Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Chín - Phẩm Hạnh - Tập Một
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM CHÍN
PHẨM HẠNH
TẬP MỘT
Đã phạm một lỗi
Gọi người nói dối
Không khỏi đời sau
Các ác phát sinh.
Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc thành Xá Vệ. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đi kinh hành, lần lần Ngài đến phòng La Vân. Vừa thoáng thấy Đức Phật đến, La Vân liền từ đứng dậy khỏi chỗ ngồi, lau quét chỗ ngồi và lấy nước sạch.
Đến nơi, Đức Phật ngồi bên cạnh giường La Vân, lấy nước sạch rửa tay chân.
Ngài chừa lại một ít nước dơ bảo La Vân rằng: Ngươi có thấy chút nước còn sót này chăng?
Vâng, con có thấy.
Phật bảo La Vân: Sa Môn giữ hạnh cũng như thế, không biết hổ thẹn, không biết sỉ nhục.
La Vân nên biết rằng: Nếu có Tỳ Kheo nào như thế thì không có việc ác nào là không làm, không đau khổ nào không gặp, giống như chút nước bẩn này không còn dùng được nữa.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn đổ hết nước ấy xuống đất và bảo La Vân: Ngươi thấy ta đổ nước xuống đất chăng?
Vâng, con có thấy. Kẻ nào cố ý nói dối không biết hổ thẹn, không có tâm sỉ nhục. Hạng người như vậy thì không có việc ác nào là không làm.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn úp chậu đựng nước xuống đất mà bảo La Vân: Ngươi có thấy ta úp chậu nước chăng?
Vâng, con có thấy. Nếu người nào cố ý nói dối, không biết hổ thẹn, không có tâm sỉ nhục, hạng người như thế thì không có việc ác nào là không làm.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo La Vân: Hôm nay, ngươi phải thực hành tu học như thế, ngươi không được nói dối, dù chỉ để cười đùa trong giây lát, huống gì cố tình nói dối?
Như vậy, La Vân phải tu học như thế.
Cho nên nói: Đã phạm một lỗi, gọi người nói dối, có nói trong hai trăm năm mươi giới oai nghi và bảy pháp nội cấm, hễ phạm một thì phải chịu khổ.
Cho nên nói: Đã phạm một lỗi, gọi người nói dối.
Không khỏi đời sau: Đã mất gốc lành do công đức huân tập ở đời sau. Hễ người nói dối thì mọi người đều biết rõ, huống là nói điều hệ trọng gây tội ác, phải chịu khổ não không nơi nào không trải qua.
Cho nên nói:
Không khỏi đời sau,
Các ác phát sinh.
Thà nuốt sắt nóng
Uống nước đồng sôi
Chứ không vô giới
Ăn của tín thí.
Thà nuốt sắt nóng: Như có người cha hung ác nọ nung cho đỏ một viên sắt, rồi bắt con phải nuốt. Làm cháy môi, cháy lưỡi, cháy cổ họng, cháy bụng. Dù bị khổ ấy mà phải chết, nhưng không dính líu gì đến cái khổ vô lượng trong đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Cho nên nói: Thà nuốt sắt nóng, uống nước đồng sôi.
Chứ không vô giới, ăn của tín thí: Người không giữ giới thì bên ngoài mặc pháp phục, nhưng trong lòng gian trá. Họ tin theo người không có đức hạnh chân thật, tự đại kiêu ngạo, chỉ hiểu biết chút ít mà tự khoe khoang ở đời.
Khi nhận của tín thí thì bảo lý đương nhiên phải như vậy, nào có nghĩ đến đời sau phải chịu muôn thứ hình phạt. Thấy ai giữ giới thì sinh tâm khinh miệt người ta, khi chết liền đọa vào đường ác, không còn đủ thân, miệng, ý. Họ cũng không tu tập oai nghi lễ tiết, ra vào tới lui trái với giới cấm, phép tắt, thấy ai được lợi dưỡng thì sinh lòng ganh ghét. Chết liền bị khốn khổ, không có tội nào là không chịu.
Cho nên nói:
Chứ không vô giới,
Ăn của tín thí.
Nếu ai sợ khổ
Cũng không ưa khổ
Chớ làm việc ác
Luôn nghĩ sửa đổi.
Nếu ai sợ khổ: Thân mình đã sợ khổ thì chớ làm cho người khác khổ. Gây khổ cho người thì sau phải chịu quả báo. Thân này như đất, hễ gieo xuống thì gặt quả. Các loài chúng sinh cũng như vậy, tùy theo tội đã gây mà về sau phải chịu quả báo. Tâm người khác nhau như hình tướng của họ, nhưng tội khổ thì cứ đuổi theo thân không chạy trốn đâu được.
Cho nên nói: Nếu ai sợ khổ, cũng không ưa khổ.
Chớ làm việc ác: Không được đem điều ác đến cho tất cả chúng sinh.
Người tự lợi rồi mới làm lợi người, nếu không có khả năng làm lợi ích cho mình thì đâu thể đem lợi ích cho kẻ khác được?
Nếu ở nơi ồn náo hay nơi vắng vẻ, hoặc lớn hay nhỏ, thấy hay không thấy, hễ là kẻ ác thì phải xa lìa họ, như tránh kiếp thiêu.
Cho nên nói:
Chớ làm việc ác,
Luôn nghĩ sửa đổi.
Cố ý làm ác,
Đã làm, sẽ làm
Không tránh khỏi khổ
Muốn trốn ích gì?
Cố ý làm ác: Hoặc lại có người đã làm ác, đang làm ác hay mới làm ác. Đã làm là quá khứ, mới làm là hiện tại, sẽ làm là vị lai. Ba đời làm ác nhưng không biết khổ đến.
Cho nên nói: Cố ý làm ác, đã làm sẽ làm.
Không tránh khỏi khổ: Các loài chúng sinh thì tâm thích làm ác, mà không biết về sau tội báo sẽ đến. Nếu hiện giờ trái phạm phép vua cấm thì tùy theo tội nặng, nhẹ mà xét xử định tội. Pháp luật ở đây cũng giống như vậy. Cứ quen theo điều ác, không tự thức tỉnh mà buông lung tâm ý.
Cho nên nói: Không khỏi đau khổ.
Muốn trốn ích gì: Sau khi người chết, vua Diêm La sai ngục tốt A Bàng đến đón rước thần thức người tội. Thân bị năm vòng dây trói chặt, dẫn đến chỗ vua Diêm La.
vua hỏi người tội: Ngươi có lần nào trông thấy vị sứ Trời thứ nhất chăng?
Đáp: Dạ không thấy.
vua hỏi người tội: Thế nào anh kia, khi sống trên đời, anh từng đi qua xóm làng, thành quách, quận huyện, anh thấy nam nữ, cha mẹ bồng con không thể lìa nó mà đại tiểu được, cha mẹ dành chỗ khô cho con lấy chỗ ướt cho mình, tắm gội rửa ráy, thay áo quần.
Anh có thấy những việc ấy chăng?
Đáp: Dạ có trông thấy.
vua bảo người tội: Sao ngươi không lo nghĩ điều ấy?
Trong pháp luật cõi đời, hễ thấy quả báo thiện ác thì phải biết cẩn thận, giữ gìn thân, miệng, ý tu các pháp lành.
Người tội đáp: Khi sống trên đời, tâm tôi buông lung, ngu si không biết lẽ chân thật. Cho nên những gì tôi đã gây ra thì ngày nay tôi phải chịu quả báo.
vua bảo người tội: Như lời ngươi nói đã gây ra tội thì nay phải chịu quả báo, nếu như ngươi biết kiềm chế buông lung thì khó trái phạm. Tội nghiệp là do chính ngươi gây ra chứ không phải do cha mẹ gây ra, cũng không phải do anh em, bà con họ hàng, Sa Môn, Bà La Môn gây ra.
Lúc bấy giờ vua Diêm La dùng lời của vị sứ Trời thứ nhất đó mà răn dạy. Rồi dùng lời của vị sứ Trời thứ hai răn dạy.
vua hỏi: Ngươi có lần nào thấy vị sứ Trời thứ hai chăng?
Đáp: Dạ không thấy.
vua hỏi người tội: Thế nào anh kia! Khi sống trên đời, anh từng đi qua xóm làng, quận huyện, thành ấp, anh có thấy nam nữ ốm đau, nguy khốn, ngồi trên nệm, trên giường, hoặc nằm, hoặc ngồi không?
Người tội thưa: Có thấy.
vua hỏi: Thế nào anh kia, tại sao anh không nghĩ những điều ấy?
Đối với pháp luật hiện tại, tội anh như thế, phải cẩn thận giữ gìn thân, miệng, ý cho thanh tịnh, tu các pháp lành.
Người tội thưa: Khi sống trên đời, tâm ý tôi buông lung, ngu si không biết lẽ chân thật. Cho nên những gì mà tôi đã gây ra thì ngày nay tôi phải chịu quả báo.
vua bảo người tội: Như ngươi nói, những gì ngươi gây ra, ngày nay ngươi phải chịu quả báo, nếu như ngươi biết kiềm chế buông lung thì khó trái phạm. Tội là do chính ngươi gây ra chứ không phải do cha mẹ gây ra, cũng không phải do anh em, bà con họ hàng, Sa Môn, Bà La Môn gây ra, cũng không phải do các Trời, người đời xúi giục ngươi gây ra.
Lúc bấy giờ vua dùng lời của sứ Trời thứ hai mà dạy bảo, sau đó lại dùng lời của sứ Trời thứ ba dạy tiếp: Ngươi có lần nào thấy vị sứ Trời thứ ba chăng?
Đáp: Dạ, không thấy.
vua hỏi người tội: Sống trên đời, anh đã đi qua xóm làng, thành quách, quận huyện, anh có thấy những cụ già chống gậy rên rỉ, bước đi lụ khụ, đầu bạc, răng rụng, ăn uống khó nhọc, mạng sống trong một sáng, một chiều chăng?
Người tội đáp: Dạ, có thấy.
vua hỏi người tội: Thế nào anh kia, tại sao anh không suy nghĩ những điều ấy?
Trong pháp hiện tại, việc ấy là như vậy, ngươi phải tự cẩn thận, giữ gìn thân, miệng, ý cho thanh tịnh, tu các pháp lành.
Người tội thưa: Khi sống trên đời, tâm ý tôi buông lung, ngu si không biết lẽ chân thật?
Những gì mà tôi đã gây ra thì ngày nay tôi phải chịu quả báo.
vua bảo người tội: Như lời ngươi nói, những gì ngươi đã gây ra thì ngày nay phải chịu quả báo, nếu như ngươi biết kiềm chế buông lung thì khó trái phạm. Tội do chính ngươi gây ra chứ không phải do cha mẹ gây ra, cũng không phải do anh em, bà con họ hàng, Sa Môn, Bà La Môn gây ra, cũng không phải do các Trời, người đời xúi giục ngươi gây ra.
Lúc bấy giờ vua Diêm La dùng lời của vị sứ Trời thứ ba mà dạy bảo, sau đó vua dùng lời của vị sứ Trời thứ tư dạy tiếp: Ngươi có lần nào trông thấy vị sứ Trời thứ tư chăng?
Đáp: Dạ không thấy.
vua hỏi người tội: Thế nào anh kia, sống ở trên đời, anh từng đi qua xóm làng, thành quách, quận huyện, anh có thấy người nam, nữ chết hay không?
Hoặc chết từ một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày, than thể sình trướng, máu mủ chảy lênh láng.
Hoặc bị chim, kên kên, chó sói, cọp ăn thịt, anh có trông thấy chăng?
Tội nhân thưa: Dạ có thấy.
Thế nào, anh kia, tại sao anh không suy nghĩ những điều ấy?
Trong pháp hiện tại, việc ấy là như vậy. Phải biết tự cẩn thận, giữ gìn thân, miệng, ý cho thanh tịnh, tu các pháp lành.
Người tội thưa: Khi còn sống trên đời, tâm ý tôi buông lung, ngu si không biết lẽ chân thật. Những gì tôi đã gây ra thì ngày nay tôi phải chịu quả báo.
vua bảo người tội: Như lời ngươi nói, những gì ngươi đã gây ra thì ngày nay phải chịu quả báo, nếu như ngươi biết kiềm chế buông lung thì khó trái phạm. Tội do chính ngươi gây ra, chứ không phải do cha mẹ, anh em, bà con họ hàng, Sa Môn, Bà La Môn gây ra, cũng không phải do các Trời, người đời xúi giục ngươi gây ra.
Lúc ấy vua Diêm La dùng lời của vị sứ Trời thứ tư dạy bảo, sau đó dùng lời của vị sứ Trời thứ năm dạy tiếp: Ngươi đã trông thấy vị sứ Trời thứ năm chưa?
Đáp: Dạ, không thấy.
vua hỏi người tội: Thế nào anh kia, khi sống ở trên đời, anh đã đi qua xóm làng, thành quách, quận huyện, anh có trông thấy bọn cướp bị vua bắt trói không?
Hoặc chặt tay chân, hoặc xẻo mũi, cắt tai, hoặc lột da, hoặc rút gân, hoặc dùng cưa cưa cổ, hoặc lấy cây nhọn đâm vào bụng, rồi rút ra từ miệng, hoặc nấu đồng chảy ra rồi tạt vào người, hoặc chặt đứt tứ chi, hay treo lộn ngược trên cây cao, bảy hôm sau mới dùng tên bắn chết. Hoặc dùng dây da sống buộc đầu treo ngược, rồi bỏ ngoài đồng hoang.
Hoặc mổ bụng moi ruột rồi dồn cỏ vào cho đầy.
Ngươi có thấy cảnh ấy không?
Người tội đáp: Dạ có thấy.
Thế nào anh kia, tại sao anh không suy nghĩ những điều ấy?
Trong pháp hiện tại, việc ấy là như vậy. Phải tự cẩn thận, giữ gìn thân, miệng, ý cho thanh tịnh, tu các pháp lành.
Người tội thưa: Khi sống trên đời, tâm ý tôi buông lung, ngu si không biết lẽ chân thật. Những gì tôi đã gây ra thì ngày nay tôi phải chịu quả báo.
vua bảo người tội: Như lời ngươi nói, những tội do ngươi gây ra thì bây giờ phải chịu quả báo, nếu như ngươi biết kiềm chế buông lung thì khó trái phạm. Tội do chính ngươi gây ra, chẳng phải do cha mẹ, anh em bà con họ hàng, Sa Môn, Bà La Môn gây ra. Cũng không phải do các Trời, người đời xúi giục người gây ra.
Lúc bấy giờ, vua Diêm La dùng lời của vị sứ Trời thứ năm để dạy bảo, sau đó vua liền giao người tội cho ngục tốt, dẫn y đến vạc nước sôi, tùy theo tội nặng nhẹ mà y bị đẩy vào một trăm ba mươi sáu vạc nước sôi, chịu khổ trải qua nhiều kiếp khó lường.
Cho nên nói:
Muốn trốn ích gì.
Chẳng lên không, xuống biển
Không thể vào khe núi
Không thể ở nơi nào
Trốn được tội đã gây.
Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn Ni Câu Loại, nước Thích Sí Sấu Ca Duy La Vệ. Bấy giờ vua Lưu Ly nhóm họp bốn thứ binh để đánh chiếm nước Xá Di. Ông đem quân chiếm các doanh trại, rồi buộc vua cha phải nhường ngôi, tự lên làm vua.
Có một vị quan độc ác tên là Da Lợi, thưa với Tân Vương: Khi vua còn là Thái Tử, về bên ngoại ở nước Xá Di, đến Tinh Xá của Phật thì bị dòng họ Thích làm nhục.
Lúc ấy, vua có nói rằng: Nếu ngày nào lên làm vua, ta sẽ giải quyết việc này, giờ đây đã đến lúc.
Với binh mã hùng mạnh, vua liền ra lệnh với xa giá oai vệ định đi báo thù. Đức Phật biết rõ ý định ấy, Ngài liền đến ngồi dưới gốc cây khô bên vệ đường. Lúc ấy, đích thân vua Lưu Ly dẫn binh mã đi đánh nước Xá Di.
Trên đường đi, vua gặp Đức Thế Tôn, liền đến trước Phật thưa rằng: Ở đây có nhiều cây cối cành lá sum suê, vì sao Ngài không ngồi đó mà lại ngồi dưới gốc cây khô này?
Đức Phật bảo vua: Vì bóng mát của bà con họ hàng dày lắm, không thể lìa bỏ.
Ngày xưa, cây này cành lá sum suê, ta từng qua đây, được thụ hưởng sức che chở bóng mát của nó. Nghe vậy, vua liền quay trở về.
Về đến nơi, vua ra lệnh cho bốn chúng và bảo trên dưới: Chúng ta nên lui quân, không tiến đánh nữa. Vì bà con họ hàng mà ngày nay Đức Như Lai đem sức thần che chở cho họ, ta không thể tiến đánh được.
Các quan thưa với vua: Đức Như Lai đâu thể ngồi mãi dưới gốc cây ấy được!
Đức Như Lai thấy vua rút binh, Ngài biết nhân duyên đời trước, không thể tránh khỏi tai họa. Ngài liền dùng trí túc mạng quán sát nguyên do. Thấy rằng những người thuộc dòng họ Thích chắc chắn phải chịu quả khổ, Ngài liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi mà trở về. Về đến nơi, Ngài ngồi giữa đại chúng Tỳ Kheo Tăng.
Bấy giờ Ngài Đại Mục Kiền Liên thấy Như Lai thương xót cho những người dòng họ Thích nên Ngài có vẻ lo lắng, Ngài bèn đến trước Phật, bạch: Nay vua Lưu Ly đem quân đánh nước Xá Di. Con nghĩ rằng người trong nước ấy phải chịu khổ, con muốn dùng phương tiện để cứu giúp họ.
Một là đem hết người nước ấy lên hư không, hai là đem cả nước ấy mà đặt lên mặt biển, ba là đem hết nước ấy mà đặt vào bụng núi Tu Di, bốn là đem cả nước ấy mà đặt trên mặt đất ở xứ khác, khiến vua Lưu Ly không biết họ ở đâu.
Đức Phật bảo Mục Kiền Liên: Ta biết thầy có trí đức, thần túc vô lượng, muốn đem yên ổn lại cho người nước Xá Di, nhưng làm sao thầy đặt họ an ổn với oan gia đời trước được?
Ngài Mục Kiền Liên liền lạy Phật rồi lui.
Lúc bấy giờ, Đức Phật nói ý nghĩa việc ấy cho đại chúng biết, cũng muốn làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian và muốn chỉ rõ ra rằng: Oan gia đời trước không bao giờ tránh khỏi. Đại chúng nghe Đức Phật nói như thế, buồn bã rơi lệ, thương xót cho việc vua Lưu Ly báo thù cũ.
Đức Phật ở giữa đại chúng nói bài kệ rằng:
Chẳng lên không, xuống biển
Không thể vào khe núi
Không thể ở nơi nào
Trốn được tội đã gây.
Chúng sinh bị khổ não
Không tránh được già chết
Chỉ có người trí nhân
Không nghĩ lỗi của người.
Chúng sinh bị khổ não: Nếu thấy việc phi pháp của người khác thì mình phải thức tỉnh, thầy Tỳ Kheo chỉ nghĩ nhớ năm pháp.
Sau đó, làm khơi dậy ý người.
Năm pháp là gì?
Đó là:
1. Người không thông suốt Khế Kinh.
2. Người không giữ giới đầy đủ.
3. Người không có tâm định.
4. Người ngu muội, không có trí tuệ.
5. Người chưa dứt hết các lậu.
Cho nên nói: Chúng sinh bị khổ não, không tránh được già chết.
Chỉ người có trí nhân: Muốn sửa đổi cho người thì trước hết mình phải cẩn thận, nếu tự mình ô uế mà muốn sửa đổi kẻ khác thì bị mọi người chê cười, xem thường việc làm của mình. Cho nên, người hiểu biết hoàn toàn xa lìa điều ấy.
Sự trói buộc trong lao ngục không gì bằng sự oan đối của nhân duyên. Trói buộc trong địa ngục thì không trói buộc gì cả, mà đó là chịu quả báo tùy theo tội nặng hay nhẹ mà mình đã gây ra.
Cho nên nói: Chỉ người có trí nhân, không nghĩ lỗi của người.
Nói dối tìm lỗi
Việc đã không chánh
Chê oán người lành
Lấy cong đối hiền
Buộc tội người ấy
Là gieo vực sâu.
Nói dối tìm lỗi: Có người không tự lượng sức mình, trong tâm không suy nghĩ, thường tìm lỗi người, thấy cái xấu thì vui mừng, thấy cái tốt thì không noi theo. Làm những chuyện tà vạy mà cho là chánh.
Cho nên nói: Nói dối tìm lỗi, việc đã không chánh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai - Thiện Quyền - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Hai - Giới độ Vô Cực - Kinh Số Ba Mươi
Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Bốn - Phẩm đến Chỗ Vua Nghiêm Sí
Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Mười Năm - Phẩm Phân Thân
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Sáu - Phẩm Thiện Hiện - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bổn Hạnh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đà La Ni Tập - Phần Năm - Phật Nói Phẩm Tướng Của Pháp Làm Xâu Chuỗi
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Chín - Phẩm Hạnh - Tập Một