Phật Thuyết Kinh Vô Thượng Y - Phẩm Hai - Phẩm Như Lai Giới

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chân Đế, Đời Trần

PHẬT THUYẾT

KINH VÔ THƯỢNG Y

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chân Đế, Đời Trần  

PHẨM HAI

PHẨM NHƯ LAI GIỚI  

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Sau khi Đức Thế Tôn Niết Bàn, nếu xây Chùa, lập tháp, tạo tượng cúng dường, thì công đức phước báo không thể suy lường được, dùng số như vi trần cũng không thể nào tính hết được.

Vì sao?

Này A Nan! Như Lai là hiếm có, là không thể nghĩ bàn.

Vì sao?

Vì cõi giới, vì tánh là không thể nghĩ bàn. Vì bồ đề, vì sự chứng đắc là không nghĩ bàn, vì công đức, vì pháp là không thể nghĩ bàn. Vì lợi ích, vì hành sự là không thể nghĩ bàn.

Này A Nan! Thế nào là Như Lai giới?

Vì sao Như Lai là giới không thể nghĩ bàn?

Này A Nan! Tất cả chúng sinh đều có ấm nhập vào giới, các loại tướng thù thắng hiện ra, ở bên trong, bên ngoài, thời tiết từ xưa tiếp nhau liên tục, pháp đạt được hết sức sáng tỏ nhiệm mầu. Nơi đây, tâm ý thức không thể duyên khởi. Xem xét, hiểu, phân biệt, không thể duyên khởi. Sự suy nghĩ không chân chánh, không thể duyên khởi.

Nếu xa lìa suy nghĩ không chân chánh, thì pháp không khởi vô minh. Nếu không khởi vô minh, đó là pháp chẳng có mười hai phần duyên khởi. Nếu chẳng có mười hai phần duyên khởi, thì pháp không tướng. Nếu là vô tướng, thì pháp ấy chẳng do sự tạo tác mà ra. Nó không sinh, không diệt, không giảm, không hết.

Nó thường, hằng, tịch, trụ, bản tánh trong sạch, không bị dính mắc, lìa xa, không nhơ bẩn, vượt ra và giải thoát khỏi màng phiền não, chánh thuận tương ưng với pháp Như Lai. Trải qua hằng sa số, không rời nhau, không xả, trí không thể nghĩ bàn.

Này A Nan! Ví như ngọc châu Như ý vô giá, trang nghiêm, lộng lẫy, đáng yêu, sáng trong, vì thể nó tròn sạch, không có nhơ bẩn. Nếu đem bỏ vào chỗ bùn nhơ, trải qua trăm ngàn kiếp, nếu có người nào nhặt lấy, đem rửa sạch, giữ gìn, không để rơi rớt thì hạt báu Như ý ấy, đã được rửa sạch, giữ gìn. Nó trở lại sự trong sạch, không mất đi sự quý báu.

Như vậy, này A Nan! Khi xưa còn ở nhân địa, tất cả Như Lai đều biết cõi chúng sinh, tự tánh là trong sạch, bị nhiễm đục bởi khách trần phiền não.

Nên Chư Phật Như Lai đều nghĩ: Khách trần phiền não không nhập vào trong cõi trong sạch của chúng sinh được. Phiền não dơ bẩn này, che lấp bên ngoài. Những suy nghĩ giả dối kết hợp lại, khởi lên. Chúng ta có thể vì tất cả chúng sinh, nói pháp sâu xa, mầu nhiệm, để trừ chướng ngại của phiền não, không nên sinh tâm thấp hèn, mà phải rộng lượng.

Phải sinh tâm tôn trọng đối với chúng sinh, khởi Đại Sư kính, khởi Bát Nhã, khởi Xà Na, khởi đại bi. Dựa vào năm pháp này, hàng Bồ Tát được nhập vào địa vị không thoái chuyển.

Hàng Bồ Tát này, lại suy nghĩ: Phiền não nhơ bẩn này, không có năng lực, không tương ưng với gốc rễ phiền não, không chân thật, vốn không dựa vào bản xứ, vốn rất trong sạch, thế nên không gốc.

Những suy nghĩ giả dối, những thói quen điên đảo khởi lên, như đất, nước, gió dựa vào gốc mà được tồn tại. Gốc này, không chỗ dựa. Phiền não cũng như vậy, không có chỗ dựa chân thật. Nếu biết một cách đúng đắn, quán sát suy nghĩ một cách chân chính, thì các phiền não này, không khởi lên sự trái nghịch.

Nay ta nên xem xét khiến các phiền não không làm ta dính mắc. Nếu như có phiền não, mà ta không bị dính mắc, thì gọi là điều lành. Còn nếu làm cho chúng ta chấp vào cái nhiễm của phiền não, thì làm sao có thể thuyết pháp, cởi bỏ sự trói buộc của phiền não, cho chúng sinh được.

Do đó, nay ta nên xả bỏ phiền não, nên nói chánh pháp, để tháo gỡ sự trói buộc của phiền não cho chúng sinh. Nếu như có phiền não làm cho sinh tử liên tục, lại tương ưng với căn lành, thì loại phiền não này, ta nên thâu tóm và giữ lấy, vì để thành thục chúng sinh, vì để thành thục Phật Pháp.

Như vậy, A Nan! Khi còn trong nhân địa, Như Lai nương vào như thật mà biết, nương vào khả năng mà tu, thấu đạt cảnh giới của Như Lai, không nhiễm, không chấp, có khả năng nhập vào và trôi lăn trong sinh tử, mà chẳng phải là do sự trói buộc của phiền não, chứng được phương tiện rộng lớn, trụ vào nơi vô trụ, Niết Bàn vắng lặng, mau đạt được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

A Nan! Như Lai giới này vô lượng, vô biên. Nơi mà các phiền não ẩn chứa, từ vô thủy, trôi lăn theo dòng sinh tử, chìm đắm trôi nổi trong sáu đường, ta gọi đó là cõi chúng sinh.

Này A Nan! Chúng sinh giới này, từ nơi cái khổ sinh tử, mà khởi lên sự nhàm chán, loại trừ sự ham muốn của sáu trần, dựa vào sự thu giữ của tám vạn bốn ngàn pháp môn, của mười pháp Ba La Mật, tu đạo bồ đề, ta nói đó là Bồ Tát.

Này A Nan! Chúng sinh giới này, đã thoát ra khỏi cái màng phiền não, đã vượt qua tất cả khổ, trừ sạch mọi nhơ bẩn, rốt ráo, vắng lặng, sáng ngời, trong sạch. Vì nguyện kiến đối với các chúng sinh, vì pháp vi diệu thượng địa, vì Nhất thiết trí địa, vì hết thảy vô ngại. Trụ vào trong pháp ấy, đưa đến quả vị cùng tột, đắc Pháp Vương đại tự tại lực, ta nói đó là Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này A Nan! Như Lai giới này, xưa nay vắng lặng, thảy đều không trở ngại, tự tại ở tất cả nơi trong ba vị. Ví như hư không tất cả các loại màu sắc, thì không thể nào che, không thể phủ đầy, không thể bít lấp được. Như những thứ đất, vàng, bạc ở trong hư không, cũng đều không có sự ngăn ngại. Như Lai giới cũng lại như vậy, đối với tất cả nơi ở trong ba vị, thảy đều không có sự ngăn ngại.

Này A Nan! Khi còn ở nhân địa, tất cả các Đức Như Lai, dựa vào như thật mà biết, dựa vào khả năng mà tu, xem năm thứ công đức của Như Lai giới, là không thể nói không hai tướng, xem cảnh giới không một không khác, vượt qua thấy hiểu, tất cả xứ đều một vị. Hàng Bồ Tát, trừ chúng sinh tướng, trừ pháp dị tướng, trừ đại kiết tướng.

Ở trong sự liên tục của chúng sinh, các vị, dựa vào trí không ngại mà quán Như Lai giới, rồi khởi lên ý kỳ lạ: Chao ôi, chúng sinh! Như Lai ở trong ngay thân của chúng sinh, theo lý thì không thể nào thấy được.

Thế cho nên, ta nói đầy đủ các phần Thánh Đạo, cởi mở sự che lấp trói buộc từ vô thủy, khiến cho các chúng sinh nhân sức Thánh Đạo mà phá trừ sự trói buộc, tự mình có thể chứng kiến được sự bình đẳng chân thật của Như Lai đúng như lý.

Vì sao như vậy?

Vì tất cả chúng sinh, bị ràng buộc bởi sự chấp tướng, nên không nhận thức được Như Lai, không đạt được Như Lai, không thấy được Như Lai.

A Nan! Khi xưa còn ở nhân địa, Như Lai quán sát, thông suốt, thấu rõ được Như Lai giới, hiểu được một cách đúng đắn về các pháp, là thảy đều bình đẳng, chính mình chuyển bánh xe pháp vô thượng vi diệu, trực tiếp thành thục chúng thánh đệ tử, vô lượng, vô biên, cung kính vây quanh, trụ vào Vô dư Niết Bàn mát mẻ, cho đến Thế Giới cùng tận, cũng không bỏ làm việc lợi ích cho chúng sinh.

Này A Nan! Như Lai giới này, tự tánh trong sạch, không có tướng khác, không có sự sai biệt đối với chúng sinh, mà lại hết sức bình đẳng, trong mát, thấm nhuần, hết sức là nhu hiền tương ưng với họ.

A Nan! Giống như tự tánh của nước là thấm nhuần. Nó có thể nhiếp, có thể thấm nhuần, có thể làm phát triển tất cả những cây cỏ, cây thuốc.

Như vậy, này A Nan! Khi còn ở nhân địa tất cả Chư Phật đều dựa vào Như Lai giới, mà tu hành căn lành, làm lợi ích cho chúng sinh. Vì việc này, mà các Ngài phải trở lại nhập vào ba cõi, hiện sinh, già, bệnh, chết. Thế nên, những khổ về sinh, già… của các vị Bồ Tát chẳng phải chân thật mà có.

Vì sao?

Vì các vị đã thấy được như thật về Như Lai giới rồi.

A Nan! Ví như có ông trưởng giả giàu, chỉ có một cậu con trai, ngay thẳng, thông minh. Ông ta thương yêu, trông nôm, nuôi dưỡng con mình, tình không tạm bỏ. Vì còn nhỏ, ham vui chạy nhảy, đứa trẻ này, bất ngờ trượt chân, té xuống hầm phân sâu lớn, nơi thây chết sình trướng, mục rã, hôi thối.

Thấy con rớt xuống hầm, người mẹ của đứa bé này, cùng các họ hàng hoảng sợ la to: Trời ơi, đau đớn thay! Âu sầu khổ não thay! Mặc dù xót thương kêu gào, nhưng những người này, bản thân không đủ khả năng, lại khiếp nhược, không dám xuống hầm phân sâu ấy, để cứu thằng bé kia lên. Khi ấy, ông trưởng giả vội vàng về nhà. Vì lòng thương con quá đỗi, không ngại sợ hôi hám nhơ bẩn, ông ta tự xuống hầm, mà vớt thằng bé lên.

Như vậy, A Nan! Ta nêu ví dụ này là muốn làm rõ nghĩa chân thật. Những điều ta nói như thây chết hầm phân thì ví như ba cõi. Đứa con ấy thì ví cho hàng chúng sinh phàm phu. Người mẹ và những họ hàng thì ví như hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Hàng Nhị thừa này, mặc dù thấy chúng sinh trôi nổi đắm chìm trong sinh tử, buồn rầu, thương xót, than thở, nhưng lại không đủ năng lực để cứu vớt, giúp họ thoát khỏi.

Ông Trưởng Giả giàu có kia, chính là hàng Bồ Tát này. Những vị đấy, đã không còn tâm nhơ bẩn nữa, đã chứng thấy được pháp chưa từng học, rồi lại nhập vài nơi sinh tử, hôi hám, mà hiện thọ thân, cứu vớt chúng sinh.

A Nan! Ông nên biết, lòng đại bi của hàng Bồ Tát như vậy, thật hiếm có, không thể nói được. Hàng Bồ Tát đây đã vượt ra ba cõi, cởi bỏ mọi ràng buộc. Lại vào ba cõi thọ sinh trong ba cõi, nhờ nương theo phương tiện thiện xảo, nắm giữ Bát Nhã Ba La Mật, diễn thuyết chánh pháp, diệt khổ cho chúng sinh dù có phiền não cũng không thể nào vấy bẩn.

A Nan! Đó là vì oai thần lớn của giới của Như Lai này, không đổi khác, mềm dẻo, thấm nhuần.

A Nan! Ông nên biết! Chúng sinh giới này, chính là tánh của các Bậc Thánh. Không tu, không phải là không tu. Không hành, không phải là không hành. Không tâm, không có tâm pháp. Không nghiệp, không có quả báo, không khổ, không vui, thì mới nhập vào được cõi này. Tánh này bình đẳng, nó không có tướng khác, nó xa lìa. Nó tùy theo. Nó rộng lớn, nó không ngã sở, nó không cao thấp, nó chân thật, nó vô tận, nó thường trụ, nó sáng trong.

Này A Nan! Thế nào gọi tánh này, là tánh của các Bậc Thánh?

Vì duyên vào tánh này, mà tất cả thánh pháp được thành tựu, vì dựa vào tánh này, mà tất cả Thánh Nhân được hiển hiện, thế cho nên, ta mới nói, tánh đây, chính là tánh của các Bậc Thánh.

Này A Nan! Nay ta nói về tánh của Như Lai. Trải qua hằng sa số, tất cả Như Lai bất cộng chân thật, từ pháp này ra, mà được hiển hiện, nên gọi là Như Lai giới. Vì tin ưa, hết lòng kính trọng chánh thuyết, nên thân giới, định, tuệ của tất cả các Bậc Thánh Hiền, liền được thành tựu.

Bởi thế, pháp này được gọi là Pháp Thân. Pháp đây, là pháp cùng tóm thâu, không cùng lìa, không xả bỏ trí, chẳng có hiểu biết. Nó là y, là trì, là xứ. Hoặc là pháp này không cùng thâu tóm mà cùng lìa, xả bỏ trí, có hiểu biết cũng là y, là trì, là xứ.

Thế nên, ta nói: Vì tất cả tạng pháp không đổi khác cho nên gọi là Như như. Vì không điên đảo, nên gọi là thật tế. Vì vượt thoát tất cả tướng, cho nên gọi là Niết Bàn. Vì cái nơi, mà các Thánh Nhân hành trì, là cảnh giới vô phân biệt trí cho nên được gọi là Đệ nhất nghĩa.

A Nan! Như Lai giới ấy, chẳng có chẳng không, không đục, không sạch, tự tánh trong sáng, không dơ bẩn. Thế nên, ông phải học tập.

Này A Nan! Thế nào là Như Lai cảnh giới không thể nghĩ bàn?

A Nan! Như Lai giới này, khi ở hữu cấu địa, thì cả pháp sạch lẫn pháp không sạch thảy đều hiện hữu. Nơi đây không thể suy nghĩ, cứ dựa vào lý sâu dày mà được giải thoát, thành A La Hán, Bích Chi Phật thì đó chẳng phải là cảnh giới Như Lai.

A Nan! Có hai loại pháp, không thể thông đạt được:

1. Pháp giới của tự tánh trong sạch, không thể thông đạt.

2. Cái nhơ bẩn của phiền não làm chướng ngại, không thể thông đạt.

Duy có bậc Bồ Tát Bất thoái chuyển tương ưng với đại pháp, là có khả năng nghe, có khả năng lãnh thọ, có khả năng tu trì. Trong khi đó, các vị Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, nhờ tin theo lời Phật dạy, cho nên mới biết được pháp này.

A Nan! Như Lai là giới tánh, không thể nghĩ bàn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần