hay đang đi trên con đường A La Hán. Ông không có đạo lộ ấy, với đạo lộ này ông có thể trở thành A La Hán hay đang đi trên con đường đưa đến A La Hán.

Nhưng ai là những vị, trong Thế Giới này, với Thế Giới Chư Thiên là những vị A La Hán hay đang đi trên con đường A La Hán?

Này Bàhiya, có Thành Phố tên là Xá Vệ trên những quốc lộ phương Bắc. Tại đấy có Thế Tôn hiện đang trú, bậc A La Hán. Chánh Ðẳng Giác. Vị ấy là bậc A La Hán và thuyết pháp đưa đến quả A La Hán.

Rồi Bàhiya Dàruciriya, được Thiên Nhân ấy thúc dục, đi ra khỏi Sappàraka, trong suốt đường trường, chỉ nghỉ một đêm, đi đến chỗ Thế Tôn đang trú ở Xá Vệ, tại Kỳ Đà Lâm, trong khu vườn Cấp Cô Độc. Lúc bấy giờ nhiều Tỳ Kheo đang đi kinh hành giữa Trời.

Bàhiya Dàruciritya đi đến các Tỳ Kheo ấy, sau khi đến nói như sau: Thưa các Tôn Giả, nay Thế Tôn, bậc A La Hán Chánh Ðẳng Giác ở đâu?

Chúng tôi muốn được yết kiến Thế Tôn, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác. Này Bàhiya, Thế Tôn đã đi vào giữa các nhà để khất thực.

Rồi Bàhiya Dàraciriva mau chóng ra khỏi Kỳ Đà Lâm, đi vào Xá Vệ, và thấy Thế Tôn đang đi khất thực, khả ái, khởi lên tịnh tin, các căn an tịnh, tâm ý an tịnh, đạt được an chỉ, chế ngự tối thượng, giống như một con voi được điều phục, phòng hộ với các căn an tịnh.

Thấy vậy, Bàhiya Dàruciriya liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, cúi đầu xuống chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con, Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.

Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Bàhiya Dàruciriya: Không phải thời, này Bàhiya, Ta đang khất thực.

Lần thứ hai Bàhiya Dàruciriya Bạch Thế Tôn: Thật khó biết, bạch Thế Tôn, là chướng ngại cho mạng sống của Thế Tôn, hay chướng ngại cho mạng sống của con.

Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con. Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.

Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Màhiya Dàruciriya: Không phải thời, này Bàhiya, ta đang khất thực.

Lần thứ ba, Bàhiya Dàruciriya bạch Thế Tôn: Thật khó biết hạnh phúc lâu dài.

Vậy này Bàhiya, ông cần phải học tập như sau: Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri.  Như vậy, này Bàhiya, ông cần phải học tập.

Vì rằng, này Bàhiya, nếu với ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiva, ông không là chỗ ấy.

Vì rằng, này Bàhiya, ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.

Nhờ lời thuyết pháp tóm tắt này của Thế Tôn, tâm của Bàhiya Dàruciriya được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Thế Tôn sau khi thuyết cho Bàhiya Dàruciriya lời giáo giới tóm tắt này, liền ra đi.

Thế Tôn ra đi không bao lâu, một con bò con húc chết Bàhiya Dàruciriya.

Thế Tôn sau khi khất thực ở Xá Vệ xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi ra khỏi thành với nhiều Tỳ Kheo, thấy Bàhiya Dàruciriya bị chết, thấy vậy liền nói với các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, hãy lấy thân xác Bàhiya Dàruciriya, đặt lên trên cái chõng, đem đi hỏa thiêu, rồi xây Tháp lên trên.

Này các Tỳ Kheo, một vị đồng phạm hạnh với các Thầy đã qua đời!

Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Các vị Tỳ Kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, sau khi đặt xác thân của Bàhiya Dàruciriya lên trên cái chõng, đem đi hỏa thiêu, xây dựng cái Tháp cho vị ấy, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, các Tỳ Kheo ấy bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, thân xác của Bàhiya Dàruciriya đã được hỏa thiêu, tháp đã được xây dựng xong cho vị ấy.

Sanh thứ cho vị ấy là gì?

Ðời sau vị ấy là gì?

Này các Tỳ Kheo, Hiền Trí là Bàhiya Dàruciriya đã hành trì tùy pháp, đúng pháp và không có phiền nhiễu ta với những tranh luận về pháp.

Này các Tỳ Kheo, Bàhiya Dàruciriya đã nhập Niết Bàn.

Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:

Chỗ nào nước và đất,

Lửa, gió không chấp trước,

Tại đây sao không chói,

Mặt Trời không chiếu sáng,

Tại đây trăng không chiếu,

Tại đây u ám không,

Khi ẩn sĩ Phạm Chí,

Tự mình với trí tuệ,

Thể nhập vào chánh pháp,

Vị ấy được giải thoát

Khỏi sắc và vô sắc,

Khỏi an lạc, đau khổ.

Lời cảm hứng này được Thế Tôn thuyết giảng và tôi được nghe như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần