Phật Thuyết Kinh Vô Thượng Y - Phẩm Bốn - Phẩm Công đức Của Như Lai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chân Đế, Đời Trần

PHẬT THUYẾT

KINH VÔ THƯỢNG Y

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chân Đế, Đời Trần  

PHẨM BỐN

PHẨM CÔNG ĐỨC CỦA NHƯ LAI  

Phật bảo A Nan: Có một trăm tám mươi pháp bất cộng, đó là công đức tốt đẹp nhất của Như Lai.

1. Ba mươi hai tướng.

2. Tám mươi vẻ đẹp.

3. Sáu mươi tám pháp.

Thế nào gọi là ba mươi hai tướng?

Bồ Tát tu bốn nhân duyên:

1. Trì giới.

2. Thiền định.

3. Nhẫn nhục.

4. Xả bỏ của cải và các phiền não.

Do nghiệp duyên tu bốn nhân duyên này vững chắc, không lay động, nên đạt được hai tướng:

1. Bàn chân bằng phẳng, đầy đặn, những nơi chân giẫm lên, thảy đều bằng phẳng, xứng với chân của Bồ Tát không có lồi lõm.

2. Bước đi ngay thẳng, không xiêu vẹo.

Nếu như đem tất cả mọi thứ cúng dường cha mẹ, Sư Trưởng. Đem mọi thứ cứu giúp những chúng sinh khổ nạn, ở quá khứ, vị lai thường làm việc siêng năng như vậy, thì dựa theo nghiệp duyên này. Hàng Bồ Tát, sẽ được tướng bánh xe dưới lòng bàn chân, vành trục bánh xe xó một ngàn cây căm trang nghiêm.

Nếu không bức não người khác, không làm việc trộm cắp, không sinh tâm tham đoạt, khi thấy những vật của người khác dù ta ham muốn, không cho mình cao ngạo kiêu căng, trừ bỏ kiêu mạn.

Đối với những bậc tôn trưởng, khởi lòng trân trọng, đứng hầu, chiêm ngưỡng, chắp tay, cung kính, do nghiệp duyên này, hàng Bồ Tát sẽ đạt được hai tướng:

1. Ngón tay tròn dài.

2. Thân hình cân đối, đoan chánh, trang nghiêm.

Nếu đủ ba nghiệp nhân duyên trước, thì được gót chân dài. Nếu do trước, hành ba nghiệp, lại tu bốn nhiếp pháp, làm lợi ích cho người, thì ở giữa mười ngón của tay và chân, thảy đều có màng lưới kín, giống như ngỗng chúa.

Nếu Bồ Tát giúp đỡ, hầu hạ, cha mẹ, Sư Trưởng, tự tay thoa dầu, làm sữa, dán thuốc, xoa bóp, tắm rửa, giặt giũ, dâng thức ăn, trông nom chăm sóc, thì tay chân sẽ được mềm mại, mịn màng, lòng bàn tay đỏ như hoa sen màu hồng. Nếu hàng Bồ Tát tu các pháp lành, tâm không chán mệt, ngày càng tăng trưởng, thì được gót chân đầy đặn.

Nếu tu học chánh pháp, diễn nói cho người, luôn luôn hướng dẫn cho người, không sinh mỏi mệt, thì do nghiệp duyên này, hàng Bồ Tát, sẽ được tướng đứng, như thế đứng của nai chúa. Bồ Tát, nếu pháp nào chưa biết, siêng năng tìm cầu muốn biết, pháp đã đạt được liền đem giáo hóa, làm lợi ích cho người. Đối với ba ác nghiệp, ngăn chặn, dứt trừ, không cho khởi.

Đối với ác pháp sáu trần, không cho thân tâm nhiễm. Đối với người thân bệnh, thì đem cho họ thuốc thang, đối với người tâm bệnh thì an ủi họ, do nghiệp duyên này, Bồ Tát sẽ đạt được thân đoan trực. Nếu Bồ Tát, thấy người sợ hãi, thì giúp đỡ họ, thấy người nghèo thì cho họ cơm áo, luôn luôn ôm lòng hổ thẹn, ngăn chặn điều ác, không cho khởi lên, do nghiệp duyên này, nên được tướng âm mã tàng.

Nếu Bồ Tát với thân, miệng, ý, thường khiến cho trong sạch, nhận đồ cho biết đủ, sử dụng cũng biết lượng sức mình, đem thuốc thang cho người bệnh, đem tiền của cho người nghèo. Nếu có những chúng sinh, nghiệp lực không bình đẳng, cho đến việc thọ dụng cũng không bình đẳng, thì khuyến khích họ tu hành những việc bình đẳng.

Do nghiệp duyên này, được thân vuông vắn cân đối, chiều ngang và chiều cao thân hình cân xứng như cây Ni câu loại. Bồ Tát nếu dùng phương tiện khéo léo, tu các pháp lành thù thắng, không ở mức giữa hay thấp mà thường khiến cho tăng lên.

Do nghiệp duyên này, nên được những sợi lông trên toàn thân, đều xoắn theo phía bên phải. Bồ Tát nếu tự tánh lanh lợi suy nghĩ nhiều về nghĩa lý, gần kề những bậc trí, gặp gỡ những bạn lành tri thức, quét dọn sạch sẽ nơi bậc tôn trưởng ở, tắm rửa xoa bóp thân thể tôn trưởng, trừ bỏ những thứ dơ dáy ở nơi chi đề, không để cho tâm bị khách trần phiền não làm nhiễm ố.

Do nghiệp duyên này, nên da bọc ở mỗi lỗ chân lông, mịn màng không bụi bám. Bồ Tát, nếu vui vẻ đem cho những thứ như quần áo, đồ ăn, thức uống, xe cộ, đồ nằm ngồi và các vật trang nghiêm khác, mà không có tâm tiếc rẻ.

Do nghiệp duyên này, nên thân có được sắc vàng ánh sáng rực rỡ, tỏa rộng một trượng. Nếu Bồ Tát nào, đem những món ăn, thức uống thơm ngon, cho rộng rãi, không hạn lượng, khiến nhiều chúng sinh được no đủ, thì do nghiệp duyên này, sẽ được bảy chỗ đầy đặn.

Nếu Bồ Tát nào, thấy những chúng sinh tốt, muốn khởi pháp lành, cùng chánh nghiệp, thì với chúng sinh ấy, nên làm người thầy hướng dẫn cho họ, tạo sự an ổn trong pháp lành, trừ bỏ những việc ác, do nghiệp duyên này, được như cái ức của sư tử.

Nếu Bồ Tát nào, ở trong chúng sinh, làm việc lợi ích, tu bốn chánh cần, như tâm của sư tử chúa, không điều gì sợ cả, do nghiệp duyên này, nên sẽ được hai tướng:

1. Hai vai ngang, bằng hai nách đầy đặn.

2. Hai cánh tay tròn thẳng như vòi voi chúa, đứng thòng dài quá gối.

Nếu Bồ Tát nào, lìa nghiệp hai lưỡi, nói những lời hòa hợp trong sự oán ghét, thực hành bốn nhiếp pháp, thâu tóm và giữ lấy chúng sinh, ngẫm nghĩ nghĩa lý sâu xa, tu lòng từ bình đẳng, thì do nghiệp duyên này mà được hai tướng:

1. Miệng có bốn mươi cái răng bằng khít, không thưa, trắng như tuyết, giống như ngọc kha lê.

2. Có bốn cái răng được tướng như mặt trăng mới mọc.

Nếu Bồ Tát nào, thấy các chúng sinh, có điều cần muốn, bèn ban phát cho họ vừa ý, hoặc là tiền của, hoặc là những lời dạy dỗ, vì do nghiệp duyên này, nên sẽ được hai tướng:

1. Hai gò má như má của sư tử.

2. Cổ tròn sạch.

Nếu Bồ Tát nào trông nom chúng sinh, như trông con một của mình, sinh nhiều tín tâm, lòng từ vô lượng, phân phát thuốc men không có tâm vẩn đục, vì do duyên này, nên được hai tướng:

1. Yết hầu có đủ một ngàn mạch, khi nhận đồ ăn ngon nước miếng trôi chảy thấm nhuần.

2. Khớp xương móc xích chặt chẽ như Na La Diên.

Nếu Bồ Tát nào tự hành mười điều lành, dạy người khác tu hành, thấy người tu hành thì vui mừng khen ngợi, lòng đại bi vô lượng, thương xót chúng sinh, phát tâm thệ nguyện rộng lớn thọ lãnh đủ chánh pháp, vì do nghiệp duyên này, nên có được hai tướng:

1. Có Uất Ni Sa xương đỉnh đầu mọc lên, tự nhiên thành nhục kế.

2. Lưỡi rộng, mỏng, dài như lá hoa sen.

Nếu Bồ Tát nào, thường nói những lời chân thật, những lời thương yêu, những lời đẹp đẽ, diễn bày chánh pháp, không khiến cho điên đảo. Do nghiệp duyên này, nên có được âm thanh của Phạm Thiên, giống như chim Ca Lăng Tần Già, có âm hưởng nhiệm mầu, sâu xa, như tiếng vang của trống Trời.

Nếu Bồ Tát nào khởi lòng từ, cung kính, xem hết thế gian như cha mẹ, xem xét chúng sinh, không khởi ba độc, vì nghiệp duyên này, nên có được hai tướng:

1. Tròng mắt xanh đẹp như hoa Ưu Bát La.

2. Lông mi xanh biếc, sáng rỡ, như ngưu vương.

Nếu Bồ Tát nào, thấy những chúng sinh tốt, tu học ba pháp, thì ca tụng khen ngợi sự tốt đẹp của họ, không khởi lên sự phá phách. Thấy người nào chê bai thì ngăn chặn, gìn giữ, do nghiệp duyên này, nên có tướng bạch hào nằm ở đoạn giữa hai chân mày, xoay theo hướng phải.

Lại nữa, A Nan! Bồ Tát tu hành bốn loại chánh nghiệp, sẽ được ba mươi hai tướng:

1. Quyết định không lẫn lộn.

2. Lắng lòng quán sát kỹ và kín đáo.

3. Thường tu không gián đoạn.

4. Không có hạnh điên đảo.

Nghiệp duyên thứ nhất được bàn chân đầy bằng.

Nghiệp duyên thứ hai được chín tướng:

1. Tướng bánh xe dưới lòng bàn chân.

2. Mắt cá tròn đầy.

3. Mười ngón tay và chân có màng lưới mỏng.

4. Da dẻ mịn màng.

5. Được bảy nơi đầy đặn.

6. Hai vai ngang bằng, hai nách đầy đặn.

7. Cánh tay tròn trịa.

8. Lưỡi rộng dài.

9. Ức như sư tử.

Nghiệp duyên thứ ba được năm tướng:

1. Ngón tay nhỏ, dài.

2. Gót chân dài.

3. Thân ngay thẳng không uốn cong.

4. Thân hình cân đối.

5. Cổ tròn, sạch.

Nghiệp duyên thứ tư được các tướng khác.

Lại nữa, này A Nan! Nếu như tất cả chúng sinh trong mười phương, đều hành mười điều lành, công đức này được tăng thêm gấp trăm lần, do nghiệp duyên đấy, chỉ được tướng một sợi lông nhập vào tất cả sợi lông của Bồ Tát.

Công đức càng tăng thêm gấp trăm lần, rồi sau đó, mới được một vẻ đẹp, nhập vào tất cả vẻ đẹp của Bồ Tát. Công đức càng tăng thêm gấp trăm lần, rồi sau đó mới được một tướng, nhập vào tất cả tướng công đức của Bồ Tát. Lìa tướng bạch hào, lìa tướng Uất Ni Sa, như vậy, công đức ngày càng tăng thêm gấp trăm lần, mới được tướng bạch hào. Lại tăng thêm gấp trăm lần nữa, thì được tướng Uất Ni Sa.

Nhập vào tướng Uất nisa, công đức tăng thêm gấp ngàn lần, được thâu nhiếp bởi tướng tốt của pháp Bất cộng, của ngọc thượng kha, của Như Lai. Do tướng tốt này, một tiếng của Như Lai, vang khắp cả vô lượng Thế Giới trong mười phương.

Này A Nan! Đó là ba mươi hai tướng, có ba nhân duyên không thể nghĩ bàn:

1. Thời tiết không thể nghĩ bàn, số lượng tu hành đầy cả ba A tăng kỳ kiếp.

2. Tâm vui không thể nghĩ bàn, vì để làm an vui lợi ích, cho tất cả chúng sinh.

3. Phẩm loại không thể nghĩ bàn, là tu tất cả đều lành, lìa tất cả điều ác, vì chủng loại không cùng vậy.

Thế cho nên, thân Như Lai đầy đủ tướng hảo, không thể nghĩ bàn.

Này A Nan! Tám mươi vẻ đẹp của Như Lai.

Những gì là tám mươi?

1. Không thấy được đỉnh đầu.

2. Xương đỉnh đầu không có mạch máu.

3. Trán rộng, bằng thẳng.

4. Mày cao, dạng giống như mặt trăng mới mọc, màu sắc xanh biếc, như ngọc lưu ly.

5. Mắt rộng dài.

6. Mũi cao rộng thẳng, lỗ mũi không hiện ra.

7. Tai rộng, dày, dài, trái tai thòng xuống.

8. Thân chắc thật như Na La Diên.

9. Mỗi phần của thân, không thể hoại.

10. Mỗi đốt xương của thân chắc, khít.

11. Mỗi lần thân quay trở như voi chúa.

12. Thân mềm mại.

13. Thân không từng khúc.

14. Thân luôn trẻ.

15. Thân thấm nhuần.

16. Thân tự gìn giữ, không đi xiêu vẹo.

17. Mỗi phần của thân đều đầy đủ.

18. Sự hiểu biết đầy đủ.

19. Dung nghi đầy đủ.

20. Oai đức vang xa.

21. Tùy thuận người khắp mọi nơi.

22. Ở nơi an ổn, không thể lay động.

23. Khuôn mặt cân đối, không lớn không dài.

24. Khoan dung.

25. Khuôn mặt trong sáng như ánh trăng rằm.

26. Mặt đầy đặn.

27. Dung mạo ngay thẳng, không mất sắc.

28. Dáng vẻ như sư tử.

29. Đi đứng như voi chúa.

30. Thực hành pháp như ngỗng chúa.

31. Đầu như trái Na Đà Na.

32. Chân đầy đặn, khi đi dấu hoa văn ở chân in hiện ra.

33. Màu móng chân như đồng đỏ, dày mỏng tròn mềm.

34. Xương đầu gối rắn chắc tròn đẹp.

35. Chỉ văn trang nghiêm.

36. Mạch máu trầm.

37. Chỉ tay rõ thẳng.

38. Chỉ tay dài.

39. Chỉ tay không bị cắt đứt.

40. Tay chân như ý.

41. Tay chân hồng hào như màu hoa sen.

42. Tướng khổng môn đầy đủ.

43. Bước đi không rộng hẹp.

44. Eo tròn lớn.

45. Bụng không hiện.

46. Rốn như rắn cuộn tròn, xoay theo phía phải, tròn sâu.

47. Màu sợi lông xanh hồng, như phía sau cổ của chim Khổng tước.

48. Lông sạch sẽ.

49. Lông xoắn theo phía phải.

50. Miệng phát ra mùi hương vô thượng, lông trên thân đều có mùi thơm.

51. Môi đỏ mọng như quả Tần bà.

52. Màu lưỡi đỏ.

53. Lưỡi mỏng.

54. Tất cả đều ưa nhìn.

55. Tùy theo ý chúng sinh, mà vui vẻ nói với họ.

56. Ở mọi nơi, đều nói những lời tốt đẹp.

57. Được nói trước.

58. Tùy theo các âm thanh của chúng sinh, mà phát ra, không hơn không giảm.

59. Tùy những cách nói của chúng sinh mà vì họ nói pháp phù hợp.

60. Không dính mắc vào những pháp đã nói.

61. Xem chúng sinh bình đẳng.

62. Thấy trước làm sau.

63. Phát ra một âm, mọi loài đều hiểu.

64. Theo thứ tự có nhân duyên thì nói pháp.

65. Tất cả mắt của chúng sinh, không thể thấy hết các tướng.

66. Nhìn không biết chán.

67. Tất cả âm thanh, mỗi phần đều đầy đủ.

68. Việc lành luôn hiện ra.

69. Những chúng sinh ngang bướng nhìn thấy, tức liền hiền hòa, những chúng sinh sợ hãi, liền được an vui.

70. Âm thanh rõ trong.

71. Thân không nghiêng ngã, lay động.

72. Các phần thân thể đều to lớn.

73. Thân cao.

74. Thân không dính mắc.

75. Quanh thân, ánh sáng tỏa xa một trượng.

76. Khi đi, ánh sáng tỏa theo thân.

77. Thân thể trong sáng.

78. Tóc xoắn ốc, không rối. Sợi tóc dài, đẹp. Màu tóc sáng dịu, giống như hạt châu xanh.

79. Tay chân đầy đặn.

80. Tay chân đều có tướng phước đức.

Này A Nan! Đó là tám mươi vẻ đẹp của Như Lai, làm trang nghiêm thân Phật.

Này A Nan! Như Lai có mười Lực:

1. Xứ phi xứ trí lực.

2. Tùy nghiệp trí lực.

3. Định loại trí lực.

4. Căn phẩm trí lực.

5. Dục lạc trí lực.

6. Tánh loại trí lực.

7. Chí nhất thiết trí lực.

8. Túc sinh trí lực.

9. Tử sinh trí lực.

10. Lậu tận trí lực.

Do mười trí lực này, Như Lai hiện ra nói pháp chỗ nào cũng tối đại thắng, xoay chuyển bánh xe Phạm Thiên vô thượng trong sạch, ở giữa đại chúng, cất tiếng sư tử rống.

Này A Nan! Như Lai có bốn vô úy:

1. Nhất thiết trí vô úy.

2. Lậu tận vô úy.

3. Thuyết chướng đạo vô úy.

4. Thuyết tận khổ đạo vô úy.

Này A Nan! Như Lai có ba niệm xứ:

1. Chánh hạnh, chánh niệm.

2. Tà hạnh, chánh niệm.

3. Tạp hạnh, chánh niệm.

Này A Nan! Như Lai có pháp đại bi.

Này A Nan! Như Lai có mười tám pháp bất cộng:

1. Thân không lỗi.

2. Miệng không lỗi.

3. Ý không lỗi.

4. Không có tâm bất định.

5. Không chấp vào ý tưởng khác.

6. Đều biết xả bỏ.

7. Không có tham muốn, không có giảm mất.

8. Không có chánh tinh tấn, không có giảm mất.

9. Không niệm, không có giảm mất.

10. Không trí, cũng không có giảm.

11. Không giải thoát, cũng không có giảm.

12. Không giải thoát trí kiến không giảm.

13. Thân làm theo trí tuệ.

14. Miệng nói theo trí tuệ.

15. Ý nghĩ theo trí tuệ.

16. Trí tận cùng quá khứ, tròn đầy.

17. Trí tận cùng hiện tại, tròn đầy.

18. Trí tận cùng vị lai, tròn đầy.

A Nan! Chỉ một mình Như Lai đạt được thần thông mau chóng tự tại như ý. Chỉ một mình Như Lai đạt được thần thông biến hóa vô cùng. Chỉ Như Lai, đạt được nơi thần thông của Bậc Thánh vô lượng, vô tận.

Chỉ Như Lai đạt được pháp tự tại của tâm. Chỉ Như Lai, đạt được thần thông biết được tâm người khác, một cách vô biên. Chỉ Như Lai, đạt được thần thông thiên nhĩ vô ngại. Chỉ Như Lai, đạt được sự hiểu biết về các loài chúng sinh khác nhau ở Cõi Vô Sắc.

Chỉ Như Lai, thấu đạt được cái sau khi Niết Bàn, của hàng Thánh Chúng. Chỉ Như Lai, có trí tuệ, thấu rõ sự trả lời không mắc mứu. Chỉ Như Lai, đạt được đại Ba La Mật, hay khéo đáp hỏi. Chỉ Như Lai, thuyết pháp có phân biệt, mà không bị lầm lỗi.

Chỉ Như Lai, đạt được sự khai hóa chúng sinh, không có không quá. Chỉ Như Lai, đạt được sự đứng đầu trong việc hướng dẫn. Chỉ Như Lai, đạt được sự không thể hại diệt. Chỉ Như Lai, đạt được Kim cang Tam Muội. Chỉ Như Lai, đạt được tất cả pháp, chẳng phải sắc, chẳng phải tâm, tâm không tương ưng, Như Lai biết hết cả.

Chỉ Như Lai, đạt được sự giải thoát vô ngại. Chỉ Như Lai, đạt được ba bất, hộ, pháp. Chỉ Như Lai, đạt được sự dứt trừ hết tập khí. Chỉ Như Lai, đạt được Nhất thiết chủng trí. Chỉ Như Lai, đạt được Kim cang tụ thân.

Chỉ Như Lai, đạt được việc chưa từng nghĩ ra mà tất cả các việc đều thành tựu. Chỉ Như Lai, có được tất cả các tướng, tương ưng với mỗi nơi, rõ ràng đầy đủ. Chỉ Như Lai, đạt được vấn đề thọ ký, không có bất định.

Chỉ Như Lai, đạt được cái mà đối với tâm hơn thua, Phật không chấp nhận, người nào có tâm đó thì không được thấy Phật. Chỉ Như Lai, chuyển được bánh xe, của tất cả pháp thắng diệu. Chỉ Như Lai, có thể gánh vác được cho chúng sinh, có thể xả bỏ những gánh vác nặng cho chúng sinh. Chỉ Như Lai, nhập vào Bát Niết Bàn lại còn khiến khởi tâm.

Chỉ Như Lai, đạt được nguyên nhân tu hành tròn đầy không dư. Chỉ Như Lai, đạt đến quả tròn đầy không dư. Chỉ Như Lai, làm việc lợi ích cho người tròn đầy không dư. Chỉ Như Lai, đạt được sự biện tài không tận. Chỉ Như Lai, nói tất cả pháp đều như lý.

A Nan! Công đức Như Lai, lược nói có sáu loại:

1. Đầy đủ.

2. Không nhơ.

3. Không lay động.

4. Vô ngại.

5. Lợi ích cho người.

6. Tài năng tự tại.

Này A Nan! Thế nào gọi Như Lai là công đức không thể nghĩ bàn?

Tất cả công đức vô biên, hằng sa kiếp của tất cả Như Lai, ở hoặc địa và tịnh địa, thâu tóm nhau, hợp vào nhau, chưa từng rời nhau, không sạch, không nhơ, không thể nghĩ bàn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần