Phật Thuyết Kinh Vô Thượng Y - Phẩm Ba - Phẩm Bồ đề

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chân Đế, Đời Trần

PHẬT THUYẾT

KINH VÔ THƯỢNG Y

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chân Đế, Đời Trần  

PHẨM BA

PHẨM BỒ ĐỀ  

Phật bảo A Nan: Thế nào là Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?

Tại vô lậu giới, đối với tất cả hoặc và chướng, Chư Phật, Thế Tôn đều đã hoàn dứt sạch, đã chuyển y vào nơi vắng lặng sáng trong. Quả vị Vô Thượng Bồ Đề này cùng tương ưng với mười loại phần. Ông nên học tập.

Vậy mười loại phần là những gì?

1. Tự tánh.

2. Nhân duyên.

3. Hoặc, chướng.

4. Chí quả.

5. Tác sự.

6. Tương nhiếp.

7. Hành xứ.

8. Thường trụ.

9. Bất cộng.

10. Không thể tư duy.

Này A Nan! Thế nào là tự tánh Bồ Đề?

Nếu như lý như lượng mà tu đạo xuất ly, như mười địa, sáu Ba la mật, thì những chuyển y đạt được, vắng lặng, trong sáng. Đấy chẳng phải là cảnh giới của hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Đó tức là tự tánh Bồ Đề.

A Nan! Nếu chưa dứt trừ được bức màn phiền não, thì ta gọi, cõi ấy là Như Lai tạng hết sức trong sạch, gọi đó là pháp chuyển y.

Có bốn loại tướng:

1. Sinh khởi duyên.

2. Diệt tận duyên.

3. Chánh thục tư lương sở tri pháp quả.

4. Tối thanh tịnh pháp giới thể.

Thế nào là sinh khởi duyên?

Ra khỏi sự liên tục của Như Lai trong hết thảy cõi đời, đó là nơi sinh khởi duyên của đạo Bồ Đề.

Thế nào là diệt tận duyên?

Vì dựa vào pháp này, mà ba món căn bản của phiền não được hoàn toàn diệt tận.

Thế nào là sở tri pháp quả?

Đã thấu đạt một cách chân chánh, những điều hiểu biết về quả vị chứng đắc của chân như.

Thế nào là pháp giới thể?

Diệt các tướng kết, pháp giới rất sạch trong sẽ hiển hiện ra.

A Nan! Đó là tướng chuyển y. Chuyển y ấy tức là Bồ Đề Vô Thượng của các Đức Phật, Thế Tôn, nên gọi là tánh Bồ Đề.

Này A Nan! Có bốn pháp làm nguyên nhân, để chứng đắc Bồ Đề Vô Thượng:

1. Nguyện muốn tu tập pháp Ma Ha Diễn.

2. Tu tập bát nhã Ba la mật.

3. Tu tập phá hư không tam muội môn.

4. Tu tập đại bi của Như Lai.

Này A Nan! Có bốn loại hoặc, ngăn che quả Bồ Đề:

1. Vứt bỏ, quay lưng với pháp đại thừa.

2. Ngã kiến tà, chấp.

3. Sợ khổ của sinh tử.

4. Không làm việc lợi ích cho chúng sinh.

Này A Nan! Có bốn quả thắng Vô Thượng Bồ Đề:

1. Tối tịnh.

2. Chân ngã.

3. Diệu lạc.

4. Thường trụ.

Bấy giờ, nghe Phật nói xong, từ giữa đại chúng Tôn Giả A Nan đứng dậy, trịch áo bày vai phải, gối phải chạm đất, cung kính, đảnh lễ Thế Tôn, chắp tay hướng Phật, rồi đọc bài kệ:

Hay nói, hay làm lý sâu xa

Mãi độ chúng sinh, không lui bước

Vượt khỏi trói buộc, các sợ sệt

Nên con cúi lạy, hỏi Cù Đàm.

Pháp nào là nhân của Bồ Đề

Thế nào là chướng, là quả báo

Cúi xin Đức Đại Từ Đại Bi

Rủ lòng giảng rõ cho chúng con.

Khi ấy, Đức Thế Tôn cất lời khen: Hay thay! Này A Nan! Vì muốn làm nhiều lợi ích cho chúng sinh, vì muốn khiến cho hàng Trời, người được đạo an vui, mà ông có thể hỏi Như Lai, về nghĩa lý lớn lao sâu xa này. Do đó, với lòng cung kính khát khao, ông hãy lắng lòng nghe mà tin thọ.

Hay thay! Bạch Thế Tôn! Chúng con rất muốn được nghe.

Phật bảo A Nan: Trong thế gian có ba hạng chúng sinh:

1. Trước hữu.

2. Trước vô.

3. Bất trước hữu vô.

Trước hữu có hai:

1. Trái với đạo Niết Bàn, cho Niết Bàn không có tánh, không cầu Niết Bàn, lại ưa sinh tử.

2. Trong giáo pháp ta, không sinh lòng khao khát mà lại chê bai đại thừa.

Này A Nan! Những chúng sinh này cho rằng, họ chẳng phải đệ tử của Phật, Phật chẳng phải là thầy lớn của họ, chẳng phải nơi để họ nương tựa. Như vậy, những người này, đã trụ vào chỗ ngu si ám muội, đã ở nơi đồng hoang, mà lại còn vào chỗ rừng cây tối tăm um tùm hôi hám, chắc chắn sẽ đọa vào chỗ tối tăm hiểm họa. Vì do bị sinh tử trói buộc, nên họ phải chịu thọ thân sau, sa vào lưới Xiển Đề, không để tự ra khỏi.

Đắm trước nơi sự đoạn diệt, cũng có hai:

1. Hành không phương tiện.

2. Hành có phương tiện.

Hành không phương tiện, lại có hai hạng người:

1. Chín mươi sáu hàng ngoại đạo, dị học, ở ngoài Phật Pháp, như Chi La Ca Ba Dục Bà…

2. Ở trong Phật Pháp hay sinh tín tâm, chấp chặt ngã kiến, không ưa chánh lý.

Ta nói hạng người này đồng với ngoại đạo. Lại có hạng người tăng thượng mạn, ở trong chánh pháp quán không, rồi sinh ra hai quan điểm không và có. Chân không này, hướng thẳng đến nhất đạo, tịnh giải thoát môn của Vô Thượng Bồ Đề. Như Lai hiện rõ, mở bày chánh thuyết. Trong quan niệm sinh không, ta nói không thể trị.

A Nan! Nếu có người nào chấp vào ngã kiến, lớn như núi Tu Di, thì ta không lấy làm kinh ngạc cũng không chê bai. Kẻ tăng thượng mạn dính mắc vào không kiến, như một sợi tóc chia thành mười sáu phần, ta không thể chấp nhận.

Hành có phương tiện, cũng có hai hạng người:

1. Hàng Thanh Văn thừa, chỉ tu tự lợi, không làm việc lợi cho người.

2. Duyên Giác thừa, ít làm lợi ích cho người, trụ vào việc nhỏ, được ít mà cho là đủ.

Bất trước hữu vô là chỉ hàng tối thượng lợi căn, tu hành đại thừa. Hạng người này, không chấp vào sinh tử như hạng xiển đề, không hành không phương tiện như hàng ngoại đạo, không hành có phương tiện như hàng nhị thừa.

Thế nào là hành?

Xem xét sinh tử và cõi Niết Bàn, bình đẳng một tướng, đến khi đạt được chánh đạo, tâm ý được an chỉ, trụ vào vô trụ xứ, trong sạch Niết Bàn, dạo chơi trong sinh tử mà không bị nhiễm ố, tu tâm đại bi để làm căn bản, chí lực mạnh mẽ, vững chắc, không lay động.

Phật nói tiếp: Này A Nan! Nếu có người nào tham đắm vào ba loại hữu này, mà chê bai Đại Thừa, thì người này gọi là Nhất xiển đề, rơi vào tà định tụ. Người nào đắm vào không hành không phương tiện, thì đọa vào bất định tụ. Người nào đắm vào không hành có phương tiện, không đắm vào đạo bình đẳng có hành hay không hành, thì gọi là chánh định tụ.

A Nan! Ngoài hạng người không đắm vào có không mà tu hành bình đẳng ra, còn có bốn hạng:

1. Nhất xiển đề.

2. Ngoại đạo.

3. Thanh Văn.

4. Duyên Giác.

Vì những hạng này vẫn còn có bốn hoặc chướng, nên không thể chứng đắc được pháp thân Vô Thượng Bồ Đề của Như Lai.

Vậy bốn hoặc chướng đó là gì?

1. Xả bỏ đại thừa là xiển đề chướng. Để trừ chướng này, ta nói pháp chân chánh đại thừa, mà hàng Bồ Tát tu hành tin ưa.

2. Bất kể nơi nào, chấp vào ngã kiến một cách sai lầm, đó là ngoại đạo chướng. Để trừ chướng này, ta nói pháp bát nhã Ba la mật, mà hàng Bồ Tát tu hành.

3. Ở trong sinh tử, chán, sợ, mỏi, mệt là Thanh Văn chướng. Để trừ chướng này, ta nói pháp môn phá hư không Tam Muội, mà hàng Bồ Tát tu hành.

4. Quay lưng với việc làm lợi ích cho người, việc ít cho là đủ đó là Duyên Giác chướng. Để trừ chướng này, ta nói lòng đại bi mà Bồ Tát tu hành.

Đấy là bốn hạng người, có bốn hoặc chướng. Để trừ những hoặc chướng này, ta nói bốn Thánh Đạo. Dựa vào thắng đạo này, mà trị bốn thứ điên đảo, thì mới có thể chứng bốn đức Ba la mật quả, của pháp thân rất tốt đẹp, cao cả của Như Lai được.

Này A Nan! Đối với các pháp sắc… tất cả đều vô thường, lại sinh ý tưởng là thường. Các pháp đều khổ mà sinh ý tưởng là vui. Các pháp vô ngã mà sinh ý tưởng có ngã. Các pháp không sạch mà sinh ý tưởng sạch, đó gọi là điên đảo.

Quán pháp của các sắc… là vô thường, là khổ, vô ngã, không sạch, không có cái tên điên đảo, thì gọi là không điên đảo. Nếu quán pháp thân diệu đức của Như Lai, tức thành ra là điên đảo. Để trị loại điên đảo này, ta nói bốn đức của pháp thân Như Lai.

Những gì là bốn?

1. Thường trụ Ba la mật.

2. An vui Ba la mật.

3. Chân ngã Ba la mật.

4. Trong sạch Ba la mật.

A Nan! Vì chấp vào năm uẩn bên trong, rồi khởi lên điên đảo kiến, cho nên, tất cả hàng phàm phu ở trong vô thường mà sinh ra thường kiến. Ở trong thật khổ mà sinh ra lạc kiến. Ở trong vô ngã mà sinh ra ngã kiến. Ở trong không sạch mà sinh ra kiến sạch.

A Nan! pháp thân Như Lai là cảnh giới, của Nhất thiết chủng trí. Bởi điên đảo tu tập không thể chặt đứt những điên đảo này. Do đó hàng Thanh Văn, Duyên Giác, không thể quán sát pháp thân của Như Lai.

Vì sao?

Vì pháp thân Như Lai là hơn hết, thường trụ phải nên tu tập. Nên trái với thường trụ mà tu, trụ vào vô thường mà tu. pháp thân Như Lai là cao tột, an vui, mầu nhiệm, phải tu tập, nên trái với an vui, mầu nhiệm mà tu, trụ vào khổ mà tu.

Pháp Thân Như Lai là hơn hết chân ngã nên phải tu tập, trái với chân ngã mà tu, trụ vào vô ngã mà tu. pháp thân Như Lai là vô cùng trong sạch, phải nên tu tập nên trái với trong sạch mà tu, trụ vào không sạch mà tu.

Nhân theo điên đảo mà tu, theo đạo Thanh Văn, Duyên Giác mà trụ, thì đó, chẳng phải là cách, để đạt tới bốn đức của pháp thân Như Lai. Thế nên, bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh của pháp thân Như Lai, chẳng phải là cảnh giới của hàng Thanh Văn, Duyên Giác ấy.

A Nan! Nếu chúng sinh nào, tin những lời Như Lai dạy, thì có thể thấy được bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh, của pháp thân Như Lai. Không có tâm điên đảo, do đó, những chúng sinh này, mới phát khởi chân chánh kiến.

Vì sao?

Này A Nan! Pháp thân Như Lai là chân, thường, lạc, ngã, tịnh, Ba la mật. Nếu có chúng sinh nào, dựa vào đạo thắng diệu, quán pháp thân Như Lai, thì những chúng sinh này, họ từ chỗ sáng vào chỗ sáng, từ chỗ ẩn yên đến chỗ vui hơn.

Những chúng sinh này, mới chính là đệ tử chân chánh của Phật. Lòng Phật thương yêu và nhớ nghĩ, những chúng sinh này, từ Phật khẩu sinh ra, nên thành tựu được quả Phật. Từ pháp hóa sinh, nên mới được pháp tài phần.

A Nan! Hạng Nhất xiển đề, vứt bỏ, quay lưng với chánh pháp, lại sinh tâm tham muốn sự hôi hám của sinh tử. Để trừ loại hoặc chướng này, ta nói phải tu hành, nguyện ưa thích Đại Thừa, nương tựa vào pháp này, sẽ được quả vô cùng sạch.

A Nan! Tất cả ngoại đạo, do tà chấp ngã kiến, mà sinh ra sự chìm đắm dính mắc. Các pháp sắc… đều là những pháp không ngã tướng không tranh giành. Ba đời Chư Phật ở mọi nơi và cả ta, đều nói là chân ngã. Hàng ngoại đạo này chấp năm ấm bên trong, khởi ngã kiến, tâm an ổn sướng vui. Để phá hoặc chướng này, thế nên ta nói, tu tập bát nhã Ba la mật, nương theo pháp này, sẽ đạt được chân ngã quả.

A Nan! Để trừ loại chấp, do kinh sợ sinh tử, ở nơi khổ diệt, sinh ra vui thích, của hàng Thanh Văn, ta nói tu tập phá hư không tam muội môn, nếu nương theo pháp này, sẽ đạt được cụ túc phần, ở thế gian và xuất thế gian được vui với quả Ba la mật.

A Nan! Bởi hàng Duyên Giác, không thể xem xét, làm việc lợi cho người, không hòa hợp, sống với chúng sinh khác, mà chỉ ở một mình, suy nghĩ, tâm vui sướng, an ổn. Nên để trừ loại chấp này, ta nói tu tập lòng đại bi của Bồ Tát, phải dựa vào pháp này luôn luôn biến khắp mười phương. Vì các chúng sinh mà làm các việc lợi ích, lấy đó làm chỗ lưu trú và luôn được trụ ở quả Ba la mật.

A Nan! Nương theo bốn đức này, tất cả Như Lai thật xứng pháp giới, không chấp vào có và không, như hư không rộng lớn tu không giới, tối cứu cánh, trải qua ba đời hoàn toàn được an trụ.

A Nan! Vì có bốn loại chướng này, mà tất cả hàng A La Hán, Bích Chi Phật, đại địa Bồ Tát không đạt được bốn đức Ba la mật của pháp thân Như Lai.

Bốn đức đó là gì?

1. Sinh duyên hoặc.

2. Sinh nhân hoặc.

3. Hữu hữu.

4. Vô hữu.

Thế nào là sinh duyên hoặc?

Tức là vô minh trụ địa sinh ra tất cả hành, như vô minh sinh nghiệp vậy.

Thế nào là sinh nhân hoặc?

Tức là vô minh trụ địa nơi đã sinh các hành, thí như vô minh đã sinh ra các nghiệp vậy.

Thế nào là hữu hữu?

Duyên vô minh trụ địa, nhân vô minh trụ địa, mà khởi lên vô lậu hành, ba loại ý sinh thân, thí như bốn thủ làm duyên, ba hữu lậu nghiệp làm nhân, khởi lên ba loại hữu.

Thế nào là vô hữu?

Duyên ba loại ý sinh thân, không thể hiểu biết được những sự đọa diệt rất nhỏ, thí như trong duyên ba hữu sinh ra mỗi niệm về lão tử.

Vô minh trụ địa, tất cả phiền não, là chỗ nương dựa của những gì chưa đoạn trừ hẳn. Các A La Hán, Bích Chi Phật và tự tại Bồ Tát, không thấy một cách thấu đáo, về sự nhơ bẩn của phiền não, sự hôi hám của tập khí, sự rốt ráo diệt tận, đại tịnh Ba la mật.

Nhân vô minh trụ địa, mà khởi khinh, tưởng, hoặc, lại có những hành động giả dối nên chưa thể diệt trừ được, không thể thấy thấu đáo không tạo, không làm, rất vắng lặng đại ngã Ba la mật. Duyên vô minh trụ địa, nhân giả dối vi tế, khởi lên vô lậu nghiệp. Ý sinh các ấm, vì chưa trừ sạch, nên không thấy một cách thấu đáo sự tận diệt, xa lìa, đại lạc Ba la mật.

Nếu chưa có thể đến mức độ, diệt trừ hết sạch các phiền não, các nạn do nghiệp sinh, thì đó là chư Như Lai, là cõi cam lồ, tức biến dịch sinh tử chấm dứt hẳn vô lượng dòng sinh diệt, không thấy đến tận cực vô biến dị, đại thường Ba la mật.

A Nan! Ở trong ba cõi, có bốn loại nạn:

1. Nạn về phiền não.

2. Nạn về nghiệp.

3. Nạn về quả báo sinh ra.

4. Nạn về sự lỗi lầm.

Vô minh trụ địa là chỗ khởi phương tiện sinh tử, như là các nạn của phiền não trong ba cõi. Vô minh trụ địa là chỗ khởi nhân duyên sinh tử như là các nạn của nghiệp trong ba cõi. Vô minh trụ địa là chỗ khởi hữu hữ sinh tử, như sinh nạn trong ba cõi. Vô minh trụ địa là chỗ khởi vô hữu sinh tử, như là các nạn lỗi lầm trong ba cõi.

Này A Nan! Ông nên biết như vậy. Vì bốn loại sinh tử mà chưa trừ diệt, thì thân sinh ba loại ý và sẽ không có quả thường, lạc, ngã, tịnh, Ba la mật, chỉ có pháp thân Phật là thường, là lạc, là ngã, là tịnh, là Ba la mật. Ông nên học tập.

Này A Nan! pháp thân Như Lai đại Tịnh Ba la mật, nên biết có hai loại:

1. Tự tánh trong sạch là thông tướng của nó.

2. Vô cấu trong sạch là biệt tướng của nó.

Đại Ngã Ba la mật nên biết có hai loại:

1. Xa lìa tất cả các tà chấp của các ngoại đạo, ra khỏi ngã kiến giả dối.

2. Xa lìa chấp sai lầm về lý của hàng nhị thừa, ra khỏi vô ngã giả dối.

Đại Lạc Ba la mật, nên biết có hai thứ:

1. Cắt đứt nguồn gốc của khổ tập, cởi bỏ mọi ràng buộc của tập khí thì có thể chứng đắc được tất cả khổ diệt.

2. Vì ý sinh các ấm nên chặt bỏ trừ diệt hết cả.

Đại Thường Ba la mật, nên biết có hai loại:

1. Không làm tổn giảm các hành vô thường, vì vượt ra khỏi đoạn kiến.

2. Cũng không làm tăng lợi ích Niết Bàn thường trụ, vì đã vượt ra khỏi thường kiến.

Nếu cho các hành là vô thường, thì gọi là đoạn kiến. Nếu cho Niết Bàn là thường trụ thì gọi là thường kiến. Trị bốn hoặc chướng, lật ngược lại bốn thứ điên đảo thì thường, lạc, ngã, tịnh là chân quả của nó.

Này A Nan! Thế nào là lợi ích Bồ Đề, có hai loại trí:

1. Vô phân biệt trí.

2. Vô phân biệt hậu trí.

Hai loại trí này lại có hai loại việc:

1. Vì lợi mình mà thành tựu.

2. Vì lợi người mà thành tựu.

Thế nào là lợi mình?

Là thân được tròn đầy giải thoát, là thân gìn giữ pháp sạch, diệt chướng phiền não và chướng nhất thiết trí, gọi là lợi mình. Trí vô phân biệt, có khả năng thành tựu được pháp này.

Thế nào là lợi người?

Từ vô phân biệt hậu trí, cho đến dứt sạch ngằn mé sinh tử, không khởi lên sự suy nghĩ so lường, hiện rõ hai loại thân, thuyết pháp vô cùng, không gián đoạn và không có hạn lượng. Vì đã cởi bỏ cái khổ của ba nẻo ác, cái khổ của sinh tử. Vì muốn thiết lập sự an ổn cho tất cả chúng sinh, đặt ở nơi đường lành, trụ vào ba thừa, gọi là lợi người.

Lại nữa, lợi mình cùng với ba phần công đức, hoàn toàn không tách rời nhau:

1. Vô lậu.

2. Biến mãn.

3. Vô vi.

Lại nữa, lợi người không hoàn toàn tách rời với bốn phần công đức, cứu giúp chúng sinh không cho rơi vào bốn chỗ:

1. Vọng kiến, si mê, nghi hoặc.

2. Khổ đạo, ác đạo, đọa đạo.

3. Đem tâm ganh ghét, đem tâm oán kết, mà phá hoại chánh giáo.

4. Đem tâm thấp hèn, mà tham ưa tiểu thừa.

Này A Nan! Nếu khởi lên hai việc lợi mình lợi người này, thì đó là việc Bồ Đề.

A Nan! Thế nào gọi là pháp Bồ Đề tương ưng?

Vô Thượng Bồ Đề là tướng chân thật, có mười chín loại pháp cùng tương ưng với Vô Thượng Bồ Đề:

1. Không thể so lường.

2. Rất nhỏ.

3. Chân thật.

4. Đạo lý sâu dày.

5. Không thể thấy.

6. Khó thông đạt.

7. Luôn.

8. Ở.

9. Vắng lặng.

10. Mãi mãi.

11. Trong lành.

12. Đầy khắp.

13. Không phân biệt.

14. Dính mắc.

15. Không ngại.

16. Tùy thuận.

17. Không thể chấp.

18. Đại tịnh.

19. Chứng tịnh.

Mười chín pháp này, mãi mãi không tách rời với Vô Thượng Bồ Đề, cho nên gọi là Bồ Đề tương ưng.

Này A Nan! Thế nào là Bồ Đề hành xứ?

Có ba loại đạo lý hiển hiện ba thân:

1. Đạo lý sâu dày.

2. Đạo lý rộng lớn.

3. Đạo lý vạn đức.

Này A Nan! Thân thứ nhất, tương ưng với năm loại tướng và với năm loại công đức.

Vậy năm loại tướng là gì?

1. Vô vi.

2. Không rời nhau.

3. Lìa hai bên.

4. Thoát khỏi chướng.

5. Tự tánh trong sạch.

Thế nào là năm thứ công đức?

1. Không thể lường.

2. Không thể đếm số.

3. Khó nghĩ.

4. Không cùng nhau.

5. Rốt ráo trong sạch.

Thân thứ hai là chỗ hiển hiện của pháp thân tịnh lưu, với hết thảy vô lượng công đức của Như Lai, lấy đại bát nhã đại bi làm thể, tương ưng với năm thứ công đức:

1. Tướng không phân biệt.

2. Tâm không công dụng.

3. Làm việc lợi ích xứng với ý của chúng sinh.

4. Không tách rời với pháp thân.

5. Mãi vậy, không lúc nào bỏ chúng sinh.

Thân thứ ba là những màu sắc mà bát nhã, đại bi, tịnh lưu đã hiển hiện làm thể, cùng tương ưng với bốn phần công đức:

1. Ba mươi hai tướng.

2. Tám mươi vẻ đẹp.

3. Oai đức.

4. Sức.

Bốn phần công đức này, có khả năng tương nhiếp, tương ưng với căn, dục, tánh, hạnh, của các chúng sinh, lại hiện ra các việc như việc bản sinh ở nơi Cõi Phật nhớp nhúa.

Hoặc hiện cảnh bay lên Cõi Trời Đâu Suất, hoặc hiện cảnh từ trên Cõi Trời Đâu Suất xuống. Hoặc hiện cảnh giáng thần vào thai mẹ. Hoặc hiện mới sinh ra khỏi thai, hoặc hiện đầy đủ Na la vị. Hoặc hiện cảnh thọ học mười tám minh xứ. Hoặc hiện các cuộc đi chơi ở sau vườn.

Hoặc hiện Xuất Gia. Hoặc hiện khổ hạnh. Hoặc đến Đạo Tràng hoặc than h Phật đạo. Hoặc chuyển xe diệu pháp ở Ba la nại. Hoặc nhập Niết Bàn ở rừng Kiên Cố. Những việc hiện ra như vậy, cho đến mãi tận ngằn mé cuối cùng của sinh tử.

Này A Nan! Vô Thượng Bồ Đề nhiếp tất cả ba thân, thế cho nên, gọi là Bồ Đề hành xứ.

Này A Nan! Thế nào là pháp thường trụ Vô Thượng Bồ Đề?

Pháp thường trụ này, có hai pháp làm nhân duyên:

1. Không sinh không diệt.

2. Không cùng không tận.

Thế nên, gọi là pháp Vô Thượng Bồ Đề.

A Nan! Thế nào là Vô Thượng Bồ Đề bất cộng tướng?

Bất cộng có hai loại:

1. Không thể biết: Như các hàng phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác thì không thể thông đạt. Vì chẳng phải là cảnh giới của họ.

2. Không thể nắm bắt: Ngoài Phật ra, những hàng khác đều không thể đạt được.

Pháp Bất cộng này, có năm loại:

1. Lý Như như, sâu xa.

2. Tự tại không thể lay động.

3. Trong sạch cõi vô lậu, là chỗ thâu tóm.

4. Tất cả mọi chỗ biết, không ngăn ngại.

5. Làm lợi ích cho chúng sinh mà làm cho tròn đầy.

Nên gọi là Bồ Đề không cùng với tướng.

Này A Nan! Thế nào là Vô Thượng Bồ Đề không thể suy nghĩ?

Có sáu nguyên nhân, không thể suy nghĩ:

1. Vượt quá cảnh giới của ngôn ngữ.

2. Thuộc về Đệ nhất nghĩa đế.

3. Vượt quá sự suy nghĩ, phân biệt, hiểu biết, quán xét.

4. Những ví dụ không thể đạt tới được.

5. Đối tất cả pháp là phẩm cao tột hơn cả.

6. Không thể thiết lập sự an ổn nơi sinh tử, Niết Bàn.

Đó gọi là Vô Thượng Bồ Đề không thể suy nghĩ.

Này A Nan! Vì sao gọi Như Lai là Vô Thượng Bồ Đề không thể nghĩ bàn?

A Nan! Tất cả Như Lai trụ vào Vô Thượng Bồ Đề.

Có năm thứ nhân duyên không thể nghĩ bàn:

1. Tự tánh.

2. Xứ.

3. Trụ.

4. Chẳng một chẳng khác.

5. Làm lợi ích.

Này A Nan! Thế nào gọi Như Lai là tự tánh Bồ Đề không thể nghĩ bàn?

Nếu dựa vào sắc mà cho là Như Lai, thì không thể được. Lìa sắc mà cho là Như Lai cũng không thể được. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Cho địa giới là Như Lai, thì không thể được. Lìa địa giới mà cho là Như Lai, thì cũng không thể được.

Cả cõi nước, lửa, gió cũng như vậy. Cho nhãn nhập là Như Lai, thì không thể được. Lìa nhãn nhập cho là Như Lai cũng không thể được. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng như vậy. Cho hữu pháp là Như Lai không thể được, vô pháp cũng như vậy. Đó gọi là tánh Bồ Đề không thể nghĩ bàn.

Này A Nan! Thế nào gọi Như Lai là Bồ Đề xứ, không thể nghĩ bàn?

Như Lai ở cõi dục không thể nghĩ bàn. Lìa cõi Dục cũng không thể nghĩ bàn. Cõi Sắc và Cõi Vô Sắc cũng như vậy. Như Lai trong loài người không thể nghĩ bàn. Lìa loài người, cũng không thể nghĩ bàn. Sáu đường cũng như vậy. Như Lai ở phương Đông, không thể nghĩ bàn. Lìa phương Đông cũng không thể nghĩ bàn. Mười phương cũng như vậy. Đó gọi là xứ, cũng không thể nghĩ bàn.

Này A Nan! Thế nào gọi Như Lai là Bồ Đề trụ không thể nghĩ bàn?

Này A Nan! An vui trụ vào trụ của Như Lai, không thể nghĩ bàn. Vắng lặng trụ vào Như Lai trụ, không thể nghĩ bàn. Có tâm trụ Như Lai trụ, không thể nghĩ bàn. Không tâm trụ Như Lai trụ, không thể nghĩ bàn. Như vậy, cả Phạm trụ, Thánh trụ, Như Lai trụ, cũng không thể nghĩ bàn. Đó gọi là trụ, không thể nghĩ bàn.

Này A Nan! Thế nào gọi Như Lai là nhất dị không thể nghĩ bàn?

Ba đời Như Lai, trụ vào một nơi. Thế nào gọi là một nơi?

Pháp Giới vô lậu, tự tánh trong sạch, đó là các Đức Như Lai hoặc chẳng một hoặc chẳng khác, không thể nghĩ bàn. Thế nên gọi là nhất dị không thể nghĩ bàn.

Này A Nan! Thế nào gọi Như Lai là việc lợi ích không thể nghĩ bàn?

Một Pháp Giới như vậy của các Đức Như Lai, thì trí tuệ, thần lực, oai đức, chánh cần, đều bình đẳng, trụ nơi pháp giới thanh tịnh vô lậu. Do sự chuyển y này, các Đức Như Lai, có khả năng làm vô lượng lợi ích cho chúng sinh. Đó gọi là lợi ích không thể nghĩ bàn.

Lại nữa không thể nghĩ bàn còn có hai thứ:

1. Không thể nói năng, vì vượt khỏi cảnh giới của ngôn ngữ.

2. Ra khỏi tất cả thế gian, vì ở trong thế gian, không thể thí dụ được.

Đó gọi là không thể nghĩ bàn. Lại nữa, chân như vốn không bị nhiễm, vốn không nhơ bẩn, cũng không thể nghĩ bàn.

A Nan! Đó gọi là Bồ Đề không thể nghĩ bàn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần