Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Mốt - Phẩm Như Lai - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI MỐT

PHẨM NHƯ LAI  

TẬP HAI  

Khi ấy, Phạm Chí Ưu Tỳ bước ra bạch Phật: Giờ đây, Ngài tự xưng là Bậc Tối Thắng phải chăng?

Lúc đó Đức Phật liền trả lời Phạm Chí bằng bài kệ này:

Ta thắng, không thọ ác

Hơn tất cả thế gian

Trí rộng lớn không bờ

Ta, bậc mở trí người.

Ta thắng, không thọ ác, hơn tất cả thế gian: Thắng được mọi điều ác trên đời này gọi là thắng. Nhưng thắng ấy chưa phải là thắng, chỉ khi nào dứt hết các lậu hoặc, kết sử, các kết sử hết hẳn mới gọi là thắng. Khi ấy thì riêng mình làm Vua cả Thế Giới, không có ai sánh bằng.

Cho nên nói: ta đã tối thắng, không còn chịu ác, hơn tất cả thế gian.

Trí rộng lớn không bờ ta, bậc mở trí người: Thế gian đầy pháp ác, người ta bị sa đọa theo tội ác mình đã làm. ta đã diệt hẳn chúng, chứng được pháp nhẫn bất khởi. Hoàn toàn chấm dứt việc thọ thân đời sau với mười hai nhân duyên níu kéo.

Cho nên nói: Trí rộng lớn không bờ bến, ta là Bậc tối thắng, mở trí cho người.

Khi ấy Phạm Chí Ưu Tỳ bước đến bạch Phật: Bây giờ, Cù Đàm định đi đâu?

Đức Phật trả lời bằng bài kệ sau đây:

Ta đến Ba La Nại

Để đánh trống cam lộ

Và quay bánh xe pháp

Chưa từng có ai quay.

Phạm Chí lại hỏi Đức Phật:

Ngài suy nghĩ kỹ rồi chứ?

Đức Phật bảo Phạm Chí:

Như Lai không nói hai lời.

Nghe xong, Phạm Chí cúi đầu, rẽ sang đường khác mà đi.

Trí không sống kẻ ngu

Xét thế, tùy hóa độ

Giảng nói không vết nhơ

Dứt hẳn không ai hơn.

Trí không sống kẻ ngu, xét thế tùy hóa độ: Đức Phật và các đệ tử trước quán sát thế gian coi ai là người đáng được độ và ai không đáng được độ. Quán sát cùng khắp coi ai có khả năng nhận lãnh sự giáo hóa, ai không có khả năng nhận lãnh, ai là người có gieo trồng gốc giải thoát, ai là người không gieo trồng gốc giải thoát.

Cho nên nói: Người trí không sống với kẻ ngu, xem xét thế gian tùy theo căn cơ mà giáo hóa.

Giảng nói không vết nhơ, dứt hẳn không ai trên: Không còn vết nhơ chỉ cho Bát Thánh Đạo, dứt hẳn chỉ cho Nê Hoàn dứt hết phiền não. Bậc Thánh ra đời tiếp độ chúng sinh, thường sử dụng Bát Thánh Đạo. Từ đầu đã không lìa hạnh vô lậu.

Cho nên nói:

Giảng nói không vết nhơ,

Dứt hẳn không ai trên.

Mạnh mẽ nói lớn

Chánh pháp Như Lai

Pháp thuyết, nghĩa thuyết

Giác ngộ an mãi.

Mạnh mẽ nói lớn, chánh pháp Như Lai: Người mạnh mẽ chỉ cho Đức Phật và các đệ tử Đức Phật. Đức Thích Ca đã mạnh mẽ vượt qua chín kiếp, nên gọi là mạnh mẽ. Sáu vị giáo chủ ngoại đạo buông lung, thích tu những việc không đúng pháp, không theo chánh luật. Những lời Như Lai giảng nói, những pháp Như Lai thực hành đều vượt ngoài pháp thế gian.

Cho nên nói: Mạnh mẽ nói lớn, chánh pháp Như Lai.

Pháp thuyết, nghĩa thuyết, giác ngộ an mãi: Pháp người chẳng phải là pháp, mọi người chê cười, mọi người ghét bỏ. Pháp thuyết, nghĩa thuyết do Như Lai giảng nói khiến người nghe vui mừng, dứt hết buồn rầu nhiệt não, hoàn toàn không còn khổ nạn, thường được an ổn, tâm thức lạnh nhạt.

Cho nên nói:

Pháp thuyết, nghĩa thuyết,

Giác ngộ an mãi.

Mạnh mẽ lập nhất tâm

Xuất gia, thường dứt bỏ

Các Trời thường che chở

Đức Phật khen, thọ ký.

Mạnh mẽ lập nhất tâm: Người tu hành định ý nhất tâm, không còn nghĩ điều gì khác. Các công đức đầy đủ, ý không bị loạn động, người nhập định thì mong cầu điều chi đều có kết quả.

Cho nên nói: Mạnh mẽ lập nhất tâm.

Xuất gia thường dứt bỏ: Xuất gia chẳng những là từ giã vợ con, dứt bỏ năm thứ dục lạc, mà còn tu đạo thượng giới, ra khỏi cõi dục, lìa khỏi sơ thiền, tu pháp không sinh diệt.

Cho nên nói: Xuất gia thường dứt bỏ.

Các Trời thường che chở: Người nhập định thì các Trời che chở, thờ phụng kính lễ, muốn làm cho người ấy tăng thêm công đức.

Cho nên nói: Các Trời thường che chở.

Được Phật khen, thọ ký: Từ cõi này cho đến Cõi Trời Tịnh Cư đều khen ngợi người lập căn. Chúng sinh ở Cõi Diêm Phù Lợi vui mừng, được lợi ích tốt lành. Như Lai hiện tại nói rộng pháp vị, chúng sinh được độ không thể tính kể.

Cho nên nói:

Được Phật khen, thọ ký.

Ở trong Cõi Trời, người

Khen ngợi Đẳng Chánh Giác

Mau được tự giác tỉnh

Thân cuối, không tái sinh.

Ở trong Cõi Trời, người, khen ngợi Đẳng Chánh Giác: Các Trời và người đời thường ca tụng công đức của Đức Phật. Mọi người đều hiến dâng lòng thành lên sự thành tựu của Đức Phật, không hề lui sụt.

Cho nên nói: Ở trong Cõi Trời, người, khen ngợi Đẳng Chánh Giác.

Mau được tự giác tỉnh: Các loài chúng sinh khen ngợi việc chưa từng có. Công đức của Như Lai rất kỳ lạ, đặc biệt, tất cả chúng con cho rằng Như Lai ngồi trên tòa này làm sao có thể đi qua vô lượng trăm ngàn Thế Giới mà giáo hóa chúng sinh, không lấy đó làm mệt mỏi.

Cho nên nói: Mau được tự giác tỉnh.

Thân cuối, không tái sinh: Đức Phật thọ thân lần cuối cùng, khi sắp nhập Niết Bàn.

Như Lai tự khen ngợi và bảo A Nan: Đây là thân cuối cùng, Như Lai không còn thọ sinh, bởi Như Lai nhập vào vô vi vắng lặng hoàn toàn, không còn bị sinh diệt nữa. A Nan nên biết, ta xem hết mọi nơi trên dưới, không trung, ta không còn thọ sinh ở đâu nữa bởi sinh phần đã chấm dứt.

Này A Nan, ta không còn đắm nhiễm tục lụy, ta không còn trở lại trong đời sống quay cuồng hỗn tạp của thế gian này.

Cho nên nói:

Thân cuối, không tái sinh.

Các Đức Phật quá khứ

Và các Phật vị lai

Đẳng Chánh Giác hiện tại

Thường dứt khổ chúng sinh.

Trong Kinh Tạp A Hàm nói: Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc thành Xá Vệ.

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Người đời ở chung mà không cung kính nhau thì rất khổ.

Ta thường nghĩ rằng: Ở trên đời này, có ai, hoặc Sa Môn, Bà La Môn mà hơn ta thì ta sẽ thờ phụng cung kính cúng dường.

Ta nên quán sát xem vị Sa Môn, Bà La Môn nào đáng cho ta cung kính?

Này các Tỳ Kheo, khi đó, ta lại nghĩ rằng: Thuở xưa, ta thành Phật là bởi bốn ý đã ngưng, bốn ý đã dứt, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám trực hạnh. Nay ta thờ phụng cúng dường như tôn kính bậc trưởng thượng. Các Đức Phật Thế Tôn nhiều như số cát sông Hằng đời quá khứ cũng đều nhờ những pháp này mà thành Bậc Tối Chánh Giác.

Chư Phật nhiều như số cát sông Hằng đời vị lai, cũng nhờ những pháp này mà được thành đạo. Hiện nay, ta là Bậc Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, cũng nương nhờ những pháp này mà thành tựu đạo quả. Ngày nay, chính ta suy nghĩ phân biệt những pháp ấy.

Cho nên nói: Các Đức Phật quá khứ và các Đức Phật vị lai, Đẳng Chánh Giác hiện tại, thường dứt khổ chúng sinh.

Cùng nhau kính trọng pháp

Đã kính và nay kính

Hoặc là sẽ cung kính

Đó pháp yếu của Phật.

Đức Phật nói bài kệ trên là muốn trích dẫn sự cung kính trong ba đời.

Nếu muốn tự cầu yếu

Chánh thân là bậc nhất

Cung kính đối chánh pháp

Thường nhớ lời Phật răn.

Nếu muốn tự cầu yếu, chánh thân là bậc nhất: Người muốn thành đạo thì phải tự cầu pháp yếu. Tiến tới trên đường đạo và cung kính các pháp. Nhớ nghĩ những lời răn dạy của Chư Phật quá khứ nhiều như số cát sông Hằng. Những lời răn dạy ấy như hiện ở trước mắt, không hề sót mất.

Cho nên nói: Nếu muốn tự cầu pháp xuất ly thì chánh thân là bậc nhất, cung kính đối chánh pháp,thường nhớ lời Phật răn dạy.

Những ai không tin Phật

Những loại chúng sinh đó

Phải rơi vào đường hiểm

Như buôn gặp La Sát.

Những ai không tin Phật: Cõi Diêm Phù Lợi có rất đông người đi buôn, họ rủ nhau xuống biển tìm châu báu. Ngay khi trở về, họ gặp sóng to gió lớn nổi lên đánh chiếc thuyền bể tan, lại có những người nương chiếc thuyền đã vỡ, theo sức gió thổi, thuyền họ bị lạc vào cõi La Sát.

Có rất nhiều nữ quỷ La Sát, mặt mày xinh đẹp, lại trang sức thân thể bằng các xâu chuỗi anh lạc ra tiếp đón những người khách buôn: Lành thay! Các chàng trai vừa đến, nơi đây có nhiều tài sản vật báu, minh châu như ý vô giá, các thứ châu báu không có ai coi giữ, các anh cứ tùy ý lấy.

Bọn chúng tôi không có chồng, mà các anh lại không có vợ, các anh hãy ở lại đây, để chung hưởng vui thú với chúng tôi. Khi gió đã lặng sóng đã im, các bạn lành cùng nhau trở về quê nhà không xa.

Các anh nên biết rằng: Ngày đêm song biển đánh ầm ầm không có phương hướng nhất định. Nếu thấy bên trái có con đường để đi, thì hãy cẩn thận chớ đi theo con đường ấy.

Hãy coi con đường phía trái là một giấc chiêm bao, không nên kể cho ai nghe.

Khi ấy, trong những người đi buôn, có một người khôn ngoan, thông hiểu, trong tâm suy nghĩ: Các cô gái này nói về chuyện con đường bên trái, không chừng ta gặp cơ may đây. Anh này liền sắp đặt âm mưu. Đến chiều tối, anh và cô gái nọ cùng nằm chung ân ái. Rình khi cô gái nọ say ngủ, anh ta thức dậy và đi theo con đường bên trái. Mới đi chừng vài dặm thì anh nghe trong thành nọ có tiếng kêu gào oán trách của hằng ngàn muôn người.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần