Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Phạm Chí - Tập Bốn
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM BA MƯƠI BA
PHẨM PHẠM CHÍ
TẬP BỐN
Lại có người hỏi: Tâm có mười đại địa pháp mà tâm là pháp thứ mười.
Vì sao nói một bóng đi xa?
Đáp rằng: Tâm thường theo nhân duyên mà đi hay đứng yên, như tâm đang duyên theo sắc và thanh thì khi ấy nó không duyên theo hương, vị, xúc, pháp. Tâm đang duyên theo hương thì khi ấy nó không duyên theo sắc, thanh, vị, xúc, pháp.
Khi tâm duyên theo vị, thì khi ấy nó không duyên theo sắc, thanh, hương, xúc, pháp.
Khi tâm duyên theo xúc, thì khi ấy nó không duyên theo sắc, thanh, hương, vị, pháp.
Khi tâm duyên theo pháp, thì khi ấy nó không duyên theo sắc, thanh, hương, vị, xúc.
Khi tâm đang duyên theo sắc thì tâm là gốc các pháp. Như khi vua làm lễ vũ nghi thì quan khách ai nấy đều đã có mặt, chỉ lấy tiếng là vua. Ở đây cũng giống như thế, tâm tạo ra mười pháp nhân duyên nhưng đều không có tên, cũng như chim bay được trên Trời là nhờ ở sáu cái lông ống lớn, nhưng chỉ có chim được tiếng chim bay.
Ở đây cũng giống như vậy, tâm vốn vô hình cũng không ẩn náu nơi đâu, người trần mắt thịt không thể thấy được mà phải nương vào thân năm ấm này mới thấy sự hoạt động của tâm. Khi thân năm ấm tan hoại thì tâm sẽ lìa xa, tâm khi ấy cũng không hình chất gì. Tâm rất khó dạy bảo, như cái khoan gỗ dùng để khoan sắt cứng.
Thế nên Bậc Thánh để lại lời dạy cho hậu sinh, muốn làm chủ tâm thì sáng phải uống nhiều thứ thuốc, trưa phải uống nhiều thứ thuốc, chiều phải uống nhiều thứ thuốc. Phải dung không, vô tướng, vô nguyện, chỉ quán dứt hết phiền não để chữa trị tâm thì mới lành bệnh được. Ai có đủ những điều ấy thì gọi là Phạm Chí.
Cho nên nói:
Một bóng đi xa,
Ẩn kín, không hình,
Khó hàng hàng được,
Đó gọi Phạm Chí.
Không sắc không thể thấy
Đây cũng không thể thấy
Hiểu rõ câu nói này
Nghĩ thì có lý do
Giác biết, kết sử hết
Đó gọi là Phạm Chí.
Không sắc không thể thấy: Thế nào là tâm?
Tâm gây họa khiến thân phải chịu tai ương. Như voi ngựa bướng bỉnh hung hãn không kiềm chế được. Kẻ có mắt sẽ đánh đập chúng, khiến chúng đau đớn mới dạy bảo được. Tâm con người đã gây biết bao khổ họa, nó dẫn con người vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Khi làm được người thì sinh vào nhà thấp hèn, mặt mày xấu xí, bị mọi người ghét bỏ.
Cho nên nói: Không sắc, không thể thấy, đây cũng không thể thấy, hiểu rõ câu nói này, nghĩ thì có lý do, giác biết kết sử hết, đó gọi là Phạm Chí.
Chư Phật, Thế Tôn xuất hiện ở đời là muốn hàng phục cái tâm dữ dằn, xấu ác đó. Chư Phật, Thế Tôn thương xót tất cả chúng sinh. Lòng từ rộng lớn che phủ khắp nơi, dù sống trên thế gian nhưng không hề đắm nhiễm.
Lấp sông sinh tử
Nhẫn nhục vượt qua
Tự biết ra khỏi
Đó gọi Phạm Chí.
Người tu hành bị năm dục trói buộc, trôi lăn trong dòng song sinh tử. Cần phải nhờ Bậc Đại Thánh chỉ dạy, dùng quyền nghi dẫn từ bờ này đến bờ kia. Như Lai hiện thân ra đời không việc gì Ngài không quán sát kỹ, cốt yếu là dắt dẫn người có duyên sau đó mới nhập diệt. Hầm chỉ cho hầm kiêu mạn. Nếu ai vượt qua hầm này thì không bị kiêu mạn trói buộc. Ai có đủ những điều ấy thì gọi là Phạm Chí.
Cho nên nói:
Lấp sông sinh tử,
Nhẫn nhục vượt qua,
Tự biết ra khỏi,
Đó gọi Phạm Chí.
Phải cầu vượt qua dòng
Phạm Chí không tham dục
Trong tự xét các căn
Người tự cho Phạm Chí
Mà biết rõ như thế
Mới gọi là Phạm Chí.
Người tu hành không lấp dòng sông ái dục, bốn sử, bốn vực, tiến đến đạo mầu rất khó. Như nước lụt lớn gây thật hại, Phạm Chí còn tham dục thì chết sẽ đọa vào đường ác. Cho nên Đức Như Lai dạy phải dứt bỏ tham, cũng nói cho biết dục vốn là cội nguồn dơ bẩn, bất tịnh. Và phải dứt bỏ các tà vạy, chớ để rong ruổi, ai có đủ những điều ấy thì gọi là Phạm Chí.
Cho nên nói:
Phải cầu vượt qua dòng,
Phạm Chí không tham dục,
Trong tự xét các căn,
Người tự cho Phạm Chí,
Mà biết rõ như thế,
Mới gọi là Phạm Chí.
Trước phải bỏ mẹ
Vua và hai quan
Thắng mọi cảnh giới
Đó là Phạm Chí.
Trước phải bỏ mẹ: Tâm ái dục rong ruổi chính là nguồn cội. Ý thức vô lậu có công năng chữa dứt bệnh ấy, hết hẳn không còn tái lại. Vua chỉ cho tâm ngã mạn. Hai quan chỉ cho trộm cắp và thân kiến. Thắng mọi cảnh giới là đối với tất cả các kết sử người này có khả năng dứt trừ hết tai nạn của kết sử được gọi là Phạm Chí.
Cho nên nói:
Trước phải bỏ mẹ,
Vua và hai quan,
Thắng mọi cảnh giới,
Đó là Phạm Chí.
Phạm Chí không đánh
Phạm Chí không lung
Phạm Chí la đánh
Thả rồi cũng la.
Phạm Chí chỉ cho bậc La Hán. Không được dùng tay hay dao gậy mà đánh bậc chân nhân này. Phạm Chí không buông lung chỉ cho bậc chân nhân này, thường phải cúng dường y phục, thức ăn uống, giường ghế, đồ nằm, thuốc men trị bệnh.
Bốn thứ cúng dường không hề thiếu thốn. Phạm Chí la đánh là người làm ác, thả rồi cũng la cũng chỉ cho kẻ làm ác đó. Không nên cúng dường cho những kẻ gian ác ấy y phục, thức ăn uống, giường ghế, đồ nằm, thuốc men trị bệnh. Ai có đủ những điều ấy thì gọi là Phạm Chí.
Cho nên nói:
Phạm Chí không đánh,
Phạm Chí không buông,
Phạm Chí la đánh,
Thả rồi cũng la.
Nhiều người biết pháp sâu
Không luận già hay trẻ
Xét kỹ giữ giới tin
Như Phạm Chí thờ lửa.
Thuở xưa, khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đi giáo hóa khắp nơi. Khi ấy các thầy Tỳ Kheo không chịu học rộng.
Đức Thế Tôn bèn suy nghĩ rằng: Nay các Tỳ Kheo nhiều vị có tâm biếng nhác, ý không tinh tấn. Ngài lại tự quán sát các việc trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai… Ngài biết đời vị lai sẽ có Tỳ Kheo tật đố, giận dữ, không thuận theo lời Phật dạy, họ phỉ báng, làm tổn giảm pháp Như Lai, khinh mạn thầy, cũng không kính trọng người nói pháp.
Do đó, Đức Thế Tôn quán xét đời sau, e rằng trong giáo pháp do Ngài để lại có các Tỳ Kheo già trẻ không phân biệt trên dưới lớn nhỏ, các vị già thì cậy ta lớn tuổi, các vị trẻ thì tự ỷ mình thông minh.
Các vị lớn tuổi thì tự khoe: Những điều mà tôi thấy biết các thầy đâu thấy biết được. Kiến thức các thầy như lửa đom đóm. Còn các vị trẻ thì tự cho rằng già tối tăm đần độn, tính tình lẩm cẩm, biết đâu mà lường.
Như Lai dạy rằng: Phải tự giữ giới. Cũng như Phạm Chí thờ lửa, đốt lửa năm chỗ, ngày đêm phụng thờ không hề sái buổi. Hương hoa rực rỡ cúng dường mọi thứ.
Cho nên nói:
Nhiều người biết pháp sâu,
Không phải già hay trẻ,
Xét kỹ, giữ giới,
Lòng tin như Phạm Chí thờ lửa.
Nhiều người biết pháp sâu
Mà Bậc Đẳng Giác nói
Xét kỹ giữ giới tín
Như Phạm Chí thờ lửa.
Trải qua ức ngàn muôn kiếp Như Lai mới ra đời một lần, nên việc gặp Phật ra đời rất khó. Cho nên người tu phải giữ giới và long tin, không mất phép tắc như Phạm Chí thờ lửa.
Thuở xưa, khi còn tại thế, Đức Phật dạy các Tỳ Kheo: Từ nay trở đi không được học sách vở ngoại đạo, dị học.
Vì sao?
Vì sách họ nói toàn những nghĩa lý không chân chánh, cũng không phải là cội gốc giúp ta đạt đạo.
Cho nên nói:
Nhiều người biết pháp sâu,
Mà Bậc Đẳng Giác nói.
Xét kỹ giữ giới tín,
Như Phạm Chí thờ lửa.
Chân thành quy mạng Phật.
Bên ngoài pháp của mình
Phạm Chí là trên hết
Tất cả các hữu lậu
Đều dứt sạch, không sót,
Hoặc lại quán sát khổ
Đều dứt sạch, không sót,
Hoặc lại quán hội họp
Đều dứt sạch, không sót,
Hoặc lại quán nhân duyên
Đều dứt sạch, không sót.
Bên ngoài pháp của mình: Người tu hành quán sát rõ tất cả các pháp đều có liên quan, không việc nào không biết, giống như Phạm Chí quán sát rõ ràng thiên văn, địa lý, các sao thay đổi. Tất cả các trong hữu lậu đều dứt sạch, không còn sót. Quán sát các khổ đau dù tốt hay xấu tất cả đều dứt hết. Quán sát sự hội họp chắc chắn có nhân duyên chia lìa. Tạm có rồi cũng trở về với sự diệt mất.
Cũng như gốc nội pháp
Phạm Chí là bên ngoài
Nếu nằm chung giường nệm
Như Bà Câu Lư kia.
Nội pháp nghĩa là đối với pháp Tứ Đế chân như, phân biệt mỗi thứ, không mất thứ lớp manh mối. Phạm Chí đối với trong mà cho là ngoài.
Cho nên nói: Cũng như gốc nội pháp, Phạm Chí là bên ngoài, nếu nằm chung giường nệm, như Bà Câu Lư kia.
Tỳ Kheo Bà Câu Lư từ khi xuất gia đến nay, chưa hề nói cho người nghe ý nghĩa của bốn câu, dù cho có ngồi chung với Tỳ Kheo ấy cũng không được nghe Tỳ Kheo ấy nói chánh pháp. Từ khi sinh ra cho đến khi già đã tám mươi mốt hạ, chưa từng chứa nuôi Sa Di đệ tử hay những người sai khiến khác. Nếu vì người thì tâm chí luôn tinh khiết. Ông đặt chí ở hư vô, để tâm vào nơi vắng lặng.
Cho nên nói:
Nếu nằm chung giường nệm,
Như Bà Câu Lư kia.
Giống như nội pháp
Phạm Chí bên ngoài
Biết sinh biết già
Chuyển biến phải chết.
Nội pháp ở đây là không lừa dối người. Nhất định không nghiêng động, nhất định không tà vạy, chỉ có Như Lai mới vượt qua cảnh giới này, để khi chết không còn thọ thân sau và biết đúng như thật.
Cho nên nói:
Giống như nội pháp,
Phạm Chí bên ngoài,
Biết sinh biết già,
Chuyển biến phải chết.
Trời chiếu ban ngày
Trăng soi ban đêm
Binh giáp chiếu lính
Thiền chiếu người tu
Khi Phật ra đời
Chiếu mọi chỗ tối.
Trời chiếu ban ngày: Khi mặt trời mới mọc phát ra trăm ngàn muôn tia sáng, làm cho trăng sao không còn sáng nữa. Nhưng khi mặt trời lặn thì trăng và các sao tranh nhau tỏa sáng, đều chiếu soi khác nhau, ánh sáng bất đồng.
Như vị đại tướng, khi quân hai bên đối đầu thì cả hai cùng diễu võ dương oai quyết một phen thắng bại, cờ xí giáo kích tua tủa, chuông trống rền vang, còn người tu thiền nhập định có khả năng dời chuyển núi non, tát biển lấy bùn, với tay nắm bắt cả mặt trời, mặt trăng, có năng lực thần thông như thế, nhưng không tự khoe khoang. Các vị này dù có công đức như thế vẫn không bằng Như Lai.
Đức Phật xuất hiện ở thế gian đầy đủ tướng tốt, phát ra ánh sáng rực rỡ khắp nơi. Ánh sáng luôn soi chiếu, đêm ngày không dứt. Kẻ đui, điếc, câm, ngọng hay bị tra khảo đánh đập đau đớn mà thấy được ánh sáng này thì tự nhiên hết đau khổ.
Cho nên nói:
Trời chiếu ban ngày,
Trăng soi ban đêm,
Binh giáp quân lính,
Thiền chiếu người tu,
Khi Phật ra đời,
Chiếu mọi chỗ tối.
Phạm Chí không phải thế
Có niệm lo, không lo
Như như ý xoay chuyển
Mọi người hết hồ nghi.
Phạm Chí không phải thế: Tâm ý mê đắm pháp thù thắng nhiệm mầu, khi thấy chuyện vui không lấy làm mừng, thấy chuyện buồn không lấy làm lo, như như ý xoay chuyển, thường tự nhớ điều lành, mọi người tự dứt ác, được tu tập Thánh Đế, phân biết các kết sử.
Cho nên nói:
Phạm Chí không phải thế,
Có niệm lo, không lo,
Như như ý xoay chuyển,
Mọi người hết hồ nghi.
Sinh ra các pháp sâu
Phạm Chí tu nhập định
Tự cởi bỏ lưới nghi
Thân biết khổ đau ấy.
Khi Đức Như Lai Đẳng Chánh Giác mới thành Phật, trong thời gian bảy ngày Ngài thiền định chánh thọ suy tư thêm về mười hai nhân duyên, phân biệt rõ từng thứ một, biết sinh biết diệt.
Khi ấy, Như Lai xuất định nói kệ:
Sinh ra các pháp sâu
Phạm Chí tu nhập định
Tự cởi bỏ lưới nghi
Thân biết khổ đau ấy.
Do tu tập chứa nhóm công đức nên hôm nay ta thành Đẳng Chánh Giác. Đây là sự thật không hề dối trá.
Phạm Chí tu nhập định: Dứt bỏ các pháp ác, xé tan lưới nghi, đối với các pháp sâu xa thì được trí vô ngại. Bởi vậy, ý tưởng rất tự tại, hiểu rõ cội nguồn đau khổ. Biết sâu xa pháp nhân duyên, chỉ là pháp tập hợp, giả dối không thật.
Tóm lại, phải quán sát pháp nhân duyên, lại phải quán pháp diệt tận. Tất cả các pháp đều là tập hợp, tất cả các pháp đều từ khổ đau, phải biết diệt tận, không tạo hữu lậu.
Sinh ra các pháp sâu
Phạm Chí tu nhập định
Chiếu sáng cả thế gian
Như mặt trời trên không.
Chánh pháp có công năng thành tựu cho người, phi pháp không có công năng thành tựu cho người. Ngày đêm suy nghĩ luôn để trong tâm. Thân, miệng, ý không bao giờ trái phạm, người nào đầy những pháp ấy thì có khả năng chiếu sáng khắp cả, ban bố pháp mình đã chứng được cho chúng sinh, giống như mặt trời sang giữa hư không, chiếu soi khắp nơi, nếu ai thấy đều được sự sang sủa.
Cho nên nói:
Sinh ra các pháp sâu,
Phạm Chí tu nhập định,
Chiếu sáng cả thế gian,
Như mặt trời trên không.
Sinh ra các pháp sâu
Phạm Chí tu nhập định
Đẩy lui hết ma quân
Như Phật lìa các nhơ.
Sinh ra các pháp sâu: Như Lai đã thành Bậc Đẳng Chánh Giác, đầy đủ ba mươi bảy Đạo phẩm. Thân, miệng, ý nghiệp đều tương ưng với vô lậu, hàng phục ma oán, mọi việc đều đúng pháp.
Đức Như Lai Đẳng Chánh Giác đã thoát khỏi tất cả kết sử.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Hai - Phẩm Mười Ba La Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Ma Ha Diễn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thế Gian - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Thánh Niệm Xứ - Phần Hai Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười - Phẩm Lâm - Kinh Lâm