Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bản Duyên - Phẩm Tám - Phẩm Rồng

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT BẢN DUYÊN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

PHẨM TÁM

PHẨM RỒNG  

Bồ Tát Ma Ha Tát

Chốn giận vẫn trì giới

Huống chi sinh loài người

Sao lại không kiên trì?

Tôi từng nghe: Thuở xưa, vì nhân duyên sân hận nên Bồ Tát bị đọa vào loài Rồng, thọ ba thân độc. Đó là khí độc, thấy độc và tiếp xúc độc. Thân Bồ Tát có nhiều màu sắc, như đống bảy báu, tự sáng rực rỡ, không nhờ ánh sáng của nhật nguyệt, dung mạo, tài trí đã trưởng thành, hơi thở như tiếng bễ lò rèn.

Hai mắt chiếu sáng như hai mặt trời, thường có vô số Rồng khác vây quanh, có thể biến hóa thành người, sống vui thú cùng các Long nữ, nơi thâm u thuộc núi Tỳ Đà.

Có nhiều rừng cây hoa trái sum suê rất đáng ưa thích. Có nhiều hồ nước đầy đủ nước tám vị. Bồ Tát thường sống trong đó, hưởng vui thú, trải qua vô lượng trăm ngàn vạn năm. Bấy giờ, có Chim cánh vàng vì tìm mồi, từ hư không bay xuống muốn bắt Rồng. Trong lúc chim đang bay, các núi tan nát, suối ao cạn nước.

Các Rồng và Rồng nữ thấy nghe việc này, tâm rất kinh sợ, vứt bỏ hết những trang phục chuỗi ngọc, hoa hương trên đất.

Các Rồng phu nhân kinh sợ khóc lóc nói: Kẻ thù oán lớn đang đến đây hại chúng ta, mỏ nó bằng Kim Cương, có thể phá hoại rất nhiều, nay phải làm sao đây.

Bồ Tát Rồng nói: Các Khanh hãy theo sau ta. Các Long nữ vội cùng nhau theo sau Rồng.

Rồng tự nghĩ: Các Long nữ này đều sợ hãi. Nếu ta không thể giúp đỡ họ thì thân hình to lớn đặc biệt này dùng làm gì.

Nay ta là Rồng chúa, nếu không bảo vệ họ được thì làm vua để làm gì?

Người hành chánh pháp phải bỏ thân mạng để giúp đỡ người khác. Vua Kim Sí Điểu này có uy đức lớn. Sức lực ấy khó đối địch, trừ ta ra không ai có thể chế ngự được. Nay ta cần phải hy sinh thân mình để cứu các Rồng.

Long Vương bảo chim cánh vàng: Này chim cánh vàng, hãy tạm ngưng uy thần trong một chút, nghe ta nói. Ngươi thường oán hại ta, nhưng ta hoàn toàn không có tâm ác đối với ngươi. Ta vì túc nghiệp nên thọ thân to lớn này có sẵn ba độc. Tuy có sức lực như vậy nhưng chưa bao giờ có tâm ác với người khác.

Ta tự biết rõ với khí lực của mình đủ có thể hàng phục ngươi và có thể từ xa phóng hỏa thiêu rụi cây cỏ khô, như ngũ cốc sắp chín bị phải mưa đá, hoặc biến thân hình to lớn che cả nhật nguyệt, hoặc biến thân nhỏ chui vào lỗ ngó sen, cũng có thể phá hủy đất đai làm thành sông biển, hoặc có thể làm cho núi non chấn động, cũng có thể bỏ chạy thật xa làm cho ngươi không tìm ra ta.

Nay, sở dĩ ta không chạy xa vì có nhiều Rồng đến nhờ ta giúp đỡ. Sở dĩ ta không chiến đấu với ngươi vì ta không có tâm ác với ngươi.

Chim cánh vàng nói: Ta gây thù oán với ngươi, vì sao ngươi không oán ta?

Long Vương đáp: Ta tuy thân thú nhưng hiểu rõ nghiệp báo, biết rõ việc ác nhỏ nhưng quả báo không xa, như bóng theo hình không rời nhau. Ta với ngươi sở dĩ cùng sinh vào gia đình ác như vậy là đều do nghiệp ác đã làm ở đời trước. Ta thường có tâm Từ đối với ngươi.

Ngươi hãy suy nghĩ kỹ lời Như Lai dạy:

Tâm thù oán không thể

Diệt hết sự oán thù

Chỉ với lòng nhẫn nhục

Mới diệt được oán thù.

Như lửa lớn ném vào củi khô, lửa ấy càng cháy mạnh hơn trước. Dùng sân hận đáp lại sân hận thì cũng như vậy.

Chim cánh vàng nghe nói xong, không còn tâm oán thù, hướng đến Long Vương nói: Ta thường có tâm thù oán người, nhưng người lại có tâm Từ với ta.

Long Vương đáp: Trước đây, ta cùng ngươi thọ trì lời Phật dạy. Ta thường ghi nhớ mãi trong tâm, nhưng ngươi thì quên hết không còn nhớ.

Chim cánh vàng nói: Cầu xin nhân giả làm bậc Hòa Thượng cho tôi, giảng nói cho nghe pháp cao quý. Từ đây, tôi xin bố thí tất cả không còn làm cho các Rồng sợ nữa. Chim cánh vàng nói xong liền bay ra khỏi Long Cung, trở về chỗ ở của mình.

Sau khi Vua Rồng làm cho chim cánh vàng trở về chỗ cũ rồi, bèn an ủi các Rồng và các Rồng nữ: Thấy chim cánh vàng, các ngươi có sợ không?

Các chúng sinh khác khi thấy các ngươi thì cũng sợ hãi như vậy. Cũng như Rồng các ngươi luôn yêu mến thân mạng, tất cả các chúng sinh cũng như thế. Hay quan sát thân mình để so sánh với thân khác, vậy nên sinh tâm đại từ bi. Ta nhờ tu tập tâm từ bi nên làm cho kẻ oán ghét phải trở về chỗ cũ. Lưu chuyển trong sinh tử, pháp đáng nương nhờ không gì bằng tâm từ.

Ngươi có tâm từ trừ được phiền não nặng nề, đưa đến an lạc vi diệu. Từ chính là thức ăn thơm ngon cho đói khát trong vô lượng sinh tử. Ngày trước, ta vì mất tâm từ nên nay bị đọa vào loài súc sinh. Ai tu tập lấy từ tâm làm cửa thì tất cả phiền não không thể vào được, được sinh lên Cõi Trời, người cho đến đạt được đạo quả chánh giải thoát.

Từ là môn thuốc hay không gì bằng được. Sau khi nghe nói, các Rồng nữ xa lìa sân độc, tu tập tâm từ.

Long Vương thấy đồng loại của mình đều tu tập tâm từ, nên rất vui mừng, khen ngợi: Lành thay! Nay việc làm của ta đã xong. Ta tuy do nghiệp nhân bị đọa vào loài thú, nhưng được tu tập theo hạnh nghiệp của hàng Đại Sĩ.

Khi ấy, Long Vương nói với các Rồng: Ta đã làm việc thiện cho các ngươi xong, đã chỉ dạy cho các ngươi đạo chánh chân, lại vì các ngươi đốt ngọn đuốc chánh pháp, đóng các đường ác, mở nẻo Trời Người. Các ngươi đã từ bỏ vô lượng ác độc, đem cam lộ thượng diệu thay vào.

Ta muốn yêu cầu một việc, các ngươi nên biết, vào mười lăm ngày đầu trong mười hai tháng, người Diêm Phù Đề dùng nước tám giới để tắm rửa thân tâm, làm việc thanh tịnh để tạo nên tư lương cho con đường của Cõi Trời người.

Họ xa lìa kiêu mạn, cao ngạo, tham dục, sân hận, ngu si. Ta cũng như thế, muốn bắt chước họ thọ tám trai giới. Các ngươi nên biết, ai có thể thọ trì tám giới như vậy, tuy không mặc y phục đẹp nhưng vẫn sạch sẽ, tuy không tường vách nhưng ngăn được oán tặc, tuy không cha mẹ mà được dòng họ tôn quý.

Không mang chuỗi báu anh lạc nhưng tự xinh đẹp, tuy không có châu ngọc nhưng giàu có vô cùng, tuy không có xe ngựa nhưng được gọi là xe lớn, không nhờ cầu bến nhưng vượt qua được đường ác. Người thọ tám giới có công đức như vậy. Các ngươi nên biết, ta ở nơi nào cũng thường thọ trì giới ấy.

Các Rồng đều nói: 

Tám trai giới là gì?

Long Vương nói:

Tám trai giới là:

Một, không sát hại.

Hai, không trộm.

Ba, không dâm.

Bốn, không nói dối.

Năm, không uống rượu.

Sáu, không nằm ngồi trên giường cao rộng.

Bảy, không mang hương hoa chuỗi ngọc, xoa chất thơm vào người.

Tám, không ca hát múa và không đi xem nghe.

Tám việc này trang nghiêm bằng pháp không ăn quá ngọ.

Đây gọi là tám trai giới.

Các Rồng hỏi: Nếu chúng tôi rời vua một chút là mất mạng ngay, nay muốn tăng trưởng chánh pháp cao cả, thắp sáng đèn pháp, xin phụng hành lệnh của Ngài, ích lợi của Phật Pháp nơi nào cũng được, vì sao không thọ trì ở đây?

Chúng tôi từng nghe có người tại gia tu tập được pháp thiện.

Nếu sống tại gia mà hành pháp thiện cũng được tăng trưởng, cần gì phải cầu nơi an tịnh?

Long Vương đáp: Muốn sống nơi dục thì tâm không lúc nào yên tịnh, thấy các sắc đẹp thì tâm ái dục ở quá khứ lại phát sinh. Như đất ướt, mưa dễ làm thành bùn, thấy các sắc đẹp thì dục tâm ở quá khứ lại phát sinh cũng giống như vậy. Nếu ở núi sâu thì không thấy sắc.  Nếu không thấy sắc thì không sinh tâm dục.

Các Rồng nói: Nếu ở núi sâu được tăng trưởng chánh pháp thì xin thi hành theo ý Ngài. Khi ấy, Long Vương đem các Rồng đến nơi yên tịnh, xa lìa tâm dâm dục, sân hận, đối với chúng sinh tu tâm đại từ, đầy đủ nhẫn, nhục để tự trang nghiêm, mở cửa giác ngộ, tự thọ tám giới, giữ trai pháp thanh tịnh, trải qua nhiều ngày, bỏ cả ăn uống thân gầy ốm rất đói khát mệt nhọc ngủ yên.

Long Vương tu hành tám giới như vậy đầy đủ nhẫn nhục, không có ý hại các loại chúng sinh. Bấy giờ có kẻ ác đến chỗ ở của Long Vương. Trong khi ngủ, Long Vương nghe tiếng bước chân đi nên thức dậy.

Những kẻ ác trông thây Long Vương, mừng sợ bảo nhau: Đây là khối châu báu gì từ dưới đất vọt lên?

Rồng thấy những người này, liền suy nghĩ: Ta vì tu đức nên đến đây, mà giữa núi này lại có kẻ ác nghịch phá người tu đức. Nếu để những kẻ ấy thấy hình thật của ta thì sẽ chết vì sợ. Họ vì sợ mà chết, thì sự tu tập theo chánh pháp của ta bị hủy hoại.

Trước đây ta vì sân hận mà bị đọa vào loài Rồng thân có đủ ba độc, tiếp xúc với hơi thở đều cũng độc như vậy. Những người này đang đến đây tất vì tham thân ta mà phải bỏ mạng.

Những kẻ ác nói với nhau: Chúng ta vào núi đã nhiều năm để cầu tài lợi, chưa từng thấy thân Rồng có trang điểm nhiều màu sắc rực rỡ như thế, thật vừa mắt người xem. Nếu lột da Rồng này đem dâng lên vua chúng ta chắc được trọng thưởng. Những kẻ ác vội cầm dao bén muốn lột lấy da Rồng.

Lúc ấy, tâm Long Vương thường vì lợi lạc cho tất cả thế gian nên đối với kẻ ác ấy vẫn sinh tâm từ bi thương xót, vì hành từ tâm nên ba độc liền tiêu diệt.

Long Vương tự khuyên nhủ tâm mình: Ngươi không nên luyến tiếc thân này. Tuy ngươi đã muốn giữ gìn nó nhiều năm nữa, nhưng đến lúc phải chết thì cũng không thoát được. Những người này nay vì thân ta mà tham tiền thưởng, sẽ bị đọa địa ngục. Ta thà chịu chết chứ không bao giờ trong hiện tại để họ bị khổ.

Long Vương lại suy nghĩ: Nếu có người vô tội, bị người khác đến cắt xẻ, im lặng chịu, không chống lại, không sinh thù oán, nên biết người nay là bậc Đại Sĩ chân chánh. Nếu đối với cha mẹ, anh em, vợ con mà im lặng nhẫn nhục thì đó chưa thật quý. Nếu đối với kẻ thù oán mà vẫn im lặng nhẫn nhục thì đó mới thật quý. Thế nên nay ta vì chúng sinh, cần phải im lặng nhẫn nhục chấp nhận.

Nếu ta đối với họ mà chịu nhẫn nhục được, thì họ chính là người bạn tri thức chân thật của ta. Do đấy, ta đối với những người này phải tưởng như cha mẹ. Từ vô lượng kiếp trước, ta đã bỏ nhiều thân mạng rồi nhưng chưa lần nào vì một chúng sinh.

Nếu những người kia vì suy nghĩ cho rằng lột da này rồi, sẽ được thưởng vô lượng châu báu, tài sản, thì ta xin nguyện trong đời vị lai thường cho những người này vô lượng pháp tài.

Khi Long Vương bị lột da rồi, thân thể chảy máu, đau đớn, vẫn chịu. Toàn thân rung động không thể giữ yên. Có vô lượng các loại trùng nhỏ nghe mùi máu liền tụ tập lại, rúc rỉa ăn thịt.

Long Vương lại suy nghĩ: Nay các loại trùng nhỏ này ăn thân ta, nguyện trong vị lai, ta sẽ cho chúng được thọ hương pháp thực. Khi Đại Bồ Tát tu hành trì giới Ba La Mật, cho đến nỗi bị lột da, ăn thịt, đều cũng không sinh tâm oán hận, huống chi là đối với các chỗ khác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần