Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Một - Phẩm Kulavaka - Chuyện Sống Hòa Hợp Tiền Thân Sammodamàna

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MỘT  

PHẨM KULAVAKA  

CHUYỆN SỐNG HÒA HỢP

TIỀN THÂN SAMMODAMÀNA  

Khi chung sống hòa hợp. Câu chuyện này, khi ở tại Vườn Cây bàng gần Ca Tỳ La Vệ, Bậc Ðạo Sư đã kể về việc tranh cãi nhau vì cái gối. Câu chuyện sẽ được trình bày trong Tiền Thân Kunala.

Lúc bấy giờ, Bậc Ðạo Sư bảo các bà con: Này các Ðại vương, các bà con không nên tranh cãi nhau. Trong thời quá khứ, các loài thú khi sống hòa hợp. đã chiến thắng được kẻ thù. Còn khi sống bất hòa, đã bị nạn diệt vong lớn. Theo yêu cầu của các hoàng tộc, bà con, Bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ Tát sanh làm con chim cun cút đầu đàn, được vây quanh với hàng ngàn con chim cun cút, sống ở trong rừng.

Lúc bấy giờ, một thợ săn chim đi đến vùng cun cút, nhờ bắt chước tiếng kêu của loài cun cút, kẻ ấy biết được chỗ tụ họp của đàn chim. Người thợ săn liền quăng lưới lên trên đàn chim, chận lại các đường viền, tóm tất cả đàn chim cút thành một mối, bỏ vào giỏ đi về nhà, đem bán và nuôi sống với số tiền ấy.

Một hôm, Bồ Tát nói với các con chim cun cút: Người thợ săn chim này giết hại nhiều bà con chúng ta. Nay ta có một phương kế khiến kẻ ấy không thể bắt chúng ta được. Từ nay trở đi, khi kẻ ấy vừa quăng lưới trên đầu các ngươi, mỗi một chim cút chui đầu vào một lỗ của lưới, nhấc bổng lưới lên đến chỗ các ngươi muốn, và hạ xuống trên một bụi gai.

Làm như vậy, chúng ta sẽ trốn thoát khỏi nhiều mẻ lưới!

Tất cả chúng đều vâng theo. Vào ngày hôm sau, khi lưới được quăng trên đàn chim, chúng liền nhấc bổng lưới lên như lời Bồ Tát dặn và thả xuống trên một bụi gai, rồi trốn thoát theo ngã dưới.

Người thợ săn chim đang còn gỡ lưới khỏi bụi gai, thì Trời đã xế chiều, nên đi về với tay không. Nhiều ngày kế tiếp, các con chim cun cút đều làm như vậy. Người thợ săn chim cứ loay hoay cho đến khi Mặt Trời lặn, chỉ lo gỡ lưới, không bắt được gì và đi về nhà tay không.

Người vợ tức giận nói: Ngày lại ngày, ông về hai tay không.

Tôi nghĩ rằng có lẽ ông có một chỗ nuôi dưỡng khác!

Thợ săn chim nói: Này bà, ta không có chỗ nuôi dưỡng nào khác. Nhưng các con chim cun cút sống hòa hợp với nhau. Chúng mang đi lưới ta quăng, và thả xuống một bụi gai rồi bỏ đi. Nhưng chúng sẽ luôn luôn không sống hòa thuận được. Bà chớ lo. Khi chúng tranh cãi nhau, lúc ấy, ta sẽ bắt gọn tất cả chúng, nụ cười sẽ trở lại trên môi bà.

Rồi kẻ ấy nói lên bài kệ với người vợ:

Khi chung sống hòa hợp,

Các chim mang lưới đi,

Khi chúng tranh cãi nhau,

Chúng rơi vào tay ta.

Vài ngày trôi qua, khi một con chim cun cút đậu xuống chỗ ăn, vô ý bước trên đầu một con chim khác.

Chim ấy tức giận nói: Ai bước trên đầu ta?

Chính tôi vô ý bước.

Ðừng giận tôi!

Tuy vậy, con chim ấy vẫn giận, tiếp tục nói: Ngươi nghĩ rằng chỉ một mình ngươi nhấc bổng lưới lên chăng?

Khi chúng tranh cãi nhau, Bồ Tát suy nghĩ: Khi tranh cãi nhau thì không có an toàn. Nay bọn chim sẽ không nhấc bổng lưới lên nữa. Do vậy, bọn cun cút sẽ gặp nạn, người thợ săn sẽ nắm được cơ hội.

Ta sẽ không sống ở chỗ này nữa! Rồi Bồ Tát đem đàn chim của mình đi đến một chỗ khác. Người thợ săn chim lại đến, sau một vài ngày, bắt chước giọng chim cun cút, và quăng lưới lên chỗ chúng đang tụ họp.

Một con chim cun cút nói: Nghe nói, khi ngươi nhấc bổng lưới lên, lông trên đầu rơi xuống.

Vậy nay hãy nhấc bổng lên!

Một con chim khác nói: Nghe nói, khi ngươi nhấc bổng lưới lên, lông hai cánh của ngươi rơi xuống.

Vậy nay hãy nhấc bổng lên!

Như vậy, khi đàn chim cun cút đang tranh cãi nhau, người thợ săn chim nhấc bổng lưới lên, bắt tất cả đàn chim nhét đầy vào một cái giỏ, đem về nhà và hy vọng đem lại thật nhiều nụ cười cho bà vợ.

Bậc Ðạo Sư nói: Như vậy, thưa Ðại Vương, các bà con không nên tranh cãi nhau. Tranh cãi là nguồn gốc diệt vong.

Thuyết pháp thoại này xong, Bậc Ðạo Sư kết hợp hai mẫu chuyện và nhận diện tiền thân như sau: Thời ấy, con chim cun cút vô trí là Đề Bà Đạt Đa, còn con chim cun cút có trí là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần